​“Người đột biến”

DƯƠNG THẾ HÙNG 09/04/2015 03:04 GMT+7

Với việc nhận giải thưởng “Thành tựu xuất sắc trong ứng dụng đột biến để chọn tạo giống lúa” do Viện Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trao tặng vào tháng 9-2014, tiến sĩ Trần Tấn Phương giờ đây hễ đi vô ruộng là được bà con mến thương gọi biệt danh “người đột biến”.

TS Phương theo dõi tình hình phát triển giống lúa thử nghiệm tại trạm nghiên cứu của mình. Ảnh:D.T.H.

Tại trạm nghiên cứu lúa của anh (hợp tác với Tổ chức JICA- Nhật và Viện Nông nghiệp Việt Nam) xây trên miếng đất rộng 3ha tại ấp Phú Tức, xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng), TS Phương đem ra mấy gói hạt giống được cất giữ cẩn thận rồi giải thích: “Đây là giống mới của Ấn Độ, trầy trật lắm mới đem về được từ Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI).

Nó có tên là Basmati. Đặc điểm của nó là hạt dài, gấp đôi hạt lúa của mình. Người Ấn Độ đang bán gạo này với giá 1.000 USD/tấn. Nếu lai tạo Basmati với giống địa phương, cải thiện cho phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở ĐBSCL, chúng ta sẽ có loại lúa cho ra hạt gạo vừa dài, vừa thơm, vừa chịu mặn, vừa cho năng suất cao”.

Dẫn chúng tôi ra khu nhà lưới, nơi có đủ loại giống đang thử nghiệm, anh nói tiếp: “Trong đó có “Basmati Sóc Trăng” đó, đã lai được vài lứa rồi.

Tui lợi dụng đặc tính hạt dài, dáng đẹp của nó lai với mấy “thằng” kháng đạo ôn, giỏi chịu mặn của mình. Kết quả là đã có lứa hạt dài hơn Basmati gốc từ 5-10%. Chịu mặn thì cũng được rồi, có thể trồng trên nước có độ mặn 2‰, nhưng chất lượng và năng suất chưa bằng lúa bình thường nên cần nghiên cứu theo dõi thêm, dự kiến khoảng 2-3 năm nữa mới cho ra đại trà”.

Hiện nay, nhóm nghiên cứu của TS Phương đã chọn được giống thơm cao sản đạt được giá xuất khẩu 1.000 USD/tấn, cao hơn gạo trắng thường 30% và ít biến động. Đó là các dòng ST 21, ST 22, ST 23...

CON ĐƯỜNG “ĐỘT BIẾN”

Sinh năm 1966, TS Phương tốt nghiệp ĐH Cần Thơ năm 1989 với đề tài nghiên cứu về sinh lý cây lúa. Năm 2001 anh về Sở NN&PTNT Sóc Trăng, vừa công tác anh vừa tiếp tục học thạc sĩ, chuyển qua nghiên cứu về đặc tính di truyền của cây lúa.

Năm 2003, anh hoàn thành luận án thạc sĩ với đề tài “Di truyền mùi thơm và chọn tạo giống lúa chất lượng cao”. Năm 2005, anh bắt đầu nghiên cứu sinh và dấn thân vào hành trình ứng dụng đột biến để chọn tạo giống lúa.

Giải thích về “đột biến”, TS Phương cho biết: “Nói nôm na là biến đổi cái bình thường thành bất thường một cách đột ngột và đem cái lợi của nó cho người dân. Từ nhiều năm qua, dân mình đã quen nhu cầu “ăn no” nên giống lúa có năng suất cao là được. Nhưng năng suất cao mà ăn dở, giá thấp, dễ bị sâu bệnh thì cũng như không.

Trong khi bây giờ dân mình đã hướng tới “ăn ngon”, nước ngoài người ta cũng kiếm gạo ngon để ăn, giá cao mấy cũng mua. Nếu mình không có “đột biến” thì lúa mình ế, nông dân được mùa mất giá dài dài”.

Thời điểm đó, tỉnh Sóc Trăng đang có nghị quyết “ổn định sản lượng lúa hằng năm ở mức 1.600.000 tấn, tỉ trọng lúa đặc sản ngày càng cao”, TS Phương cùng các đồng sự ở Sở NN&PTNT được giao nhiệm vụ nhanh chóng tìm ra giống lúa mới vừa có năng suất vừa chất lượng cao.

Từ những giống Khao Dawk Mali (KDM) ban đầu tỉnh mua để đầu tư vào vùng phèn mặn Vĩnh Châu, anh và các đồng sự ứng dụng phương pháp đột biến, lai tạo với các giống địa phương cho ra giống lúa mới, đặt tên là ST (tức Sóc Trăng). Giống lúa này đạt năng suất bình quân 5,5-6 tấn/ha, có mùi thơm nhẹ, đặc biệt trồng được trên vùng đất nhiễm mặn ven biển và bán có giá.

Khi những giống mới đầu tiên xuất hiện, đã có không ít lời bàn tán từ một số nhà khoa học đầu đàn. Có người khuyến cáo: lai tạo lúa thơm chỉ là thành công bước đầu, nhưng về lâu dài khó bán được vì thị trường hạn hẹp và đầy rủi ro... Nhưng với sự ủng hộ hết lòng của lãnh đạo tỉnh, TS Phương và nhóm nghiên cứu vẫn quyết tâm đi trên con đường của mình.

Với sự ra đời của giống lúa ST, lợi nhuận của nông dân tăng thấy rõ. Số liệu của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng cho biết từ năm 2010 đến 2013, với tổng diện tích lúa thơm qua bốn năm là 222.000ha, nông dân có thêm lợi nhuận hơn 1.000 tỉ đồng, bình quân mỗi hecta tăng thêm 8 triệu đồng.

Đời sống nông dân vùng chuyên canh lúa thơm được nâng cao, bà con có tiền xây nhà ngói, mua sắm thiết bị để hiện đại hóa sản xuất. So ra 1ha lúa thơm ST lời 30 triệu đồng, trong khi lúa OM 6976 chỉ lời 7 triệu đồng.

Năm 2011, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống lúa thơm phục vụ nội tiêu và xuất khẩu”. Lúc này, lúa thơm Sóc Trăng đã được đánh số từ ST1 đến ST20.

Cùng với nỗ lực của các đồng sự, của những nông dân gắn kết thực tiễn trên đồng, lúa thơm ST được xây dựng thương hiệu và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Gạo thơm ST”. Thương hiệu này ngày càng được khách hàng ưa chuộng, đặc biệt là xuất khẩu. Có lúc giá gạo ST bán ra nước ngoài đạt mức 950 USD/tấn, ngang giá gạo cao cấp của Thái Lan.

Trong lúc chúng tôi đi thực tế viết bài này, ở Sóc Trăng đang xảy ra câu chuyện lạ. Số là hồi đầu mùa, các doanh nghiệp ký hợp đồng với nông dân sẽ mua lúa thơm ST21 với giá 5.400 đồng/kg. Tới lúc thu hoạch, thời điểm tháng 3-2015, khi nông dân các tỉnh khác điêu đứng vì lúa ế, giá thấp không bán được thì ở Sóc Trăng thương lái và doanh nghiệp giành giật nhau mua lúa ST21, đẩy giá tăng từ 6.200 lên 6.400 đồng/kg, lúc cao điểm lên tới 7.000 đồng/kg.

Có doanh nghiệp như ngồi trên lửa vì thời hạn giao hàng cho khách (nước ngoài) đã sắp hết. Để tranh mua, một số thương lái “đi đêm” với nông dân, cử ra nhiều “cò” âm thầm thương lượng mua lúa giá cao, thậm chí dụ dỗ bà con “bẻ kèo” hòng kéo được nguồn hàng về mình. Các doanh nghiệp do lo sợ nông dân bán cho thương lái nên chạy đôn chạy đáo năn nỉ bà con giữ chữ tín, “làm ăn năm này còn năm khác”.

Trong khi lúa gạo bên ngoài nóng bỏng, bên trong trạm nghiên cứu lúa TS Phương và nhóm đồng sự vui vẻ đúc kết: “Cuộc đời làm giống lúa của mình sướng nhất là lúc này, làm ra được cái gì mà người ta giành giật nhau mua thì mình sướng quá. Đây không phải lần đầu tiên. Những năm 2008-2011, giá lúa ST5 khi đó đã là 6.500-7.350 đồng/kg, lúc nào cũng cao hơn lúa thường và bán đắt như tôm tươi”.

Cây lúa thơm ST xanh tốt trên đồng lúa - tôm xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên. Ảnh:D.T.H.

CHUẨN BỊ GIỐNG LÚA ỨNG PHÓ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Trong trạm của TS Phương có vài chậu lúa cây cao như lúa ma (còn gọi là lúa nổi, lúa trời) đang trổ bông. Trong các chậu có loại đựng đất phèn vàng lườm, có loại đất mặn đỏ quạch, khô cằn, nứt nẻ.

Vậy mà cây lúa đứng trên đó vững trân, sống khỏe và còn trổ bông. TS Phương cho biết đang thử nghiệm giống lúa chịu độ mặn tới 4-5‰ và chịu ngập sâu tới 2-3m để phòng khi nước biển dâng cao, đồng ruộng ngập mặn sâu.

“Với niềm đam mê khoa học, chịu khó tìm tòi, sáng tạo, TS Phương có đủ tố chất để đeo đuổi con đường lai tạo di truyền giống lúa của tổ nghiệp” - kỹ sư Hồ Quang Cua, phó chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng, nhận xét. Riêng ông Trần Văn Chính, nông dân xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, cho rằng “lúa thơm ST của ông Cua và ông Phương đã giúp nông dân tụi tui đổi đời. Từ chỗ chỉ nuôi được một vụ tôm bấp bênh, không trồng lúa được, nay nông dân chúng tôi sung túc, khá giả là nhờ lúa thơm ST. Chẳng những thu được lúa, tụi tui còn nuôi được tôm”.

Anh sử dụng giống lúa ma thời xưa mọc ở vùng Đồng Tháp Mười, sống nương theo con lũ ngập cao 2-3m nước. Anh lai tạo lúa ma với lúa chịu mặn địa phương, cho chúng sống trong điều kiện độ mặn tăng dần. Hiện nay lúa đã sống được trong độ mặn 3-4‰, tương đương giống quốc tế, nhưng anh vẫn tiếp tục lai cho tới khi nào có giống chịu hạn, mặn, ngập mà năng suất cao, có mùi thơm như ST mới mãn nguyện.

TS Phương phân tích: “Biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn nên người làm khoa học cũng phải chạy tăng tốc để “đua” với nó. Tới khi chỗ mình đứng (huyện Mỹ Tú) độ mặn lên 4‰ là lớn chuyện rồi đó nghen!”.

Nói về việc đoạt giải thưởng thành tựu xuất sắc của Viện Năng lượng nguyên tử quốc tế, TS Phương cho biết từ năm 2009 nhóm của anh đã hợp tác với viện này thông qua Viện Năng lượng nguyên tử Đà Lạt. Công việc của anh là sử dụng đột biến để lai tạo giống lúa chịu mặn.

Phần lớn các giống ST đều có ứng dụng đột biến nên kết quả này được đánh giá là thiết thực, đáp ứng nhu cầu thị trường, có chuỗi giá trị gia tăng dài, đem lại lợi ích cho cộng đồng. Đợt này Việt Nam có ba giải, trong đó Sóc Trăng có một giải dành cho hai cá nhân là kỹ sư Hồ Quang Cua và TS Phương.

Trong đó, TS Phương là người nghiên cứu, lai tạo giống mới, còn kỹ sư Cua là người định hướng nghiên cứu rồi chuyên lo tuyển chọn giống xuất sắc nhất nhân ra, phổ biến, thuyết phục, hướng dẫn kỹ thuật và tổ chức cho nông dân trồng trên vùng chuyên canh, diện tích lớn.

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận