Lối thoát di dân

TTCT - LTS: Việc lao động Trung Quốc nhập cư cũng như hiệu quả kiểm soát tình hình của các chính quyền địa phương đã trở thành vấn đề toàn cầu và ngày càng “nóng”.

Người Trung Quốc bán dạo ở châu Phi - Ảnh: Tư liệu
Người Trung Quốc bán dạo ở châu Phi - Ảnh: Tư liệu

Hai nhà báo Tây Ban Nha Juan Pablo Cardenal và Heriberto Araújo đã dành hai năm đến 25 nước trên thế giới có làn sóng người Trung Quốc nhập cư để hoàn thành thiên phóng sự trên 300 trang: Đạo quân thầm lặng của Trung Quốc (China’s silent army). TTCT trích giới thiệu trong hai kỳ qua bản dịch sắp xuất bản của TS Nguyễn Đình Huỳnh. 

“Nếu một người Trung Quốc dự một cuộc đua xe đạp như Tour de France, anh ta sẽ về đích sau chót. Bạn biết vì sao không? Vì suốt cả đường đua anh ta chỉ nhìn vào làng mạc và thị trấn xung quanh, tự nghĩ: đâu là đất lành cắm mốc lập nghiệp?” (doanh nhân Trung Quốc ở San Jose, Costa Rica).

Len lỏi qua những phụ nữ mặc áo thụng đen che kín mặt và đám đàn ông bán trà, thịt cừu, Lan Xing với vẻ xanh xao nổi bật giữa đám đông như một bóng ma. Quả quyết và đầy nghị lực, cô để lại sau lưng một vệt dài khi kéo giỏ hàng của mình dọc con đường cát huyện Ain Shams miền bắc Cairo.

Hôm đó là thứ sáu, ngày lễ và ngày nghỉ. Người dân địa phương đổ xô ra đường, đến các quán rượu lộ thiên hút shisha - một loại ống điếu truyền thống của người Hồi - và thư giãn nhìn thế sự xoay vần... 

Bán dạo khắp thế giới

Khuynh hướng người Trung Quốc kết dính với nhau vượt xa cấp độ quốc gia. Trong thực tế, giao dịch giữa di dân Trung Quốc với nhau trong tất cả các nước chúng tôi đến - không chỉ riêng Ai Cập - thường giới hạn trong những người cùng làng hay cùng vùng miền. Điều này một phần do ở Trung Quốc có nhiều nhóm sắc tộc và ngôn ngữ khác nhau và một phần do tầm quan trọng của mối quan hệ gia đình. 

Chiếc taxi màu đen cũ đưa Lan đến và sẽ quay lại lúc nửa đêm về sáng để đón cô về căn hộ ở chung với bốn người đồng hương. Nếu gặp rắc rối, cô sẽ đưa ra mẩu giấy ghi địa chỉ của cô bằng chữ Ả Rập giấu kỹ trong túi như một báu vật. Mẩu giấy là cái phao cứu sinh duy nhất của cô giữa cảnh huyên náo của người Ả Rập xung quanh và thế giới quen thuộc của cô, giữa thực tại trước mắt và thực tại trong tâm trí cô.

Với mái tóc dài để trần và đôi mắt hình quả hạnh, Lan hiện rõ là một người nước ngoài ở cái góc phố xưa cũ rộn ràng của Cairo cổ kính. Hành trình đến với đất nước này của cô là một cuộc dấn thân 8.000km vào vùng đất xa lạ, là một cố gắng làm lại cuộc đời khi bước vào tuổi 40. Với nỗ lực không ngừng để thành công, không có gì mà Lan không thể xoay xở.

Lan và chồng đều là người Liêu Ninh, một tỉnh phía đông bắc Trung Quốc, giáp biên giới Bắc Triều Tiên, đến Ai Cập 17 tháng trước, hi vọng làm giàu ở nước ngoài. Họ gửi đứa con trai 14 tuổi sống với ông bà, dù chính Lan cho rằng nó là “đứa trẻ khó bảo”.

Từ khi đến Ai Cập, Lan đã kéo chiếc giỏ hàng chất đầy 25kg đủ thứ quần áo, từ đồ ngủ đến khăn choàng đầu phụ nữ Hồi, rong ruổi qua các con phố Cairo tìm kiếm khách hàng, công việc đã trở thành nỗi ám ảnh của cô.

Cô dành khoảng 10 giờ mỗi ngày kéo giỏ hàng lên xuống cầu thang trong những khu nhà cũ, tối tăm, gõ lên những cánh cửa với hi vọng sẽ rời đi với một dúm tiền Ai Cập đổi lấy chiếc áo choàng vải bông hay vài tấm khăn tơ tằm giả.

Lan là một trong hàng ngàn người Trung Quốc làm thành nhóm shanta sini - người bán dạo Trung Quốc trong tiếng Ả Rập. Đội quân di cư này đến từ các vùng nghèo nhất Trung Quốc, phần lớn bất hợp pháp vì thị thực nhập cảnh hết hạn, đã xoay xở chinh phục thị trường hàng dệt may bán lẻ của Ai Cập chỉ với quyết tâm thoát nghèo.

Họ là hiện thân của những phẩm chất đã làm cho người di cư Trung Quốc thành những người dám nghĩ dám làm nhất trên hành tinh, ít nhất trong ba thế kỷ qua: khả năng hi sinh chịu đựng, giỏi phát hiện cơ hội kinh doanh, năng lực thích ứng hoàn cảnh và tài cắt giảm chi phí.

Thói quen tiết kiệm tiền bạc, bản chất thận trọng và tính đoàn kết trong nội bộ người Trung Quốc cũng mang lại sự trợ giúp vô giá. Ngày nay, có thể nhìn thấy đội quân bán dạo Trung Quốc ở khắp mọi nơi, chỉ với nhúm hành lý trên lưng họ đi tìm kiếm khách hàng tiềm năng.

Yu, cô gái chừng 20 tuổi, đang nghịch mái tóc của cô trong một quán cà phê thời thượng đối diện Trường American University ở Cairo. Nhìn thiếu nữ xinh đẹp sắc sảo này ai cũng nghĩ cô hoàn toàn không biết tới nỗi khổ nhọc của những người bán dạo Trung Quốc.

Thật ra cô là “chuyên gia”. “Họ đáp máy bay hôm nay thì ngày mai đã ở trên đường phố Cairo, bán dạo từ nhà này sang nhà khác, không nói được một từ Ả Rập” - nhận xét của Yu, cô cháu gái một trong những người Trung Quốc tiên phong đã xác định được khoảng trống ở thị trường này hơn 10 năm trước và từ đó nắm bắt cơ hội, tạo ra một tài sản trị giá hơn 4 triệu euro.

Người di ​​cư ít học trốn chạy nghèo đói ở Trung Quốc ấy giờ đây đã là một doanh nhân thành đạt với tám nhà máy và 60 kho hàng trên khắp lãnh thổ Ai Cập.

Yu nói để hiểu được cách người Trung Quốc xoay xở tạo ra kẽ hở thị trường ở một đất nước có truyền thống lâu đời dệt và xuất khẩu bông toàn châu Âu như Ai Cập, chúng tôi phải trở lại Quảng Châu, trung tâm công nghiệp của Trung Quốc.

Người Trung Quốc trong đội quân bán dạo ở New York - Ảnh: tư liệu
Người Trung Quốc trong đội quân bán dạo ở New York - Ảnh: tư liệu

Đến kiểm soát kinh doanh

Chính cửa sông Châu Giang là nơi doanh nhân Trung Quốc mua vải và bắt đầu một chu kỳ kinh doanh mà họ thật sự kiểm soát từ đầu đến cuối. Lụa, polyester và len được vận chuyển bằng container đến Libya, nước có chung biên giới và hiệp định hải quan với Ai Cập.

Doanh nhân Trung Quốc hiểu rằng để bắt đầu một đế chế trong thế giới toàn cầu hóa, điều quan trọng là có thể tạo ra lợi nhuận. Đây không chỉ là điều họ đã làm trong nhiều thế kỷ, mà khả năng đó hình như đã nằm trong máu người Trung Quốc.

Theo Yu, lý do họ xuất khẩu vải đến Libya thay vì Ai Cập vì nước này đánh thuế hàng dệt may Trung Quốc thấp hơn. Một khi đã ở trên đất châu Phi, vải lại được xuất qua Ai Cập với sự giúp đỡ của người trung gian Ai Cập, trước khi tiếp tục cung cấp cho các xưởng bất hợp pháp đã được cài cắm trong các căn hộ ở ngoại ô Cairo.

Không dễ xâm nhập vào những xưởng nhỏ bí mật này. Trong chuyến đầu tiên đến thủ đô Ai Cập, chúng tôi đã hoàn toàn thất bại, một doanh nhân đồng ý hẹn gặp nhưng sau đó từ chối, người thứ hai chỉ cho chúng tôi đứng ngoài cửa.

Chuyến thứ hai của chúng tôi đến Cairo cũng khó khăn như thế, dù đã được một số công nhân Trung Quốc trong lĩnh vực này đi cùng. Chúng tôi thất bại vì ánh mắt của người nước ngoài soi mói vào hoạt động kinh doanh của họ khiến họ nghi ngờ, đặc biệt là khi chúng được dựng lên từ các kiểu phạm pháp giúp họ đánh bại đối thủ cạnh tranh người địa phương.

Thật ra, thiếu minh bạch là một trong những yếu tố chúng tôi gặp thường xuyên nhất trong suốt cuộc hành trình đi qua thế giới của người Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc có được một người bạn Trung Quốc cuối cùng đã được đền đáp khi Ding Tao, một nhà kinh doanh khiêm tốn có 10 năm kinh nghiệm ở nước này, chào đón chúng tôi ngay tại cơ sở của anh: một xưởng dã chiến trong một căn hộ bốn phòng ở ngoại ô san sát các khu nhà xập xệ và xe hơi hỏng nát vứt bỏ bên các góc phố.

Trong căn hộ, các phần việc khác nhau được sắp xếp theo phòng: trong một phòng, một người đàn ông trẻ và hai người phụ nữ mặc trang phục người Hồi cắt vải nguyên liệu và dùng sáu máy may để may quần áo; trong một phòng khác, áo quần được ủi và đóng hộp; trong khi đó nhân viên thứ năm đang tính toán trong văn phòng.

Thuê lại nhân công bản xứ

Dù các doanh nghiệp Trung Quốc ưu tiên sử dụng đồng hương, được cho là có kỷ luật hơn, họ vẫn dùng thợ may Ai Cập vì tiền công rẻ hơn. “Nếu họ là người Trung Quốc chúng tôi phải trả gấp đôi, vì năng suất cao hơn, đó là giá thị trường” - vợ Ding Tao giải thích, cô có thể nói chút ít tiếng Ả Rập.

Mỗi tháng họ trả cho nhân viên từ 250-300 euro, làm việc mười giờ một ngày, sáu ngày một tuần. Tiền lương ở mức tối thiểu và chất lượng sản xuất cực kỳ thấp, đảm bảo sản phẩm có thể được bán với giá cạnh tranh nhất.

Ngoài mức lương khốn khổ, công nhân phải chịu tình trạng việc làm rất bấp bênh, vì không có hợp đồng hoặc bảo hiểm y tế dẫn đến thay đổi công nhân thường xuyên. Công nhân Ai Cập bỏ qua ý nghĩ đòi hỏi điều kiện làm việc tốt hơn vì họ biết chắc rằng cảnh sát biết về các xưởng ngầm nhưng làm ngơ để nhận hối lộ.

Trong một quốc gia kinh tế trì trệ với 16,7% dân số sống dưới mức nghèo khổ và đang gánh chịu hậu quả của cuộc cách mạng lật đổ chế độ chuyên chế, lựa chọn của họ rất đơn giản: giữ lấy việc làm này hoặc chẳng có gì cả.

Nhưng tại sao người Ai Cập muốn mua quần áo bán tận nhà khi họ có thể dễ dàng ra ngoài và mua chúng trong các cửa hiệu truyền thống?

Yu nói như thể kể chuyện, nhanh chóng làm sáng tỏ điều bí ẩn này: “Ở Ai Cập, phụ nữ khoái ăn đồ ngọt và nhiều người rất mập, vì thế họ thích mua quần áo ngay tại nhà. Bằng cách đó, họ tránh được xấu hổ vì không phải phô bày tấm thân quá khổ bên ngoài nhà riêng của mình”.

Nói cách khác, để tránh cho khách hàng khỏi phải trải qua khoảng thời gian khó chịu tại các cửa hàng, những người di cư như Lan bắt đầu đi vào lúc Ai Cập chạng vạng sau giờ cầu nguyện buổi tối để phục vụ khách hàng tại cửa nhà riêng của họ.

“Aiz haga?” (Mua gì không?) - họ rao ở chân cầu thang. Đôi khi câu trả lời duy nhất là cánh cửa đóng sầm trước mặt. Lúc khác họ nhận được may mắn và bán được vài bộ quần áo, hoặc bà chủ nhà yêu cầu lấy số đo của mình để may một chiếc áo choàng mà người bán dạo Trung Quốc sẽ mang đến một vài ngày sau.

Rồi một ngày, cuộc sống khốn khổ, tằn tiện này của những con người can đảm và cô độc rong ruổi trên đường phố Cairo sẽ chấm dứt. Di dân Trung Quốc, thường ít học và bị chủ bóc lột, nhưng lanh lợi và giỏi tiết kiệm, đến lúc nào đó sẽ quyết định thực hiện một bước thăng tiến trong dây chuyền sản xuất.

Anh ta sẽ ngừng công việc phân phối hàng, trở thành nhà sản xuất và nhà kinh doanh cho riêng mình sau khi đầu tư khoản tiền tiết kiệm hàng tháng hoặc hàng năm trời. Bắt đầu với một xưởng nhỏ và chỉ một khu vực phân phối, anh ta sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới của mình, đồng thời nắm bắt các cơ hội kinh doanh khác.

Với hoạt động kinh doanh biên mậu bất hợp pháp - hay thậm chí vượt qua biên giới hoàn toàn bằng cách bịt miệng nhà chức trách Ai Cập - có thể mở rộng nhanh chóng các cơ hội. Trên bước đường kinh doanh, họ được giúp đỡ từ một mạng lưới rộng lớn các mối quan hệ của người Trung Quốc, vừa chỉ cho họ nhắm đến những cơ hội mới, vừa như một tấm lưới bảo hiểm vô giá.

Thật ra, thỏa thuận lâu dài giữa nhà nhập khẩu và nhà máy dệt, hoặc giữa xưởng sản xuất và các nhà phân phối, được thực hiện giữa những người Trung Quốc. Cùng ngôn ngữ và nơi chôn nhau cắt rốn tạo ra một tình cảm tin cậy chắc chắn và đảm bảo lòng trung thành với công ty.

Vì thế doanh nghiệp Trung Quốc, từ doanh nghiệp tư nhân cho đến các công ty nhà nước hoạt động ở nước ngoài, thường mang theo toàn bộ lực lượng lao động Trung Quốc của họ từ một vùng duy nhất.

“Nếu tất cả công nhân trên một công trường xây dựng đến từ cùng một thị trấn hay một làng, việc kiểm soát họ sẽ dễ dàng hơn nhiều và họ không chống lại luật lệ hay chủ của mình. Đồng nghiệp và bạn bè của họ, đôi khi có quan hệ gia đình, cũng canh chừng nhau. Không người Trung Quốc nào muốn gia đình mình bị mất thể diện ở quê, hoặc bị kết tội lười biếng hay ăn cắp”.

Lời của một công nhân trẻ người Trung Quốc đã sống nhiều năm ở châu Phi nghe như vọng lại từ thời đại Mao, khi hàng chục triệu người Trung Quốc bị đưa vào trại lao động cải tạo nơi họ thường xuyên sống trong trạng thái hoang tưởng.

Người công nhân có nghĩa vụ thực hiện nhiệm vụ của một “đồng chí tốt”, vừa canh chừng đồng đội và bị canh chừng, chỉ điểm và bị chỉ điểm, cho dù trong nhà máy hoặc trong trại cải tạo, ở nhà trường hoặc ở nhà riêng. Không ai có thể thoát được tai mắt của nhà cầm quyền.

Hối lộ và di dân

Sau khi mở rộng mạng lưới xưởng dệt trên toàn Ai Cập, gia đình Yu bắt tay vào một hoạt động kinh doanh mới - đưa người di cư Trung Quốc vào Ai Cập. Gia đình này lợi dụng sự thiếu kiểm soát về xuất nhập cảnh và tiếng gọi quyến rũ của một cuộc sống tốt hơn, đã đưa ra một thông điệp đánh đúng vào tâm lý người dân Trung Quốc ở những vùng chưa lên được chuyến tàu tiến bộ và hiếm hoi cơ hội.

Yu kể với chúng tôi gia đình cô sử dụng giấy phép của công ty, thứ có thể có được dễ dàng bằng cách hối lộ, xin cấp thị thực để bán với giá khoảng 5.000 nhân dân tệ (520 euro), mặc dù giá này thay đổi tùy thuộc vào người nộp đơn là bạn bè hay bà con.

Các thành viên gia đình và bạn bè phổ biến thông tin trong thị trấn và làng của họ, đặc biệt ở các tỉnh phía đông bắc Trung Quốc, nơi việc tư nhân hóa các ngành công nghiệp nặng thừa kế từ thời Mao đã khiến tình trạng thất nghiệp tăng lên từ 30-40 triệu người trong chỉ hơn 10 năm.

“Hiệu ứng dây chuyền” này lan nhanh ở những vùng mà việc mở cửa nền kinh tế của Trung Quốc dẫn đến giải thể các nhà máy không hiệu quả thời Mao vào cuối thế kỷ trước, tước đi sinh kế của hàng triệu gia đình và gây thiệt hại nghiêm trọng, hậu quả của nó đến nay vẫn còn có thể nhìn thấy.

“Người ta không chết vì đói, nhưng rất hiếm cơ hội để tiến thân” - Yu nói với chúng tôi bằng giọng bào chữa.

Tình trạng này đã buộc Trung Quốc phá vỡ truyền thống hàng thế kỷ, miễn cưỡng cho phép công dân rời khỏi đất nước. Thực tế, nhà nước hiện nay tạo điều kiện dễ dàng và thậm chí khuyến khích di dân như là lối thoát cho người lao động thất nghiệp.

“Trung Quốc đã tách mình khỏi nhiệm vụ kiểm soát di cư của công dân và chuyển trách nhiệm này cho các nước tiếp nhận. Một số điểm đến là các quốc gia yếu hơn, chẳng hạn như ở châu Phi, nơi tham nhũng và thiếu quản lý giúp người Trung Quốc nhập cảnh tương đối dễ dàng” - Antoine Kernan, một chuyên gia về di cư Trung Quốc tại Đại học Lausanne ở Thụy Sĩ, giải thích.

“Ngày nay người Trung Quốc dễ dàng nhập cư hơn nhiều so với trước đây” - Kernan cho biết thêm.

Đây là một chiến lược thắng lợi đối với Bắc Kinh và các chính quyền địa phương: di cư giúp đối phó nạn thất nghiệp, làm giảm căng thẳng xã hội đang tăng mạnh ở những địa phương chịu tác động nặng nề nhất bởi người lao động bị đào thải từ các nhà máy ngừng hoạt động.

Ngoài ra, vấn đề này có xu hướng không xuất hiện trở lại khi những người di cư kết thúc thời gian của họ ở nước ngoài. Công nhân thường trở về nhà với một số vốn đáng kể để đầu tư vào việc giáo dục con cái hay vào cơ hội kinh doanh mang lại mức an toàn tài chính cao hơn những gì họ có thể hưởng trước khi rời Trung Quốc.

Trong chừng mực nào đó, có thể nói rằng Trung Quốc đang xuất khẩu lao động đổi lấy vốn để tái đầu tư trong nước, tạo ra tăng trưởng kinh tế và việc làm trong phạm vi của chính quyền Trung Quốc.

NGUYỄN ĐÌNH HUỲNH
(dịch theo bản Anh ngữ của Catherine Mansfield)

Kỳ tới: Cuộc xâm lược thầm lặng

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận