​Khi quần vợt giải trí hơn

LÊ TẤN 26/12/2014 08:12 GMT+7

TTCT - Dù đã qua lâu rồi thời đỉnh cao của mình, nhưng các tên tuổi trên vẫn thu hút người hâm mộ châu Á đến xem những trận đấu ở Giải IPTL (International Premier Tennis League) theo một thể thức rất giải trí.

Rất hiếm khi người hâm mộ châu Á chứng kiến Sampras, Federer, Monfils... cùng khoác áo một đội thi đấu - Ảnh: Reuters
Rất hiếm khi người hâm mộ châu Á chứng kiến Sampras, Federer, Monfils... cùng khoác áo một đội thi đấu - Ảnh: Reuters

Andre Agassi ra sân đấu với Fabrice Santoro, Pete Sampras gặp lại kình địch Patrick Rafter... 

Lần đầu tiên ở thời điểm cuối năm, quần vợt thế giới vẫn sôi động tại châu lục đông dân nhất hành tinh nhờ tài vận động của Mahesh Bhupathi, 40 tuổi, cựu số 1 thế giới nội dung đôi nam người Ấn Độ, cùng các nhà tài trợ hào phóng. 

Cú tiếp thị thành công

Trong mùa giải 2014, Federer bỏ túi 9.343.988 USD tiền thưởng ở các giải đấu. Số tiền này không tính đến hàng triệu USD ở các giải biểu diễn như IPTL lẫn tiền “phí xuất hiện” mà ban tổ chức một số giải trả riêng để anh ra sân.

Theo quy định của ATP, thứ hạng của một tay vợt căn cứ vào thành tích ở 18 giải đấu, trong đó có 13 giải không thể bỏ qua (4 giải Grand Slam và 9 giải Masters 1000) và 5 giải còn lại được chọn giữa các thứ hạng thấp hơn gồm ATP 500 (13 giải) và ATP 250 (38 giải).

Chính vì để giành giật sự có mặt của các tay vợt hàng đầu mà ban tổ chức các giải nhỏ này trả riêng cho họ “phí xuất hiện”, bất kể hành trình tại giải (bị loại ngay từ vòng đầu chẳng hạn). Và số tiền này không bao giờ được tiết lộ.

Không chỉ mang đến những cựu vô địch, giải IPTL còn thu hút cả “chùm sao” hiện nay như Novak Djokovic, Roger Federer, Andy Murray, Tomas Berdych, Marin Cilic, Jo-Wilfried Tsonga, Gael Monfils, Serena Williams, Maria Sharapova, Ana Ivanovic, Caroline Wozniacki... khoác áo bốn đội đại diện tranh tài tại Manila, Singapore, New Delhi và Dubai trong hai tuần lễ, với chiến thắng chung cuộc thuộc về đội Micromax Indian Aces (New Delhi) của Federer, Sampras, Ivanovic... ngày 13-12 vừa qua.

Monfils cho biết “rất thích thể thức thi đấu và bầu không khí trên sân”, Tsonga vừa hồi phục chấn thương ngay sau chung kết Davis Cup đã “tự hào được gia nhập IPTL”, còn Murray thông báo sẽ trở lại vào năm tới.

Chuyên gia đánh đôi người Serbia Nenad Zimonjic cho rằng “nếu những nét mới thử nghiệm tại giải làm hài lòng các tay vợt và đài truyền hình, có thể đây là hướng đi cần phát huy”. Riêng cựu vô địch Roland Garros 1998 Carlos Moya, phó chủ tịch giải, cho rằng “IPTL có thể đi vào lịch sử quần vợt”. 

Ngoài 1 triệu USD dành cho đội thắng chung cuộc, các tay vợt còn nhận được tiền thưởng tùy vào tài nghệ, danh tiếng của họ (theo tin đồn khoảng 1 triệu USD mỗi ngày thi đấu cho các tay vợt xuất sắc nhất).

Người hâm mộ châu Á không còn quá trông chờ vào các giải ATP chính thức tổ chức tại châu lục khi sức hút của ngôi sao địa phương (trừ Kei Nishikori của Nhật Bản) gần như là con số 0. Ngay trong năm nay, Bangkok đã chính thức chia tay giải ATP 250 sau đúng một thập niên duy trì.

Do vậy, IPTL giúp lấp được chỗ trống bằng quần vợt giải trí tranh tài theo thể thức rút ngắn các ván đấu (đánh điểm quyết định khi tỉ số bàn là 40-40, giao bóng chạm lưới vào trong ô giao bóng vẫn được tính, đánh bàn quyết định khi tỉ số ván là 5-5...). Nhờ vậy, khán giả theo dõi hào hứng hơn và truyền hình trực tiếp cũng lên lịch thuận tiện hơn (hai đội thi đấu không kéo dài quá 150 phút). 

“Ý tưởng của chúng tôi là tìm thể thức dễ áp dụng cho truyền hình và quy tụ các tay vợt có khả năng thu hút khán giả” - Bhupathi giải thích và cho biết có hơn 140 kênh truyền hình trên thế giới (trong đó có kênh SCTV của Việt Nam) trực tiếp giải.

Ông Gilbert Ysern, tổng giám đốc Liên đoàn Quần vợt Pháp, thừa nhận thành công của IPTL: “Châu Á đã tạo ra được một sự kiện có sự tham gia của các tay vợt hàng đầu. Rất nhiều thành phố ở châu lục này mong muốn tổ chức những sự kiện như thế”.

Chỉ sau ba ngày đầu tiên của giải, Bhupathi cho rằng “có chỗ cho thể thức của chúng tôi” và anh hình dung IPTL sẽ có tám đội thi đấu vào năm 2020. Trước mắt, bốn thành phố đăng cai giải 2015 có thể đến từ Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia và Nhật.

Ana Ivanovic ký tặng mệt nghỉ cho người hâm mộ - Ảnh: Reuters
Ana Ivanovic ký tặng mệt nghỉ cho người hâm mộ - Ảnh: Reuters

Thị trường quần vợt truyền thống có bị ảnh hưởng?

Thế nhưng, vẫn có ý kiến chỉ trích thời điểm tổ chức giải trong bối cảnh các tay vợt luôn than phiền thời gian nghỉ cuối năm không đủ để hồi sức và chuẩn bị tốt cho mùa giải năm sau.

Chính vì vậy từ năm 2012, ATP đã rút ngắn mùa giải để tăng thêm hai tuần lễ nghỉ (tổng cộng gần sáu tuần tính từ sau trận chung kết Davis Cup). Nhưng thời gian nghỉ kéo dài lại mở ra cơ hội cho một cuộc tranh tài mà IPTL tận dụng được.

“Thật đáng tiếc khi giải này, dù không đòi hỏi về mặt thể lực, lại chiếm khoảng thời gian dành cho việc hồi sức và chuẩn bị mùa giải mới của các tay vợt. Chúng tôi muốn các tay vợt ngừng hẳn thi đấu và nạp lại năng lượng” - ông Ysern phân tích trên tờ Le Monde. 

Thật ra, các tay vợt khó “nói không” với đồng tiền khi sự xuất hiện của họ đáp ứng nhu cầu thưởng thức của một bộ phận khán giả ở châu Á.

“Tôi là người đầu tiên bảo rằng các tay vợt thi đấu quá nhiều, nhưng chẳng ai ép buộc họ đến với giải. Các tay vợt là những doanh nghiệp tư nhân tự nuôi sống và giúp người khác sống được nhờ vào các giải đấu, nhà tài trợ và các trận đấu biểu diễn. Nếu họ muốn thi đấu để kiếm tiền và tài trợ cho cấu trúc hoạt động của mình, tại sao lại không?” - ông Morgan Menahem, giám đốc điều hành IPTL, nói. 

Lo ngại của ông Ysern nằm ở chỗ việc các doanh nghiệp tài trợ hào phóng với một giải đấu “nằm ngoài hệ thống” sẽ khiến các tay vợt lơ là các giải chính thức khác có tiền thưởng thấp như các giải hạng ATP 500 và 250, như thế có nguy cơ làm rối loạn thị trường quần vợt truyền thống.

Tuy nhiên, các tay vợt đều ý thức tầm quan trọng của các giải Grand Slam và Masters 1000, dù vài năm nay họ vẫn “đấu” với ban tổ chức về chuyện tăng tiền thưởng tương xứng. Hơn ai hết, họ hiểu rằng chỉ khi vắt sức ở các giải chính thức và thăng tiến trên bảng xếp hạng, họ mới được các đội ở IPTL “mua” về phục vụ theo thể thức bán đấu giá chỉ cho một lần giải.

Riêng ông Chris Kermode, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của ATP, chẳng mảy may lo âu.

“Các tay vợt muốn làm gì trong thời gian nghỉ là chuyện của họ. IPTL chẳng qua chỉ là một loạt trận đấu biểu diễn. Nó thuần giải trí, chẳng gây ra vấn đề gì cho các tay vợt vì họ sẽ không chơi hết mình 100%” - ông lập luận.

Có thể ông chủ tịch ATP chỉ thấy cú giao bóng kiểu múc thìa và những điệu nhảy của Monfils, mà không chứng kiến những pha cứu bóng trối chết và xoạc cả hai chân của tay vợt Pháp ở những điểm số quyết định.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận