TTCT - “Khi xây căn nhà này, bà con khu này với nhiều người ngoài chợ cứ kêu tôi là “ba trợn”. Nhưng tôi tự tin vì xây nhà này là tôi nghĩ đến 15-20 năm nữa.

“Vua trên đồi” Huỳnh Thanh Xuân tại căn nhà với nền cao hơn 1,4m so với mặt bằng của ông - Ảnh: T.Tuấn
“Vua trên đồi” Huỳnh Thanh Xuân tại căn nhà với nền cao hơn 1,4m so với mặt bằng của ông - Ảnh: T.Tuấn

Căn nhà cũ của tôi ở hơn chục năm thì đường với hẻm được nâng lên tới ba lần. Cái khu quận 6 này cứ thường xuyên ngập nên tôi tính rồi, cứ 5-6 năm Nhà nước sẽ nâng nền một lần. Tôi xây thế này thì vừa khoảng 3-4 lần Nhà nước nâng nền. 20 năm nữa con cháu lớn hết rồi tôi không phải lo nữa.

Có ông xây ngay ngoài đường cùng thời điểm với tôi (cách đây bốn năm) mà nền kém tôi vài tấc, đến sau ba năm thì người ta nâng đường. Giờ nhà ông ấy bằng với nền đường rồi”.

Ông Huỳnh Thanh Xuân, 60 tuổi, vui vẻ nói về ngôi nhà xây nền cao tới hơn 1,4m so với mặt bằng ở hẻm 162 Tân Hòa Đông, Q.6 của mình.

Anh con trai 28 tuổi của ông nói ban đầu ông định xây cao tới 1,8m vì số 8 là may mắn nhưng sau vợ can vì “cao quá” nên mới dừng ở độ cao hiện tại. Anh con trai bảo xóm làng thì quen vì “biết tính cha tôi thế nào rồi”.

Những người bạn Mỹ tìm hiểu về biến đổi khí hậu của tôi rất thích ông với cách suy nghĩ này và gọi ông là “vua trên đồi” (king of the hill). 

Chờ tiếng gà trong công viên

Cạnh nhà tôi là công viên. Từ khi vào đại học, sáng nào tôi cũng dậy sớm ra đó chạy bộ. Mới đầu hơi ngại nhưng chạy lâu rồi cũng quen, hôm nào không chạy thấy trong người khó chịu. Ở đây buổi sáng rất đông người tập thể dục, phần lớn là người già. Có lẽ khi có tuổi rồi con người mới ý thức được sự quan trọng của việc rèn luyện sức khỏe và tập thể dục buổi sáng. 

Tôi chạy cũng được hơn hai tháng rồi, mọi thứ, mọi người đều quen thuộc. Trong số những gương mặt dần quen buổi sáng, có một ông cụ sáng nào cũng ngồi ở chiếc ghế đá một lúc rồi lại đi về. Ông không tập thể dục mà dường như ngồi nghe ngóng cái gì đó.

Một hôm, vì hiếu kỳ tôi ngồi lại bắt chuyện. Ông kể trước đây ông từng tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Giờ ông ra công viên ngắm nhìn mọi người đi tập thể dục và thấy cuộc sống thật thanh bình...

Đang kể bỗng ông dừng lại một lúc rồi mừng rỡ nói: “Đấy đấy! Nó đấy! Ông ra ngồi chờ ở đây cũng là vì nó đấy”. Tôi không hiểu ông đang nói gì nên hỏi lại. Ông bảo đó là... tiếng gà gáy. “Ông nhớ nó quá nên sáng nào cũng ra đây để được nghe tiếng gà gáy sáng”.

Đúng là chạy bộ ở đây đã lâu nhưng tôi không bao giờ nghe thấy tiếng gà gáy đó. Thời buổi bây giờ ai cũng có đồng hồ, có điện thoại để báo thức, để xem giờ, cần gì đến tiếng gà gáy nữa?!

Mấy hôm cuối tuần cả nhà tôi về quê chơi. Hôm sau trở ra tôi vẫn thấy ông cụ ngồi đó nhưng vẻ mặt có gì đó là lạ. Tôi đến gần chưa kịp nói câu nào ông đã nói, giọng hơi mếu máo: “Không còn, không còn nữa rồi cháu ạ”. Thế rồi ông cụ đứng dậy, chống gậy ra về mà không nói thêm câu nào nữa.

Từ hôm đó trở đi tôi không thấy ông ra ngồi ghế đá nữa, cũng chẳng nghe thấy tiếng gà gáy sáng. Trong tâm trí tôi không thể nào quên gương mặt già nua, hơi mếu máo, buồn bã với dáng người gầy gò, lưng khom chống cái gậy gỗ mà lần cuối tôi nhìn thấy ông. 

Bà cụ già

Đi ăn phở sáng, ngồi đối diện một cụ già. Cụ nhìn thấy mình thì nở nụ cười móm mém, mình cũng cười chào cụ như “đôi bạn cùng tiến”... Ngồi được tí thấy một chị trung niên dáng thể thao xách bọc thuốc đi tới. Nhìn thấy bà cụ đang móm mém ăn phở, chị kêu ầm lên: “Sao con gọi bánh cuốn cho bà mà bà lại ăn phở?”.

Bà cụ chả nói gì cứ cười. Nhân viên phục vụ chạy ra phân trần: “Em đã bê bánh cuốn ra cho bà nhưng bà bảo không ăn, bà thích ăn phở”. Thế là chị con giành quyền bón phở cho bà cụ. Xong đâu đấy chị bóc một lô thuốc ra... Mình định bon chen “buôn” rằng các cụ khổ nhỉ, cơm ăn thì ít thuốc uống thì nhiều...

Nào ngờ chị kia bóc hết thuốc ra thì cho vào mồm làm một hơi. Mình tranh thủ “soi”, hóa ra tuyền thuốc bổ não, chống chứng mau quên. Rồi chị lôi ra hai quả cau đưa cho bà cụ bảo: “Cau của bà đây, cau lùn đấy”. Có lẽ chị mới xin được ở đâu đó. Bà cụ cười vui sướng, cầm hai quả cau cất ngay vào túi áo.

Bao giờ mình già mà vẫn khỏe vui như bà cụ nhỉ? 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận