Nở rộ dịch vụ trồng rau tại nhà

YẾN TRINH 18/05/2016 16:05 GMT+7

TTCT - Khi người dân Sài Gòn từ chối nguồn rau không an toàn cũng là lúc các dịch vụ trồng rau tại nhà phất lên. Với nhiều mức giá, người trồng có thể chọn phương pháp trồng trên đất, thủy canh hoặc kết hợp giữa trồng rau và nuôi cá.

Các khay trồng rau theo cách truyền thống -YẾN TRINH
Các khay trồng rau theo cách truyền thống -YẾN TRINH


Không chỉ giải quyết phần nào tình trạng “khát” rau sạch, mô hình trồng rau tại nhà còn giúp người dân tăng thêm mảng xanh nhà phố, cải thiện không gian sống.

Được thư giãn, có thêm rau sạch

6g sáng, bà Nguyễn Thu Hương (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã thức dậy chăm bón “vườn rau” ở bancông tầng hai nhà mình. Diện tích chừng một chiếc chiếu, giàn rau gồm tám khay trồng các loại: cải, mồng tơi, rau thơm... của bà còn một tuần nữa là có thể cắt ăn.

Vừa loay hoay ngắt bỏ những cọng rau úa, bà vừa mở van tưới tự động cho giàn rau. Bà cho biết: “Trước đây tôi trồng rau trong thùng xốp, chậu sành sứ... nhưng không đủ ăn và cũng lo không biết có an toàn cho sức khỏe không. Xài mô hình này nửa năm nay thấy cũng hiệu quả”.

Chi phí hơn 5 triệu đồng cho khay, đất, cây giống, phân bón và nhân viên công ty dịch vụ đến tận nhà khảo sát, lắp hệ thống, bà Hương mỗi ngày chỉ bỏ công ngó qua vườn rau của mình, mở van tưới nước và bắt sâu.

Tận dụng mảng tường trống trước nhà, ông Đậu Quang Vinh (Q.Thủ Đức) chọn dịch vụ trồng rau thủy canh. Cách trồng này không cần đất, rau trồng trong những giá thể xơ dừa đặt trong những chậu nhỏ trên ống nhựa, nước và dinh dưỡng chuyền từ thùng cung cấp bên dưới lên các ống thành một vòng khép kín.

Ông Vinh nói trồng như vậy tiết kiệm diện tích, tạo mảng xanh cho ngôi nhà. Ba tuần là có một lứa rau ăn. “Việc chăm sóc rau mỗi ngày còn giúp tôi thư giãn, đỡ cô đơn khi con cháu đi làm, đi học cả ngày. Cuối tuần có dịp hướng dẫn mấy cháu nhỏ làm vườn với mình. Có không gian xanh giúp trẻ con yêu thiên nhiên hơn” - ông Vinh nói.

Ngoài trồng rau theo cách truyền thống và thủy canh, hai năm trở lại đây Sài Gòn còn có mô hình trồng rau kết hợp nuôi cá (Aquaponics). Anh Nguyễn Hữu Thái Hiền, chủ trang web Vườn trên không, cho biết hình thức đơn giản gồm một bể cá và các khay rau tạo thành một vòng khép kín.

Nước và phân cá sẽ truyền lên nuôi rau, sau đó tự lọc thành nước sạch trả lại bể cá. Rau được ươm trong những giá thể đất sét nung... để giữ nước.

“Mô hình này có lợi là người trồng không tốn chi phí dinh dưỡng cho rau, vừa có cá vừa có rau ăn, không gian chừng vài mét vuông là có thể lắp đặt được” - anh Hiền nói. Tuy nhiên đòi hỏi người nuôi trồng phải chăm sóc, cho cá ăn thường xuyên và giá khá cao nên người dân còn cân nhắc. Tùy số lượng khay rau, diện tích lắp đặt, giá dịch vụ có thể lên đến 40-50 triệu đồng.

Không chỉ nhà phố, dịch vụ trồng rau còn “tấn công” các bancông khiêm tốn ở chung cư. Chị Phan Hà Liên, phó giám đốc Công ty TNHH Khang Ngọc Khánh (Q.Gò Vấp), cho biết: “Chúng tôi từng khảo sát những bancông chung cư, thậm chí những khoảng hẹp giữa lối đi các tầng để trồng rau cho khách”.

Còn chị Võ Thị Thu Hà, giám đốc Công ty CP Sài Gòn thủy canh (Q.Bình Thạnh), nói với chừng 2m2, người dân có thể đặt một giàn rau thủy canh với giá khoảng 6 triệu đồng/giàn.

Người dân TP.HCM chọn các mô hình trồng rau tại nhà để có nguồn rau sạch       -GIA TIẾN
Người dân TP.HCM chọn các mô hình trồng rau tại nhà để có nguồn rau sạch -GIA TIẾN

 

Dịch vụ chăm sóc, thu hoạch rau 

Các trang web giới thiệu dịch vụ trồng rau tại nhà rất đa dạng với đủ cam kết, kể cả chăm rau từ A đến Z. Chị Võ Thị Thu Hà lý giải: “Nhịp sống Sài Gòn bận rộn, người trồng rau mong tốn ít công chăm sóc càng tốt nên công ty cung cấp dịch vụ đã “nở” ra các gói dịch vụ để đáp ứng nhu cầu khách hàng”.

Ngoài lắp đặt giàn thủy canh, sau một đợt rau ăn (ba tuần), công ty lại cung cấp giống cho khách. Nếu khách bận rộn, nhân viên công ty sẽ đến tận nhà kiểm tra, lo liệu việc chăm bón rau, thậm chí thu hoạch giúp khách!

Mỗi mô hình trồng rau thường kèm thông tin bảo hành 5-10 năm. Anh Võ Hoàng Thân - nhân viên kỹ thuật, tư vấn lắp đặt của Công ty Sài Gòn thủy canh - nói: “Có khi khách hỏi tại sao hạt chưa nảy mầm, tại sao héo, có sâu, rồi tại sao rau muống tốt hơn cải...?”.

Anh Bùi Tấn Thời, chủ cơ sở Vườn tại gia (H.Bình Chánh), cho biết tuy cơ sở có cung cấp dịch vụ chăm sóc trọn gói, giá chừng 600.000 đồng/tháng nhưng trồng rau là việc tự thân lâu dài, nên anh hướng dẫn khách hàng tự chăm sóc thay vì sử dụng dịch vụ.

Đa số chủ công ty khi phát triển dịch vụ cung ứng mô hình trồng rau tại nhà đều xuất phát từ nhu cầu bản thân muốn có nguồn rau an toàn để sử dụng.

Chuyện khởi nghiệp của vợ chồng anh Bùi Tấn Thời và chị Trần Thị Lý là một ví dụ. Học về kinh doanh, sau đó với mối lo ngại thực phẩm bẩn tràn lan, chị Lý thử mua đất, mua khay trồng rau tại nhà. Chị kể: “Lúc đầu trồng chúng tôi cũng gặp khó khăn, phải tìm hiểu nhiều, dần dần thấy mình có thể làm được”.

Vậy là anh Thời - chị Lý mở cơ sở cung ứng mô hình trồng rau sạch bằng cách trồng trực tiếp trên đất. Một giàn bốn khay rau giá thấp nhất 1,3 triệu đồng. Ra đời đúng thời điểm thành phố đang “khát” rau sạch, tháng 10-2015 đến nay anh Thời đã cung cấp hơn 1.000 giàn rau.

Dịp dự hội chợ ở Nhật về hàng nông nghiệp, thấy mô hình trồng rau bằng các môđun nhựa ốp sát tường tiết kiệm diện tích và tạo mỹ quan, chị Phan Hà Liên đã đặt mua. Môđun giống như khay nhựa, chia ba ngăn trồng rau có nắp đậy và khe thoát nước ở dưới.

“Các môđun này có thể chồng lên nhau nhiều tầng nên tiết kiệm diện tích, tiện lợi cho việc tưới và chăm sóc” - chị Liên nói. Một môđun giá 300.000 đồng, chỉ cần hai ốc vít là môđun gắn sát tường.

Môđun trồng rau  -YẾN TRINH
Môđun trồng rau -YẾN TRINH

 

Phải đảm bảo an toàn 

Với vườn rau tại nhà, người dân Sài Gòn phần nào bớt nỗi lo về nguồn cung cấp rau cho gia đình. Nhưng vấn đề mà người dân quan tâm là làm sao nhận biết vật tư, phân bón... của các dịch vụ đảm bảo an toàn?

Theo GS.TS Nguyễn Quốc Vọng - Trường Khoa học ứng dụng ĐH RMIT (Úc), khi thực phẩm bẩn chưa được kiểm soát thì phong trào trồng rau tại nhà còn phát triển, do đó việc người dân tự trồng rau nên khuyến khích.

Tuy nhiên người dân cần có kiến thức về cách trồng, ví dụ hình thức thủy canh thích hợp với các loại rau ăn lá, nhưng người trồng phải tuân theo hướng dẫn sử dụng dung dịch dinh dưỡng, nếu lạm dụng sẽ tồn lưu trên lá rau gây hại cho sức khỏe...

Trước khi lựa chọn mô hình trồng rau tại nhà, người dân cần tìm hiểu kỹ các chứng nhận an toàn của công ty cung cấp dịch vụ (khay nhựa, ống, chất lượng đất, giống... đều phải được công nhận đạt chuẩn an toàn), không nên thấy rẻ mà sử dụng mô hình chưa được kiểm định.

Nếu không gian sống không đủ các điều kiện để rau phát triển như ánh nắng không thích hợp, nguồn nước không vệ sinh... thì người dân cân nhắc có nên trồng rau hay không.

“Với những không gian quá nhỏ hẹp như bancông chung cư, người trồng rau cần chú ý không làm rò rỉ nước, ảnh hưởng chất lượng công trình xây dựng và mất an toàn khi các khay chậu rơi rớt ra ngoài bancông” - ông Vọng lưu ý.

Thạc sĩ chuyên ngành sinh lý thực vật Nguyễn Đức Huy cho rằng với những chung cư, nếu tỉ lệ rau trồng chiếm 1-2% diện tích chung cư sẽ góp phần cải thiện bầu không khí xung quanh.

Tuy nhiên, người trồng cần có những kiến thức nhất định trong lĩnh vực trồng rau tại nhà, kiến thức vận hành các mô hình thủy canh, trồng rau kết hợp nuôi cá vì có nhiều tình huống cần xử lý như cây bệnh, thải dung dịch dinh dưỡng ra môi trường quá nhiều sẽ gây ô nhiễm... Đó là chưa kể việc trồng rau kết hợp nuôi cá nếu chiếm diện tích lớn, người trồng phải dùng nhiều môtơ bơm nước cho bể cá sẽ gây tiếng ồn.■

Không trồng rau ở dải phân cách, vỉa hè

Hiện ở TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước người dân còn tận dụng khoảng đất trống tại vỉa hè, dải phân cách các tuyến đường hoặc trồng rau trong các thùng xốp, khay nhựa đặt ở trước nhà. Điều này là không nên vì không khí mặt tiền đường chứa nhiều bụi bặm, côn trùng, vi khuẩn có hại, chất thải..., rau có nguy cơ ô nhiễm cao. Đó là chưa kể khi người trồng phun xịt các loại thuốc bảo vệ thực vật sẽ ảnh hưởng môi trường xung quanh.

Với thùng xốp, thùng nhựa, khay chậu sau một lứa rau, người trồng nên loại bỏ giá thể đã sử dụng, vệ sinh kỹ (rửa với nước, phơi nắng) vì thùng và khay chậu dễ đóng rêu, bám vi trùng gây hại sức khỏe. Khi gieo hạt, vì vỏ hạt thường được nhà cung cấp bao bọc một số chất hóa học để bảo vệ hạt khỏi hư mốc, người trồng nên đeo găng tay, đồng thời nên đeo khẩu trang khi bón phân.

GS.TS Nguyễn Quốc Vọng (Trường Khoa học ứng dụng ĐH RMIT, Úc)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận