Trở lại thung lũng phù dung

QUỐC VIỆT 13/01/2016 18:01 GMT+7

TTCT - “Hồi trước, vào thung lũng dưới chân núi Khau Phạ ấy kiếm cây thuốc phiện còn dễ hơn tìm cải bẹ xanh. Người dân không có cơm rau ăn nhưng luôn sẵn cây thuốc phiện để chế biến thành bữa tiệc chín món, từ ngâm rượu, xào tỏi, luộc tái... đến ăn sống!”.

Sự đổi thay tốt đẹp hơn đã đến với thế hệ trẻ em Tú Lệ - ảnh Quốc Việt
Sự đổi thay tốt đẹp hơn đã đến với thế hệ trẻ em Tú Lệ - ảnh Quốc Việt


Hãy vào thử thung lũng ấy xem bây giờ thế nào? Lời mời của người từng là tay anh chị buôn chuyến khét tiếng một thời trên tuyến đường Hà Nội - Nghĩa Lộ - Mù Cang Chải thật khó từ chối, và tôi quyết định dừng chân lại thung lũng phù dung này vài hôm trên cung đường Tây Bắc.

Thuốc phiện thay rau

“Muốn biết quy mô trồng cây thuốc phiện ở đây hồi ấy như thế nào phải không? À, thì thế này, rộng thế này này” - ông Hoàng Văn Túi, nguyên trưởng Công an xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, Yên Bái, vừa cười vừa khoát tay chỉ hết cánh đồng thung lũng quê mình. Tức là cả xã Tú Lệ rộng gần 3.000ha.

Người đàn ông dân tộc Thái về sau làm phó chủ tịch xã này cũng chẳng giấu giếm: “Hồi đó tôi cũng trồng hơn 4.000m2 cây thuốc phiện. Gạo thì quanh năm thiếu ăn nhưng thuốc phiện lúc nào cũng sẵn”.

Mà đâu chỉ tới thời ông Túi loại cây gây nghiện này mới xuất hiện. Nhiều đời tổ tiên người dân trên miền sơn cước này đã gần gũi với cây độc. Hồi xưa Tú Lệ còn có tên dân tộc là Mường Lùng với một trong những “đặc sản” nổi tiếng chính là thuốc phiện.

Người ta cho rằng khí hậu dãy núi Khau Phạ với độ cao khoảng 1.500m đã tạo ra cái “hương vị thơm ngon” cho loài cây này. Đặc biệt, cánh đồng hoa phù dung lại có một con suối lớn mang tên Nậm Lung quanh năm đầy nước chảy qua để tưới tắm xanh tốt...

Theo ông Túi, không chỉ xã Tú Lệ mà nhiều địa phương ở các huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu của tỉnh Yên Bái trước những năm 1990 đều khét tiếng với những cánh đồng thuốc phiện bạt ngàn. Người dưới xuôi lên miền sơn cước lập nghiệp, lần đầu nhìn thấy cây thuốc phiện khen nức nở: “Hoa dại gì đẹp thế? Nở tím cả núi rừng”.

Cây thuốc phiện ở Yên Bái được phá bỏ -Phạm Ngọc Dương
Cây thuốc phiện ở Yên Bái được phá bỏ -Phạm Ngọc Dương

 

Riêng Tú Lệ do nằm dọc trục quốc lộ 32, tiện đường vận chuyển nên từ lâu đã có tiếng là thung lũng hoa phù dung. Nhắc nhớ một thời khó quên ở bản làng quê hương mình, anh Hoàng Văn Soàn, phó chủ tịch xã Tú Lệ, trầm tư:

“Khi tôi đi học ở trường bản những năm 1980, cây thuốc phiện vẫn còn trồng khắp cánh đồng như trồng lúa, trồng rau. Ai có đất nhiều thì trồng nhiều, ai có ít trồng ít. Phần dùng để hút, phần để bán, còn lại thì để ăn thay rau. Con nít cũng biết ăn thứ cây này như ăn cải, nhất là khi còn non, lượng nhựa chưa cao. Ngoài ra người ta còn ngâm rượu uống. Ngoài thỏa mãn cơn nghiện, đồng bào dân tộc hay uống để trị các bệnh cảm mạo mùa lạnh, đau bụng, đau đầu, nhức mỏi chân tay”.

Mỗi năm khi thời tiết bắt đầu se lạnh, giao mùa thu đông, người dân Tú Lệ cũng như nhiều vùng núi Việt Bắc khác bắt đầu vào vụ “canh tác” thuốc phiện. Cũng may là thứ cây gây nghiện này chỉ thích hợp với thời tiết lạnh cuối năm, nếu không người ta đã trồng nó quanh năm.

Dù không còn trồng nữa, nhiều người lớn tuổi ở thung lũng Tú Lệ vẫn nhớ vanh vách kỹ thuật trồng loài cây này. Họ gieo hạt vào khoảng tháng 10 đến tháng 11 âm lịch, sau ba tháng thì có thể thu hoạch. Thứ cây rất lạ, chỉ phù hợp với sương sa lạnh lẽo.

Người ta thường trích nhựa khi chiều xuống, nhưng phải là lúc trời ít gió để không làm khô nhanh vết thương ở cây, nhựa không tiết ra nhiều. Trái khô được thu gom cẩn thận, treo chái bếp dành làm giống cho mùa sau.

“Tiếng là vùng đất có cây thuốc phiện bạt ngàn nhưng hồi đó nhà nào cũng nghèo xác xơ. Đến gạo còn không có để ăn, món được người ta dùng thay cơm thường xuyên là măng tre rừng luộc chấm với nước muối” - ông Túi ở tuổi 70 nhớ lại những ngày buồn thảm trên quê hương mình.

Ông tâm sự hồi trước năm 1990, Tú Lệ, tức đất Mường Lùng quê ông, mỗi năm chỉ trồng lúa nếp nương được một vụ vào mùa hè thu. Sau khi thu hoạch, họ phải đong đến 24kg lúa nếp mới đổi được 10kg gạo tẻ. Nhưng cả gạo nếp hay gạo tẻ cũng chẳng bao giờ đủ cho miệng ăn trong nhà. Cái cảnh người nghiện bỏ bữa ăn như bộ xương nằm co ro góc nhà lay lắt “no” với khói thuốc phiện từng là nỗi ám ảnh kinh hoàng ở thung lũng sơn cước có cái tên mỹ miều Tú Lệ...

Cả mảnh ruộng trồng thuốc phiện xanh tốt như nhà ông Túi, xong vụ chỉ đổi ra được ngót nghét một, hai tạ gạo, đủ cầm hơi được 1-2 tháng. Đói, người dân phải vay gạo, vay khoai sắn để ăn trước. Đến mùa thu hoạch, lúa chưa đem được về đến nhà đã phải gánh đi trả nợ. Mà dân cũng đâu cách nào đủ để trả nợ hết, thế là nợ nần và cái đói cứ chồng chất, nối đuôi nhau như “con ma” thuốc phiện truyền đời ở đây.

Một góc bản làng Tú Lệ - ảnh Quốc Việt
Một góc bản làng Tú Lệ - ảnh Quốc Việt

 

Sự thay đổi thần kỳ

Mãi đến những năm đầu thập niên 1990, ánh nắng mặt trời mới bắt đầu xóa dần màn đêm đen kịt do cây thuốc phiện gây ra trên miền đất này. Để cứu lấy người dân, luật pháp cấm triệt để việc trồng, sử dụng cây thuốc phiện.

Những cán bộ địa phương như ông Túi và các bạn bè được mời lên huyện, lên tỉnh học tập chính sách, pháp luật mới. Ông Túi về bản, họp dân, nói thẳng: “Nếu không dứt khoát thay đổi thì đời mình nghèo đói, đời con cái cũng nghiện ngập, tàn lụi. Bà con chẳng lẽ thấy con đường chết mà cứ cắm đầu nhắm mắt đi mãi?”.

Ông trưởng công an xã vừa dứt lời, đồng bào phản ứng gay gắt, có người bỏ về uống rượu, có người đem cả ống hút ra phì phà thuốc phiện ngay trong cuộc họp. Họ hỏi ngược ông Túi: “Ông nói hay thì ông đi nhổ vườn thuốc phiện của nhà mình trước đi”.

Thay cây thuốc phiện, ông Hoàng Văn Túi giờ chỉ trồng lúa -Quốc Việt
Thay cây thuốc phiện, ông Hoàng Văn Túi giờ chỉ trồng lúa -Quốc Việt


Ngay ngày hôm sau ông Túi vác dao ra vườn chặt bỏ hết cây thuốc phiện đang trổ hoa rồi đem phơi khô, đốt cháy ngùn ngụt cho dân bản xem. Bộ đồ hút cũng được vứt luôn vào đống lửa.

“Lúc mới bỏ cây thuốc phiện, mọi người lúng túng chẳng biết làm gì. Về sau ở trên có chuyển giống bo bo về cho dân trồng làm cây lương thực. Thứ cây lạ này trồng ba tháng là thu hoạch nhưng rất khó ăn. Đồng bào nấu độn với gạo cứ như bỏ sỏi vào cơm, chẳng ai nuốt nổi. Có nhà con cái đói quá nên lén lút trồng lại” - anh Soàn kể.

Từ năm 1991, cánh đồng thuốc phiện không còn bạt ngàn ở Tú Lệ, nhưng phải kéo dài vài năm sau thung lũng dưới chân núi Khau Phạ này mới đổi thay hẳn. “Tôi nhớ chính xác là khi giống lúa OMCS 7 của Viện lúa ở Cần Thơ được chuyển ra đây thì đời sống đồng bào đỡ hẳn.

Trong khi lúa nếp nương chỉ có năng suất khoảng 3 tấn/ha thì giống lúa tẻ của miền Nam này đạt 6 tấn và đem đến sự đổi thay rất lớn” - ông Lò Văn Thức, chủ tịch xã Tú Lệ, tâm sự. Sau khảo nghiệm thành công trên thửa ruộng 1.000m2, giống lúa OMCS 7 được trồng đồng loạt trên tất cả cánh đồng thung lũng Tú Lệ vào vụ đông xuân ngay sau vụ lúa nếp nương mùa hè thu.

Thời điểm bông lúa vàng cánh đồng cũng chính là thời điểm hoa thuốc phiện nở tím ngắt núi rừng trước đây, một sắc màu đẹp mê hồn nhưng lại đem đến bệnh tật, nghèo đói truyền đời.

Sự đổi thay tốt đẹp hơn đã đến với thế hệ trẻ em Tú Lệ  -Quốc Việt
Sự đổi thay tốt đẹp hơn đã đến với thế hệ trẻ em Tú Lệ -Quốc Việt

 

Tâm sự chuyện xưa chuyện nay, những người già ở bản làng như ông Túi hào hứng hẳn lên: “Hồi còn cây thuốc phiện, 2.000 dân sống trên mảnh đất thung lũng gần 3.000ha này nghèo đói đến 70-80%. Còn bây giờ cũng mảnh đất ấy nuôi được 6.000 người mà vẫn dư gạo để bán, nuôi con cái ăn học đàng hoàng”.

Người Tú Lệ bây giờ rất nhạy bén kinh doanh. Họ trồng lúa tẻ ăn, còn lúa nếp để bán cho khách du lịch. Danh tiếng nếp nương Tú Lệ lan khắp Việt Bắc, có giá 40.000 - 50.000 đồng/kg mà lữ khách vẫn tranh mua. Sự đổi thay trên thung lũng hoa phù dung khét tiếng một thời không phải là chuyện gì đó xa xôi mà chính là chén cơm xới đầy của người dân…■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận