Trung Quốc: Hiện tượng Chu Lập Ba

Tuần san Châu Á 04/10/2009 23:10 GMT+7

TTCT - Nghệ thuật “Phái Thượng Hải sạch” do diễn viên hài Chu Lập Ba (Thượng Hải, Trung Quốc - TQ) sáng lập, với lối diễn chọc thẳng vào những vấn đề nhạy cảm, dám bắt chước và đùa cợt các lãnh đạo TQ đương thời. Trong tiếng cười của anh có cả nước mắt, trong nước mắt chan chứa tiếng cười.

Trung Quốc: Hiện tượng Chu Lập Ba

TTCT - Nghệ thuật “Phái Thượng Hải sạch” do diễn viên hài Chu Lập Ba (Thượng Hải, Trung Quốc - TQ) sáng lập, với lối diễn chọc thẳng vào những vấn đề nhạy cảm, dám bắt chước và đùa cợt các lãnh đạo TQ đương thời. Trong tiếng cười của anh có cả nước mắt, trong nước mắt chan chứa tiếng cười.

Những buổi diễn của anh luôn kín chỗ, “cháy” vé mấy tháng trước buổi diễn, vé chợ đen hét đến 3.000 NDT (8 triệu đồng)/vé. Theo tờ Tuần san Châu Á, Chu đang trở thành “một điểm sáng văn hóa ở thượng hải, trở thành biểu tượng cho xu hướng mở cửa tự do ngôn luận ở TQ, khiến chính phủ TQ cũng phải tiến hành nghiên cứu”.

Ảnh: baidu

Chu Lập Ba (sinh năm 1967), xuất thân là một diễn viên hài của Thượng Hải, gia nhập Đoàn kịch hài Thượng Hải năm 1981. Anh được chút tiếng tăm vào những năm 1980, từng được mệnh danh là “bửu bối kịch Thượng Hải”. Những năm 1990, anh rời sân khấu đi làm trang trí nội thất, kinh doanh nhà đất, xuất ngoại và đến năm 2006 quay về sân khấu.

Từ “bửu bối” thành “hiện tượng”

Hiện tượng Chu Lập Ba khiến nghệ thuật phi chủ đạo được tôn trọng. Mới đây, ủy viên thường trực BCH Trung ương Đảng Cộng sản TQ Lý Trường Xuân khi đến Thượng Hải làm việc đã nhận định hiện tượng Chu Lập Ba đáng để nghiên cứu trong phát triển nền văn hóa TQ.

Không lâu sau thì chính quyền Thượng Hải đã tổ chức hẳn một buổi thảo luận về hiện tượng Chu Lập Ba.

Nhưng đó không phải là sự trở lại bình thường: anh sáng lập loại hình nghệ thuật tấu hài có tên “Phái Thượng Hải sạch” (khác với kiểu tấu hài tục tĩu) - loại hình nghệ thuật biểu diễn dựa trên văn hóa Thượng Hải nhưng không dùng lời lẽ dung tục, là sự kết hợp của phê bình văn học, tiểu phẩm, talk show, cộng thêm sự tùy hứng vì Chu không viết kịch bản, biểu diễn bằng tiếng phổ thông và tiếng Thượng Hải một cách nhuần nhuyễn. Một mình trên sân khấu với đầu tóc, quần áo thẳng thớm, không thay trang phục, không nghỉ giải lao, cứ thế biểu diễn suốt hơn hai giờ với đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, từ thời sự, chính trị đến văn hóa, xã hội.

Theo thống kê, bình quân một buổi diễn của Chu có thể khiến khán giả bật cười sảng khoái 600-700 lần, nhưng đằng sau tiếng cười luôn khiến người khác phải suy ngẫm và đó chính là mục đích chính của anh. Các vở diễn tiếp theo ra mắt năm 2008: Chuyện tiếu lâm 30 năm và tháng 5-2009 với Chuyện tiếu lâm Đại Thượng Hải đều lập kỷ lục về suất diễn, hơn 30 suất, với 28.000 lượt khán giả đến xem, doanh thu 6,5 triệu NDT. DVD các buổi diễn của anh phát hành tháng 4 năm nay, ngay ngày đầu tiên bán được 50.000 bản. Một người bán đĩa lậu cho biết một ngày tiêu thụ hết 200-300 DVD của Chu.

Nguyên tắc của Chu là chỉ diễn ở Thượng Hải, không lên truyền hình, phát thanh, không phát vé mời, chỉ sử dụng tiếng phổ thông và tiếng Thượng Hải.

Tiếng cười Chu Lập Ba

Khi được hỏi về nguyên nhân khiến anh thành công, Chu nói thế giới không có gì là ngẫu nhiên, trong cái ngẫu nhiên luôn có yếu tố tất nhiên. “Hiện tượng Chu Lập Ba xuất hiện là do thời cơ lịch sử, thời thế tạo anh hùng, nhưng thời cơ chỉ đến với những ai có sự chuẩn bị”. Anh cho rằng suốt 40 năm qua là thời gian chuẩn bị cho sự ra đời của chương trình “Phái Thượng Hải sạch” của mình.

Hằng ngày anh đọc 14 tờ báo, lên mạng xem tin tức, mỗi ngày đọc bốn giờ, nếu ở nhà có thể xem sách cả ngày. Chuẩn bị cho vở diễn mới vào tháng 11 tới, anh từng dành ba ngày đi nhờ chuyên gia chỉ giáo về vấn đề kinh tế, cổ phiếu.

Chính nhờ thế nên anh luôn có những quan điểm, cách suy nghĩ rất khác người. Khi nói về việc người dân hiểu nhầm đảng viên có nhiều người xấu, anh cho rằng đó là sự bất công với đảng viên. Anh dẫn chứng: “Tháng 11-2007 đến 11-2008 có 140.000 vụ án dính líu đến đảng viên, trong đó 150.000 đảng viên bị xử lý như tử hình, bắt giam, ra tòa... Nhưng chúng ta đừng quên Đảng Cộng sản TQ có hơn 70 triệu đảng viên, 150.000 chia cho 70 triệu chỉ chiếm 2/1.000. Hàng hiệu trên thế giới cũng cho phép tỉ lệ hao hụt là 3/1.000, do đó chính đảng của TQ là chính đảng có tỉ lệ hao hụt thấp nhất toàn cầu”.

Hay như: “Đừng nói với tôi về ba đại diện, ba đại diện không liên quan đến bá tánh chúng tôi, chúng tôi chỉ quan tâm ba cái đồng hồ (tam đại biểu - biểu trong tiếng Trung còn có nghĩa là đồng hồ), tức đồng hồ nước, đồng hồ điện, đồng hồ gas”; hoặc “Một xã hội hài hòa là công nhân ra công nhân, nông dân ra nông dân, ông chủ ra ông chủ, ăn mày ra ăn mày, nghèo phải nghèo có cốt cách, giàu phải giàu có phong độ”; hay “CCTV là đài truyền hình của nông dân, vì TQ hiện có 1,3 tỉ dân, trong đó có đến 900 triệu là nông dân, CCTV chẳng phải đài truyền hình nông dân là gì?”.

Khi nói về các vị lãnh đạo, anh cũng có nhiều cách ví von thú vị. Như về công của ông Đặng Tiểu Bình trong công cuộc cải cách mở cửa TQ, Chu nói: “Không có Đặng Tiểu Bình sẽ không có chúng ta ngày nay, không chừng chúng ta vẫn còn đang đá gà... Trước khi về hưu, Đặng Tiểu Bình sợ người khác đi đóng cửa lại đã tháo bỏ cả khung cửa, nên mới có chúng ta ngày hôm nay”.

Hài hước là tiêu chí mở cửa của xã hội, nhất là sự đùa cợt với giới chính quyền sẽ mang lại tác dụng nhất định, khiến giới quyền lực không dám ngạo mạn, những vị lãnh đạo tự cho mình là đúng bớt kiêu căng, giúp xã hội ngày càng có sức sống lành mạnh. Đó cũng là cú đột phá đáng quan tâm nhất của “hiện tượng” Chu Lập Ba.

Tuần san Châu Á

Tiếng cười của Chu hiển nhiên không bỏ qua các vị quan tham bất tài. Về việc nguyên thị trưởng Thâm Quyến Hứa Tống Hoành luôn miệng nói mình là con dân, Chu luận: “Người dân nuôi đứa con này giá thành cao quá. Khó khăn lắm mới nuôi lớn thành người, thế mà lại bị bắt”. (Tháng 6 năm nay Hứa đã bị cách chức để điều tra vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng)...

Nhiều câu nói, bình luận của anh trở thành câu cửa miệng của người dân Thượng Hải, như khi kết thúc buổi diễn anh luôn nói: “Những quan điểm trên là quan điểm của Chu Lập Ba diễn, Chu Lập Ba trên sân khấu, không liên quan đến Chu Lập Ba này”.

Nhiều tờ báo TQ ví anh như một chuyên gia, nhưng Chu bảo anh khác với chuyên gia ở chỗ chuyên gia biến vấn đề cỏn con thành vấn đề người dân nghe không hiểu, còn anh biến những vấn đề của chuyên gia thành thứ mọi người nghe hiểu. “Cùng một việc giống nhau, chuyên gia phải nói những thứ bạn không hiểu mới cho thấy trình độ của chuyên gia, còn tôi thì phá bỏ những thứ của chuyên gia”.

Quyền theo đuổi niềm vui

Theo Chu, đặc điểm tấu hài của anh là anh không đặt mình ở vị trí một vai hề, mà ở vị trí của một trí thức, có vị trí ngang hàng với khán giả. Qua tiếng cười anh muốn truyền đạt quan điểm, tư tưởng của cá nhân mình. Anh cho rằng đó là cách diễn thuyết có tính biểu diễn, đùa cợt nhưng không phải châm biếm, vì châm biếm có tính công kích, còn đùa cợt có thiện ý hơn, dùng lời lẽ phê bình để khen thưởng và ngược lại.

Việc anh dám bắt chước, đùa cợt cả các vị lãnh đạo TQ không phải vì anh “gan” mà vì môi trường TQ đủ khoan dung để chấp nhận nó. “Trong tiếng cười của tôi, khán giả có thể tìm thấy những điểm yếu của Đảng Cộng sản, đó là vấn đề nghiêm túc” - anh nói. Anh còn cho biết: “Tôi muốn mang đến niềm vui cho khán giả chứ không phải chỉ là chuyện cười. Vì cuộc sống đang cần niềm vui chứ không phải chuyện cười. Chuyện cười là những câu chuyện nghe xong rồi cười, niềm vui là thứ thâm nhập vào cuộc sống, trở thành sức mạnh tinh thần của cuộc sống”.

Chuyên gia xã hội TQ Đặng Vĩ Chí cho rằng hiện tượng Chu Lập Ba có sức ảnh hưởng sâu rộng trên toàn TQ, đang trở thành một hiện tượng chính trị, xã hội chứ không còn là hiện tượng văn hóa đơn thuần. Tiếng cười của anh gây chú ý vì anh dám đem cả vấn đề chính trị ra tấu hài, là trường hợp chưa từng có ở nước này.

Lâu nay, ở nơi công cộng của TQ thường không được nói chuyện đại sự, là điều cấm kỵ của người dân TQ nhưng nay đã được tìm thấy ở Thượng Hải, cũng như tìm lại được cảm giác hài hước, tìm lại quyền theo đuổi niềm vui của người dân.

Chu bắt chước Thủ tướng Ôn Gia Bảo - Ảnh: baidu

Trích đoạn tiếng cười Chu Lập Ba

---

Khi nói về một tòa nhà vừa xây xong thì bị sập, Chu bảo các nhà đầu tư địa ốc đừng bi quan, nhà của các ông vẫn bán được, bán như nhà trệt. Nếu đã vào ở cũng không sao, lúc ngủ trên giường, lúc dậy ở trên tường.

---

Bạn nói thật thường mất lòng bạn bè, lãnh đạo; nói dối lại mất lòng bản thân.

---

Một con người phải có khái niệm pháp luật, phải biết bảo vệ mình như thế nào, nếu biết luật mà còn vi phạm thì lãng phí quá.

CẢNH CHÁNH
(Tuần san Châu Á, THX, Sina)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận