​Các James Bond ngoài đời

LÊ QUANG 10/12/2014 13:12 GMT+7

TTCT - Một trong những vụ xung đột ngoại giao tai tiếng nhất từ khi đổ tường Berlin bất ngờ chuyển hướng: nữ tình báo cao cấp của Nga Heidrun Anschlag nhận án tù 5 năm 6 tháng từ hè năm 2013 đột ngột được thả về Nga.

Heidrun (trái) và Andreas Anschlag - Ảnh: DPA
Heidrun (trái) và Andreas Anschlag - Ảnh: DPA

Theo nguồn tin của nhật báo Die Welt, đầu tháng 3 năm nay đại sứ Liên bang Nga ở Berlin, Vladimir M. Grinin, bí mật đón tiếp một đại diện của Nhà nước Đức.

Căn phòng chống nghe lén nằm trong tòa nhà đại diện ngoại giao ở gần cổng Brandenburg lịch sử, từ đây có thể quan sát dòng người đổ về cửa khẩu cách đây 25 năm, khi cả hai miền Đông và Tây Berlin về danh nghĩa còn nằm dưới sự quản lý của bốn nước thắng trận.

Cũng từ đây, chỉ đi chừng nửa tiếng tàu điện nội đô là có thể đặt chân lên cây cầu Glienicker Bruecke huyền thoại 300 năm tuổi, nơi hai phe đối đầu trong Chiến tranh lạnh vẫn trao đổi điệp viên của mình và cảnh đó được miêu tả lại trong nhiều phim tình báo ấn tượng. 

Một đề nghị kịch tính

Khi về Nga, không biết vợ chồng Anschlag có hạnh phúc? Suốt đời mình, họ đã phải lừa dối hàng xóm, bạn bè, người thân và cả con gái mình. Maria con họ nay là sinh viên, và là nạn nhân của tấm lý lịch bịa, với bậc phụ huynh được coi là lớn lên ở Nam Mỹ mà chẳng ai biết chắc. Cô sống một thời ấu thơ không có ông bà, không cô chú, không anh chị em họ. Và cô cứ tưởng mình là một người Áo sống trên đất Đức, nhưng hộ chiếu của bố mẹ cô là giả. Cô có nguồn gốc sinh học Nga nhưng không nói được một chữ Nga nào... 

Nhưng hôm nay, thay cho phim ảnh là một cuộc chạm trán cam go ngoài đời. Cuộc thảo luận xoay quanh một đôi vợ chồng người Nga đang bị tạm giam để tra cứu nghi vấn làm gián điệp. Cho đến khi bị bắt, đôi vợ chồng Heidrun và Andreas Anschlag đã sống ngót một phần tư thế kỷ với hộ chiếu Áo trên đất Đức.

Trong các cuộc thẩm vấn, họ không phát biểu gì nhiều, chỉ công nhận có quốc tịch Nga hay đúng hơn là Liên Xô trong lịch sử.  

Dĩ nhiên không ai biết hết những nội dung gì được đem lên bàn thương lượng, ngoài một chi tiết đã được truyền thông Đức công khai trước đây vài giờ: người Đức mời Chính phủ Nga một thỏa thuận tế nhị, gần như trong phim, cụ thể là đổi vợ chồng Anschlag lấy hai nhân vật “nhẹ ký” đang ngồi sau song sắt Nga, đó thậm chí không phải người Đức mà là công dân Nga.

Tuy nhiên Berlin muốn xòe tay che chở vì trong quá trình tác nghiệp cho một hãng thông tấn thân Đức họ đã cung cấp nhiều tin tức “có ích” cho Berlin. 

Đại sứ Grinin chăm chú lắng nghe nhưng ông chỉ có thể im lặng, vì một sự việc tầm cỡ này chắc chắn phải do Điện Kremlin quyết định. Phía Đức không ngạc nhiên, họ đợi mấy tháng liền cho đến khi buộc phải đưa ra tối hậu thư. Vì một khi cơ quan công tố tối cao của Đức đã viết xong cáo trạng thì Chính phủ Đức không còn chỗ để lùi nữa.   

Đổ bể - theo đúng kế hoạch

Bản cáo trạng 137 trang được chánh công tố Harald Range trình tòa hôm 14-9, và báo Die Welt có trong tay bản sao hầu như không bị cắt xén. Vậy là cuộc trao đổi đổ bể cho dù theo báo Kommersant của Nga thì chính quyền Nga làm ra vẻ rất sốt ruột muốn chấm dứt sớm vụ này.

Theo tinh thần cáo trạng được tòa án khẳng định, đôi vợ chồng Anschlag có một cuộc sống hai mặt khá hoàn hảo trong ngót 25 năm, và họ đã đưa về cơ quan tình báo nước ngoài Foreign Intelligence Service của Nga hàng trăm bộ tài liệu quan trọng về hoạt động của Liên minh châu Âu, hoạt động ở Afghanistan cũng như các kế hoạch tái cơ cấu quân đội Nato. 

Nghe toàn những chuyện động trời, song các phương cách truyền tin thì như... của thế kỷ trước, nhưng cũng có thể chính vì vậy mà vợ chồng Anschlag không bị lộ suốt chừng ấy năm, trước khi cơ quan phản gián Đức được mật báo từ Mỹ.

Họ phát hiện vợ chồng Anschlag chuyên thu dữ liệu vào USB rồi chôn ở nơi quy định, ngoài ra thường xuyên nhắn tin mã hóa song lại tải công khai lên mạng ở dạng lời bình luận dưới clip bóng đá trên YouTube!   

Viện công tố liên bang rốt cuộc cũng tìm ra một cách thỏa hiệp. Chiếu theo điều 456a thủ tục tố tụng hình sự Đức, bị can là người nước ngoài sau khi ngồi tù nửa thời hạn thì có thể nộp phạt để được trao trả về chính quốc.

Tờ Spiegel cho biết cơ quan thi hành án của tòa án cấp bang ở Stuttgart đã tính ra mức tiền phạt ngoài việc phạt giam vợ chồng Anschlag, đó là án phí cộng với tổng số thu nhập bất chính được phỏng đoán theo chế độ trả lương đặc vụ ở Nga!

Heidrun Anschlag phải nộp ngót nửa triệu euro tiền phạt cho cả hai vợ chồng. Như tạp chí Spiegel nghe ngóng trong giới tình báo, “không thể hình dung ra” nguồn tiền nào khác, ngoài nguồn từ Matxcơva. Và Matxcơva không hề muốn trao đổi tù binh, mà theo nhận định của tờ Welt am Sonntag số 23-11-2014, đặt nhiều hi vọng vào phiên xử công khai.

Theo đúng bản chất xét xử mang quy định nhà nước pháp quyền, mọi kết quả điều tra đều phải được công bố trong phiên thẩm vấn miệng! Nói cách khác là nhà nước pháp quyền đã tự nguyện đưa ra một bản tổng kết chi tiết và Foreign Intelligence Service Nga chỉ việc dỏng tai lên nghe để biết vì sao nhân viên của họ bị lộ, rồi cố gắng rút kinh nghiệm!   

Matxcơva nói gì?

Hollywood không dựng phim mới lạ: ngày 18-10-2011, cảnh sát Đức trang bị tận răng tấn công một ngôi nhà nhiều hộ tại thành phố Marburg đang ngái ngủ, và bắt quả tang một phụ nữ đang nhận tin mã hóa qua sóng ngắn, có vẻ từ Matxcơva, như báo cáo từ viện công tố. Đối tượng là Heidrun Anschlag, 45 tuổi.

Cùng lúc, ở miền nam Đức, người chồng 51 tuổi của bà là Andreas Anschlag cũng tra tay vào còng. 

Họ bị buộc tội đã làm gián điệp cho cơ quan tình báo Nga Foreign Intelligence Service. Đây là lần đầu tiên phát hiện mật vụ của Kremlin từ khi thống nhất nước Đức, và phản ứng đầu tiên của Nga cũng dễ hiểu: các cơ quan truyền thông Nga nhạo báng Berlin “diễn xiếc cho đám khách ngán ngẩm”.

Thực tế là vụ bê bối này sẽ làm vẩn đục quan hệ Nga - Đức vốn chính thức được đánh giá là hữu hảo, tuy nhiên những năm gần đây dậy nhiều sóng ngầm dưới đáy.

Trước vụ bắt vợ chồng Anschlag, biên phòng Nga chặn không cho một số chuyên gia Đức nhập cảnh mà không nêu lý do. Berlin thì im lặng, bối rối trước tin thủ tướng Putin dự định quay lại ghế tổng thống trong tương lai. Foreign Intelligence Service không lên tiếng.

Giới truyền thông Nga nỗ lực xóa ấn tượng là cơ quan tình báo Nga sau vụ lộ một loạt nhân viên ở Hoa Kỳ hồi năm 2009 nay bị giáng thêm một đòn khá nặng. Tờ Isvestia (Nga), được coi là thân chính phủ, cho biết “vợ chồng Anschlag đã về hưu non từ lâu”.

Có lẽ cũng nên nhớ lại: thoạt tiên giới thông tin Nga cũng phản ứng hệt như vậy khi nhóm tình báo của người đẹp Anna Chapman bị lộ hồi năm 2009 ở Mỹ.

Trụ sở cơ quan tình báo Nga
Trụ sở cơ quan tình báo Nga

“Rất có mùi Foreign Intelligence Service Nga”

Cho đến ngày Heidrun Anschlag ra tù, tòa án Đức vẫn chưa biết gì chắc chắn về đôi vợ chồng này. Theo lời tự khai, Andreas Anschlag sinh ở Argentina, lớn lên ở Áo, nhập cư vào Đức năm 1988 theo tường thuật của Spiegel. Nơi sinh của vợ ông ta là Peru.

“Nhìn các dây nối tới châu Mỹ Latin, quả là rất có mùi Foreign Intelligence Service Nga” - chuyên gia về tình báo Nga Andrey Soldatov nhận định.

Các nhân viên dưới quyền Anna Chapman cũng đều mang xuất xứ Nam Mỹ khi hoạt động tại Hoa Kỳ. Họ chỉ bị lộ khi một sĩ quan tình báo cao cấp Nga đào ngũ và được Mỹ mua chuộc với 55 triệu USD.

“Mary, em hãy bình tĩnh đón nhận quyết định của anh. Anh đi đây, không phải đi công tác, mà mãi mãi” - đó là tin nhắn chia tay đã thành huyền thoại của thượng tá Alexander Poteyev, vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ thuộc Foreign Intelligence Service Nga.

Một tòa án Matxcơva đã tuyên án vắng mặt Poteyev 25 năm tù. 

Tuy nhiên chuyên gia Soldatov không tin các phỏng đoán từ truyền thông Nga rằng Poteyev đã khai tên vợ chồng Anschlag, “vì họ không nằm trong danh sách do Poteyev quản lý”. Ông cũng phủ nhận khả năng vợ chồng Anschlag thường xuyên bắt liên lạc với Anna Chapman, người hiện đang dẫn một chương trình truyền hình và làm khách mời đắt giá cho mọi cuộc vui.

Với trí thông minh khá hạn chế ấy, như Soldatov nhận định, cô ta không thể giật dây một mạng lưới tình báo toàn cầu. “Chắc chắn đây là tin vịt có chủ ý” - Soldatov cả quyết. Có trời mới biết sự thật!  

Cái giá phải trả của một điệp viên

Ở đây ta không nói đến những áp lực tinh thần, những nguy hiểm rình rập thường trực trong nghề, và những ngày tù nếu sa lưới. Hãy để luật sư của Andreas Anschlag lên tiếng từ góc nhìn của mình, khi ông tâm sự với phóng viên tờ báo chủ nhật Welt am Sonntag. 

Luật sư Horst-Dieter Poetschke, một ông già trán hói và ưa mặc complet nhiều màu, là một ngôi sao trong nghề mình. Ông chuyên làm thầy cãi cho điệp viên. Thật ra công việc ấy cũng xưa rồi, từ khi còn Chiến tranh lạnh và thân chủ của ông là nhân viên KGB hay Bộ An ninh Đông Đức Stasi. Và đột nhiên ông nhận việc bảo vệ Andreas Anschlag.

Không chỉ thế, Welt am Sonntag còn biết là ông được chọn tham dự vụ trao đổi đặc vụ (bất thành). Phản ứng của ông: “Chắc không ai mong đợi tôi khẳng định hay phủ nhận tin đó chứ?”. Hỏi: “Ông đã nói chuyện với đại sứ quán Nga về vụ này?”. Trả lời: “Tôi không trả lời câu này”. Hỏi: “Ai mời ông vào vụ này?”. Trả lời: “Do gặp may”. Hỏi: “Foreign Intelligence Service có dính gì đến vụ này không?”. Dĩ nhiên không có câu đáp.   

Poetschke đại diện một nguyên tắc: điệp viên không phải tội phạm mà là triết gia, họ hành động trên lập trường cơ bản mang mục đích phụng sự lý tưởng: “Có thể điệp viên không hẳn là người tốt, nhưng là người đặc biệt”.

Trái với chánh công tố Range, luật sư Poetschke không thấy lý do gì để trừng phạt thân chủ mình. Và nói chung Anschlag là nạn nhân. “Ông ấy không chỉ phải sống 25 năm ở đất khách quê người. Ông ấy phải cưới xin với tên giả, sinh con dưới tên giả. Quá khủng khiếp!”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận