Khi quốc gia héo rũ

HẠNH NGUYÊN 02/07/2016 21:07 GMT+7

TTCT - Ở những quốc gia yếu kém trong quản trị nhà nước, khủng hoảng môi trường có thể là ngòi nổ đưa đến thảm họa lớn.

Rất có thể chính nạn hạn hán kéo dài từ năm 2006 là điều dẫn tới cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria -lifegate.com
Rất có thể chính nạn hạn hán kéo dài từ năm 2006 là điều dẫn tới cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria -lifegate.com


Venezuela vốn đã rối như tơ vò từ cả trước khi tổng thống Hugo Chávez qua đời năm 2013. Tình hình từ đó đến nay càng trở nên tồi tệ hơn. Dù sở hữu trữ lượng dầu mỏ rất lớn, lạm phát đã tăng vọt lên 500%, tỉ lệ các vụ án mạng thuộc hàng cao nhất thế giới; lương thực, nước, thuốc chữa bệnh thiếu kinh niên khiến cuộc sống hằng ngày của người dân rất vất vả.

Có người đã bị thiêu sống ngay bên ngoài siêu thị Caracas vì tội ăn trộm món hàng trị giá tương đương 5 USD. “Đất nước này đã rơi vào vòng xoáy suy sụp trong rất nhiều năm - Cynthia Arnson, giám đốc chương trình Mỹ Latin của Trung tâm Wilson, nói - Bạn sẽ tự hỏi đâu là giọt nước tràn ly”.

Quản trị tài nguyên kém

Có vẻ như khí hậu chính là giọt nước đó. Sáu tháng trước, hạn hán do El Niño gây ra làm hư hại mùa màng, khiến thủ đô thiếu nước uống và phải cắt điện luân phiên.

Tháng 4-2016, mưa ít đã khiến thủy điện Guri, nguồn cấp điện lớn nhất nước này, tê liệt. Tổng thống Nicolás Maduro thông báo công chức chỉ làm việc hai ngày mỗi tuần, thậm chí còn gợi ý phụ nữ ngưng dùng máy sấy tóc: “Tôi luôn nghĩ rằng phụ nữ trông đẹp hơn khi luồn tay vào mái tóc của mình và để nó khô tự nhiên”.

Tháng 5, ông Maduro lại đổi múi giờ quốc gia để tiết kiệm điện. “Hạn hán và cúp điện đã thật sự ảnh hưởng - Arnson nói - Sự thiếu hiệu quả và tê liệt của dịch vụ công trở nên không thể kiểm soát, thiên tai khiến tình hình thêm nguy ngập”.

“Nói một cách nhẹ nhàng thì mọi thứ đang rất bừa bộn - nhà khoa học chính trị Thomas Homer-Dixon, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu về sáng kiến Waterloo, nói - Ở những quốc gia mà nhà nước vốn đã thiếu hiệu quả, chỉ cần một vài thảm họa môi trường cũng có thể nhanh chóng nhấn chìm quốc gia đó vào một thảm họa khác”.

Ở một đất nước khác, hạn hán nghiêm trọng năm 2007 đã biến nhiều cánh đồng ở Syria thành sa mạc, phá hủy mùa màng và buộc các gia đình phải tha hương kiếm sống. Ba năm sau vẫn chưa có mưa.

Người dân nông thôn đổ xô đến thành phố lớn, khiến căng thẳng xã hội dâng cao và cuối cùng gây ra cuộc nổi dậy năm 2011, giờ đã là một cuộc nội chiến không biết bao giờ mớt kết thúc. Sự bất ổn xã hội của Syria do khí hậu nhưng không phải “từ trên trời rơi xuống”.

Các dấu hiệu cảnh báo đã xuất hiện từ lâu. Nạn thiếu nước, mất mùa và người dân rời bỏ nhà cửa đã không được giải quyết. Giai đoạn 2006-2011 có 60% diện tích quốc gia này trải qua đợt hạn hán và mất mùa tồi tệ nhất kể từ khi nền văn minh nông nghiệp bắt đầu ở khu vực này nhiều thiên niên kỷ trước.

Theo Báo cáo đánh giá toàn cầu về giảm thiểu nguy cơ thảm họa (GAR), những người dân Syria phụ thuộc vào nông nghiệp dễ tổn thương nhất, “gần 75% chịu cảnh mất trắng mùa màng”. Những nông dân chăn nuôi gia súc gia cầm mất khoảng 85% tổng đàn, ảnh hưởng tới 1,3 triệu người.

Năm 2009, báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết hơn 800.000 người Syria mất toàn bộ sinh kế vì hạn hán. Năm 2011, báo cáo GAR ước tính số người Syria rơi vào cảnh “mất an ninh lương thực nghiêm trọng” do hạn hán khoảng 1 triệu người.

Số người lâm vào cảnh đói nghèo nghiêm trọng thậm chí còn nhiều hơn, số liệu theo Liên Hiệp Quốc là 2-3 triệu người. Chính vì thế nông dân, những gia đình làm nông đã rời bỏ nông thôn tràn vào thành thị.

Năm 2013, ước tính mất mùa ở các ngôi làng nông nghiệp khắp tỉnh Aleppo khiến hơn 200.000 nông dân rời quê vào thành phố. Các thành phố Syria vốn đã phải căng mình ra vì làn sóng di dân từ Iraq kể từ năm 2003, các đô thị ở Syria đã không còn chịu nổi và bạo lực bùng phát.

Nhiều yếu tố tổng hợp đã dẫn tới sự sụp đổ của ngành nông nghiệp Syria, trong đó có thời tiết thay đổi, quản lý tài nguyên sai lầm và đặc tính dân số. Một nghiên cứu của Cơ quan Khí hậu và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) đã khẳng định vụ hạn hán kéo dài ở Địa Trung Hải và Trung Đông có liên can tới biến đổi khí hậu. Nhưng tình hình càng trở nên tồi tệ hơn do quản trị nhà nước yếu kém.

Chính phủ Bashar al-Assad bị cáo buộc vừa thiếu hiệu quả vừa lãng phí tài nguyên thiên nhiên khiến tình trạng thiếu nước, sa mạc hóa ngày càng trầm trọng.

Trong thời gian quốc gia còn giàu tài nguyên, chính quyền đã bao cấp rất lớn cho ngành nông nghiệp, gây ra tình trạng lãng phí nước, khuyến khích những kỹ thuật thủy lợi kém hiệu quả. Khi đối mặt với cả tình trạng biến đổi khí hậu và thiếu nước do con người gây ra, nông dân buộc phải tìm nguồn cung bằng cách khai thác nước ngầm.

Trung tâm Chính sách nông nghiệp quốc gia Syria cho biết giếng đào đến mực nước ngầm từ 135.000 giếng năm 1999 đã tăng lên 213.000 năm 2007, khiến mực nước ngầm giảm mạnh ở nhiều nơi, gây tâm lý lo ngại về chất lượng nước còn lại ở những nơi khác.

Không những thế, việc khai thác đất quá mức và dân số tăng nhanh càng khiến tình trạng sa mạc hóa thêm trầm trọng. Những vùng đất màu mỡ trở thành cát bụi, nông dân không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải di cư, chết đói hay yêu cầu thay đổi.

Lời cảnh báo cho mọi quốc gia

Biến đổi khí hậu là một trong những nguy cơ an ninh lớn mà loài người phải đối mặt trong thế kỷ này. Hạn hán và các thiên tai khác có thể không trực tiếp gây ra chiến tranh, nhưng theo nhà khoa học Richard Seager - thuộc Cơ quan nghiên cứu trái đất Lamont-Doherty, biến đổi khí hậu có thể đóng vai trò như “giọt nước tràn ly” thúc đẩy tình trạng bất ổn xã hội.

Tất nhiên, mọi cuộc nổi dậy đều có những nguyên nhân sâu xa và phức tạp, nhưng các nhà khoa học muốn xác định xem chính xác thì khí hậu có thể ảnh hưởng tới các cuộc xung đột ra sao.

“Người ta không chỉ đánh nhau để tranh giành tài nguyên thiên nhiên - Homer-Dixon nói - mà họ có thể buộc phải rời bỏ nhà cửa vì thiên tai. Những ai phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên khan hiếm sẽ dễ trở nên nghèo hơn và có thể di cư với số lượng lớn”.

Ở Venezuela, khả năng người dân buộc phải rời bỏ nhà cửa để tìm một cuộc sống khác tốt đẹp hơn là rất lớn. Và biến đổi khí hậu khiến cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội thêm tồi tệ. Tháng trước, ông Maduro đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và dọa sẽ tiếp tục quốc hữu hóa các nhà máy tư nhân không chịu hoạt động. Arnson giờ lo ngại biểu tình và bạo lực sẽ khó tránh khỏi.

“Các nhóm quyền lực, đặc biệt ở những nước tham nhũng, sử dụng quyền lực của họ để nắm giữ tài nguyên - Homer-Dixon phân tích - Tài sản của quốc gia rơi vào tay một số người, khả năng điều hành của chính phủ bị yếu đi và thành thị căng thẳng”.

Khoa học khí hậu đã có nhiều lý giải về sự tương quan giữa môi trường và sự ổn định của đất nước. Angel Muñoz, lớn lên ở Venezuela và hiện là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Princeton, đồng ý rằng hạn hán là nguyên nhân nhưng vấn đề đáng nói hơn là quê hương ông đã không có điều mà ông gọi là “khả năng thích ứng”.

Hạn hán có thể dự báo nhưng trong khi nước láng giềng Colombia bắt đầu thực hiện chính sách phân phối nước từ tháng 9-2015 thì Venezuela không làm gì cả, dù là nước giàu tài nguyên hơn. Khi các nước với một chính quyền kém cỏi đối mặt với một thảm họa môi trường, “bạn có thể thấy sự sụp đổ của các chế độ toàn trị như từng diễn ra với Mùa xuân Ả Rập” - Homer-Dixon nói.

Tuy nhiên ông cũng cảnh báo: “Có khả năng thay thế các chế độ này cũng sẽ là những chính quyền tồi tệ không kém, vì bản thân xã hội đó đã bị chia rẽ trầm trọng rồi và vẫn phải đối diện với tình huống thiếu thốn vật chất”.

Nếu như vậy, Venezuela và Syria là những ví dụ đau đớn về cách thế giới phải đối phó ra sao với tình trạng trái đất nóng dần lên trong tương lai. “Trong hầu hết các cuộc xung đột - Homer-Dixon nói - Một nhà nước tham nhũng và yếu không thể tạo ra cơ chế thị trường để giải quyết bài toán khan hiếm”.

Với Venezuela, bây giờ ngay cả ông trời chưa chắc đã cứu được họ. Các chuyên gia khí tượng đang dự báo ảnh hưởng của La Niña sẽ khiến khu vực này có mưa lớn trở lại. “Venezuela có thể đi thẳng từ hạn hán đến lũ quét” - Muñoz nói, giải thích kiểu thiên tai mới có thể một phần là vì sự xuống cấp của các cơ sở hạ tầng như đường sá và hệ thống thoát nước, trong khi chính phủ vẫn không sẵn sàng để đối phó.

Không ai biết khi nào Venezuela sẽ bùng nổ. Có nhiều yếu tố chỉ được nhìn ra khi đã muộn, cũng như một số nhà phân tích đã không thấy trước được nguy cơ của khủng hoảng do nợ dưới chuẩn năm 2007. Cho đến nay, những ảnh hưởng về địa chính trị do khan hiếm tài nguyên và biến đổi khí hậu vẫn hầu như chưa được thừa nhận nhưng chúng ta có thể sẽ phải sớm nhìn nhận lại.

Theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới, tình trạng khan hiếm nước có thể khiến GDP toàn cầu giảm khoảng 14% vào năm 2050. Tổ chức này dự báo những vấn đề môi trường nghiêm trọng sẽ khiến xung đột và di dân ở Trung Đông, Trung Á và Nam Phi leo thang.

Ngay cả những nước giàu tài nguyên vốn từng được xem là có nền kinh tế ổn định như Brazil và Nga cũng sẽ trở nên nhạy cảm trước sự mất cân bằng về môi trường. Năm 2015, sản lượng cà phê, một trong những hàng hóa xuất khẩu quan trọng nhất của Brazil, đã giảm 15% vì hạn hán. Thiếu mưa ở Nga vào mùa thu năm nay đã làm thiệt hại 1/4 mùa màng ngũ cốc.

Lần gần đây nhất khi mùa màng nước này thất bát, giá lương thực toàn cầu tăng mạnh được coi là một nguyên nhân quan trọng làm bùng nổ cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập ở những nước Trung Đông giàu dầu mỏ nhưng lại phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu. Ngay cả quyền lực của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng sẽ sớm trở thành nạn nhân của hạn hán.

Khi mực nước ở hồ Assad tại Syria giảm, Raqqa, căn cứ của IS, sẽ chịu cảnh thiếu nước nặng nề. Năm ngoái, người phụ trách báo chí của IS Abu Mosa cho Vice News cho biết họ đang cân nhắc khả năng tấn công Thổ Nhĩ Kỳ để có thể tiếp cận được những nguồn nước bổ sung. Xem ra biến đổi khí hậu sẽ không chừa một ai dù cho quan điểm chính trị, kinh tế, xã hội của họ có là gì đi nữa.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận