Su Chịa

TRUNG VĂN 15/01/2006 19:01 GMT+7

TTCN - Có một ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khơme cổ kính ở Trà Vinh đã nuôi dưỡng và khơi dậy nghị lực của một cô bé chăn trâu mồ côi, giúp cô trở thành nữ “giảng sư” đầu tiên và duy nhất trong cộng đồng chư tăng và bà con phật tử Khơme Nam bộ hôm nay.

Đó là Thạch Thị Su Chịa, giáo viên Trường trung cấp Pali thuộc Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước (ĐKSSYN) tỉnh Trà Vinh.

Gọi là “giảng sư” vì “học trò” của cô đều là các nhà sư khả kính, không ít vị có hàng chục năm gắn bó với cửa Phật và kinh kệ. Trong số chư tăng từng là “học trò” của Su Chịa, nhiều vị đã được tấn phong giáo phẩm đại đức, trụ trì nhiều ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khơme...

Con gái... ở chùa

Lễ Vào năm mới (Chôl Chnăm Thmây) 2006 tới đây sẽ là lễ thứ sáu cô gắn bó với ngôi chùa Samrong Ek (tọa lạc ngay ngã ba Tượng Đài - cửa ngõ vào thị xã tỉnh lỵ Trà Vinh) nhưng đây không phải là nơi “tá túc” duy nhất của cô bé Su Chịa trong suốt tuổi thơ nghèo khó và đầy nỗ lực của mình.

Là con út trong một gia đình nông dân nghèo có đến sáu anh chị em, ba mất sớm, gia cảnh khó khăn, con đường học vấn của Su Chịa dở dang năm lớp 6. “Hồi nghỉ học tôi khóc dữ lắm vì nghĩ mình không còn được đến trường nữa”, cô kể.

Khi chùa Samrong Thum ở gần nhà (xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành) mở lớp sơ cấp giáo lý Pali - Khơme cho các vị sư mới tu tập ở bổn tự và các ngôi chùa lân cận, Su Chịa liền cắp sách theo học lớp buổi tối. Chỉ một năm sau, cô bé mồ côi thông minh đã hoàn thành chương trình ngữ văn Khơme bậc tiểu học.

Bốn năm tiếp theo cô hoàn thành nốt chương trình trung cấp Pali. Ngôi chùa Samrong Thum “không còn lớp” cho Su Chịa nữa nên vị sư cả phải gửi cô học trò sáng dạ của mình đến học tiếp ở chùa Cós Xoài (xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang). Và tại đây Su Chịa đã hoàn thành chương trình cấp III giáo lý Pali từ năm 2001...

Nữ “giảng sư”


Nữ giảng sư Su Chịa kính cẩn đón “học trò” vào lớp
Trong cộng đồng cư dân Khơme Nam bộ, không kể những dịp hành lễ trong những ngày lễ hội, chuyện trẻ gái vào chùa học chữ là chuyện khá phổ biến. Nhưng trường hợp một thiếu nữ đến ở hẳn trong chùa chỉ toàn chư tăng nam để sinh sống và học tập như Su Chịa là cá biệt, có thể nói là lần đầu tiên.

Không chỉ vậy, Su Chịa đã trở thành nữ giảng sư đầu tiên và duy nhất ngày ngày lên lớp dạy ngữ văn Khơme và giáo lý Pali (Pali là chữ Phạn, một từ ngữ trong kinh kệ cổ) cho các vị sư. Theo thông lệ, đây là phần việc của các vị sư nhiều năm tu học, những vị achar (bậc trí thức tôn giáo, từng qui y nhưng đã hoàn tục) đầu hai thứ tóc, am tường Phật học và thế học.

Thế nhưng cô gái mới 26 tuổi đời ấy đã có thâm niên xấp xỉ năm năm ở cương vị “giảng sư chính thức” của Hội ĐKSSYN tỉnh Trà Vinh. Hồi mới làm quen với bục giảng, ngoài việc phải tự soạn giáo án, giảng dạy những môn khó về kinh sách và giáo lý nhà Phật - nhất là bài giảng về Hạnh phúc kinh, Su Chịa còn phải vượt qua một áp lực lớn khi đối diện với mình là những học trò đặc biệt, đang khoác trên người chiếc áo cà sa của nhà Phật.

“Lên lớp, có khi nào các học trò làm cô giáo bực mình?”. Cô từ tốn: “Mình theo đạo, là phật tử, giận các sư là mang tội. Năm nào các sư học tốt chỉ có khoảng 10-30% xếp loại trung bình yếu. Có năm lớp yếu, rất khó. Khi gặp những trường hợp không hiểu bài, mình phải dùng lời nhã nhặn - dĩ nhiên không phải lời ngon ngọt dụ dỗ - để gợi ý lại bài giảng cũ và giảng giải thêm”.

Lĩnh hội ít nhiều kiến thức vi diệu từ kinh sách nhà Phật, Su Chịa lại khát khao tìm hiểu về thế học mà tiếng Việt là chiếc cầu nối hữu hiệu để tiếp cận, khám phá. Sinh sống ở chùa Samrong Ek, ngày lên lớp, tối tối nữ giảng sư lại đạp xe đi học bổ túc văn hóa. 

Đi dạy không ăn lương, để có tiền đóng học phí và trang trải cuộc sống hằng ngày, Su Chịa phải học nghề trang điểm cô dâu. Người Khơme thường tổ chức đám cưới trong ba tháng mùa khô trước và sau tết Chôl Chnăm Thmây. Đó cũng là mùa “làm thêm” của Su Chịa, năm 2004 nữ “giảng sư” này mới lấy được tấm bằng THPT hệ bổ túc.

Tôi băn khoăn liệu có thiệt thòi quá không khi từng ấy năm đi dạy mà không nhận một đồng thù lao nào? Su Chịa bảo cô tình nguyện như thế để tạo phước cho kiếp sau... “Với lại, hồi tôi đi học, các sư có thu học phí của tôi đâu!”.

Làm báo và ước mơ đại học

Tháng 9-2005, Su Chịa đến làm quen với công việc của một phóng viên tập sự ở báo Trà Vinh. Cô bắt đầu bước ra khỏi sự tĩnh lặng của không gian nhà chùa với tiếng kinh kệ và những rặng sao đại thụ quanh năm rì rào. 

Làm quen với công việc mới, cô nhận thấy cuộc sống còn quá nhiều điều thú vị. Bây giờ, ngoài công việc ở tòa soạn, cô vẫn dành thời gian lên lớp và chấm bài vào sáng thứ bảy hằng tuần cho 28 vị sư.

Tiếp xúc với Su Chịa, người ta dễ nhận ra sự chững chạc của một người thầy, dù vẫn còn đó cái thẹn thùng cố hữu của một thiếu nữ. Sau tất cả những câu chuyện, tăng xá chùa Samrong Ek như lặng đi khi tôi nhắc đến giảng đường đại học. Đôi mắt to tròn của Su Chịa bỗng long lanh ngời sáng, “vào đại học là giấc mơ lớn nhất của tôi”. 

Và tôi tin cô sẽ có được giấc mơ này, vì với một cô bé chăn trâu có nghị lực để trở thành nữ “giảng sư” của cộng đồng mình thì giảng đường đại học có gì là không thể!

Cho nữ giới ở chùa, cách nhìn của phật tử đối với Su Chịa và các sư trong chùa có khác. Tôi mới căn dặn các sư: đừng vì phật tử dị nghị mà xa lánh, phải ủng hộ tinh thần cô Su Chịa.

Mặt khác, phải nhìn nhận việc Hội ĐKSSYN giữ Su Chịa lại làm giảng sư khiến nhiều phật tử phấn khởi.

Đây là nguyện vọng từ lâu của nhiều người nhưng không ai làm được. Bây giờ Su Chịa làm được, mà dạy giáo lý Pali bậc trung học chứ có phải ít đâu...”.

Hòa thượng Thạch Sang Thương (chánh văn phòng Hội ĐKSSYN tỉnh Trà Vinh)

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận