Lực lượng phòng vệ Nhật và "cái khiên" trên biển

DANH ĐỨC 19/11/2015 03:11 GMT+7

TTCT - 63 năm trước, tức bảy năm sau Thế chiến thứ hai kết thúc, với sự giải giới quân đội Thiên hoàng, lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản được thành lập. 62 năm sau, lực lượng này đang đảm đương nhiệm vụ gì, như thế nào?

Tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ và tàu chở trực thăng các lớp Izumo, Hyuga của Nhật -Free Republic
Tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ và tàu chở trực thăng các lớp Izumo, Hyuga của Nhật -Free Republic

Chủ nhật 18-10-2015, một hải đội đông đến hơn 50 tàu chiến diễu hành ngoài khơi Tokyo dưới sự thị sát của Thủ tướng Shinzo Abe. Đây là cuộc biểu dương lực lượng đầu tiên của lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật kể từ sau khi Quốc hội Nhật thông qua các luật an ninh mới cho phép Nhật phòng vệ tập thể với các đồng minh.

Tinh thần này thể hiện qua sự tham gia của tàu hải quân Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc, Pháp và Mỹ. Sánh vai tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ là tàu chở trực thăng JS Izumo của Nhật mới gia nhập hải quân Nhật hồi tháng 5 năm nay. Đây là lớp tàu chở trực thăng thứ nhì của Nhật so với lớp Hyuga ra đời năm 2007.

Việc thay thế lớp Hyuga (gồm hai chiếc) bởi lớp Izumo (ra đời năm 2013) chỉ trong vòng sáu năm cho thấy (1) nhu cầu hiện đại hóa loại tàu này, (2) khả năng kỹ thuật và tài chính cho phép đóng một cách dễ dàng những con tàu chở trực thăng dài 248m, có thể chở đến 14 trực thăng, 400 binh sĩ thủy quân lục chiến cùng 50 xe vận tải 3,5 tấn, trị giá 1,2 tỉ USD.

Sở dĩ Nhật chỉ đóng tàu chở trực thăng chứ không đóng tàu sân bay là do lẽ Nhật vẫn chỉ được phép phòng thủ chứ không được hướng đến tấn công. Việc đóng và đưa vào sử dụng các lớp tàu chở trực thăng này là một nhắc nhở cho bất cứ “ai đó” muốn “dòm ngó” Nhật rằng từ năm 1920 Nhật đã làm chủ kỹ thuật đóng tàu sân bay, từ đó làm chủ luôn kỹ thuật tác chiến với tàu sân bay.

Rằng khi mặt trận Thái Bình Dương nổ ra trong Thế chiến thứ hai, hải quân Nhật lúc đó có lực lượng tàu sân bay mạnh nhất thế giới gồm 10 chiếc, trong khi Mỹ chỉ có 7 chiếc, Anh 8 chiếc! Rằng đóng tàu sân bay và sử dụng chỉ là một vấn đề pháp lý chứ không là một bài toán kỹ thuật hay tài chính hoặc huấn luyện với Nhật...

Và bây giờ, nếu muốn, Nhật thừa khả năng tự đóng tàu sân bay chứ không phải đi mua tàu sân bay cũ về tân trang lại và sao chép, xây dựng lực lượng tàu sân bay bằng “kho” bài bản huấn luyện tác chiến tàu sân bay dày cộm...

Nối tiếp truyền thống

Tuy bị hạn chế bởi bản hiến pháp phi - chiến tranh cùng thân phận nước bại trận, song đến năm 1952 giới lãnh đạo Nhật đã xác định rằng lực lượng phòng vệ biển khai sinh năm đó cho dù có nhỏ đến đâu, song cũng phải là một lực lượng hải quân đích thực chứ không chỉ là một lực lượng phòng vệ duyên hải.

Cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) mang tính ý thức hệ đã vô hình trung biến những kẻ thù tử chiến mới trước đó năm năm thành những đồng minh mới cho đến tận bây giờ.

Theo Alessio Patalano, tác giả biên khảo Post-war Japan as a Sea Power: Imperial Legacy, Wartime Experience and the Making of a Navy, ngày 6-10-1950, một hải đội gồm 24 tàu quét mìn của hải quân Thiên hoàng trước đây cùng một “tàu mẹ” tiếp vận rời căn cứ Yokosuka trực chỉ Wonsan trên bán đảo Triều Tiên để tham gia dọn đường cho cuộc đổ bộ giành giật Nam Hàn.

Đến năm 1952, lực lượng phòng vệ biển được thành lập, lãnh đạo và vận hành bởi các sĩ quan cấp tá nguyên thuộc hải quân Thiên hoàng mà không đầy chục năm trước còn làm mưa làm gió trên Thái Bình Dương. Những kinh nghiệm trận mạc dạn dày của lớp sĩ quan cấp tá này được tận dụng trong việc xây dựng lực lượng phòng vệ biển.

Phó đô đốc hồi hưu Yoji Koda, tư lệnh hạm đội phòng vệ biển cho đến năm 2008, tự hào viết: “Các lãnh đạo nuôi mộng xây dựng một lực lượng có chức năng hải quân thật sự hơn bao giờ hết. Họ đã xây dựng lực lượng và huấn luyện thủy thủ một cách nghiêm ngặt đúng với mục tiêu này.

Thế cho nên, ngày nay đó là một trong những lực lượng trên biển có năng lực hàng đầu thế giới cả về chất lượng và quy mô” [1]. Một lực lượng phòng duyên thường đảm nhận chức trách tìm kiếm cứu nạn và chấp pháp (tuần tiễu hải phận, chống buôn lậu...), trong khi đó một lực lượng hải quân có những chức năng to tát hơn nhiều, tất nhiên lớn hay nhỏ tùy quan điểm hình thành hải quân mỗi nước.

Át chủ bài: Chống tàu ngầm

Trong thân phận kẻ bại trận, Nhật Bản cho đến bây giờ vẫn trong khuôn khổ của Hiệp định hợp tác và an ninh hỗ tương giữa Mỹ với Nhật, theo đó Mỹ tập trung vào vai trò tấn công, còn Nhật lo phòng thủ.

Phó đô đốc Yoji Koda ví von: “Hai lực lượng này được biết đến như là mũi giáo và cái khiên”, và giải thích: “Việc đảm bảo an toàn và an ninh trên các vùng biển quan trọng Nhật Bản là sứ mạng quan trọng nhất.

Bên cạnh đó, do Nhật Bản là một nước rất ít tài nguyên thiên nhiên và sản lượng lương thực nội địa, nên sự an toàn hàng hải thương thuyền chính là một vấn đề mang tính sống còn cho nước Nhật khi có khủng hoảng hay trong chiến tranh.

Vì thế, tất cả hoạt động hành quân đều tập trung vào mục hiệu bảo vệ các tuyến hàng hải (SLOC) và bảo vệ tổ quốc trong trường hợp bị xâm lược trực tiếp... Ngay cả vào lúc này, 20 năm sau khi Chiến tranh lạnh đã kết thúc, việc bảo vệ các SLOC vẫn là nhiệm vụ đầu tiên của JMSDF...

Tác chiến chống tàu ngầm được tin tưởng là đóng góp tốt nhất cho an ninh quốc nội qua việc đánh bại các lực lượng xâm lược bằng đường biển. Thành ra, nhất thiết phải loại bỏ một cách tuyệt đối các tàu ngầm đối phương”.

Tại sao Nhật Bản lại xem tàu ngầm là mối đe dọa bậc nhất? Thế chiến thứ hai đã là bài học thương đau cho hải quân Nhật.

Trong khi hải quân Nhật hướng vào việc xây dựng và triển khai các hạm đội tàu sân bay như là “bàn đạp” cho mọi kế hoạch xâm lược vươn xa ở Đông Nam Á và tranh chấp ngôi bá chủ Thái Bình Dương với hải quân Mỹ (trận đôi công tàu sân bay ở Midway), thì Mỹ một mặt tăng tốc xây dựng lực lượng tàu sân bay, mặt khác cũng tăng tốc xây dựng lực lượng tàu ngầm với tốc độ chóng mặt: ngày 7-12-1941 khi Nhật khởi chiến ở Trân Châu cảng, hải quân Mỹ có 55 chiếc tàu ngầm bình thường và 18 chiếc cỡ trung; đến khi kết thúc chiến tranh Mỹ đã đóng xong 228 chiếc tàu ngầm [2].

Trong khi Nhật đang mải mê vươn xa chiếm đóng Đông Nam Á cùng các nguồn tài nguyên thì Mỹ và đồng minh mai phục Nhật trên biển bằng tàu ngầm. Từ năm 1943 đến khi kết thúc chiến tranh vào tháng 8-1945, riêng hải quân Mỹ đã đánh chìm khoảng 1.300 tàu hàng, tương đương ¾ hạm đội thương thuyền của Nhật, cùng khoảng 200 tàu chiến [3].

Trong thời gian đó, Nhật đã cố phái tàu khu trục hộ tống các đoàn tàu vận tải, song số tàu khu trục đóng mới không bù được số tàu khu trục bị đánh chìm.

Lớp lãnh đạo “đàn em” của lớp lãnh đạo hải quân Nhật thời chiến đã rút kinh nghiệm xương máu đó để định dạng lực lượng phòng vệ biển sau chiến tranh và lấy tác chiến chống tàu ngầm làm trụ cột của lực lượng này, phó đô đốc Yoji Koda cho biết.

Ông kể: “Lực lượng phòng vệ biển Nhật ngay từ năm 1953 khi bắt đầu đóng trở lại tàu chiến cho mình, đã thiết kế và trang bị tất cả các khu trục hạm, hộ tống hạm, cùng các tiểu đỉnh khác như những tàu săn tàu ngầm”.

Chọn lựa này, rút từ Thế chiến thứ hai, đã tỏ ra thích hợp trong suốt Chiến tranh lạnh khi “đối tượng” có khả năng đe dọa Nhật nhiều nhất là Liên Xô lúc đó khét tiếng là làm chủ một lực lượng tàu ngầm hùng mạnh. Sau này, Trung Quốc cũng nối gót Liên Xô cũ khi xây dựng một lực lượng tàu ngầm mạnh tương đương.

Từ đó có thể thấy tại sao ngay đến các tàu “sân bay trực thăng” các lớp Hyuga và Izumo ra đời trong thế kỷ 21 này cũng đều được thiết kế, trang bị và huấn luyện cho nhiệm vụ then chốt là săn tàu ngầm.

Phòng vệ biển Đông

Tại sao một đô đốc hải quân Nhật, đô đốc Tomohisa Takei, hôm 29-7 lại phải cất công sang Mỹ thuyết giảng về an ninh trên Biển Đông? Andrew Krepinevich, nguyên chủ tịch Trung tâm lượng giá chiến lược và ngân sách, một nhà phân tích chiến lược rất quen biết các tư lệnh hải quân Nhật, trả lời với Thông tấn xã Reuters: “Đó là do sự xuất hiện đồng thời của các mối đe dọa đang nổi lên, của sự suy giảm niềm tin nơi Mỹ... nên người Nhật bây giờ nghĩ ngợi bao quát hơn và chiến lược hơn về sự an ninh của họ”. Cũng trong tuần lễ đó, lần đầu tiên lực lượng phòng vệ biển Nhật tập trận với hải quân Philippines.

Trong bài diễn văn đọc hôm 29-7 năm nay tại trụ sở tổ chức Carnegie Endowment for International Peace ở Washington, tư lệnh lực lượng phòng vệ biển Nhật, đô đốc Tomohisa Takei đã gây chú ý khi nêu đích danh mối đe dọa hiện tại là gì, từ đâu:

Một ví dụ rõ ràng là hoạt động cải tạo bồi đắp các rạn san hô trong một khu vực tranh chấp ở Biển Đông lại được yểm trợ bởi các tổ chức thực thi pháp luật hàng hải... Trung Quốc đang tiến nhanh trong việc cải tạo các rạn san hô của quần đảo Trường Sa bất chấp sự phản đối của các nước liên quan.

Trong trường hợp các đảo nhân tạo khai hoang được sử dụng cho các mục đích quân sự, toàn bộ Biển Đông có thể nằm trong phạm vi ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc. Các vấn đề phát sinh trong Biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế để các tranh chấp không thể leo thang thành xung đột vũ trang”. Cũng trong tuần lễ đó, lần đầu tiên lực lượng phòng vệ biển Nhật tập trận với hải quân Philippines.

Thật ra, lực lượng phòng vệ biển của Nhật còn vươn đến tận Ấn Độ Dương trong khuôn khổ tầm nhìn “Ấn Độ - Thái Bình Dương = Đại dương thịnh vượng” mà đô đốc Tomohisa Takei lặp đi lặp lại đến 14 lần trong bài diễn văn của ông nêu trên.

Theo ông, tầm nhìn mới này gộp Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương (tức Thái Bình Dương phía châu Á) làm một, thành “khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương” đã được Thủ tướng Abe “trình làng” năm 2012.

Theo đó “hòa bình, ổn định và tự do hàng hải trên Thái Bình Dương là không thể tách rời với hòa bình, ổn định và tự do hàng hải trên Ấn Độ Dương”. Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương này đến năm 2030 sẽ tập hợp đến 50% dân số thế giới và làm chủ đến 50% GDP thế giới, sẽ trở thành tâm điểm kinh tế thế giới, thế chỗ khu vực Đại Tây Dương - Bắc Mỹ.

Chính vì thế, Thủ tướng Abe đã nhận định: “Do không thể tách rời về địa lý, chính trị và kinh tế, nên chúng ta cần xem xét bài toán an ninh của hai đại dương này một cách tương tự”. Đô đốc Tomohisa Takei giải thích cụ thể: nếu đe dọa trên Ấn Độ Dương chủ yếu là nạn cướp biển thì ở Thái Bình Dương mối đe dọa là trên Biển Đông.

Cùng chia sẻ tầm nhìn khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương này mà nay hải quân Ấn Độ vươn tới Thái Bình Dương thao diễn cùng hải quân Nhật và Mỹ.

[1]:Yoji Koda, SEA POWER CENTRE - AUSTRALIA PERSPECTIVES ON THE JAPAN MARITIME SELF DEFENSE FORCE.

[2]: Lenton, H. T. American Submarines (Navies of the Second World War Series)

[3]: http://www.2worldwar2.com/submarines.htm

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận