​Nhà báo và mạng xã hội, một vụ xìcăngđan

PHAN XUÂN LOAN 31/12/2014 10:12 GMT+7

TTCT - Ngày 20-11, tổng giám đốc Đài phát thanh “Tiếng vọng Matxcơva” (Echo Moskvy) Y. Pavlova đã bãi bỏ quyết định sa thải nhà báo Aleksander Pliushev của đài trong một xìcăngđan nhà báo và mạng xã hội.

Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn truyền thông Gazprom-Media Mikhail Lesin (trái) và tổng biên tập A. Venediktov tại cuộc gặp dài bốn giờ với các nhà báo Echo Moskvy hôm 18-11 *Ảnh nhỏ: nhà báo Pliushev - Ảnh: Meduza
Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn truyền thông Gazprom-Media Mikhail Lesin (trái) và tổng biên tập A. Venediktov tại cuộc gặp dài bốn giờ với các nhà báo Echo Moskvy hôm 18-11 *Ảnh nhỏ: nhà báo Pliushev - Ảnh: Meduza

Echo Moskvy là một trong những phương tiện truyền thông đối lập lớn ở Nga.

Thỏa thuận về việc rút lại lệnh sa thải nhà báo A. Pliushev đạt được một ngày trước đó giữa tổng biên tập Echo Moskvy là Aleksei Venediktov và chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn truyền thông Gazprom-Media Mikhail Lesin mà Đài Echo trực thuộc.

Gazprom-Media là công ty truyền thông, nắm 66% cổ phần của đài phát thanh đối lập Nga Echo Moskvy. Gazprom-Media do Ngân hàng Gazprom, cánh tay tài chính của tập đoàn dầu khí nhà nước Nga Gazprom, sở hữu. Nhiều thay đổi đã diễn ra trong Tập đoàn Gazprom-Media sau khi Mikhail Lesin, nguyên bộ trưởng truyền thông Nga (từ 2004-2009), về làm chủ tịch hội đồng quản trị từ tháng 10-2013. M. Lesin còn được biết như kiến trúc sư của việc thành lập kênh truyền hình quốc tế Russia Today (RT) do Kremlin tài trợ. Tuy nhiên, từ ngày 19-12, Lesin đã từ chức chủ tịch hội đồng quản trị Gazprom-Media vì “lý do gia cảnh”.

Nhà báo A. Pliushev bị sa thải từ hôm 6-11 theo đề nghị của chủ tịch Mikhail Lesin. Lý do là trên blog của mình hôm 5-11, A. Pliushev bình phẩm về cái chết của Aleksandr Ivanov, 37 tuổi, con trai trưởng của chánh văn phòng tổng thống Nga, nguyên phó thủ tướng chính phủ và bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Ivanov. 

(Aleksandr Ivanov là phó chủ tịch điều hành Ngân hàng Kinh tế đối ngoại Nga. Hôm 3-11, trong một chuyến du lịch cùng gia đình tới Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, A. Ivanov chết đuối khi cứu con gái bị hụt chân.

Trước đó, năm 2005, A. Ivanov từng gây tai nạn giao thông làm chết một phụ nữ 68 tuổi. Hồ sơ hình sự đã được khởi tố, nhưng nửa năm sau cuộc điều tra có hai bằng chứng trực tiếp bỗng nhiên biến mất. Cuối cùng, hồ sơ bị khép lại với kết luận của cảnh sát là lúc xảy ra tai nạn A. Ivanov tỉnh táo và không chạy quá tốc độ, “không có khả năng về kỹ thuật ngăn việc đâm chết người khách qua đường”).

Vì câu chuyện này nên khi A. Ivanov chết, nhà báo Echo A. Pliushev đặt câu hỏi trên trang Twitter cá nhân: “Các bạn có cho rằng cái chết của A. Ivanov, từng đâm ôtô chết một bà cụ, cho thấy có Thượng đế hoặc chí ít là có công lý tối thượng?”. Chủ tịch hội đồng quản trị M. Lesin đã đề nghị tổng biên tập của Pliushev là ông A. Venediktov yêu cầu Pliushev rút lại các bình luận này vì “không đạo đức”.

Tổng biên tập Echo Moskvy A. Venediktov từ chối thực hiện đề nghị trên, dù thừa nhận chính mình cũng thấy phản cảm với twitt của Pliushev. M. Lesin bèn lệnh cho tổng giám đốc Gazprom-Media Y. Pavlova sa thải Pliushev.

Tổng biên tập Venediktov phản đối, cáo buộc lệnh sa thải của M. Lesin không đúng luật do theo quy định của đài, quyền sa thải nhà báo thuộc tổng biên tập. Cuối cùng, ông M. Lesin phải ngồi lại với ban biên tập và các nhà báo Echo trong một cuộc thương lượng gay cấn suốt bốn giờ ngày 18-11 để tìm giải pháp.

“Tiền lệ Lesin - Venediktov”

Kết quả cuộc họp là hai bên đều phải nhượng bộ, được báo chí Nga đặt tên là “tiền lệ Lesin - Venediktov”. 

Theo đó, hai bên nhất trí lập ra một nhóm công tác để thảo ra bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà báo của toàn bộ Tập đoàn Gazprom-Media.

Về phần tổng biên tập sẽ có các điều khoản bổ sung trong hợp đồng lao động để nâng cao trách nhiệm cá nhân tổng biên tập trước những thông tin nhân viên mình lan truyền trên các phương tiện truyền thông. Đối với nhà báo Pliushev, quyết định sa thải được rút lại và ông chỉ bị trừng phạt nhẹ: không được lên sóng hai tháng cho đến ngày 15-1-2015.

Những kinh nghiệm nào có thể tham khảo từ câu chuyện này?

Trước tiên là ý kiến của chủ tịch hội đồng quản trị M. Lesin giải thích thái độ cương quyết của ông đối với hành động của nhà báo Pliushev, đăng trên tờ Báo mới của Nga (http://www.novayagazeta.ru/politics/66107.html)như sau:

“Phản ứng tiêu cực mạnh mẽ của tôi chính là vì phát biểu cuối cùng của ông ta (Pliushev)... Không được lẫn lộn riêng tư và nghề nghiệp... Dù A. Ivanov là gì đi nữa thì vẫn có những khái niệm như gia đình, vợ con, sức khỏe, cái chết (cần được tôn trọng)...

... Tôi bùng nổ ngay sau cái twitt thứ ba. Đầu tiên tôi gọi cho A. Venediktov vào buổi sáng (6-11) khi thấy cái twitt của Pliushev về cái chết của Ivanov trên trang web của Echo. Tôi nói với Venediktov: “Cho tháo xuống đi, Lesh”. Ông ta đáp không đọc blog và không chơi Twitter.

Sau cuộc nói chuyện này một lúc, xuất hiện lời xin lỗi mỉa mai của Pliushev: lời xin lỗi viết trong hình thức câu hỏi! Và 30 phút sau là cái twitt thứ ba của Pliushev, viết: “Thôi được, khi đó chúng ta sẽ đặt câu hỏi theo kiểu khác”.

Không chịu đựng được nữa, tôi gọi A. Venediktov: “Lesh, không thể được. Hoặc là ông phải nhận trách nhiệm cho các nhà báo vì tư cách đạo đức của họ, hoặc là không, và trong trường hợp này tôi phải sa thải cả ông”. 

M. Lesin cho biết ông đã được các luật sư của mình cảnh báo ông có thể bị kiện ra tòa vì lệnh sa thải Pliushev và sẽ thua, nhưng “tôi cố tình làm điều đó để đánh động nhà đài, với những ai quanh tôi rằng việc đó (bình phẩm về người đã chết) không tử tế chút nào”.

Tại cuộc gặp ngày 18-11 với các nhà báo và tổng biên tập Echo Moskvy, khi các nhà báo khẳng định các twitt hay blog là không gian cá nhân nên không thể bị luật lệ công ty chi phối, thì M.

Lesin đặt câu hỏi: “Thế thì tại sao các blog này lại nằm trên trang web của Echo Moskvy? Tại sao Echo Moskvy tích cực sử dụng Twitter và các mạng xã hội có tính riêng tư khác cho hoạt động nghề nghiệp của mình? Vì lý do này mà M. Lesin cho rằng quyết định của ông tuy “không hợp luật nhưng đúng”!

“Quyền Pliushev”?

Nói với báo chí sau đó, tổng biên tập Echo Moskvy A. Venediktov khẳng định “không có ai là người chiến thắng” trong vụ lùm xùm này và mỗi bên đều phải nhượng bộ.

A. Venediktov cho biết đã đích thân xin lỗi cha của nạn nhân, ông Sergei Ivanov, “không phải bằng điện thoại mà chia buồn cùng ông trên sóng. Trong đời, chúng ta đã tạo ra quá nhiều điều quái đản, bất cẩn, mà nếu mỗi người chúng ta nhìn lại cuộc đời của mình chỉ trong tuần vừa qua, bạn sẽ phát hiện nhiều (sai sót). Nói chi trong phạm vi cộng đồng”.

Tuy nhiên ông phản đối việc lập ra các nhóm mà ông gọi là “cảnh sát nội bộ và cảnh sát đạo đức” vì khi đó Venediktov cho rằng “tôi sẽ là người đầu tiên không sống nổi”!

Venediktov chỉ đồng ý đưa vào điều lệ của đài các quy tắc hướng dẫn ứng xử trên mạng xã hội. Ông khẳng định chuyện này là mới ở Nga nhưng tại các cơ quan thông tấn phương Tây như AP (Mỹ) hay Reuters (Anh) đã có những hướng dẫn này.

Chẳng hạn, Venediktov nói AP quy định phải dẫn nguồn cả trên các tài khoản cá nhân nếu một nhà báo đưa lại thông tin từ mạng xã hội. Nếu không, “dư luận sẽ hiểu là bạn đồng tình với nội dung này và điều đó có thể gây thiệt hại cho công ty vì mọi người biết bạn làm việc ở đây. Quy định này không cấm đưa lại twitt, nhưng phải nêu rõ đó không phải là quan điểm của bạn”. 

Venediktov đơn cử thêm: “Giả sử một nhà báo nổi tiếng của Echo viết các twitt có nội dung (ủng hộ) phát xít. Dù nhà báo này viết trên tài khoản cá nhân, nhưng tất cả đều biết anh ta làm việc cho Echo Moskvy nên điều đó sẽ ảnh hưởng xấu lên công ty.

Vì vậy cần có các chuẩn mực để các nhà báo “tự giới hạn”. Và vì đây là việc chưa từng có tiền lệ ở Nga nên ông không loại trừ sẽ có một quy định mang tên “quyền Pliushev”, cũng tương tự sau vụ án Miranda thì ở Mỹ có “quyền Miranda” vậy (quyền im lặng để tự bảo vệ).

Bà Lauten (ảnh nhỏ) đã bình phẩm vẻ mặt hai con gái Tổng thống Obama tại lễ Tạ ơn...
Bà Lauten (ảnh nhỏ) đã bình phẩm vẻ mặt hai con gái Tổng thống Obama tại lễ Tạ ơn...

Giám đốc truyền thông cũng sẩy chân

Người thường đã phải thận trọng, người nổi tiếng hoặc có chức trách cần phải thận trọng nhiều lần hơn với mạng xã hội. Đó là kinh nghiệm từ giám đốc truyền thông của nghị sĩ Cộng hòa Stephen Fincher (bang Tenessee), bà Elizabeth Lauten. 

Trong một bình luận trên Facebook về tấm ảnh chụp gia đình ông Obama nhân lễ Tạ ơn ngày 27-11 vừa qua tại Nhà Trắng, bà Lauten đã “lên lớp” hai cô con gái 13 và 16 tuổi của tổng thống Mỹ về trang phục và vẻ mặt buồn chán của họ: “Sasha và Malia thân mến, tôi đồ rằng hai cô đang trong những năm tháng kinh khủng của tuổi teen, nhưng hai cô là một phần của gia đình số 1 nên phải biết thể hiện một chút đẳng cấp”.

Không dừng lại ở đó, giám đốc truyền thông còn khuyên các cô gái phải “ăn mặc sao cho xứng chứ không phải như để đi bar”...

Bình luận của bà Lauten đã gây bão mạng. Công dân mạng cho rằng bà Lauten “bắt nạt trên mạng”, quá trớn vì đề tài về con cái tổng thống “là vùng cấm”. Ngay trong ngày hôm đó (27-11), bà Lauten đã tháo bình luận xuống, viết xin lỗi trên Facebook “sau nhiều giờ cầu nguyện, trò chuyện cùng cha mẹ, đọc lại lời lẽ mình trên mạng và hiểu rõ chúng gây tổn thương thế nào”.

Ba ngày sau, 1-12, bà Lauten vừa khóc vừa xác nhận với Đài ABC (Mỹ) quyết định xin thôi công việc giám đốc truyền thông.

_________

Kỳ cuối: đọc hiểu truyền thông

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận