Giúp người vượt cạn không đau

ĐẶNG THÁI HUYỀN 15/08/2004 01:08 GMT+7

TTCN - Bác sĩ Bùi Văn Ấm, vừa trở về phòng sau ca hồi sức cho một sản phụ thì lại có tiếp một ca sản phụ đẻ khó khác cần trợ giúp gấp. Ông chạy ngay tới phòng sinh A, tầng ba dãy nhà G (nơi khang trang nhất Bệnh viện Phụ sản trung ương) đang chật ních những người sắp vượt cạn...

Phóng to
Bác sĩ Ấm đang thăm khám cho sản phụ
TTCN - Bác sĩ Bùi Văn Ấm, vừa trở về phòng sau ca hồi sức cho một sản phụ thì lại có tiếp một ca sản phụ đẻ khó khác cần trợ giúp gấp. Ông chạy ngay tới phòng sinh A, tầng ba dãy nhà G (nơi khang trang nhất Bệnh viện Phụ sản trung ương) đang chật ních những người sắp vượt cạn...

Sản phụ đẻ khó ấy là chị P. L. (ở phố Hai Bà Trưng, Hà Nội). Cơn co tử cung của chị bình thường, có thể sinh thường không cần mổ, nhưng sức chịu đựng cơn đau của chị yếu. Người nhà không muốn chị mổ nên đề nghị có giải pháp... được giảm đau.

Mơ ước của sản phụ

Đầu tiên, BS Ấm chích một mũi gây tê vùng da ngoài sống lưng để giảm đau cho sản phụ. Khi cơn đau bụng dưới quặn lên, dấu hiệu đứa trẻ quẫy đạp đòi được chào đời càng lúc càng dữ dội thì ông mới tiêm mũi đặc biệt (gắn theo một đoạn ống nhựa nhỏ dài khoảng 20cm) vào khe giữa hai đốt sống lưng 2 và 4, chạm đúng khoang ngoài màng cứng (lớp màng bao quanh tủy sống). Mũi kim rút ra để lại ống nhựa đính trên cột sống. Để nhận biết đầu ống nhựa đã chạm đúng vị trí chưa, ông tiêm nước muối sinh lý vào ống nhựa kiểm tra. Không thấy chất dịch bất thường trào ra là kỹ thuật khó nhất đã hoàn thiện.

Tiếp đó, ông lắp “phin” lọc vi khuẩn vào đầu ống nhựa rồi nối với đoạn ống nhựa dài khác để bắt đầu bơm thuốc gây tê marcain (nồng độ 0,125%) cho sản phụ. Liều thuốc gây tê đầu tiên bơm vào, chị L. vẫn nhận thấy rõ tử cung đang co bóp mạnh, rồi mở rộng (quá trình rặn đẻ bắt đầu) nhưng không còn cảm giác đau như hồi đầu nữa.

Lần sinh trước đó chị phải quằn quại suốt năm, sáu giờ đồng hồ mới đẻ được; khi đứa bé cất tiếng khóc chào đời thì chị cũng ngất lịm đi. Bây giờ, trong khi chị L. đang rặn đẻ “êm ái” thì từ phòng đẻ B, C hàng trăm sản phụ lại la hét ầm ĩ như... bị tra tấn. Có sản phụ khi lên cơn đau đẻ còn bẻ gãy... cả cánh tay chồng vì không chịu nổi. Không làm mẹ thì không thể hiểu rõ cơn đau ấy.

“Đẻ bằng kỹ thuật gây tê thời gian rặn đẻ nhanh hơn đẻ thông thường”- BS Âm nói. Nếu đẻ thường sản phụ rất đau lại thường la hét nên nhanh đuối sức, rặn yếu, thời gian sinh nở kéo dài, dễ gặp biến chứng nguy hiểm. Không đẻ được hoặc sợ đau thì mổ đẻ. Đó là “căn bệnh” phổ biến hiện nay ở nhiều bệnh viện và trong tâm lý của nhiều sản phụ. Các chuyên gia y tế cho biết giải pháp cuối cùng hỗ trợ sinh sản là mổ đẻ, khi và chỉ khi sản phụ gặp các bệnh đái tháo đường, suy tim, thận, có khung chậu hẹp, cơn co tử cung bất thường, chuyển dạ lâu, vỡ ối sớm, có vết mổ cũ... mà để đẻ thường sẽ gây nguy hại cho sản phụ và thai nhi.

Tuy nhiên với những sản phụ sức khỏe bình thường, mổ đẻ lại có hại và không nên. Những năm gần đây khi các bệnh viện lạm dụng mổ đẻ hoặc sản phụ... sợ đẻ tự nhiên thì nhiều chuyên gia lên tiếng khuyến cáo không cách gì ưu việt hơn đẻ tự nhiên. Và đẻ không đau là công trình kỹ thuật tầm quốc tế, vừa “bảo tồn” được cách sinh tự nhiên (rặn đẻ) lại an toàn (không đau), giá tương đối chấp nhận được (chỉ đắt hơn đẻ thường 300.000 đồng); tiếc rằng được áp dụng ở nước ta hơi muộn.

Người chuyên gây tê ngoài màng cứng

Ngay từ thuở còn học Trường đại học Y Hà Nội và suốt thời gian làm việc tại Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh (nay là Bệnh viện Phụ sản trung ương), ông Âm luôn canh cánh nhìn cảnh hàng ngàn sản phụ “chịu cái án cực hình của tạo hóa” mỗi khi vượt cạn và mong được dùng phương pháp gây tê ngoài màng cứng để giúp họ giảm cơn đau. Cách đây ba năm, sau nhiều kiến nghị, tham luận... ông mới chính thức được “trổ tài” khi Bệnh viện Phụ sản trung ương tiên phong mở dịch vụ đẻ không đau.

Mỗi ca gây tê ngoài màng cứng do ông Âm triển khai chỉ mất 1-2 phút. Chuẩn xác, tinh xảo đến từng “milimet” bởi ông là một trong số ít chuyên gia hàng đầu VN về kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng, là người đầu tiên ở miền Bắc được triển khai kỹ thuật đẻ không đau.
“Trong kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng khó nhất là đưa kim tiêm (kèm ống dẫn nhựa) vào đúng khoang ngoài màng cứng”- vị bác sĩ 55 tuổi bộc bạch.

Theo đó, đưa chưa chạm không có tác dụng; đưa quá khoang, chọc thủng màng cứng vào tủy sống không chỉ vô dụng mà còn làm nước tủy chảy ra khiến bệnh nhân bị bệnh đau đầu di chứng; hoặc chọc vào mạch máu gây tụ máu, nếu đám máu tụ chèn dây thần kinh (gây run tê chân) thì phải phẫu thuật để “bóc” đi; hoặc chạm đám rối sẽ gây những tổn thương không đáng có. Bởi vậy, chỉ những bác sĩ thật sự “giỏi võ” và can đảm, có tâm huyết như ông Âm mới dám làm.

Phương pháp gây tê ngoài màng cứng còn có ưu điểm khác là khi sản phụ đã quyết định đẻ không đau và bác sĩ đã gây tê, nhưng vì lý do nào đó phải mổ đẻ thì vẫn có thể triển khai mổ đẻ trên cơ sở gây mê đã thực hiện mà chỉ cần tiêm thuốc gây tê nồng độ đậm hơn một chút.

30 năm kể từ khi về công tác tại bệnh viện (1974), đến nay ông đã gây tê, gây mê cho hàng chục ngàn bệnh nhân cực kỳ hiểm nghèo và gần đây là hàng trăm ca sản phụ đẻ không đau thành công mỹ mãn. Để trở thành một chuyên gia gây tê ngoài màng cứng giỏi không chỉ có kiến thức, kỹ năng được đào luyện tại giảng đường đại học mà còn phải khổ công nghiên cứu, thử nghiệm trong chuỗi thời gian tính bằng đời người.

BS Âm dù giàu kinh nghiệm nhưng không bao giờ dám chủ quan. Đặc biệt với kỹ thuật gây tê cho sản phụ đẻ không đau còn cần thêm một điều kiện quan trọng khác: bệnh viện phải tạo cơ hội. Hiện cả nước ta mới có ba nơi có dịch vụ đẻ không đau là Bệnh viện Phụ sản trung ương, Bệnh viện Việt - Pháp (Hà Nội) và Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận