​Ngủ đủ để làm sạch não

ANH NGUYỄN 08/07/2015 00:07 GMT+7

Từ lâu chúng ta đã biết giấc ngủ quan trọng cho việc phục hồi và giúp củng cố một số chức năng nhất định của não liên quan tới trí nhớ, kiểm soát cảm xúc, khả năng ra quyết định và thậm chí là tính sáng tạo. Mới đây các nhà khoa học phát hiện giấc ngủ giúp “làm sạch” não giống như làm sạch hệ thống nước vậy.Kết quả nghiên cứu mới này một lần nữa nhắc chúng ta về tầm quan trọng của việc ngủ đủ mỗi ngày.

Giấc ngủ càng quan trọng hơn đối với trẻ em - Ảnh: L.N.M.

6-8 tiếng để làm sạch

Trước đây, các nhà khoa học nghĩ rằng não bộ tự làm sạch bằng cách giảm bớt các chất độc chạy qua các mô não. Nhưng giờ các nhà nghiên cứu ở Trung tâm nghiên cứu Translational Neuromedicin của ĐH Y Rochester phát hiện não bộ thực tế “xả” các chất thải rất mạnh ra khỏi tế bào ở tốc độ cao. “Các bạn ngủ càng ít, cơ thể bạn càng kém hiệu quả trong việc xả bỏ các protein xấu này”.

Maiken Nedergaard, đồng giám đốc trung tâm nghiên cứu, gọi hệ thống lọc này là “hệ thống glymphatic”, xuất phát từ hệ thống bạch cầu vốn để lọc các chất thải ra khỏi cơ thể. Các chất thải được lọc ra khỏi não giúp não không mắc các chứng bệnh như Alzheimer hay Parkinson.

Một nghiên cứu từ năm 2013 phát hiện “các hang ẩn” ở trong não thường mở ra khi chúng ta ngủ, và việc mở này cho phép các dịch não tủy được xối vào để đẩy các chất độc trong não ra thông qua các ống tủy.

Thông thường các dịch não tủy vẫn ở quanh não và các tủy sống, và “cứ mỗi sáu hoặc tám tiếng sẽ lọc qua não khi chúng ta đang ngủ - theo bà Tara Swart, giảng viên cấp cao về giấc ngủ và não của Học viện MIT, nói - Mỗi lần làm vậy mất 6-8 tiếng”.

Quá trình này được coi là quan trọng hơn nhiều so với các quá trình làm sạch khác của cơ thể - quá trình này giúp đẩy các chất độc trong não, đặc biệt có chất được gọi là beta-amyloid mà thường được phát hiện ở các khối kết trong não của những người bị Alzheimer. Khi hệ thống này không vận hành trơn tru do thiếu ngủ, các độc tố còn dư như beta-amyloid sẽ bị tích tụ lại.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Neuroscience là một trong những nghiên cứu đầu tiên thực hiện trên não người (chứ không phải chỉ là trên não thú) để xác định giấc ngủ có thể giúp chống lại khả năng mất trí nhớ thế nào. Kết quả nghiên cứu phát hiện là beta-amyloid đồng thời cản cơ thể khó nghỉ ngơi được trọn vẹn.

Điều này cho thấy cái vòng xoáy: ngủ thiếu sẽ tích tụ beta-amyloid, beta-amyloid nhiều sẽ càng làm mất ngủ kinh niên. Matthew Walker, một trong những nhà khoa học cùng viết nghiên cứu này, nói: “Càng có nhiều beta-amyloid trong não thì bạn sẽ càng ngủ ít đi và hậu quả là trí nhớ ngày càng tệ. Ngoài ra, càng ít ngủ sâu, cơ thể bạn lại càng kém hiệu quả trong việc tẩy các protein xấu này”.

Theo bà Swart, nếu không ngủ dài được có thể ngủ các giấc ngủ ngắn, thậm chí ngủ 20 phút cũng tốt như “cắm pin sạc điện thoại” - đó là cú hích về năng lượng. Với 30 phút ngủ, não sẽ giúp học tốt và nhớ tốt hơn hẳn. Những người ngủ trưa được từ 60-90 phút, các liên kết mới có thể được thiết lập mà có thể giúp thúc đẩy sáng tạo. Đó là lý do vì sao văn phòng Google có các “trạm” ngủ trưa” - bà Swart giải thích.

 

Tránh xa điện thoại thông minh khi ngủ

Nhiều người vẫn hay khoe khoang về khả năng chỉ cần ngủ 4-5 tiếng một đêm nhưng theo bà Swart, việc khoe khoang này thực tế là sai lầm.

Bản thân bà Swart khẳng định sau các nghiên cứu này bà đã “cẩn thận hơn nữa về giấc ngủ”. Thực tế, trong lớp học về não thần kinh cho các nhà lãnh đạo ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) hồi tháng 4-2015, bà bàn luận về hậu quả nghiêm trọng với sức khỏe do không để ý giấc ngủ.

Bà Swart là người đã thường xuyên hướng dẫn lãnh đạo các tập đoàn về kỹ năng ngủ trong nhiều năm nay. Bà phát triển các kỹ thuật liên quan tới dinh dưỡng và tập luyện để giúp giấc ngủ tốt hơn.

Bà cũng cảnh báo rằng việc ngủ gần chiếc điện thoại thông minh và nhất là các thiết bị phát sóng 3G và 4G suốt cả đêm sẽ ảnh hưởng tới các hoạt động của não, làm thay đổi cấu trúc tế bào não và có thể ảnh hưởng tới quá trình làm sạch của não.

Các nghiên cứu từ năm 2007 đã phát hiện rằng bức xạ điện từ của các thiết bị di động sẽ được các cực điện trong não bắt được. Các nhà khoa học hiện vẫn đang nghiên cứu để làm rõ coi điện trường từ các tín hiệu WiFi gây tác hại thế nào tới não bộ người.

Nhưng rõ ràng việc cản trở não bộ lọc các chất beta-amyloid thì các thiết bị này có khả năng gây tổn hại nặng cho não. Theo nghiên cứu này, việc bạn nghĩ ngủ bao nhiêu là đủ thực tế không chính xác vì theo bà Swart, não bộ mỗi ngày cần 6-8 tiếng để tự lọc chất bẩn. Ngoài ra, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng não bộ được nghỉ đầy đủ sẽ hoạt động hiệu quả hơn, kiểm soát cảm xúc tốt hơn và sáng tạo nhiều hơn.   

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận