​Làm nhang từ lá cỏ vườn nhà

ĐOÀN BẢO CHÂU 28/09/2014 18:09 GMT+7

TTCT - Vừa bước vào vườn dược liệu ở Tây Ninh, chị Bảo đã thoăn thoắt tay bẻ lá cây đinh lăng ngửi thử mùi hương, rồi nhanh chóng xoay sang nhổ cỏ, vun gốc lại cho hàng cây hương nhu...

Cuối tuần nào chị Bảo cũng tranh thủ đến thăm các vườn nguyên liệu làm nhang, tự tay chăm sóc cây trong vườn - Ảnh: Bảo Châu
Cuối tuần nào chị Bảo cũng tranh thủ đến thăm các vườn nguyên liệu làm nhang, tự tay chăm sóc cây trong vườn - Ảnh: Bảo Châu

Không kỹ lưỡng sao được khi tất cả những cây lá này sẽ được gom góp, chắt lọc lại để làm nên những nén nhang thơm tinh khiết. 

Cứ mỗi cuối tuần, khi thì Tây Ninh, lúc Đồng Nai, rồi Củ Chi, Hóc Môn, chị Lê Thiên Bảo (39 tuổi) đều tranh thủ thời gian tìm đến các nhà vườn để đặt hàng trồng cây cỏ làm nhang, rồi kiểm tra chất lượng cây, chất lượng đất để đảm bảo cây được trồng và chăm sóc theo cách tự nhiên và sạch sẽ nhất. 

“Cây nhang to bằng ngón tay trỏ” 

“Hầu hết hộ gia đình tôi đặt trồng cây đều có ruộng rẫy bên ngoài, họ chỉ trồng thêm dược liệu trong vườn cho vui nên không bón phân, dùng hóa chất gì cả, mình cũng đỡ lo” - chị Bảo nói trong lúc tay vẫn thoăn thoắt xem xét các khóm cây sả, ngửi từng chiếc lá ngải cứu để biết mùi hương thay đổi ra sao khi mùa mưa đến.

Đối với một số cây cần trồng số lượng lớn nhưng khó mọc tốt với khí hậu nóng ở miền Nam như hương thảo, húng lủi (bạc hà), chị lặn lội lên Đắk Lắk tìm đến các nhà vườn trồng rau hữu cơ, không dùng thuốc trừ sâu để đặt hàng họ trồng kèm trực tiếp trong vườn rau. 

Tất cả cây lá sau đó được thu gom lại ở xưởng để đưa vào sản xuất nhang thành phẩm. Quá trình làm một mẻ nhang ở đây tốn thời gian gấp ba lần so với thông thường, do từ lá đến nhang đều phải phơi gió (phơi trong bóng râm, không phơi ngoài nắng) thay vì cho vào máy sấy trong tích tắc.

Vì vậy, mọi người ai nấy đều phải trông coi lá cây, bột nhang như chăm con mọn, trời nóng trời mưa một chút là chạy rối rít.

Cây nhang thành phẩm vì thế không có màu vàng ươm như thường thấy, thay vào đó là màu nâu của lá, của hoa khô. Mùi hương của nhang không nồng không đậm, ngược lại rất nhẹ nhàng, ẩn sâu và bột nhang sau khi cháy cũng chỉ là một màu trắng đơn thuần. 

Nhang thường làm từ mùn cưa, xơ dừa ướp tẩm hương liệu hóa chất. Vậy ý tưởng làm nhang tự nhiên này đến từ đâu?

Giải thích của chị Bảo rất đơn giản: “Lớn lên ở quê, đất trời rộng rãi nên từ nhỏ tôi đã mê hương thơm cây cỏ, trong cặp lúc nào cũng có mấy lá trầu, lá mận để hít hà. Đi học về thì lăng xăng theo các thầy thuốc nam gần nhà đi hái lá, ngửi mùi, hỏi han riết thì biết, càng biết càng mê. Lớn lên ở lại Sài Gòn làm việc, tìm kiếm hương thơm cây cỏ như dưới quê khó quá, tôi mới nghĩ hay là mình làm nhang để ngày nào cũng có quê nhà kề bên. Vậy là làm thôi”. 

Nói thì dễ, nhưng chặng đường làm ra cây nhang cũng muôn trùng khó khăn. Chưa từng làm nhang, càng không muốn đi theo lối làm nhang từ mùn cưa, xơ dừa như mọi người, chị Bảo bắt đầu từ chính cây cỏ trong vườn quê mình.

Cuối tuần, vừa kết thúc công việc ở công ty, chị chạy xe máy cả trăm cây số về quê ở Tây Ninh, gom góp lúc thì hai ba ôm lá thơm, khi thì chục bao cây hương nhu chở lên thành phố. Sau đó, một mình chị tự hì hụi hong khô tất cả hoa, lá, rễ, rồi đẽo, chặt, xay chúng thành bột nhang và cuối cùng là tự đạp máy làm nhang mini để cho ra từng cây nhang.

Đôi tay vốn chỉ quen cầm viết dần trở nên chai sần, chi chít vết sẹo ngang dọc, phòng làm việc vốn chỉ toàn giấy tờ, sách vở nay thay thế bằng hàng chục chai lọ dán nhãn hương thơm, công thức, nhưng chị Bảo lại rất hồ hởi: “Trời phú cho mình cái mũi rất nhạy với mùi hương nên làm việc với hương thơm không có gì quá vất vả cả, ngược lại còn thấy rất vui!”. 

Đợt nhang đầu tiên, “cây nhang to bằng ngón tay trỏ, mùi thì y như lá đốt chứ không thơm mùi nhang gì hết” - chị Bảo kể. Nhưng không nản lòng, người phụ nữ bé nhỏ này vẫn kiên trì với cây nhang, bám trụ phòng thí nghiệm suốt sáu tháng để có được cây nhang với mùi hương ưng ý nhất đầu tiên.

Chị Sâm Cầm (đồng nghiệp của chị Bảo) cho biết: “Thời gian đó, chúng tôi ít gặp được chị Bảo vì hầu hết thời gian rảnh chị đều ở trong phòng nghiên cứu cách làm nhang, điều mà ai nấy đều thấy rất ngạc nhiên vì lúc đó chị đang có một công việc ổn định với chức vụ cao.

Nhưng khi chị hân hoan gọi chúng tôi đến, cùng ngửi những sợi khói hương đầu tiên chị làm nên, tôi hiểu rằng có những câu hỏi tại sao không cần câu trả lời, tất cả đều “vì yêu mà được sinh ra” thôi”.  

Đánh giá mùi hương lá phơi để làm nhang - Ảnh: Bảo Châu
Đánh giá mùi hương lá phơi để làm nhang - Ảnh: Bảo Châu
Kiểm tra nhang thành phẩm - Ảnh: Hữu Khoa
Kiểm tra nhang thành phẩm - Ảnh: Hữu Khoa

Niềm vui của người đưa hương 

Làm được nhang từ cây cỏ rồi, chị Bảo lại nghĩ đến cách làm sao đưa công thức chữa bệnh từ các loại lá thuốc vào cây nhang để người dùng thấy khỏe mạnh hơn khi sử dụng mỗi ngày. Chị chia sẻ ý tưởng này với lương y Lê Trung Kiên, phụ trách phòng thuốc nam Tuệ Tĩnh Đường ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, và nhanh chóng nhận được sự đồng thuận. 

Ông Kiên cho biết: “Lúc chị Bảo nói, tôi thấy ý tưởng này rất hay. Trước giờ nghe nói đến cây thuốc, người ta chỉ nghĩ đến nấu uống, ngâm hoặc xông, không ai nghĩ tới chuyện cây nhang mình đốt mỗi ngày cũng có thể giúp nhà cửa thanh sạch, dễ chịu và đường hô hấp của mình tốt hơn.

Vậy nên tôi cũng thử nghiên cứu, bắt đầu từ công thức chữa nhức đầu, sổ mũi với cam thảo, trần bì... nhưng điều chế ít tinh dầu để đỡ cay mắt, thêm vào đó vài loại thuốc đuổi muỗi, diệt côn trùng nữa”. 

Mất khoảng một tháng trao đổi qua lại, một công thức mùi hương vừa không quá nặng vị thuốc, vừa có tác dụng tốt cho sức khỏe đã ra đời. Tiếp sau đó là mộc hương với lá đinh lăng làm nguyên liệu chính do chị Bảo tự điều chế...

Ròng rã suốt ba năm, tìm cách giải quyết từ vấn đề gầy dựng vườn dược liệu đến liên hệ các cơ sở sản xuất nhang riêng cho cây nhang sạch này, đến nay nhang Núi Bà Đen của chị Bảo đã dần được nhiều người biết đến với mức giá từ 25.000-38.000 đồng/bó 50 cây.

Bà Tâm, chủ một cơ sở làm nhang nhận sản xuất nhang tự nhiên của chị Bảo ở Củ Chi, nói: “Trước đây làm nhang nghĩa là từ thân nhang vàng tới chân nhang đỏ đều nhúng hóa chất nên ai cũng sợ, nhưng làm nhang của cô Bảo thì đỡ hơn hẳn vì bột nhang từ lá cây, ngay cả keo nhang cũng từ vỏ cây bời lời nên tôi tự kéo máy về làm ngay trước sân nhà cũng không bị bệnh tật gì cả”. 

Bên cạnh nhu cầu thờ cúng, nhang của chị Bảo đặc biệt bán chạy ở phân khúc khách hàng trẻ, làm việc ở văn phòng và thường xuyên tập yoga, thiền.

Chị Lê Thị Thanh Nga, một nhân viên văn phòng, cho biết: “Tập yoga rất cần nhang tinh khiết, ít khói ít mùi nồng nặc, có tác dụng tốt cho sức khỏe vì mình dùng mỗi ngày. Trước đây tôi cũng có thử một số loại nhang khác nhưng một là nặng mùi thuốc bắc, hai là có mùi hóa chất, đến loại này mới tạm yên tâm vì giống hệt mùi nhang tự nhiên hồi xưa mình hay ngửi được dưới quê”. 

Đến nay đã có khoảng mười nơi phân phối chính thức nhang của chị Bảo, chủ yếu tại TP.HCM, đồng thời bột nhang của chị cũng bắt đầu được các đối tác nước ngoài ưa chuộng, đặc biệt tại các nước như Ấn Độ, Myanmar, Nhật Bản.

Chị Bảo cho biết: “Các khách hàng này thường mua bột nhang với số lượng lớn về sản xuất lại theo kiểu dáng nhang riêng của nước họ. Đa số khách đều cho biết họ chuộng loại bột nhang này vì làm từ nguyên liệu lá cây. Nước họ có rất nhiều loại nhang với nhiều mùi hương khác nhau, nhưng chủ yếu là do điều chế hóa chất mà ra, làm từ thiên nhiên không còn nhiều nữa”. 

Dù đã có thành công bước đầu, chị Bảo vẫn không ngừng nghiên cứu những loại nhang mới trong căn phòng nhỏ của mình, từ cách làm thế nào để sản xuất được nhang vòng đến cách làm sao cho nhang cháy được lâu hơn, bền hơn...

“Nếu nhang này bán được nhiều, được nhiều người yêu thích, tôi sẵn sàng chia sẻ công thức làm nhang lại cho nhiều nơi khác cùng làm, vì cái đích cuối cùng của mình là làm sao phát triển được các vùng thảo dược Việt Nam. Cây cỏ của đất nước mình tuyệt vời lắm, đẹp từ hương thơm đẹp đi, bỏ phí thì uổng biết bao nhiêu!” - chị tâm sự. 

Hiện nay, “nhang sạch - không hóa chất” được rao bán rất nhiều trên mạng. Nhưng khi liên lạc thì 8/10 cửa hàng đã ngưng hoạt động. Nguyên nhân chính là giá nhang sạch cao hơn nhang thường 4-5 lần, các cửa hàng chuyên bán đồ thờ cúng e dè với loại nhang này, đồng thời số người biết đến cũng không nhiều.

Hệ thống phân phối nhang hiện nay hoạt động chính vẫn là kênh online và điện thoại nên nhang thiên nhiên chỉ mới đến được với đa số khách hàng trẻ tuổi.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận