Mario Primicerio và một giờ với Hồ Chí Minh

ANH NGỌC 04/06/2011 21:06 GMT+7

TTCT - Tôi gặp ông vào một ngày lạnh lẽo ở thành phố Florence miền trung Ý. Mario Primicerio hiện là một trong những viện sĩ hàn lâm có uy tín nhất ở Ý và châu Âu, một trong số rất ít người Ý có may mắn được tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phóng to
Đoàn La Pira - Primicerio được tiếp đón ở Hà Nội trong chuyến đi năm 1965 - Ảnh tư liệu do quỹ Giogio La Pira cung cấp

Trước chuyến đi đầy kỷ niệm ấy, Primicerio không biết điều gì khác ngoài các công trình nghiên cứu về vật lý và toán học ứng dụng mà ông gắn bó gần hết thời gian. Nhưng mối quan hệ của ông với người thầy, giáo sư Giorgio La Pira, chính là điểm khởi đầu của những thay đổi lớn lao trong thế giới quan của người lúc ấy làm trợ giảng môn toán ở Trường đại học Florence.

Chính ông, trong vai trò của người trợ lý, đã tháp tùng giáo sư La Pira sang Việt Nam gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến đi thương thuyết về hòa bình cho Đông Dương của một người thuộc thế giới phương Tây. Năm ấy, Primicerio mới 25 tuổi.

La Pira từng là một giáo sư luật La Mã có tiếng tăm, đã tham gia soạn thảo Hiến pháp Ý năm 1948. Ông là thị trưởng thành phố Florence và là một người có tư tưởng hòa bình, đại đồng thế giới, phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Khi cuộc chiến tranh Việt Nam bắt đầu kể từ sau sự kiện vịnh Bắc bộ, nhà trí thức lừng danh ấy đã tích cực vận động cộng đồng quốc tế yêu chuộng hòa bình tổ chức một hội nghị về hòa bình cho Việt Nam vào tháng 5-1965.

Sau hội nghị này, La Pira nhận được đề nghị của Amintore Fanfani, chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc - bạn thân của ông, để đến VN “thương lượng hòa bình” với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi được Hà Nội “bật đèn xanh” cho cuộc gặp gỡ, đoàn La Pira - Primicerio đã đến gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Phạm Văn Đồng và hai đại diện cấp cao của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ngày 11-11-1965.

Sức thu hút kỳ lạ

Cho đến bây giờ, sau gần nửa thế kỷ, những kỷ niệm về chuyến đi ấy vẫn còn nóng hổi trong lòng Primicerio. Đối với Primicerio, Hồ Chí Minh, con người được lịch sử giao phó nhiệm vụ giải phóng dân tộc và là một trong những lãnh tụ vĩ đại nhất thế kỷ 20 ấy, có một sức thu hút kỳ lạ, ngay từ khi những giây phút đầu tiên ông gặp, nghe câu chào bằng tiếng Ý của Người (“Buon giorno”) với hai vị khách đến từ nước Ý xa xôi và ôm hôn họ.

Primicerio nói rằng ông hết sức ngạc nhiên và xúc động khi nghe vị lãnh tụ Việt Nam, gầy gò, râu bạc trắng nhưng có đôi mắt rất sáng và nụ cười hiền hậu ấy mở đầu câu chuyện bằng chính thứ tiếng mẹ đẻ của họ. Primicerio còn ngỡ ngàng hơn nữa khi sau này biết rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng có thời gian sống ở Milan những năm 1930, phục vụ trong một quán ăn nhỏ trên phố Pasubio đến giờ vẫn còn ghi lại dấu ấn của Người.

Câu chào ấy và cách nói đi thẳng vào vấn đề của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi câu chuyện bắt đầu khiến họ gần như không còn khoảng cách. Theo Primicerio, La Pira nói trước: “Chúng tôi đến đây là để tìm một con đường đến hòa bình”. Hồ Chủ tịch nói: “Hòa bình nằm ở việc Mỹ có thiện chí hay không thôi. Bây giờ, giả sử chúng ta đổi vai cho nhau. Ngài là Hồ Chí Minh, còn tôi là La Pira, ngài sẽ làm gì để có hòa bình?”.

La Pira trả lời: “Tôi sẽ mời tổng thống Mỹ Johnson đến uống trà”. Chủ tịch Hồ Chí Minh mỉm cười: “Chúng tôi cũng có thể mời ngài Johnson, nhưng tôi sợ là khi ông ấy đến, trà đã nguội từ lâu rồi. Vấn đề quan trọng là ông ta có thiện chí ngồi vào bàn đàm phán và mong muốn hòa bình thật sự hay không”. Mấu chốt của cuộc gặp gỡ chính là việc Hà Nội đưa ra các quan điểm về thương lượng kết thúc chiến tranh.

Đề xuất ấy có bốn điểm: một là, Mỹ lập tức ngừng ném bom miền Bắc; hai là, Mỹ ngừng đưa thêm quân vào miền Nam; ba là, công nhận vai trò hợp pháp của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và bốn là, tất cả các bên trở lại với tinh thần của Hiệp định Geneve 1954 để thống nhất đất nước qua tổng tuyển cử. Người kết luận cuộc gặp với lời nói đanh thép: “Việt Nam sẵn sàng trải thảm đỏ và rắc hoa cho Mỹ rút. Nhưng nếu Mỹ không rút thì chúng tôi sẽ phải đánh đuổi Mỹ đi”.

Phóng to
Ông Mario Primicerio - Ảnh: Anh Ngọc

Nhớ mãi Việt Nam - Hồ Chí Minh

Primicerio kể lại với tôi: “Ngay từ cái nhìn đầu tiên, nghe tiếng nói của Người và quan sát cách thức làm việc hết sức thuyết phục của Người, tôi đã hiểu là mình đang được chứng kiến một cuộc gặp lịch sử, một con người lịch sử, và người ấy đang nỗ lực làm nên những điều vĩ đại nhất cho một đất nước bị chia cắt và ngoại xâm”.

Mất thêm 10 năm nữa, chiến tranh mới thật sự kết thúc và hòa bình mới trở lại với một nước Việt Nam thống nhất, nhưng cuộc gặp ấy đã cho thế giới và Washington thấy quan điểm kiên định của Hồ Chí Minh về việc chấm dứt chiến tranh, cũng như lòng quyết tâm của nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình.

Primicerio nói rằng ông đã trở thành một “người hâm mộ” Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi trở về Ý tiếp tục công việc của mình và từ đó đã luôn theo sát mọi diễn biến của cuộc chiến tranh, đã đau đớn nghẹn ngào khi nghe tin Bác mất, đã cùng La Pira và nhiều người Ý ăn mừng khi Hiệp định Paris được ký kết và đã hạnh phúc vô cùng khi chiến tranh kết thúc, Việt Nam thống nhất.

Trong trụ sở của quỹ mang tên người thầy, người đồng chí La Pira của ông nằm trên con đường cũng mang tên La Pira ở trung tâm Florence, giáo sư Primicerio hồi tưởng lại với tôi về những kỷ niệm không thể nào quên với Hồ Chí Minh và cho tôi xem những tư liệu quý giá mà ông gìn giữ cẩn thận bấy nhiêu năm. Những tư liệu về cuộc gặp gỡ ấy, đặc biệt là tấm ảnh Bác ký tặng hai nhà thương thuyết người Ý và một bức thư Người viết để giải thích rõ hơn về quan điểm hòa bình của Hà Nội gửi riêng La Pira vẫn còn được quỹ giữ nguyên vẹn.

Chuyến đi được đề cập đến trong nhiều cuốn sách nói về quá trình thương lượng hòa bình cho chiến tranh Việt Nam, được nhắc đến trong một chương trong cuốn sách về tiểu sử và cuộc đời hoạt động của La Pira - mang tên Cúc vạn thọ không nở hoa (Marigold non fiorido) của tác giả Mario Sica - và mãi mãi nằm trong phần đời đẹp đẽ của Primicerio, giúp ông biết đến và nhớ mãi về Việt Nam, Hồ Chí Minh và hai chữ “hòa bình”.

Trong 30 năm qua, giáo sư Primicerio đã trở lại Việt Nam nhiều lần để giảng dạy về vật lý và toán học ứng dụng trong một số trường đại học. Ông cũng vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, và ở đó, những ký ức về cuộc gặp ngắn ngủi nhưng có ý nghĩa quan trọng trong đời ông trở về. Ông nói, hai mắt sáng lên như óng ánh nước vì xúc động: “Cho đến hết cuộc đời, không bao giờ tôi quên mấy chữ: Việt Nam - Hồ Chí Minh”.

Phóng to

Bức chân dung có chữ ký của Bác tặng ông La Pira năm 1965 - Ảnh tư liệu do quỹ Giogio La Pira cung cấp

Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ thế giới rất được yêu mến ở Ý. Hình ảnh của Người cùng phong trào ủng hộ Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ vẫn sống mãi trong lòng nhiều thế hệ người Ý.

Sergio Bertorello, ủy viên Hội hữu nghị Ý - Việt Nam ở thành phố cảng Genoa, kể lại cho tôi về phong trào phản đối chiến tranh ở Ý lan rộng ngay sau Hiệp định Geneve được ký kết, nước Ý sôi sục với những cuộc xuống đường ủng hộ Việt Nam. Và sau khi Hiệp định Paris được ký kết, hàng nghìn công nhân cảng Genoa đã phát động phong trào quyên góp cho nhân dân Việt Nam.

Một chuyến tàu hòa bình khởi hành ngày 17-11-1973 từ Genoa đã đến Hải Phòng sau gần một tháng trên biển, mang đến nhiều thuốc men, đồ dùng học tập, đồ chơi cùng các nhu yếu phẩm mà nhân dân Ý tặng nhân dân Việt Nam.

Luciano Sossai - người lái tàu - nói với tôi rằng ông gọi những người bạn Việt Nam của ông là “đồng chí” và khẳng định đó là những ngày đẹp nhất đời ông. Một số ủy viên của Hội hữu nghị Ý - Việt ở vùng này vẫn quả quyết rằng Genoa chính là một điểm dừng chân của con tàu Latouche-Treville trên hành trình sang Pháp của Hồ Chí Minh năm 1911.

Người viết bài này cũng may mắn được gặp gỡ và nói chuyện với con gái của người chủ quán ăn nổi tiếng Trattoria della Pesa ở Milan, nơi Bác đã đến đó trọ và làm việc trong thời gian từ 1932-1934 - thời điểm Người đang hoạt động ở Ý và bắt liên lạc với Quốc tế cộng sản. Căn phòng mà Người đã ở giờ không còn nữa, nhưng được đánh dấu bởi một tấm ảnh của Người trên tường và phía ngoài quán có tấm biển ghi “Ngôi nhà này là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên lui tới trong thời gian hoạt động của Người ở nước ngoài những năm 1930, trong sự nghiệp bảo vệ tự do của nhân dân”.

Tại Pistoia, một thành phố nhỏ của xứ Toscana, cũng có một nhà văn hóa mang tên Hồ Chí Minh.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận