Khi hai ông thầy cùng ngồi uống chè dưới một gốc cây

THƯ HIÊN 03/03/2015 02:03 GMT+7

TTCT - “Để phát triển chất lượng giáo dục đại học (ĐH), vấn đề là tạo môi trường thu hút được người giỏi nói chung chứ không chỉ người giỏi mang dòng máu Việt” - PGS Ngô Quang Hưng, ĐH bang New York ở Buffalo (Mỹ), nói với TTCT.

PSG Ngô Quang Hưng. Ảnh: THƯ HIÊN

PGS Ngô Quang Hưng nhận xét: “Riêng trong lĩnh vực khoa học máy tính và công nghệ thông tin, tôi nhận thấy chất lượng giảng dạy của các trường ĐH lớn ở VN, bao gồm chất lượng sinh viên, nhìn chung cũng ổn.

Tuy nhiên có một vấn đề mà hẳn nhiều người đã nhìn thấy: giảng viên đi dạy quá nhiều! Có lẽ vì vậy họ không có cơ hội để tự hoàn thiện con người khoa học của bản thân, trong khi điều này cực kỳ quan trọng trong mọi ngành, đặc biệt là ngành khoa học máy tính.

Bản chất ngành này thay đổi quá nhanh nên nếu giảng viên phải dạy quá nhiều thì những bài giảng của họ sẽ không được cập nhật thường xuyên. Bản thân tôi ở Mỹ hiện nay chỉ dạy một lớp trong suốt một học kỳ. Còn ở đây mọi người dạy 3-5 lớp/học kỳ.

Dạy nhiều như thế thì ngay cả hoạt động dạy học trên lớp cho có chất lượng đã khó, chưa nói gì đến việc cải thiện được kỹ năng - cả kỹ năng chuyên môn và kỹ năng giảng dạy. Tôi nghĩ giảng viên ĐH của mình xuất phát điểm hoàn toàn có đủ khả năng để phát triển giáo dục ĐH, nhưng chúng ta không có điều kiện để tạo ra sự phát triển chất lượng cho lực lượng giảng viên trẻ”.

Cụ thể thì anh dạy bao nhiêu tiết trong một học kỳ?

- Mỗi tuần tôi dạy 3 tiết, mỗi tiết 50 phút. Mỗi học kỳ có 15 tuần và một tuần thi cuối kỳ. Một năm học có 2 học kỳ. Còn ở VN, khối lượng công việc giảng dạy của các đồng nghiệp tôi thật kinh khủng! Họ nói phải dạy 700-800 tiết/học kỳ, có người lên đến cả nghìn tiết!

Các đồng nghiệp của tôi ở TP.HCM nói ngoài dạy ở trường mình, nhiều người còn dạy thêm ở trường khác. Họ cho biết muốn dạy thêm để có thêm thu nhập.

 

Không nên đánh giá nhà khoa học một cách hời hợt

Anh có nghĩ việc quá tải trong giảng dạy của giảng viên là một cách triệt tiêu sự phát triển của giáo dục ĐH chúng ta?

- Gần như là vậy. Như GS Vũ Hà Văn đã trình bày tại hội thảo Đối thoại giáo dục mà nhóm chúng tôi do GS Ngô Bảo Châu chủ trì tổ chức ở TP.HCM đầu tháng 8-2014, công thức làm việc của một giáo sư ở Mỹ thường là 40-40-20. Những chỉ số này tương ứng với các phần việc giảng dạy - nghiên cứu khoa học - các công việc phục vụ sự phát triển của khoa mà mình làm việc.

Để đảm bảo giáo dục ĐH có chất lượng phải nghĩ đến việc giúp các giảng viên trẻ cải thiện năng lực, trình độ chuyên môn. Giải pháp quan trọng nhất là tạo cơ hội để họ được làm nghiên cứu. Làm nghiên cứu không nhất thiết phải như mong ước của xã hội, nghĩa là phải ra sản phẩm gì đó kiểu như Facebook thu hút 1,3 tỉ người dùng.

Chúng ta chỉ cần họ làm những công việc mà trong quá trình thực hiện họ có cơ hội để suy nghĩ một cách sâu sắc về chuyên môn của mình. Mỗi lần làm nghiên cứu dù có ứng dụng hay không đều là cơ hội để mỗi giảng viên cải thiện trình độ.

Cho dù hiện nay các trường ĐH đều có kinh phí dành cho việc nghiên cứu nhưng cách tổ chức nghiên cứu của ta hiện nay chưa tạo động lực để các giảng viên thực hiện hoạt động này một cách có chiều sâu. Trong khi đó, điều mà ai cũng biết là các nhà nghiên cứu phải có thời gian làm những nghiên cứu có chiều sâu thì mới cải thiện được khả năng khoa học của chính mình.

Vì sao, thưa anh?

- Hiện nay chúng ta đánh giá thành tích khoa học của những người làm khoa học bằng các tiêu chuẩn tương đối hời hợt.

Chẳng hạn như chúng ta đo bằng tổng số bài báo ISI. Thật ra tiêu chuẩn này là một bước tiến cực kỳ lớn so với trước đây, nhưng theo tôi thế chưa đủ, bởi đó chỉ là một thước đo hời hợt, thậm chí còn có tác hại tới các nghiên cứu có chiều sâu.

Chẳng hạn, khi nghiệm thu một đề tài, tiêu chuẩn được đưa ra là những người thực hiện phải có ba bài báo ISI. Một lẽ tự nhiên người ta sẽ chọn viết ba bài báo dễ nhất, miễn là đạt cái ngưỡng được đăng ISI. Trong khi đó mỗi một bài báo dễ, đồng nghĩa với nông, sẽ “ăn” vào thời gian cho mình làm một bài báo sâu.

Nếu nó cứ “ăn” liên tục như vậy mình sẽ không có thời gian để làm cái gì đó sâu sắc. Tôi cho rằng cơ chế đánh giá khả năng khoa học phải làm nhuyễn hơn như vậy nhiều và theo đó cần phải tốn rất nhiều thời gian để xem xét, đánh giá.

Rồi chúng ta còn đánh giá thành tích làm khoa học bằng số lượt được trích dẫn, trong khi đó chỉ số này thấp hay cao thể hiện ở cả hai cực: hoặc bài báo có chất lượng, hoặc có thể không.

Quy luật chung là cái nào khó thì ít người làm, ít người làm tự nhiên sẽ ít người trích dẫn. Tất nhiên những cái dỏm không ai thèm quan tâm cũng sẽ ít hoặc không có người trích dẫn. Vì thế như tôi nói ở trên, chỉ số lượt trích dẫn nằm ở hai cực.

Do đó mình chỉ nên xem đó là thước đo tham khảo chứ không phải là chỉ số duy nhất để đánh giá chất lượng một bài nghiên cứu khoa học.

Vậy theo anh phải “nhuyễn” như thế nào trong cơ chế đánh giá năng lực nhà khoa học để khích lệ họ trong việc dành thời gian và tâm trí cho những công trình có chiều sâu?

- Nếu phải tóm tắt trong một câu thì tôi chỉ có thể nói thế này: các giảng viên ở Mỹ đạt được sự thăng tiến trong nghề nghiệp khi mà nhìn chung họ được đánh giá tốt từ các đồng nghiệp. Không phải là đồng nghiệp trong một khoa mà là đồng nghiệp ở khắp nơi trên thế giới.

Ví dụ trong hồ sơ xét thăng cấp giáo sư của một giảng viên sẽ có khoảng 8-10 thư nhận xét của những giáo sư đầu ngành trong chuyên ngành hẹp của người được xét. Những giáo sư này không phải do bản thân ứng viên đề xuất.

Bản thân ứng viên không biết những người được hỏi là ai. Khoa sẽ lựa chọn để gửi thư tới những giáo sư đầu ngành, hỏi anh có biết ứng viên này cũng như những công trình của anh ta không, anh đánh giá giá trị công trình đó thế nào? Khi công bố, các nhận xét sẽ được để khuyết danh để các đánh giá có tính độc lập.

“Giáo sư” không phải là tem đảm bảo chất lượng

Việc này khác thế nào với cách thức hội đồng chức danh giáo sư nhà nước mình đang hoạt động?

- Khác biệt lớn nhất và cơ bản nhất là nó không có tính tập trung. Ở Mỹ, việc công nhận học hàm giáo sư sẽ do từng trường ĐH quyết định.

Như vậy có khả năng giáo sư trường này với giáo sư trường khác sẽ có khoảng cách rất xa về năng lực chuyên môn?

- Tất nhiên, nhưng không sao. Bởi hệ quả là những trường giỏi sẽ tuyển được giáo sư giỏi hơn. Năng lực của từng giáo sư dẫn đến việc giáo sư đó sẽ làm việc ở đâu, đồng thời các trường ĐH sẽ có động lực rất lớn để tìm kiếm những giáo sư giỏi.

Khi giáo sư của một trường xoàng sẽ khác với giáo sư ở một trường danh tiếng thì các trường ĐH sẽ phải nỗ lực để xây dựng danh tiếng của chính mình.

Tôi nghĩ nếu mình không quá coi trọng cái danh giáo sư thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết. Một bài báo sẽ không cần để chữ giáo sư đằng trước tên tác giả bài báo nữa mà phải xem nội dung ở trong là gì, bởi chữ giáo sư không còn là cái tem về chất lượng.

Khi chữ giáo sư không được đảm bảo chất lượng đương nhiên người ta sẽ phải xem xét kỹ càng về mặt nội dung.

Anh và nhiều thành viên của nhóm Đối thoại giáo dục đã đề cập thực trạng trình độ giảng viên ĐH đang thấp. Cách đây năm năm Chính phủ từng lo ngại về vấn đề này nên đã soạn thảo đề án 20.000 tiến sĩ và gây nhiều tranh luận trong dư luận. Quan điểm của anh?

- Tôi hoàn toàn ủng hộ về mặt ý tưởng của đề án này, dù theo tôi con số 20.000 mang ý nghĩa biểu tượng hơn là một con số thống kê cụ thể. Tôi ủng hộ bởi nhân lực có trình độ cao của mình còn thiếu, mình phải tìm cách tăng nhân lực cao cấp đó lên.

Nhưng có một bài toán mà tôi không biết lời giải. Giả sử chúng ta gửi 10.000 người đi đào tạo nước ngoài, tiếp đó sẽ nảy sinh một vấn đề: những người giỏi nhất sẽ ở lại. Giả sử nhà nước đưa ra một ràng buộc là họ sẽ phải trở về thì chúng ta sẽ rơi vào cái bẫy cũ: họ chưa đủ thời gian để hình thành cái tôi khoa học của mình thì đã phải về, phải chui vào cái rọ mỗi học kỳ 700-800 tiết.

Tôi thấy nhiều anh em rất giỏi nhưng đi về sớm quá, dạy mỗi học kỳ 3-5 lớp, lương thì không đủ sống nên họ phải đi dạy rất nhiều không chỉ ở trường mình mà còn ở trường khác. Nội cái chuyện lái xe đi lòng vòng thôi cũng hết ngày chứ chưa nói đến chuyện chuyên môn! Vì thế cũng không thể có chất lượng giảng dạy như mình mong muốn.

Theo tôi, giả sử mình có 10.000 người VN rất giỏi, hãy để họ ở nước ngoài lâu lâu một chút để họ thành công hơn trong sự nghiệp nghiên cứu. Tất nhiên mình phải chịu một rủi ro là họ sẽ ở lại luôn. Vì thế tôi mới nói bài toán đó mình không có lời giải.

Có thật sự là không thể có lời giải không, thưa anh?

- Có lẽ chúng ta nên từ bỏ tư duy “người VN dùng hàng VN” trong giáo dục ĐH. Nên tìm một cơ chế nào đó để cả người nước ngoài cũng thoải mái trong việc đến VN giảng dạy.

Cần quốc tế hóa trường ĐH của mình, tất nhiên không cần áp dụng đại trà, tìm những người nước ngoài giỏi, tạo môi trường cho họ để bằng cách nào đó họ thích đến VN làm việc. Thật ra điều này chỉ là sớm hay muộn thôi, chứ chúng ta làm sao cưỡng nổi xu thế thời đại là muốn phát triển thì phải tìm được những người giỏi nhất về làm việc cho mình.

Mà khi đã nói tới người giỏi nhất thì không có lý do gì để môi trường ĐH chỉ toàn những người VN.

Ngoài cơ chế đó, cần có lượng tài chính lớn, trong khi giáo dục ĐH công lập của ta hiện nay sống chủ yếu dựa vào ngân sách. Đòi hỏi tăng ngân sách cho giáo dục ĐH lại là điều rất khó. Vậy chúng ta phải làm sao?

- Tôi e rằng câu trả lời của mình chỉ có tính khả thi trên giấy tờ, đó là phải trả lại quyền tự tìm con đường đi cho mỗi trường ĐH. Nếu chúng ta cho các trường ĐH cái quyền để tự tìm đường đi cho họ thì những người quản lý tốt nhất, sáng tạo nhất sẽ tìm ra con đường đó.

Chắc chắn sẽ không có câu trả lời cụ thể cho cả một hệ thống giáo dục ĐH gồm hàng trăm trường. Nhưng tôi tin mỗi trường sẽ tìm được cách làm thông minh nhất khi được đặt đúng vị thế.

Rất cảm ơn anh.

 

Khi hai ông thầy cùng ngồi uống chè dưới gốc cây

Hơn 20 năm trước, VN đã có ý tưởng xây dựng những ĐH đa ngành lớn mạnh, kết quả là chúng ta có các ĐH quốc gia, ĐH vùng. Nhưng thực tế không như mong đợi, anh nghĩ sao?

- Về nguyên tắc thì xây dựng ĐH đa ngành là ý tưởng tốt bởi nó sẽ có sẵn môi trường giao lưu về tư tưởng, về tri thức giữa các ngành khác nhau. Khoa học hiện đại phát triển dựa trên sự giao lưu đó.

Không phải tự ngành y làm được cái máy quét MRI, tự khoa điện cũng không làm được vì họ không có chuyên môn về y học. Lấy hai ngành bất kỳ, chúng ta đều có thể tìm ra mối liên kết của chúng.

Nếu các trường ĐH đơn ngành và biệt lập như hiện nay thì việc liên kết, tổ chức về mặt tri thức rất khó. Cơ sở vật chất để làm việc này rất quan trọng. Việc đi từ tòa nhà của khoa máy tính sang tòa nhà của khoa xây dựng khi chúng chỉ cách nhau mấy chục bước chân sẽ tạo môi trường làm việc rất khác so với việc phải leo lên cái xe mới đi được đến nơi.

Trong đời sống của cộng đồng khoa học ở tất cả lĩnh vực, rất nhiều ý tưởng được nảy sinh trong quá trình hai ông thầy ngồi uống nước chè cùng nhau dưới gốc cây.

Tôi ủng hộ nhập nhiều trường ĐH đơn ngành thành một trường ĐH đa ngành. Nhưng động thái nhập này phải diễn ra trước hết ở bình diện hình học - địa lý chứ không chỉ trong quản lý.

Nếu chỉ là một ĐH quốc gia nhưng có nhiều trường nhỏ, các trường vẫn đóng tản mát đâu đó trong thành phố, từ trường này đến trường kia mất hơn nửa tiếng đi xe... thì không đủ. Việc “khắc nhập” này sẽ gặp rất nhiều khó khăn về mặt quản lý, nhưng thách thức đó cũng là cơ hội cho các nhà quản lý. 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận