Hoa Đà Lạt trên... núi Cấm 

SƠN LÂM - VIỄN SỰ 07/01/2016 22:01 GMT+7

TTCT - Từ ba mùa tết nay, người dân vùng Bảy Núi (An Giang) đã mua được những nhành hoa ly, đồng tiền, cúc vàng... của Đà Lạt tươi “trăm phần trăm” ngay tại chợ hoa quê mình. Những nhành hoa ấy xuống núi từ một vườn hoa Đà Lạt được trồng ngay trên đỉnh núi Cấm.

Vườn hoa của Cường trên núi Cấm với hơn 5.000 gốc hoa ly, 2.000 gốc đồng tiền, cúc vàng -Thuận Thắng
Vườn hoa của Cường trên núi Cấm với hơn 5.000 gốc hoa ly, 2.000 gốc đồng tiền, cúc vàng -Thuận Thắng


Để các chậu hoa từ Đà Lạt về đến An Giang thông thường phải mất ít nhất 10 giờ vận chuyển. Những bông hoa dù được bảo quản khá kỹ lưỡng trong quá trình di chuyển nhưng đến khi chưng ra cũng không tránh khỏi phần nào giảm độ tươi tắn. Và câu chuyện ấy đã thôi thúc Phạm Huy Cường - giáo viên Trường tiểu học B An Hảo - trồng thành công hàng ngàn chậu hoa ly, đồng tiền, cúc vàng... ngay trên đỉnh núi Cấm (xã An Hảo, Tịnh Biên, An Giang) phục vụ nhu cầu hoa kiểng trong vùng.

Vay tiền thuần hoa

Chiều cuối năm dương lịch, trong cái lạnh se hiếm hoi ở vùng đồng bằng, chúng tôi gặp anh Cường đang chăm sóc vườn hoa với 5.000 gốc hoa ly, 2.000 gốc đồng tiền, cúc vàng đang mơn mởn ngay trên núi Cấm.

Nhìn cách Cường chăm sóc vườn hoa như một nông dân xứ cao nguyên thực thụ, nếu không được giới thiệu chắc chẳng ai biết người đàn ông có gương mặt hiền lành, da đen nhẻm, dáng gầy tong đậm vẻ... nhà quê đang tẩn mẩn từng chậu hoa ly trong căn nhà lồng kín trồng hoa trên đỉnh núi Cấm này lại là một nhà giáo chỉ quen với bảng đen, phấn trắng.

Cường năm nay 35 tuổi, quê ở huyện Phú Tân, An Giang, về dạy tiểu học trên núi Cấm đã 14 năm. Dạy học chừng ấy năm nhưng nhiều người biết đến Cường với vai trò là một nông dân trồng hoa giỏi. Đặc biệt là đợt xuất hơn 2.000 chậu hoa ly bán vào đợt tết năm 2014, “vườn hoa Đà Lạt” của Cường nổi tiếng khắp xứ.

Theo giới thiệu của Cường, vườn hoa khoảng 3.000m2 trên núi Cấm được “lấy nguyên bản” theo mô hình trồng hoa nhà kính ở các vườn hoa Đà Lạt. “Tui phải sắp xếp thời gian đi dạy, tranh thủ lên Đà Lạt học tập kinh nghiệm rồi mới có được vườn hoa này” - Cường kể.

Sống lâu trên đỉnh núi Cấm, nhiều buổi sáng hà hơi lạnh trên núi, Cường nghĩ đến việc sẽ trồng thử nghiệm một số loài hoa xứ lạnh cho vùng đất này. Ý tưởng có từ lâu, nhưng phải đến khoảng đầu năm 2013 có được miếng đất gần trường do người anh bà con cho mượn, Cường mới dốc tiền túi dành dụm được từ đồng lương ít ỏi của giáo viên ra đầu tư trồng hoa.

Ngay đợt đầu trồng thử nghiệm, Cường bỏ ra gần chục triệu đồng, tranh thủ ngày nghỉ lên TP.HCM mua 25 loại hoa khác nhau về trồng. Cần mẫn chăm bón, cuối cùng chỉ có... hai chậu sống và ra hoa. “Đợt đó thất bại thảm hại. Nhưng nhờ vậy mình thực tế hơn trong việc kinh doanh chứ không có mơ mộng phong lưu theo kiểu thích gì làm đó nữa” - Cường nhận định.

Không nản chí, một cơ hội khác lại đến với Cường khi Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn An Giang có dự án hỗ trợ người dân thực hiện mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cường mạnh dạn đăng ký và được chọn để phát triển chương trình “Trồng hoa trên núi Cấm”.

Nhà lưới, giống hoa được hỗ trợ, Cường bắt tay vào trồng với chủ yếu kiến thức, kỹ thuật học hỏi từ sự hỗ trợ của chương trình và cả từ “pháp sư Google” như cách nói tếu táo của Cường. “Vậy mà Google cũng không đủ. Trồng hoa ra tỉ lệ quá thấp. Tui phải tiếp tục lặn lội lên Đà Lạt xin tham quan, học hỏi những vườn hoa lâu đời trên đó để biết vì sao mình trồng thua họ” - Cường kể.

Bao phen “trả giá”, đến mùa tết năm 2014 Cường đã lần đầu tiên cảm nhận được hương vị thành công của nghề trồng hoa khi tham gia bán ở Hội chợ hoa xuân Tri Tôn và lấy lại được số vốn gần cả trăm triệu đồng đầu tư trước đó. Với số vốn kha khá cộng thêm niềm tin vào bản thân, Cường mạnh dạn làm hồ sơ vay thêm ngân hàng để thực hiện “giấc mơ hoa” của mình.

“Sau khi đi Đà Lạt và nắm khá vững các bí quyết trồng hoa, gặp lúc đang khó khăn tiền bạc, tui chơi liều luôn vay ngân hàng. Tính toán kỹ, tui chọn năm loại hoa cúc và một giống hoa ly loại dễ thuần nhất để trồng chậu bán tết. Lấy lại được vốn mà mừng húm, vì mình đã có cái lời là kinh nghiệm và thỏa mãn được sở thích” - Cường hoan hỉ cho biết.

“Lão nông” Phạm Huy Cường chăm sóc cho vườn hoa Đà Lạt đón Tết Bính Thân trên đỉnh núi Cấm -Thuận Thắng
“Lão nông” Phạm Huy Cường chăm sóc cho vườn hoa Đà Lạt đón Tết Bính Thân trên đỉnh núi Cấm -Thuận Thắng

 

Mơ về thương hiệu “hoa núi Cấm”

Câu chuyện trồng hoa Đà Lạt không phải là giấc mơ của riêng Phạm Huy Cường trên đỉnh núi Cấm. Trưởng ấp Thiên Tuế, anh Nguyễn Văn Thành, cho hay trước Cường đã có bốn hộ dân trong ấp thử trồng hoa Đà Lạt, nhưng do không trang bị đủ kỹ thuật lẫn sự kiên trì nên thất bại.

Hoa Đà Lạt đã nở trên núi Cấm. Dù đã thành công bước đầu, nhưng với Cường không chỉ dừng lại trong vườn hoa của mình mà anh muốn nhân rộng thành một vùng hoa Đà Lạt trên núi Cấm.

Theo Cường, thị trường hoa vùng An Giang, đặc biệt vùng Bảy Núi nổi tiếng với các loại hình du lịch, hành hương lễ viếng... còn rất nhiều tiềm năng. Các loài hoa cúc lồng đèn vàng tươi hay đồng tiền có màu sắc rực rỡ tượng trưng cho phú quý gần như luôn thiếu đối với thị trường ở vùng này.

Còn hương và sắc của hoa ly tuy được mệnh danh là “hoa nhà giàu”, nhưng với nền kinh tế ngày càng khá lên của người dân thì nhu cầu cũng ngày càng lớn hơn. Nhưng để tồn tại, cạnh tranh với nguồn hoa mà việc đưa từ nơi khác về, mang thương hiệu “hoa Đà Lạt” như đã thành nguồn cung truyền thống thì không phải là chuyện dễ dàng.

Cường cho biết ấp Thiên Tuế trên núi Cấm có thời tiết khá giống Đà Lạt, mùa đông có khi xuống đến 13-140C. Tuy nhiên, khí hậu lại thất thường hơn chứ không được ổn định như vùng cao nguyên, điều này cũng gây không ít khó khăn cho việc trồng hoa. “Những loài hoa khó tính như hoa ly phải duy trì nhiệt độ luôn dưới 270C, năm ngoái trúng đợt lạnh, năm nay lại không được như vậy, phải tốn công hơn rất nhiều trong việc làm mát” - Cường kể.

Khó khăn không chỉ ở thời tiết mà còn cả việc vận chuyển rồi tìm hiểu thị trường, tiêu thụ..., tất tần tật đều phải tính toán cụ thể nếu không muốn rơi vào cảnh “ôm nợ”. “Trồng được hoa Đà Lạt trên núi Cấm đã là tuyệt vời, nhưng để hoa ra được thị trường và khách hàng chấp nhận là chuyện... trong mơ.

Nhưng giấc mơ ấy đã thành hiện thực. Đợt hoa vừa rồi tui đã thực hiện cách bán ký gửi. Nghĩa là mình đặt giá sàn thấp hơn nhiều với thị trường rồi khoán hẳn cho các đại lý. Hoa mình cũng chất lượng, các đại lý lấy hoa mình lời nhiều nên chịu bán. Nhờ vậy mới tiêu thụ hết và tiếp tục tạo được tiếng tăm” - Cường cho biết.

Nhà lưới làm vườn của Cường hiện nay đã được đầu tư đầy đủ hệ thống phun làm mát, cách ly... theo mô hình hiện đại nhất. Để chuẩn bị mùa hoa Tết Bính Thân tới, vườn hoa của Cường đang có hơn 5.000 chậu ly và hơn 2.000 chậu cúc các loại đang chờ trổ hoa.

“Đây là giai đoạn quyết định nên phải theo dõi kỹ nhất, việc ra hoa đúng dịp tết đòi hỏi một quá trình chăm sóc đều đặn và kỹ lưỡng gần như từng buổi trong mỗi ngày” - Cường nói. Theo Cường, nếu cần đầu tư quy mô thì nhiều hộ dân trên đỉnh núi Cấm này có thể làm gấp mười, gấp trăm lần như mình. “Nhưng với vườn hoa của mình, tôi muốn làm một cách bài bản để bà con tin và nhân rộng mô hình” - “lão nông” Phạm Huy Cường nói về một “giấc mơ hoa” không chỉ cho riêng mình.■

“Giấc mơ hoa núi Cấm” rất khả thi

Đó là đánh giá của chị Nguyễn Minh Trang - chuyên viên Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang - người đang trực tiếp phụ trách hỗ trợ việc nhân giống hoa Đà Lạt cho Phạm Huy Cường.

Để thương hiệu “hoa núi Cấm” không còn là chuyện xa vời, tháng 7-2015 UBND tỉnh An Giang đã thông qua kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch vùng sản xuất hoa và cây kiểng ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2015-2016. Trong đó có mô hình trồng hoa Đà Lạt trên núi Cấm của Phạm Huy Cường. Và theo chị Trang, mô hình trồng hoa trên núi Cấm là một điểm sáng trong kế hoạch này.

“Năm qua, chúng tôi đã hỗ trợ Cường thực hiện mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và vườn hoa của Cường là một trong những thành công của chương trình này. Dựa vào khí hậu đặc thù ở núi Cấm, việc phát triển mô hình trồng các loại hoa kiểng cao cấp để kết hợp với việc phát triển phục vụ du lịch tín ngưỡng nổi bật của vùng Bảy Núi nói riêng và cả tỉnh An Giang nói chung là hoàn toàn phù hợp. Việc phát triển vùng quy hoạch hoa ở đây cũng có thể góp phần nâng cao chất lượng đời sống, ổn định thu nhập cho người dân” - chị Trang đánh giá.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận