Căng thẳng Hong Kong:  Dân chủ và kiến chế

CẢNH CHÁNH 15/10/2014 09:10 GMT+7

TTCT - Cuộc biểu tình của người dân đặc khu hành chính Hong Kong vì mục tiêu ban đầu là bầu cử phổ thông đầu phiếu vẫn chưa tìm được tiếng nói chung với nhà cầm quyền đặc khu và Bắc Kinh, dù đã có một số nhân nhượng.

Sinh viên tháo dỡ rào cản trên đường đến các văn phòng đặc khu Hong Kong sáng 6-10 - Ảnh: N.C.T
Sinh viên tháo dỡ rào cản trên đường đến các văn phòng đặc khu Hong Kong sáng 6-10 - Ảnh: N.C.T

TTCT thử nhìn lại căng thẳng Hong Kong (HK) từ chính những người trong cuộc: báo chí Trung Quốc (TQ) và HK. 

Hiện có thể kể ba lực lượng chính trong số những nhóm, tổ chức tham gia biểu tình. 

Người tham gia biểu tình là ai?

Liên đoàn Học sinh sinh viên Hong Kong (HKFS) là tổ chức học sinh lớn nhất, lâu đời nhất của HK, do hội học sinh tám trường đại học, cao đẳng thành lập từ năm 1958. Tổng thư ký hiện nay của HKFS là Chu Vĩnh Khang. Mục đích: tăng cường đóng góp của học sinh đối với xã hội, phương châm hoạt động là “Nhìn ra thế giới, quan tâm xã hội, xây dựng TQ dân chủ, tranh đấu cho quyền lợi của học sinh sinh viên”. 

Ngay từ tháng 3-2012, HKFS từng tổ chức biểu tình phản đối việc bầu trưởng đặc khu trong phạm vi hẹp, đến tháng 9 cùng năm bãi khóa biểu tình phản đối chính quyền đặc khu triển khai môn giáo dục quốc dân và đạo đức trong hệ thống các trường tiểu học, trung học. 

Hai là lực lượng Học dân tư trào (Phong trào tư tưởng học sinh công dân) với một trong những lãnh đạo là sinh viên 17 tuổi Huỳnh Chi Phong (Joshua Wong), được hình thành vào năm 2011.

Nguyên nhân là vào giữa năm 2011, chính quyền đặc khu HK có ý định đưa môn giáo dục quốc dân và đạo đức vào chương trình chính khóa của các trường tiểu học và trung học, tiến hành trưng cầu ý kiến các hiệu trưởng, giáo viên, nhưng bỏ qua ý kiến của chính học sinh.

Học dân tư trào lấy phong trào học sinh sinh viên năm xưa làm tấm gương để hoạt động, theo đuổi con đường tự do tư tưởng, không yêu nước mù quáng. Mục đích hình thành ban đầu chỉ nhằm gây áp lực để chính quyền đặc khu rút lại kế hoạch đưa môn giáo dục quốc dân và đạo đức vào chương trình.

Họ tổ chức nhiều hoạt động yêu cầu chính quyền lắng nghe ý kiến các tổ chức quần chúng, nhiều lần biểu tình.

Ngày 8-9-2012, ông Lương Chấn Anh (Leung Chun-ying), trưởng đặc khu, tuyên bố nhượng bộ, cho phép các trường được tự quyết định có giảng dạy môn này hay không, bảo đảm không xúc tiến việc đưa môn này vào chương trình trong vòng năm năm tới. 

Đến năm 2013, Học dân tư trào bày tỏ quan niệm ngoài việc phản đối môn giáo dục quốc dân và đạo đức, họ còn “quan tâm đến các vấn đề xã hội khác của HK”. Cụ thể, ngày 15-4-2014, Học dân tư trào và HKFS cùng lên tiếng về việc tiếp tục kiên trì quan niệm “không thể thiếu việc công dân được quyền đề cử” đối với phương án cải cách cách bầu trưởng đặc khu năm 2017. 

Ba là phong trào chính trị Chiếm trung tâm được hình thành từ đầu năm 2013, do Đới Diệu Đình (Benny Dai Yao Tin), Trần Kiện Dân (phó giáo sư Đại học HK) và mục sư Chu Diệu Minh sáng lập.

Mục đích: phản đối phương án cải cách chính trị, từ chối lựa chọn những ứng cử viên do TQ quyết định trước; yêu cầu tiếp tục thực hiện cuộc trưng cầu ý dân, áp dụng phương án người dân đề cử danh sách ứng cử viên trưởng đặc khu.

Tuy nhiên, theo tờ Hoa Nam Buổi Sáng tiếng Hoa, có người cho rằng cuộc biểu tình lần này là phong trào tự phát, không có người lãnh đạo. Vì ngoài những lực lượng chính trên, cuộc biểu tình lần này còn xuất hiện những người tham gia phong trào xã hội cấp tiến, phong trào công dân bất tuân mệnh lệnh, họ còn có hành động quá khích để bày tỏ quan niệm chứ không phải biểu tình ôn hòa. 

Như vậy, từ các phương tiện truyền thông HK và TQ, có thể phân biệt “lưỡng cực” như sau:

Mặt trận (phe) dân chủ gồm những tổ chức, cá nhân lấy dân chủ làm phương châm hoạt động, bao gồm Đảng Dân chủ, Đảng Công dân, Xã dân liên, Dân hiệp, Liên minh công chức, Liên minh giai công... HKFS, Học dân tư trào, Chiếm trung tâm đều thuộc mặt trận này. 

Phe kiến chế - từ TQ gọi “những người HK giúp kiến thiết, xây dựng chế độ” - là những tổ chức, cá nhân có lập trường giống với chính quyền HK và TQ, gồm Dân kiến liên, Công liên hội, Đảng Tự do, Đảng Tân dân, Tổ chức Động lực kinh tế, Liên đoàn Lao động... có thể đối thoại?

Đợt căng thẳng ở HK hiện nay bắt nguồn từ cuộc bãi khóa do HKFS và Học dân tư trào phát động từ ngày 22-9, nhằm đấu tranh cho cuộc phổ thông đầu phiếu thật sự (vì họ cho rằng cách thức cải cách chính trị đang tiến hành hiện nay chỉ là phổ thông đầu phiếu giả).

Hoạt động lúc đầu thu hút 13.000 giáo viên, học sinh, người dân tham gia. Trong thời gian bãi khóa, có đoàn giáo viên tình nguyện 110 người luân phiên tổ chức các buổi lên lớp cho học sinh, sinh viên. 

1g sáng 28-9, Đới Diệu Đình của Chiếm trung tâm chính thức tuyên bố cuộc chiếm trung tâm sau gần một năm chuẩn bị (dự định tổ chức vào ngày Quốc khánh TQ 1-10), nay khởi động sớm để hưởng ứng cuộc bãi khóa của sinh viên, tập trung phản đối ở quảng trường Công dân. 

Trước đó, ngày 26-9, Học dân tư trào cũng cho rằng chỉ bãi khóa không thể thay đổi thái độ của Bắc Kinh, nên họ đã tuyên bố chiếm lấy quảng trường Công dân. Cảnh sát sử dụng hơi cay ngăn cản, hậu quả là 12 người bị bắt, trong đó có sinh viên Huỳnh Chi Phong.

Tối 28-9, HKFS đưa ra ba yêu cầu: một là trưởng đặc khu và nhóm ba người soạn thảo phương án cải cách chính trị từ chức, yêu cầu người dân được đề cử ứng viên trưởng đặc khu, và rút lại quyết định của Ủy ban thường vụ; nếu không thực hiện những yêu cầu này họ sẽ bãi khóa vô thời hạn. Sau đó, cảnh sát đã sử dụng hơi cay để giải tán người biểu tình, một số người bị thương.

Theo tờ Minh Báo HK, đến ngày 4-10 HKFS tuyên bố hoãn đối thoại với chính quyền, vì “họ thất hứa, dung túng cho xã hội đen và tổ chức bạo lực trấn áp người biểu tình”. Học dân tư trào cũng cho biết nếu chính quyền không ngăn cản hành vi công kích có tổ chức đối với những người ủng hộ phong trào chiếm trung tâm thì sẽ dừng đối thoại với chính quyền. 

Theo tin Đài truyền hình HK rthk.hk, ngày 3-10, HKFS, Học dân tư trào, Chiếm trung tâm cùng ra tuyên bố: “Những người tụ tập phía ngoài văn phòng chính quyền HK, văn phòng trưởng đặc khu không liên quan đến các tổ chức của họ”.

Theo tờ Minh Báo HK, những người phản đối chiếm trung tâm xung đột với phe biểu tình “chủ yếu là giới trung niên, cố tình gây sự, chen lấn xô đẩy, không sợ bị báo chí chụp hình, quay phim”. 

Còn theo Nhân Dân Nhật Báo của Bắc Kinh thì lực lượng chiếm trung tâm gồm hai thành phần. Một là những người đã có kế hoạch từ lâu của phe đối lập, chủ yếu là giới chính trị gia, mục tiêu của họ là yêu cầu chính quyền HK dẫn đầu người dân HK đưa ra phương án cải cách chính trị mới, yêu cầu TQ đưa ra quyết định phù hợp với nguyện vọng của họ.

Hai là nhóm người sau khi TQ có quyết định về phương án cải cách chính trị, “bị phe đối lập xúi giục tham gia biểu tình, bao gồm thanh niên, học sinh, một bộ phận dân chúng. Trong số đó có rất nhiều học sinh không rõ quy định của Luật cơ bản hay quyết định của Ủy ban thường vụ, nhưng họ quan tâm tương lai của HK, bất mãn với xã hội HK hiện tại, họ chỉ theo đuổi ước nguyện được bầu cử phổ thông đầu phiếu, lý tưởng hóa về một tương lai tốt đẹp.

Thế nhưng sinh viên học sinh, dân chúng bị xúi giục lại trở thành lực lượng chính của cuộc biểu tình hiện nay” (!). 

Đến ngày 7-10, mặc dù học sinh tiểu học, trung học hai khu vực Wan Chai, Trung Tây bắt đầu đi học trở lại, nhưng những người biểu tình vẫn tiếp tục chiếm trung tâm. 

Tờ Văn Hối ngày 7-10 cũng cho biết chính quyền HK và HKFS đã tiến hành cuộc gặp gỡ lần 2 để chuẩn bị cho cuộc đối thoại giữa hai bên có thể diễn ra trong tuần này. Yêu cầu của HKFS là phải tiến hành đối thoại nhiều vòng, hai bên có số người tham dự ngang nhau, chính quyền HK phải công nhận và chấp hành những thỏa thuận đạt được.

Hàng chữ trên chiếc dù của sinh viên HK biểu tình: “Cả thế giới đang dõi theo” - Ảnh: Mashable
Hàng chữ trên chiếc dù của sinh viên HK biểu tình: “Cả thế giới đang dõi theo” - Ảnh: Mashable

Phổ thông đầu phiếu giả làm hỏng phổ thông đầu phiếu thực?

Theo tờ Bắc Kinh Thương Báo ngày 1-9-2014, kỳ họp thứ 10 Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân TQ đã biểu quyết thông qua quyết định của Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân TQ về dự thảo vấn đề bầu cử phổ thông đầu phiếu trưởng đặc khu hành chính HK năm 2017...

Quyết định nêu rõ: từ năm 2017 sẽ tiến hành bầu cử trưởng đặc khu hành chính HK bằng phổ thông đầu phiếu. Đây được xem là bước thứ hai trong năm bước cải cách chính trị quan trọng của HK. (Năm bước đó là:

1/ Trưởng đặc khu trình Ủy ban thường vụ xem xét có cần thiết sửa đổi cách bầu hay không;

2/ Ủy ban thường vụ quyết định việc sửa đổi;

3/ Nếu Ủy ban thường vụ quyết định sửa đổi, chính quyền đặc khu trình Ủy ban lập pháp dự thảo phương án sửa đổi, phải có 2/3 nghị sĩ thông qua;

4/ Trưởng đặc khu đồng ý dự thảo phương án Ủy ban lập pháp đã thông qua;

5/Trưởng đặc khu trình Ủy ban thường vụ bản dự thảo, do Ủy ban thường vụ phê chuẩn hoặc lập hồ sơ.

Tức là ngoài việc có sự đồng thuận giữa chính quyền đặc khu và các chính đảng, dư luận xã hội, phương án cải cách chính trị còn phải phù hợp quy định Luật cơ bản, được sự chấp thuận của Ủy ban thường vụ mới có thể tiến hành phổ thông đầu phiếu). 

Ngoài ra, quyết định trên cũng quy định rõ số lượng ứng viên chức trưởng đặc khu: chỉ 2-3 người. Trước hết phải thành lập ủy ban đề cử. Ủy ban này sẽ đề cử 2-3 ứng viên, mỗi ứng viên phải nhận được sự ủng hộ của trên 50% toàn thể ủy ban đề cử. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra cuộc bãi khóa và biểu tình hơn tuần qua. 

Lý giải việc quyết định tỉ lệ ủng hộ của ủy ban đề cử đối với ứng cử viên, Bắc Kinh Thương Báo đăng ý kiến ông Chu Ba, phó chủ nhiệm Văn phòng HK - Macau Quốc vụ viện TQ, cho biết: “Chỉ có người yêu nước yêu HK giữ chức trưởng đặc khu mới có thể bảo vệ quyền lợi TQ và thật sự gánh vác nghĩa vụ giữ gìn sự phồn vinh ổn định của HK. Những người đối đầu với TQ không thể làm trưởng đặc khu”.

Còn phó bí thư Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân TQ Lý Phi chỉ trích: “Một số người yêu cầu căn cứ theo tiêu chuẩn quốc tế để tổ chức bầu cử theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu. Thực tế cái tiêu chuẩn quốc tế mà họ nói hoàn toàn do họ tự đặt ra.

Chính vì việc làm của những người này khiến xã hội HK lãng phí khá nhiều thời gian”..., “Áp dụng tiêu chuẩn quốc tế chưa được định nghĩa chính xác trên thế giới để lôi kéo người dân vào một khái niệm hỗn loạn, có vẻ đúng nhưng thực tế là không đúng, khiến những vấn đề thật sự cần thảo luận lại không được thảo luận đầy đủ”. 

Tờ Hoa Nam Buổi Sáng tiếng Hoa cho biết ngay từ tháng 8 năm nay, khi TQ chưa quyết định phương án cải cách HK, chính quyền HK đã ra sức thuyết phục phe dân chủ, đồng thời hứa sẽ thực thi phương án bầu cử dân chủ hơn, hi vọng họ chấp nhận phương án bầu cử năm 2017 dù cử tri chưa thật sự có quyền lựa chọn.

Đó là lý do trong lễ kỷ niệm Quốc khánh TQ vừa qua, trưởng đặc khu Lương Chấn Anh cho rằng: “Có tổ chức bầu cử phổ thông đầu phiếu còn hơn không, 5.000.000 cử tri hợp pháp đi bỏ phiếu vẫn tốt hơn việc chỉ có 1.200 người bỏ phiếu, đi bỏ phiếu trực tiếp vẫn thích hơn là ngồi nhà xem cảnh người khác bỏ phiếu qua tivi”.

Thực tế, mặt trận dân chủ HK lo lắng nhất là việc ứng viên phải được trên 50% ủy ban đề cử thông qua, thành phần ủy ban đề cử cũng được bầu như ủy ban bầu cử trước đây, trong khi theo họ, lực lượng này chủ yếu là những người “thân Trung”.

Chính vì thế đã có người cho rằng quy định này chẳng khác gì TQ quyết định ứng viên trưởng đặc khu cho người dân HK, đó là cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu “giả” dưới sự can thiệp của TQ, đi ngược với tuyên bố chung giữa TQ và Anh.

Các văn bản nói gì?

Trong tuyên bố chung hai nước Trung - Anh được ký vào ngày 19-12-1984 sau nhiều năm đàm phán nhằm giải quyết vấn đề chủ quyền HK vẫn chưa cụ thể hóa vấn đề bầu trưởng đặc khu như thế nào.

Mục 4 điều 3 của tuyên bố chung chỉ nêu: “Chính quyền đặc khu hành chính HK do người dân HK tổ chức. Trưởng đặc khu được bầu thông qua hình thức bỏ phiếu bầu cử hay hiệp thương, do chính quyền nhân dân trung ương bổ nhiệm”. 

Nội dung này không chi tiết hơn quy định tại điều 45 trong Luật cơ bản đặc khu hành chính HK (ban hành ngày 4-4-1990, là bộ luật do Đại hội đại biểu nhân dân TQ xây dựng, là văn bản hiến chế của đặc khu thay thế Anh hoàng chế cáo và Hoàng thất huấn lệnh của thời kỳ thuộc địa từ ngày 1-7-1997):

“Trưởng đặc khu hành chính HK được bầu bằng hình thức bỏ phiếu hay hiệp thương bởi đặc khu, do chính quyền nhân dân trung ương bổ nhiệm. Việc bầu trưởng đặc khu được quy định dựa trên tình hình thực tế, nguyên tắc tiến dần từng bước, hướng đến mục tiêu tổ chức cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu do một ủy ban đề cử có tính đại diện rộng rãi căn cứ trình tự dân chủ đề cử”.

Cách bầu trưởng đặc khu quy định cụ thể trong phụ lục 1, ghi rõ ủy ban bầu cử (hay còn gọi là đại cử tri) gồm 800 người, trong đó 200 người đại diện giới công thương, tài chính; 200 người đại diện cho giới chuyên nghiệp; 200 người đại diện cho giới lao động, dịch vụ xã hội, tôn giáo; 200 người đại diện cho ủy viên Ủy ban lập pháp, các tổ chức đại diện khác...

Các đại cử tri có nhiệm kỳ năm năm, việc xác định và chỉ tiêu đại cử tri do chính quyền đặc khu quy định trong luật bầu cử. Đại cử tri trên 100 người có thể liên danh cùng đề cử. Ủy ban bầu cử căn cứ số người được đề cử bầu ra trưởng đặc khu kế nhiệm. 

Ngoài ra, trong phụ lục 1 còn quy định thêm: “Sau năm 2007 việc bầu trưởng đặc khu nếu có sửa đổi phải được 2/3 nghị sĩ Ủy ban lập pháp thông qua, trưởng đặc khu đồng ý, báo cáo Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân TQ phê chuẩn”. C

ăn cứ quy định trên, vào những năm 2007, 2008 và 2012, chính quyền đặc khu cũng đã đệ trình đề án cải cách chế độ chính trị ở HK, nhưng vẫn chưa đạt được mục đích phổ thông đầu phiếu. Năm 2012, số lượng ủy ban bầu cử tăng lên thành 1.200 người, vẫn được chia làm bốn nhóm chính, tuy nhiên đại cử tri trên 150 người mới có thể liên danh cùng đề cử. 

Lời người trong cuộc

Căn cứ kết quả cuộc trưng cầu ý dân trong năm tháng diễn ra từ ngày 4-12-2013 về cách bầu Ủy ban lập pháp và trưởng đặc khu của chính quyền HK, trong 1.000 người được hỏi, 54% ủng hộ phương án cải cách cho dù không hài lòng với trình tự đề cử ứng viên.

Tờ Hoa Nam Buổi Sáng tiếng Hoa cho biết những người ủng hộ dân chủ ở HK đang do dự với phương án chấp nhận tạm thời, vì họ e rằng sau khi chấp nhận “phổ thông đầu phiếu giả sau này sẽ khó mà giành được phương án phổ thông đầu phiếu thật sự”. 

Ông Lương Gia Kiệt, lãnh tụ Đảng Công dân, cho biết: “Việc tạm thời chấp nhận phương án cải cách chính trị không khác chi khâm điểm (tức hoàng đế điểm danh chỉ định), nhưng vẫn cần lá phiếu của chúng tôi để hợp thức hóa, để vị trưởng đặc khu bù nhìn đó có thể làm những việc xấu, như tiến hành giáo dục quốc dân để tẩy não người dân HK”. 

Phía thân Trung Quốc, như Lưu Triệu Gia, phó chủ nhiệm Hội nghiên cứu HK - Macau - TQ, cho rằng việc tạm thời chấp nhận phương án cải cách chính trị có lợi cho việc phát triển dân chủ, vì “sau khi tham gia phổ thông đầu phiếu, người dân sẽ yêu cầu có quyền dân chủ nhiều hơn nữa, qua đó có thể thúc đẩy cải thiện thể chế chính trị, mở rộng nguồn phiếu bầu, thu hút lực lượng chính trị mới.

Ngược lại, nếu phủ quyết phương án trên, HK có thể không thể tiến hành phổ thông đầu phiếu trong thời gian dài, thể chế chính trị bị đình trệ, khó mà hình thành động lực thúc đẩy dân chủ ở HK”.

Bà Phạm Từ Lệ Thái, thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân TQ, cho biết: “Quyết định của Ủy ban thường vụ sẽ không thay đổi, cuộc đối đầu của phe dân chủ sẽ khó mà đạt được mục đích. Việc làm của họ chỉ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh đầu tư của HK, khi có chính sách tài chính mới, TQ chưa chắc sẽ ưu tiên cho HK mà quan tâm đến các thành phố như Thượng Hải, Tiền Hải...”. 

-----------------------

Nguồn: 

http://zh.wikipedia.org/zh-hant/%E5%AD%B8%E6%B0%91%E6%80%9D%E6%BD%AE

http://paper.wenweipo.com/2014/10/03/HK1410030058.htm

http://www.nanzao.com/sc/opinion/34055/xiang-gang-shi-fou-hui-jie-shou-xian-pu- xuan-zai-gai-jin

http://www.hbtkp.com/html_content/2014-10-02/107118.shtml

http://news.china.com/domestic/945/20140924/18811589.html

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận