Mòn mỏi gặp người thân

YẾN TRINH 21/10/2015 19:10 GMT+7

TTCT - Từ khi nghe tin người thân bị bắt giữ cho đến lúc có kết luận điều tra chờ xét xử - thường vài tháng đến vài năm - là khoảng thời gian căng thẳng tột cùng đối với người nhà bị can. Ngoài nỗi lo về thân phận pháp lý mà người thân của họ đang phải đối diện, niềm khát khao lớn nhất của họ là được gặp mặt để thăm hỏi, động viên nhau. Thế nhưng...

Làm thủ tục thăm nuôi -Yến Trinh
Làm thủ tục thăm nuôi -Yến Trinh

Dù 8g mới đến giờ làm việc nhưng từ sớm, mấy dãy ghế trước ô cửa làm thủ tục của trại tạm giam Chí Hòa đã chật kín người. Ngoài cổng xôn xao tiếng hỏi han của những người lần đầu đi thăm nuôi. Đa số đều xách theo bọc nilông đựng nhu yếu phẩm để gửi cho người thân.

Hai năm chưa gặp mặt

Một người đàn ông tóc bạc tên Hai, mặc bộ đồ đã sờn, giọng lo âu: “Đùng một cái nghe tin nó bị bắt, cho tới giờ này tôi cũng chỉ biết nó gây sự đánh nhau với người ta thôi. Hơn ba tháng chưa được thấy mặt con”.

Chừng một tiếng sau, không còn chỗ trống trên các dãy ghế, nhiều người lót dép ngồi ngoài sân, đi đi lại lại. Ngồi một mình phía bên kia sân, cứ vài phút ông Nguyễn Văn Trung (57 tuổi) lại ngó xuống bọc đồ đem gửi cho con trai đang bị tạm giam. Ông theo con lên Sài Gòn đã tám năm nay, hằng ngày ông chạy xe ôm còn con ông làm thợ hàn.

Cuộc sống bình lặng đã tan thành mây khói khi một buổi chiều túng quẫn cách đây bốn tháng, con ông ra đường giật điện thoại người ta. Giọng ông run run: “Vợ nó bỏ nó rồi, để đứa con 2 tuổi cho tôi nuôi. Ban ngày chạy xe, tôi gửi cháu cho đứa con gái út ở gần đó, tối về chỉ có hai ông cháu thui thủi. Chỉ mong nó được xử nhẹ”.

Bọc quà ông mua cũng gần 500.000 đồng, thêm bằng đó tiền gửi sổ, là tiền ông dành dụm từ nhiều ngày chạy xe ôm.

2: Chờ đợi làm thủ tục gửi quà, gặp mặt người thân - Ảnh: THUẬN THẮNG
2: Chờ đợi làm thủ tục gửi quà, gặp mặt người thân - Ảnh: THUẬN THẮNG

Gần đó, một người phụ nữ đang cầm cây bút loay hoay. Thấy vậy, người thanh niên đứng cạnh chỉ cho bà cách điền đơn. Mắt đỏ hoe, bà hỏi: “Tôi chưa được thăm con hả cậu?”. Khi người thanh niên giải thích con bà đang bị tạm giam nên chỉ được gửi quà, chưa được gặp mặt, khóe miệng bà trễ xuống thất vọng.

Những người đến thăm nuôi giống như một thứ ánh sáng đối với người thân trong chốn lao tù tăm tối. Và dù người thân có phạm tội gì thì trong lòng những người đi thăm nuôi, họ vẫn là ruột rà, máu mủ của mình. Anh Đỗ Quang (quê Đắk Nông) có em trai bị bắt ba tháng nay vì tổ chức đánh bạc đang chờ tòa xử. Quang tâm sự: “Từ nhỏ chỉ có hai anh em bảo bọc nhau, tại tôi không dành nhiều thời gian chăm lo nên nó mới ra nông nỗi này”.

Có người hai năm chưa được gặp người thân vì vụ án có tính chất phức tạp như trường hợp anh Phương (quê Vĩnh Long). Vợ anh Phương đang là bị can trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Anh vay mượn họ hàng, chạy ngược chạy xuôi để lo cho vợ. Giống như một xã hội thu nhỏ, nơi này cũng đủ phận người, người ở ngoài song sắt có khi còn đau khổ héo hon hơn vì những nỗi lo.

Người phụ nữ này nhờ viết đơn xin gặp mặt người thân -Yến Trinh
Người phụ nữ này nhờ viết đơn xin gặp mặt người thân -Yến Trinh

Giây phút đoàn tụ ngắn ngủi

Sân làm thủ tục lúc hơn 9g vang lên giọng nói như chực khóc: “Cán bộ cho tôi gặp con tôi, thăm con lần này biết có còn lần sau nữa không...”. Người ta thấy một bà cụ mặc áo nâu đứng lóng ngóng, đội nón vải lụp xụp, mong manh như cọng rơm giữa đồng.

20 phút sau, khi nghe có tiếng chân, bà ngước nhìn. Con trai bà bước ra, đi nhanh rồi chững lại ngại ngùng. “Má đi với ai?” - “Má đi một mình. Sao mày ốm vậy con...” - “Đã không có tiền, người lại bệnh mà má lên đây chi má? Con hối hận lắm má ơi, chừng nào con ra con hứa về quê sống với má” - “Mày ráng cải tạo tốt là coi như trả hiếu cho má rồi”. Giã biệt con, chân bà như sụm xuống. 15 phút gặp con trong lòng run lên ước muốn được ôm con nhưng lưới sắt đã lạnh lùng ngăn cách.

Đó là bà Phạm Thị Nương, 65 tuổi, từ Long An lên thăm con trai bị bắt hơn một năm nay vì dính tới ma túy. Trong cái giỏ con con bà xách theo đựng ổ bánh mì ăn dở, bọc giấy tờ, một chai nước.

Khi điền đơn, bà ngước đôi mắt đục ngầu hỏi người kế bên: “Hôm nay ngày mấy cô?”. Lúc chờ duyệt đơn, bà đưa ánh nhìn vô định như hi vọng từ đâu đó, đứa con bé bỏng của bà sẽ chạy tới bên cạnh và những ngày vừa qua chỉ là giấc mơ dữ.

Bà kể lúc nhỏ con bà đã được gửi vào chùa và có một đời sống yên lành, nhưng mâm bánh tiêu hai mẹ con đi bán mỗi ngày không chứa nổi giấc mơ của con, để rồi khi lên Sài Gòn con bị cám dỗ lúc nào không hay.

Với người bị bệnh tim và đau khớp như bà Nương, lặn lội lên thành phố thăm con là một sự cố gắng tột cùng. Tiếp đó bà kiên nhẫn chờ đợi hai tiếng đồng hồ để xong những thủ tục và chờ tới lượt mình. “Gửi ở đâu cậu?”, bà hỏi viên công an ở cửa vào trại giam khi người này yêu cầu bà quay ra ngoài gửi giỏ xách, rồi lọ mọ quay ra quay vào một lúc sau bà mới gửi được.

Khi vào trong, bà đến quầy gửi 500.000 đồng cho con, rồi qua cửa khác đợi người ta xét quà của bà. Xong xuôi, bà ra dãy ghế nhựa ngồi chờ giữa những cơn ho.

hường quy định chỉ được cho tối đa ba người thân vào gặp mặt nên ở cánh cửa thủ tục cuối cùng có rất đông người đứng ngó vào trong. Khi thoáng thấy bóng dáng người nhà của mình, họ đưa tay vẫy liên hồi. Có người lặng lẽ gạt nước mắt.

Chừng như thấy quá nhiều người đứng thấp thỏm, cánh cửa đóng sập lại. Hình ảnh cuối cùng đám đông trông thấy là một phụ nữ bế đứa con nhỏ sát lại rào để người đàn ông bên trong hôn lấy hôn để.

Những bọc quà thăm nuôi -THUẬN THẮNG
Những bọc quà thăm nuôi -THUẬN THẮNG

Mỗi nơi một kiểu

Buổi sáng tại Tòa án huyện Nhà Bè, một thanh niên hối hả chạy tới chạy lui khu vực xin cấp thủ tục để bổ sung hồ sơ xin thăm nuôi người em đang bị tạm giam. Mẹ anh cũng vừa đón xe từ Kiên Giang lên thăm con trai. Anh thanh niên phải chạy đi sao y chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của hết người này đến người khác vì tuy là ruột thịt nhưng không có trong hộ khẩu, kể cả mẹ anh. Đến gần hết giờ trưa nhưng thủ tục vẫn không xong, anh mệt mỏi nói với cán bộ tòa án đưa lại hồ sơ, không làm thủ tục thăm nuôi nữa.

Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.HCM) kể có lần anh đến làm việc tại cơ quan điều tra thì gặp một phụ nữ ôm con mới hơn tháng tuổi dáng vẻ thất thểu, mong ngóng được gặp chồng. Gần hết giờ, chị mới được thông báo “để cơ quan điều tra làm việc trước đã”. Chị nài nỉ điều tra viên “chỉ cần cho anh ấy nhìn mặt con là mãn nguyện lắm rồi” nhưng vẫn không được giải quyết.

Luật sư Phan Trung Hoài, phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho biết: “Theo quy định khoản 2 điều 22 nghị định 89/1998/NĐ-CP ban hành quy chế về tạm giữ, tạm giam: Người bị tạm giữ, tạm giam có thể được gặp thân nhân, luật sư hoặc người bào chữa khác và do cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định. Trưởng nhà tạm giữ, giám thị trại tạm giam quyết định thời gian gặp nhưng không quá một giờ mỗi lần gặp”.

Tuy nhiên, theo luật sư Hoài, quy định là vậy nhưng thực tế các trại tạm giam, nhà tạm giữ thực hiện mỗi nơi một kiểu. Có nơi trong quá trình điều tra vẫn cho gặp mặt. Có nơi người nhà đi cả ngàn cây số đến xin gặp người thân nhưng bị từ chối vì vụ án đang trong giai đoạn điều tra. Hầu hết bị can từ khi bị bắt đến khi kết thúc điều tra mới được xem xét cho gặp mặt thân nhân, nếu vụ án điều tra kéo dài, hồ sơ bị trả đi trả lại, việc gặp mặt có khi phải mất đến 1-2 năm.

Vào gửi quà và gặp mặt người thân -THUẬN THẮNG
Vào gửi quà và gặp mặt người thân -THUẬN THẮNG

Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng nghị định 89/1998/NĐ-CP không có dòng nào giới hạn thời điểm gặp mặt nhưng hầu hết trại tạm giam chỉ giải quyết cho các trường hợp đã có kết luận điều tra, chờ xét xử. Trong giai đoạn này mỗi tháng người thân được gặp mặt bị can một lần (qua cửa kính ngăn cách hoặc rào lưới B40) trong vòng 15 phút dưới sự giám sát chặt chẽ của cán bộ trại tạm giam. Còn trong quá trình điều tra, người thân không được gặp bị can mà chỉ được gửi đồ ăn và tiền (rất hạn chế) để sinh hoạt.■

Người phụ nữ này nhờ viết đơn xin gặp mặt người thân -Yến Trinh
Người phụ nữ này nhờ viết đơn xin gặp mặt người thân -Yến Trinh

Người bị tạm giữ, tạm giam được quyền gặp thân nhân

“Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người bị bắt, tạm giữ, tạm giam theo tinh thần Hiến pháp mới 2013, dự thảo Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đang được góp ý và chuẩn bị trình kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIII thông qua đã đưa ra nhiều điểm mới. Bên cạnh những quyền thuộc về quyền con người, quyền công dân vẫn được đảm bảo, điều 9 dự thảo quy định quyền của người bị tạm giữ, tạm giam được quyền gặp thân nhân, người khác theo quy định; được gặp luật sư, người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định mà không bị hạn chế thời gian.

Mặt khác, điều 22 dự thảo quy định người bị tạm giữ có quyền được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, nếu gia hạn tạm giữ thì mỗi lần gia hạn được gặp thân nhân một lần. Người bị tạm giam có quyền được gặp thân nhân một lần trong một tháng, trường hợp tăng thêm số lần gặp phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý...”.Luật sư Phan Trung Hoài

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận