“Chợ chiều” ở trung tâm thương mại

TTCT - Trung tâm thương mại - mô hình bán lẻ hiện đại - tuy không còn mới mẻ nhưng vẫn có sức hút rất lớn đối với các thương hiệu, khi mà mỗi năm tại Sài Gòn lại mọc thêm 2-3 trung tâm mua sắm mới. Điều đáng nói, từ trung tâm mới mở cho đến chỗ đã hoạt động lâu năm, hiện tại rất thưa vắng khách nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn quyết tâm bám trụ.

Dù khuyến mãi liên tục nhưng trung tâm thương mại Pearl Plaza (Q.Bình Thạnh) vẫn vắng vẻ không có khách mua -Quang Định
Dù khuyến mãi liên tục nhưng trung tâm thương mại Pearl Plaza (Q.Bình Thạnh) vẫn vắng vẻ không có khách mua -Quang Định


Hơn 11g trưa ngày cuối tuần ở trung tâm thương mại (TTTM) Now Zone (Q.5), tiếng nhạc mở xập xình khắp các tầng lầu. Nhưng những tấm biển giảm giá 30-50% giăng khắp nơi xem ra vẫn không gây được “cảm hứng” gì cho khoảng... 10 người khách đi dạo qua các gian hàng.

Từ ế đến... ế

1 triệu m2 mặt bằng bán lẻ

Trong quý 4-2015, thị trường bán lẻ TP.HCM đón nhận thêm năm dự án mới là Pearl Plaza, Co.op Mart Văn Thánh, Co.op Mart Nguyễn Bình, Vincom Mega Mall Thảo Điền và đại siêu thị Emart. Đến hết năm 2015, tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ của thành phố xấp xỉ 1 triệu m2. Trong đó, nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại khu vực nội thành tăng mạnh 18% so với quý 3-2015, trong khi tại khu vực trung tâm giảm 12%.

Chúng tôi ghé vào một gian hàng mỹ phẩm có tiếng của Hàn Quốc ở ngay tầng trệt. “Anh nhìn xem, ở đây có mỗi mình anh là khách thôi chứ có ai đâu” - chủ cửa hàng tên Q. trả lời khi chúng tôi hỏi về tình hình mua bán ở đây.

Theo Q., hầu hết các quầy bán hàng đều gặp tình trạng này. “Bán chậm lắm. Có khi một ngày chỉ được 1-2 khách, cuối tháng kết sổ doanh số bình quân 30-45 triệu đồng, coi như lỗ” - Q. nhún vai nói. Sang shop quần áo thời trang G. nổi tiếng, bảng giảm giá 50% bày khắp lối đi. “Doanh số, kể cả khuyến mãi, cũng không ăn thua anh ơi” - một nhân viên bán hàng than thở.

Tại Saigon Pearl (Q.Bình Thạnh), một TTTM mới mở cách đây chưa lâu cũng gặp tình cảnh chẳng sáng sủa gì hơn. Dù là vị trí đẹp nhất, ngay mặt tiền của trung tâm nhưng lầu 1-2-3 vẫn còn nhiều ô bỏ trống. Các quầy hàng thời trang, thể thao, trang sức nằm san sát, được trang trí đủ kiểu bắt mắt, nhưng cũng không thấy khách nào tìm đến.

Còn tại các TTTM nổi tiếng lâu nay ở Sài Gòn như Vincom A, Vincom B, Diamond, Parkson Lý Tự Trọng, Parkson Trường Sơn, Crescent Mall..., không khí dù có vẻ nhộn nhịp hơn nhưng hầu hết khách đến đây là để... xem phim hoặc đi ăn.

Riêng tại hệ thống TTTM của nhà đầu tư V. tập trung ở Q.1 có vẻ “hút” khách hơn nhưng cũng có không ít gian hàng trống, trả lại mặt bằng hoặc đổi chủ. Thậm chí ở TTTM V. “cũ”, chúng tôi từng thấy băngrôn chữ “coming soon” được quây ở một góc lầu hơn ba tháng nay, nhưng chờ mãi mà vẫn chưa thấy gian hàng mới nào xuất hiện!

Vì sao ế?

Theo các nhà đầu tư, chủ gian hàng, tình trạng ế ẩm tại các TTTM kéo dài từ giữa năm 2015, đến trước tết có cải thiện đôi chút, sau đó trượt dài đến tận bây giờ. Một chủ đầu tư chuỗi cửa hàng mỹ phẩm T. cho biết lượng khách đến mua sắm thời điểm sau tết đến nay giảm dần, kể cả những ngày cuối tuần.

Vào các dịp lễ tình nhân (14-2), quốc tế phụ nữ (8-3) sức mua có khá hơn chút đỉnh nhưng không thấm vào đâu so với sự ế ẩm thường ngày. Doanh số bán hàng vì thế cũng sụt giảm 20-30% so với cùng thời điểm năm trước.

Tại một số chợ hay TTTM bình dân, các chủ gian hàng không muốn nói cụ thể về tình hình kinh doanh, cho biết chung chung rằng doanh số bán hàng sụt giảm từ nhiều tháng trước, họ chỉ giữ sạp để lấy tiền hàng khách nợ là chính. Các quầy mỹ phẩm tại Now Zone khẳng định doanh số rất thất thường, dao động quanh mức 70-140 triệu đồng/tháng, so với các năm trước giảm từ 10-20%.

Chất lượng các mặt hàng tại các TTTM sang trọng không phải là yếu tố thuyết phục người mua. Một số chủ đầu tư cho rằng có những DN làm ăn uy tín bán hàng chất lượng, nhưng cũng không ít DN trộn hàng nhái, hàng kém chất lượng mà bán với giá hàng ngoại, hàng hiệu.

Từ chỗ e ngại, người tiêu dùng chọn giải pháp ra cửa hàng bên ngoài mua cho... chắc ăn. Chị Khả Tú, từng có nhiều năm bỏ mối quần áo tại các TTTM, cho biết: “Một số cửa hàng lấy hàng gia công trong nước hoặc hàng Trung Quốc gắn mác hàng nổi tiếng để bán với giá cao”.

Giá cả cũng là một rào cản khiến khách hàng quay lưng với các TTTM cao cấp. Chị Hồng (Q.3) cho biết trước đây thỉnh thoảng chị và bạn bè hay vào TTTM P. (Q.1) mua mỹ phẩm. Tuy nhiên, kể từ khi biết được giá ở đây mắc hơn giá bên ngoài gần gấp rưỡi nên chị tìm đến các shop hàng xách tay chất lượng nhưng giá rẻ hơn nhiều. Khảo sát tại các TTTM cho thấy giá cả hầu hết các mặt hàng so với mặt bằng chung là mắc hơn từ 10-20%, thậm chí cao hơn.

Tình trạng vắng vẻ, thưa thớt khách đi mua sắm tại Now Zone (Q.5) -Quang Định
Tình trạng vắng vẻ, thưa thớt khách đi mua sắm tại Now Zone (Q.5) -Quang Định

 

“Trong ra không được, ngoài ngờ là vui”

Ngoài sức mua thấp, tình trạng bão hòa do quá nhiều TTTM được đưa vào hoạt động gần đây, giá cho thuê mặt bằng quá cao cũng là nguyên nhân không nhỏ đẩy các chủ cửa hàng khỏi các TTTM sau một thời gian “cầm cự”.

Theo khảo sát của chúng tôi, mức giá cho thuê các mặt bằng bán lẻ ở trung tâm TP hiện nay dao động từ 20 USD/m2/tháng đến 37 USD/m2/tháng (chưa VAT) ở những “khu đắc địa”, trong khi khu vực ngoại thành có giá thấp nhất cũng 10 USD/m2/tháng.

Tại TTTM P. trên đường Lê Đại Hành (Q.11), nhiều gian hàng bị bỏ trống trước tết nay vẫn chưa có khách thuê. Mỗi mặt bằng từ 80-90m2 ở đây có giá từ 50-60 triệu đồng. “Tiền thuê rất đắt nhưng khách hàng lại ít, họ chủ yếu đi dạo chơi là chính chứ ít khi mua đồ” - một chủ cửa hàng lý giải. “Cũng ráng lắm mà chịu không nổi nên phải trả lại mặt bằng.

Chưa đầy một năm mà lỗ hơn cả tỉ bạc thì sao kham nổi” - bà Trần Thụy Khanh, phụ trách kinh doanh thương hiệu thời trang T., bộc bạch. Theo bà Khanh, cách đây một năm, vì muốn mở thêm kênh bán hàng ở các TTTM sang trọng nên công ty thuê 80m2 ở TTTM Vincom (Q.1) với giá 50 USD/m2.

“Mỗi tháng bỏ ra 5.000 USD tiền thuê mặt bằng nhưng thu lại chưa được 1.000 USD/tháng. Tình trạng ế ẩm kéo dài triền miên, gồng mình đúng một năm chịu hết nổi nên buông luôn” - bà Khanh chia sẻ.

Chưa đến mức trả lại mặt bằng nhưng bà Tường Vi, chủ thương hiệu K.N - kinh doanh đồ gỗ nội thất - cũng đang tính đến phương án xin giảm giá thuê ở một số TTTM khu vực nội thành “vì từ tết đến nay khách thưa thớt, ế quá chịu không nổi”.

Bà Tường Vi cho biết hiện K.N có tám cửa hàng ở Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương... với diện tích 100-120m2/cửa hàng, giá thuê 58-60 USD/m2 tại Vincom (Q.1), 37 USD/m2/tháng ở Crescent Mall (Q.7).

Theo bà Vi, doanh thu hiện tại các cửa hàng của K.N thấp, thậm chí có thời điểm không đủ tiền trả mặt bằng. “Ví dụ như cửa hàng vận hành tốt nhất của chúng tôi là ở Vincom B thì chi phí tiền thuê mặt bằng và dịch vụ đã “ngốn” mất 140 triệu đồng/tháng.

Trong khi doanh thu mùa cao nhất cũng chỉ xấp xỉ 1 tỉ đồng/tháng, mùa ế ẩm rớt xuống còn 500-600 triệu đồng/tháng. Nhiều thời điểm phải chấp nhận lỗ để duy trì mặt bằng và thương hiệu vì nhắm đến đầu tư lâu dài” - bà Vi thở dài nói.

"Phiên chợ chiều" tại Now Zone (Q.5) - ảnh Quang Định

 

“Thả con săn sắt, bắt con cá rô”?

Trên 350.000m2 mặt bằng “rót” ra thị trường

Theo bà Nguyễn Thị Vân Khanh - giám đốc bộ phận tư vấn Công ty Savills VN, năm 2016, tổng nguồn cung mặt bằng dành cho bán lẻ dự kiến sẽ cung cấp khoảng 354.000m2, trong đó khu vực ngoài trung tâm TP đóng góp hơn 70%. Một số dự án tương lai trong khu vực nội thành có thể đi vào hoạt động ngay trong năm nay như Saigon Center, Leman... có giá thuê khá cao.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ, thông thường các nhãn hiệu lớn, đặc biệt là các thương hiệu ngành thời trang, có xu hướng phủ khắp các TTTM. Cứ cái nào mới mở là có mặt các nhãn hiệu, vì mục đích chính của họ là muốn tăng độ phủ thương hiệu đến với người tiêu dùng.

Dù hiệu quả không như mong muốn nhưng nhiều người biết tới thương hiệu thì khả năng thúc đẩy doanh số về sau càng cao. “Trừ một số trường hợp kinh doanh thất bại hoặc giá thuê cao quá mức, các nhãn hiệu mới bỏ các TTTM. Còn không, các DN trong nước sẽ cố gắng bám trụ để tăng độ phủ, đánh bóng thương hiệu.

Còn với các thương hiệu nước ngoài, ngoài vốn rất mạnh thì việc xí mặt bằng để chờ nền kinh tế trong nước hồi phục không có gì là quá khó đối với họ” - ông Nguyễn Hữu Phụng, chủ tịch HĐQT Công ty Thời trang Việt, thừa nhận.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), với quy mô hơn 10 triệu dân như hiện nay, nhu cầu phát triển TTTM tại Sài Gòn hiện rất lớn. Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HoREA, cho rằng do thu nhập của người dân còn thấp nên các thương hiệu mở tại các TTTM còn vắng khách.

“Tuy vậy, rất nhiều thương hiệu tiếp tục cầm cự để nhắm tới mục tiêu đầu tư lâu dài, dù gặp rất nhiều khó khăn để cạnh tranh, tồn tại. Có nhiều dự án đầu tư 10 năm mới có lợi nhuận” - ông Châu nói.

Cũng theo ông Châu, dù sức mua chưa tương xứng với tần suất đầu tư, mở mới mặt bằng của các “trùm” bất động sản, nhưng các nhà bán lẻ trong và ngoài nước đều tranh nhau chiếm hữu các mặt bằng bán lẻ đắc địa. Chưa kể nhiều dự án căn hộ, khu đô thị cũng đang đóng góp vào nguồn cung mặt bằng ngày một nhiều. Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực quản lý và vận hành khối mặt bằng bán lẻ nên cho các đối tác chuyên nghiệp thuê lại để kinh doanh.

“Từ đây đang xuất hiện nhiều thương hiệu (chủ yếu là DN nước ngoài) thống lĩnh mặt bằng bán lẻ, họ đi đến từng khu phố để săn tìm mặt bằng tốt” - ông Châu nhấn mạnh. Đó cũng là lý do vì sao các chung cư tích hợp sẵn các khu TTTM luôn có giá cao hơn các chung cư khác không có hạng mục này. ■

Trung tâm thương mại đa năng hút khách trẻ

Một số TTTM đã tiến hành tái cấu trúc cho phù hợp với xu hướng mua sắm hiện nay. Sự cạnh tranh vượt trội nghiêng về phía những TTTM có quy mô lớn, cung cấp nhiều loại hàng hóa cũng như dịch vụ giải trí tiện nghi. Các dự án cũng dành diện tích cho các khu vực thu hút khách hàng như khu ăn uống, nhà hàng, quán cà phê, khu vui chơi giải trí, các show room điện tử cho khách hàng tham gia trải nghiệm sản phẩm. Một số dự án có những điểm thu hút hấp dẫn như Vincom Mega Mall mở cửa sân trượt băng đầu tiên của thành phố, hay như Aeon Mall Celadon có những trò chơi mang tính công nghệ cao…

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận