Ruột thịt tình thâm

LÊ THANH HÀ 26/01/2016 18:01 GMT+7

TTCT - Không có sự bất hạnh nào hơn khi trước mắt cửa tử ngày càng mở rộng, còn sự sống như ngọn đèn leo lét trước gió. Nhiều bệnh nhân suy thận chỉ còn biết đếm từng ngày chờ thần chết gõ cửa. Nhưng phép mầu đã đến với họ từ ruột thịt tình thâm…

Ông Nguyễn Xuân Minh bị suy thận mãn được vợ là bà Nguyễn Thị Vân hiến một quả thận. Hiện sức khỏe của ông đã ổn định. Trong ảnh: ông phụ vợ làm việc nhà --Hữu Khoa
Ông Nguyễn Xuân Minh bị suy thận mãn được vợ là bà Nguyễn Thị Vân hiến một quả thận. Hiện sức khỏe của ông đã ổn định. Trong ảnh: ông phụ vợ làm việc nhà --Hữu Khoa


Ngày cuối năm, hội trường Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM như ấm áp hẳn lên khi các cặp cho - nhận thận được ban giám đốc bệnh viện mời lên tặng hoa. Họ không chỉ đại diện cho 100 ca ghép thận thành công trong 12 năm qua mà hơn thế, họ mang lại những câu chuyện đẹp, xúc động về sống và chia sẻ yêu thương.

Nghĩa vợ chồng

Ở cuối đường Tên Lửa (Q.Bình Tân, TP.HCM) có một quán ăn đơn sơ mang tên “Bánh cuốn Hà Nội”. Khách đến ăn hầu như không ai biết chủ quán từng là bệnh nhân suy thận được hồi sinh nhờ thận hiến tặng của người bạn đời ông.

Chủ quán là ông Nguyễn Xuân Minh, 53 tuổi, cùng tuổi với vợ ông, bà Nguyễn Thị Vân. Hằng ngày, bà Vân tráng bánh cuốn, còn ông Minh sắp giá, rau thơm vào đĩa rồi mang phục vụ khách.

Năm 2004 ông Minh bị suy thận mãn và bắt đầu chuỗi ngày dài mệt mỏi vì tuần nào cũng phải đến bệnh viện lọc máu ba, bốn lần.

Ông Minh nhớ lại những ngày tháng buồn bã, chán nản vì bệnh kéo dài dai dẳng và tốn kém đó. Mỗi lần chạy thận về, cứ 1g-2g sáng là chân ông lại đau nhức như có hàng trăm mũi kim đâm vào xương thịt. Vợ con ông lại phải thâu đêm bóp chân cho ông. Có lúc quá mệt mỏi vì bệnh tật, ông những muốn tự tử cho xong.

Khi sức khỏe của ông suy sụp, anh em ruột của ông bàn nhau đi thử máu, xét nghiệm để cho ông thận nhưng hai người khác nhóm máu. Chỉ có người em gái cùng nhóm máu và phù hợp nhiều yếu tố nhất lại bị bệnh không cho thận được.

Thương chồng, bà Vân thủ thỉ: “Hay để tui đi thử xem sao, nếu hợp thì tui hiến cho ông”. Ban đầu ông Minh kịch liệt phản đối. Nhưng trước sự kiên quyết của vợ, ông đành nghe theo. Ngày nhận kết quả xét nghiệm, bà Vân vui mừng khôn xiết khi chỉ số hoàn toàn phù hợp với việc hiến và ghép thận cho chồng.

Trong khi đó, ông Minh lo lắng không yên vì nếu mình được sống mà người bạn đời mất đi một phần cơ thể thì cũng chẳng vui vẻ gì. Đến khi sức khỏe suy kiệt, vợ ông hối thúc mãi, ông mới chịu lên bàn mổ. Năm 2011, ông Minh được các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 ghép thận và từ đó sức khỏe ngày càng tốt lên.

Nói về người vợ “không chỉ nhường ăn mà còn nhường cả một quả thận”, giọng ông Minh đầy xúc động: “Nói thật, sau khi được ghép thận tôi như người chết đuối vớ được cọc. Tôi rất hạnh phúc khi người vợ đầu ấp tay gối sẵn sàng hi sinh một phần thân thể cho tôi.

Đứt tay một tí đã thấy đau huống hồ cắt cả một quả thận, đau đớn nhiều lắm. Cho đi một quả thận có nghĩa nhận về phần mình sự thiệt thòi, mất mát. Bà ấy quá tuyệt vời”.

Thế nhưng bà Vân lại xem việc hiến thận cho chồng là bình thường. Bà bộc bạch: “Mỗi khi thấy ông ấy đi chạy thận về, đau đớn suốt đêm, tôi thương lắm. Nhiều lúc bế tắc, chồng tôi đòi nhảy lầu chết mà tôi không biết còn cách nào để cứu.

Thấy mấy anh em của ông cho thận mà không được, thương chồng nên tôi quyết định thử máu xem thế nào. Kết quả tôi có cùng nhóm máu B với ông nhà tôi. Khi lên bàn mổ tôi cũng không lo lắng hay sợ gì cả. Cứ nghĩ cứu được chồng là tôi hăng lắm, vui sướng lắm rồi”.

Tôn vinh những cặp hiến - nhận thận là người ruột thịt trong gia đình -Hữu Khoa
Tôn vinh những cặp hiến - nhận thận là người ruột thịt trong gia đình -Hữu Khoa

 

Không thể làm ngơ

Bà Lê Thị Tuyết Hằng (48 tuổi, TP.HCM) là một trong những bệnh nhân được ghép thận thành công từ thận hiến của em gái. Chín năm nay kể từ ngày được ghép thận, sức khỏe của bà Hằng không chỉ hồi phục tốt mà bà sống vui vẻ, lạc quan hơn.

Bà khoe quả thận mà bà mang trong mình hiện vẫn “chạy tốt” bởi trong đó được nuôi dưỡng bởi cả tình thương yêu của em gái mình.

“Năm 2004 tôi bước vào thời kỳ suy thận giai đoạn cuối. Các em tôi ai cũng tự nguyện cho thận nhưng khi đó cứ nghĩ em gái phải mất đi một phần thân thể để cứu mình, tôi lại dằn vặt, suy nghĩ rất nhiều. Sau hơn hai năm chạy thận, sức khỏe của tôi ngày càng xấu đi. Lúc đó không còn cách nào khác tôi đã đồng ý để em mình hiến thận” - bà Hằng nhớ lại.

Cả ba người em của bà Hằng cùng đi bệnh viện thử máu, xét nghiệm các yếu tố thuận hợp nhưng chỉ có người em gái út Lê Thị Phương Trang (42 tuổi) là thuận hợp tốt nhất. “Tháng 2-2007 tôi được ghép thận. Khi đó em tôi 33 tuổi. Tôi như được sinh ra thêm lần nữa. Tỉnh lại sau khi ghép thận, tôi rất cảm động. Sự hi sinh của em tôi quá lớn. Bây giờ mỗi lần đi tái khám, thấy nhiều bệnh nhân suy thận không có thân nhân hay ai hiến thận, tôi càng thương em và thấy mình may mắn vì các em tôi ai cũng tốt bụng và hết mực thương yêu mình” - kể đến đây giọng bà Hằng nghẹn lại.

Kể lại việc hiến thận, chị Trang tâm sự: “Khi bị bệnh chị tôi rất ít chia sẻ, mãi sau gia đình mới biết chị bị hư hết hai bên thận. Nhìn chị bị phù nề hết mà mỗi ngày phải tự làm thẩm phân phúc mạc để lọc thận rất vất vả, tôi thương vô cùng mà không biết giúp bằng cách nào.

Tìm hiểu trên mạng, tôi biết bệnh nhân suy thận có thể kéo dài sự sống bằng cách ghép thận. Khi đó tôi đang mang thai. Tôi gặp chị và đưa ra quyết định sẽ hiến thận cho chị”. Chị Hằng phân vân: “Việc này em phải suy nghĩ kỹ, còn chồng và gia đình chồng em nữa”. Chị Trang vẫn quyết liệt: “Không suy nghĩ gì nữa. Đợi em sinh xong, cháu cứng cáp một chút em sẽ cho chị thận”.

Dù lòng đã quyết và được ông xã ủng hộ nhưng gia đình chồng chị Trang vẫn có người bàn ra, cho là lỡ cho thận rồi phải nằm một chỗ lại khổ chồng con. “Tôi vẫn không thay đổi ý định, dù có ảnh hưởng sức khỏe nhưng chị mình bệnh vậy, không thể làm ngơ” - chị Trang tâm sự.

Tay trong tay
Tay trong tay

Tình huynh đệ

Nhà có năm anh em trai, một người đã hi sinh trên chiến trường, mẹ lại già yếu, ông Trần Sắc (55 tuổi, Đồng Nai) trở thành điểm tựa tinh thần cho ba người em còn lại. Trong ba người em, ông Trần Hòa (47 tuổi) là em út luôn khiến ông Sắc lo lắng vì em ông bị suy thận giai đoạn cuối, sự sống chỉ còn đếm từng ngày. Ông Sắc kể: “Tôi lớn nhất và đang độc thân.

Trong khi đó sức khỏe em tôi ngày càng đuối vì phải lọc máu một tuần bốn lần. Bệnh tật làm nó bơ phờ, tím tái hết cả người. Ba anh em tôi giấu mẹ, bàn nhau hiến thận cho thằng út, ai phù hợp nhất thì cho. Chúng tôi âm thầm đi thử máu, xét nghiệm vì sợ mẹ tôi lo lắng. Kết quả chỉ có tôi cùng nhóm máu và có các yếu tố phù hợp nhất để hiến thận cho em. Sau khi mẹ tôi qua đời mấy tháng, cuối năm 2012 em tôi được ghép thận”.

Dù ba người anh đều nhất quyết cho thận và đốc thúc đi xét nghiệm để ghép thận nhưng ông Hòa vẫn cứ áy náy mỗi khi nghĩ đến việc lấy đi của anh mình một quả thận. Ông Hòa tiếp tục chạy thận thêm hai năm cho đến lúc sức khỏe suy sụp. Bị mấy người anh vận động, thuyết phục, thậm chí la mắng, ông mới đồng ý ghép.

Cả ba anh trai giành nhau hiến thận cho ông Hòa, không ai chịu nhường ai, cuối cùng cả ba anh quyết định cùng đi xét nghiệm và ai phù hợp nhất sẽ là người cho thận. Kết quả hai người anh có nhóm máu O, ông Sắc trùng nhóm máu B với ông Hòa nên bác sĩ chọn ông Sắc.

Tỉnh dậy sau khi ghép thận, ông Hòa rưng rưng: “Khi anh Sắc quyết định cho tôi thận cũng như khi chưa mổ, tôi không suy nghĩ gì nhiều. Đến khi tỉnh lại và cảm nhận sự đau đớn của bản thân, trong tôi cứ trào dâng tình thương với người anh đã hi sinh cho mình.

Thời gian trôi qua, sức khỏe ngày càng hồi phục tôi càng thương anh mình hơn. Anh đã hi sinh cả cuộc đời lo cho mẹ và đàn em, nay lại hi sinh một phần cơ thể cho tôi. Khi xuất viện về nhà, hàng xóm biết chuyện anh Sắc hiến thận cho tôi, ai cũng cảm kích. Tôi càng thấy hạnh phúc và cuộc đời càng có ý nghĩa hơn”.

Ông Lê Đình Quỳnh là người được ghép thận từ thận của em trai út Lê Đình Quân. Phát hiện suy thận từ năm 2012, ông Quỳnh mỗi tuần ba lần đến Bệnh viện Nhân dân 115 để chạy thận nhân tạo.

Thấy anh cả đau đớn vật vã sau mỗi đợt chạy thận, anh Quân (lúc đó 42 tuổi) không ngần ngại xin được hiến thận cứu anh. Năm 2014, sau khi vượt qua các kiểm tra xét nghiệm, hai anh em ông Quỳnh lên bàn mổ. Sau ca ghép thận kéo dài nhiều giờ liền, hiện sức khỏe ông Quỳnh đã ổn định, trẻ trung hơn rất nhiều so với tuổi 60.

Tâm sự về những ngày tháng đã qua, ông Quỳnh nói: “Ngày xưa khi bị suy thận mãn, nằm trong khoa thận tôi cứ nhìn lên trần nhà với nỗi niềm chua xót, nghĩ cuộc đời mình chấm dứt từ đây... Lúc được em trai ngỏ ý hiến thận, tôi mới nghiệm ra trên đời này không gì quý hơn ruột thịt tình thâm”.■

Theo GS.TS Phạm Gia Khánh - Học viện Quân y, ngày 4-6-1992 ca ghép thận đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện thành công tại Bệnh viện 103 với sự giúp đỡ của GS Chu Su Lee (Đài Loan) cùng sự tham gia của các chuyên gia y học đầu ngành trong cả nước. Sau đó ghép thận lần lượt được triển khai ở 16 bệnh viện trong cả nước. Phần lớn bệnh nhân sau ghép thận đã trở về với cuộc sống bình thường, nhiều bệnh nhân sau đó có con. Ca ghép thận sống lâu nhất đã bước sang năm thứ 24. Tuy nhiên, cũng như các nước trên thế giới, cản trở lớn nhất của ghép tạng ở Việt Nam hiện nay là thiếu người hiến tạng, đặc biệt là người cho chết não, do ảnh hưởng của tâm lý, tôn giáo, tín ngưỡng trong nhân dân, dù Việt Nam đã có luật hiến tạng từ người cho chết não được Quốc hội thông qua năm 2006.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận