​Tư duy giáo dục nghề, nhìn từ một quyển sách

NGUYỄN XUÂN XANH 05/11/2014 23:11 GMT+7

TTCT - Sau quyển Chuyên ngành cơ khí ra mắt bạn đọc hơn một năm trước với tiếng vang lớn, được giải Sách hay 2013, Tủ sách Nhất Nghệ Tinh của Quỹ Thời Báo Sài Gòn, Ủy ban Tương trợ Việt Nam ở Đức và NXB Trẻ đã cho ra mắt tiếp quyển Chuyên ngành kỹ thuật điện - điện tử.

Được chuyển ngữ từ một quyển sách giáo khoa chuyên nghiệp có uy tín của NXB Đức Europa-Lehrmittel, quyển sách, với hệ thống đào tạo song hành như của Đức, gồm phần thực hành là chính, cộng thêm phần học lý thuyết, chúng ta sẽ có những người thợ chuyên gia ngành kỹ thuật điện và điện tử, những Facharbeiter cho công nghiệp, có khả năng lên kế hoạch, thiết kế, sản xuất, lắp đặt, sửa chữa, bảo hành, có cả năng lực tự kinh doanh. 

Giáo dục nghề “2 trong 1”

Thế giới đã trải qua nhiều cuộc cách mạng, cách mạng công nghiệp với máy hơi nước, tàu thủy hơi nước, và xe lửa ở thế kỷ 18-19, cách mạng sắt thép thế kỷ 19, động cơ nổ, ôtô cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, cuộc cách mạng máy vi tính, cách mạng thông tin thế kỷ 20. Và thời đại chúng ta đang sống thai nghén những cuộc cách mạng còn chưa biết đầy hứa hẹn... Cuộc cách mạng hiện tại có tác dụng thay đổi cái đầu, trong khi các cuộc cách mạng khác nhắm vào sản xuất các công cụ công nghiệp mới.

Facharbeiter là một phạm trù đặc biệt của nền giáo dục và công nghiệp Đức. Không có Facharbeiter, không có các sản phẩm và dịch vụ công nghiệp chất lượng cao, không có công nghiệp phụ trợ. 

Các thợ này là sản phẩm đặc trưng của hệ thống giáo dục nghề song hành của Đức, Dualsystem mà người Đức rất tự hào.

Đó là hệ thống giáo dục “2 trong 1”, gồm chương trình học nghề là chính, thực tập trong các cơ quan, xí nghiệp, song song với học lý thuyết ở trường. Đó là một loại giáo dục nối liền “đầu và tay”, kết hợp tri thức từ sách vở và tri thức do kinh nghiệm. Trường giáo dục sự tự lực, tự hành động của học viên.

Giáo dục này nhắm vào thực hành (Praxis), chất lượng chuyên môn (Fachqualifikation) và kỹ năng (Fertigkeit). Giáo dục nghề là giáo dục hành động và làm được việc, đúng tiêu chuẩn quốc tế. 

Hệ thống này có cơ sở pháp lý hẳn hoi trên phạm vi cả nước, không phải tùy tiện. Hệ thống đã tồn tại trên trăm năm, lúc đầu hình thành tự phát trong các đại xí nghiệp, sau được luật pháp quy định một cách thống nhất (1969). Trong khi học, học viên nhận được tiền trợ cấp, ở Đức từ 250-950 euro một tháng tùy theo ngành.

Giáo dục này bao gồm hầu hết các ngành trong đời sống: (1) công nghiệp và thương mại, (2) thợ thủ công, (3) nông nghiệp, (4) công nhân viên chức trong ngành sự nghiệp hành chính, và (5) các nghề tự do. Hơn một nửa thanh niên Đức tốt nghiệp loại giáo dục này, ở Thụy Sĩ khoảng 2/3. 

Trường của hành động và tự lập

Về mặt triết học, giáo dục nghề chính là một phần của sự học mới mà nhà khai sáng Yukichi Fukuzawa đã chủ xướng cho Nhật Bản Minh Trị, được đúc kết trong quyển Khuyến học nổi tiếng, và 300 năm trước đó nhà tiên tri khoa học hiện đại Francis Bacon (1835-1901) ở châu Âu khởi xướng.

Cái học phải thực tiễn, tương tác với tự nhiên, hiểu các quy luật, điều khiển tự nhiên để phục vụ hạnh phúc con người, thoát khỏi cái học kinh viện, từ chương, vô bổ.

Goethe, người đương thời của Rousseau, Pestalozzi, Humboldt và Herbart, chống lại lối giáo dục bằng những khái niệm và nội dung xa lạ với thực tại, không nhằm sự chuẩn bị cho học sinh ra đời tạo dựng cuộc sống, có nghề nghiệp vững chắc, hay không nhằm tới hiểu biết sâu hơn.

“Suy nghĩ và hành động, hành động và suy nghĩ, đó là tổng số của sự minh triết” như Goethe đúc kết. Đó cũng là những ý tưởng của nhà giáo dục Pestalozzi. Phải kết hợp cái đầu, bàn tay và cả trái tim. Trường phải là trường của hành động và tự lập.

Khoảng cuối thế kỷ 19 khi nền công nghiệp bắt đầu sản xuất hàng loạt, nhu cầu thợ thủ công được đào tạo theo tiêu chuẩn công nghiệp tăng vọt. Giáo dục nghề phát triển mạnh mẽ.

Một trong những bí mật thành công của kinh tế Đức có thể nói là nền giáo dục nghề song hành. Những tài năng sáng tạo từ nền giáo dục này có thể leo lên đến những vị trí cao trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng, công ty lớn.

Nếu Đức có mô hình Đại học nghiên cứu Humboldt nổi tiếng 200 năm trước dành cho tinh hoa được áp dụng trên toàn thế giới, thì Đức cũng có mô hình giáo dục song hành cho lao động thực tiễn có sức hấp dẫn trên nhiều quốc gia thế giới. 

Giáo dục nghề, đừng chuộng hư danh

Tại châu Á, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã áp dụng hệ giáo dục này: Ấn Độ, Thái Lan, Trung Hoa, Đài Loan, Singapore. Nhật Bản cũng có một phiên bản riêng của hệ giáo dục song hành Đức. Thái Lan đã áp dụng hệ thống này từ năm 1959, nay đang tăng cường mở rộng trên quy mô lớn trong sự hợp tác với Đức để đáp ứng nhu cầu của cuộc công nghiệp hóa. 

Trung Quốc áp dụng hệ thống này năm 1982, nghĩa là 32 năm trước, chỉ vài năm sau chính sách bốn hiện đại hóa, và rất thành công. Thời Cách mạng văn hóa (1966-1976) việc đào tạo nghề bị xóa bỏ, kiến thức tối thiểu chỉ được tìm thấy ở những người còn nắm giữ kinh nghiệm hoặc do “gia truyền”.

Giáo dục chính trị và ý thức hệ được nâng cao tột đỉnh và là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá con người. Học sinh, sinh viên được gửi đi lao động ở nông thôn, chủ yếu lao động không tay nghề, và chỉ để phục vụ chính trị.

Khi mở cửa, giáo dục nghề bị khủng hoảng nghiêm trọng. Quỹ Hans-Seidel (HSS) của bang Bavaria (Đức) quản lý một trung tâm dạy nghề như thế 30 năm trước tại thành phố Pingdu của Shandong (Quảng Đông, vì Quảng Đông kết nghĩa với bang Bavaria và HSS là quỹ của Đảng cầm quyền Thiên Chúa giáo - xã hội CSU của Bavaria).

Trường rộng đến 38ha! Lực lượng thợ chuyên nghiệp có sức hấp dẫn lớn cho đầu tư nước ngoài. HSS sau đó còn xây dựng nhiều chi nhánh ở những tỉnh khác. Lương ban đầu của những học viên tốt nghiệp khoảng 4-5 triệu đồng (cách đây 15 năm). Có những người leo lên được bậc thang cao trở thành quản lý (manager) hay trưởng phòng với lương đến 13.000 usd/năm.

Hiện tại ở Trung Quốc có nơi, có ngành, lương của một người mới tốt nghiệp hệ thống giáo dục song hành có thể lên tới 600 euro! Sinh viên tốt nghiệp các trường dạy nghề theo cách Đức hiện nay là “hot”... 

Trung Quốc đang lên một đại kế hoạch để thúc đẩy phát triển đào tạo nghề quy mô nhiều tham vọng, có kế hoạch biến nhiều trường đại học, cao đẳng thành những trường dạy nghề theo kiểu Đức, tức đảo ngược quá trình chuộng đại học trước đây.

Năm 2013 có khoảng 6 triệu thợ chuyên nghiệp được đào tạo ở Trung Quốc, thì 97,5% số đó tìm được công việc ngay. Trong khi đó khoảng 7 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học thì chỉ có 2/3 trong đó tìm được chỗ làm.

Việt Nam cũng có hệ thống này theo đúng nghĩa trước năm 1975, với Trường kỹ thuật Thủ Đức, được thành lập năm 1960 tại Trường Cao Thắng, sau đó được dời về Thủ Đức. Nhưng từ sau năm 1975 trường này thôi đào tạo theo hệ song hành. Ngày nay trường này, có tên Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, chỉ còn đào tạo thầy hơn là thợ. 

Hiện Liên minh châu Âu có trên 5 triệu thanh niên thất nghiệp trong lứa tuổi dưới 25, trong khi có 2 triệu chỗ làm bị bỏ trống.

Trong một bản báo cáo chiến lược “Tư duy lại giáo dục” năm 2012, Ủy ban châu Âu tuyên bố: “Sự học trên cơ sở lao động, như hệ thống giáo dục song hành, là một cột trụ trung tâm của nền giáo dục nghề, và các hệ thống đào tạo trên toàn châu Âu, với mục tiêu giảm thiểu tình trạng thất nghiệp trong thanh niên...”.

Và như một ủy viên châu Âu nhận định: “Châu Âu chỉ có thể thiết lập lại sự tăng trưởng bền vững bằng cách sản xuất ra những người có kỹ năng cao và đa năng có thể đóng góp vào đổi mới sáng tạo và năng lực kinh doanh”. Sự chuyển hướng giáo dục là một “mệnh lệnh của thời đại”. Những quốc gia nào áp dụng hệ song hành Đức có tỉ lệ thất nghiệp thanh niên thấp nhất.

Việt Nam cần khẩn trương tư duy lại loại giáo dục manh mún và chuộng hư danh của mình. Giáo dục nghề Việt Nam đang bị khủng hoảng nghiêm trọng. Giáo dục phải tạo ra những con người có tri thức, kỹ năng thực tiễn, gắn bó với các tiêu chuẩn quốc tế và có đầy đủ thẩm quyền về chuyên nghiệp, có năng lực học tiếp, năng lực tính toán.

Không có hệ thống trường dạy nghề tiên tiến kiểu này đều khắp trên đất nước, được pháp luật quy định và hỗ trợ, kết nối giáo dục nghề với hệ thống doanh nghiệp, không có lực lượng lao động chuyên nghiệp trình độ chuẩn mực quốc tế, thì mọi lâu đài kinh tế chỉ xây dựng trên móng cát mà thôi.

Ở khâu đào tạo nghề chuyên nghiệp người ta mới thấy sự yếu kém cơ bản nhất của nền kinh tế Việt Nam, tính phi công nghiệp. Cũng ở đây, người ta thấy rõ ràng nhất trách nhiệm của Nhà nước đối với thanh niên, thế hệ tương lai của đất nước, đo lường được sự thức thời, sáng suốt và năng động của lãnh đạo.

Chúng ta đang sống trong thời đại của điện, điện tử, high-tech và thông tin, thời đại mà những kỹ thuật cao đã giúp con người chinh phục vũ trụ của các thiên hà, truy nguyên nguồn gốc vũ trụ, của Big Bang và đi vào cấu trúc tận cùng nhỏ nhất của vật chất, thế giới các hạt quark và Higgs.

Đồng thời cũng là thời đại của tiện nghi hiện đại, cao cấp chưa từng có trong mọi thời đại trước. Với điện được phát triển từ thế kỷ 19 và điện tử được phát triển từ giữa thế kỷ 20, các chân trời hạnh phúc của nhân loại liên tiếp được chinh phục. 

Ngày nay chúng ta sống giữa những tiện nghi đầy ắp, từ đèn chiếu sáng, hàng gia dụng, tiêu dùng, tivi, tủ lạnh, ôtô, điện thoại di động, máy nghe nhạc, máy vi tính xách tay, iPhone, iPad, các thiết bị y tế cao cấp như siêu âm màu, MRI, giải phẫu bằng tia laser, máy trợ tim, các công cụ truyền thông, kết nối như Google, Facebook, Twitter, Internet...

Các quốc gia bứt đi khỏi “bẫy thu nhập trung bình”, đặc biệt các con rồng châu Á, bằng các cuộc cách mạng khoa học, công nghệ, sự lặp lại bản sao của các cuộc cách mạng phương Tây thế kỷ 18, 19, 20, trong đó điện và điện tử đóng vai trò căn bản, giúp rút ngắn khoảng đường công nghiệp hóa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận