​Hoa Kỳ muốn cả thế giới biết...

MINH THƯ TRÍCH DỊCH 02/07/2015 03:07 GMT+7

Jim Sciutto, chuyên trách mảng tin an ninh quốc gia, nằm trong nhóm các nhà báo CNN được độc quyền có mặt trên chuyến bay trinh sát của hải quân Mỹ P8-A Poseidon trong một sứ mệnh mật trên Biển Đông ngày 22-5. Sau chuyến đi này, Jim Sciutto đã “rao” trên mục Ask me anything của trang mạng Reddit về chuyến bay của mình để mọi người có thể đặt câu hỏi. TTCT trích giới thiệu những câu hỏi và đáp thú vị của nhà báo này với cư dân mạng liên quan tới vấn đề Biển Đông (*).

Nhà báo CNN Jim Sciutto trên máy bay do thám Poseidon - Ảnh: @jimsciutto

Jim Sciutto: Xin chào Reddit. Mới đây tôi đã bay qua một chuỗi đảo nhân tạo trên Biển Đông trên máy bay do thám Poseidon. Trung Quốc đang xây những đảo này để mở rộng sự có mặt quân sự trong khu vực, đánh động Hoa Kỳ cùng các đồng minh. Hoa Kỳ đã tăng cường các hoạt động quân sự của mình để đáp lại và mọi thứ trở nên hơi căng thẳng.

Hải quân Trung Quốc đã cảnh báo chuyến bay mà tôi có mặt tới tám lần, gọi nó rời khỏi khu vực.

Tôi đã đưa tin về Trung Quốc từ thập niên 1980 và tin của tôi bao gồm mọi thứ từ chính sách đối ngoại Mỹ - kể cả ở những điểm nóng như Syria, Iran, Iraq và Afghanistan cộng với những vấn đề như tình báo, khủng bố và quốc phòng cũng như việc theo dõi hàng loạt của NSA. Hãy hỏi tôi bất cứ thứ gì!

Người Mỹ đang mất kiên nhẫn

Hỏi: Máy bay các ông bị cảnh báo tới tám lần. Có vẻ như phi hành đoàn không coi chuyện đó là nghiêm trọng?

- Jim Sciutto: Phi hành đoàn chuyến bay đã được chuẩn bị trước nên đã đọc câu trả lời được soạn sẵn, rằng Mỹ coi khoảng không đang bay là không phận quốc tế. Hai bên hành xử rất chuyên nghiệp và bình tĩnh, dù tôi cũng nghe được chút tức giận trong giọng của một nhân viên điện đài Trung Quốc khi hắn la: “You go now!” (Đi khỏi đây ngay).

... Vâng, đây không phải là lần đầu tiên máy bay Hoa Kỳ bay trên những hòn đảo (tranh chấp) này nhưng đây là lần đầu tiên Mỹ quảng bá rộng rãi bằng cách mời một nhóm (nhà báo) truyền hình lên máy bay. Hành động này có chủ ý, và căn cứ vào phản ứng của Bắc Kinh có vẻ người Mỹ đã thành công trong mục tiêu truyền đi một thông điệp.

Có thay đổi nào trong tình hình hay cảm xúc của phi hành đoàn khi những cảnh báo được đưa ra?

- Chắc chắn là không. Đây không phải là chuyến bay kiểu này đầu tiên của họ, họ đã chạm mặt với hải quân Trung Quốc. Vài tháng trước đã có một sự cố - một máy bay chiến đấu của Trung Quốc thực hiện cú “lộn thùng” ngay trước mặt một máy bay chiến đấu Mỹ ở vùng biển rất gần bờ biển Trung Quốc.

Mỹ đã chính thức than phiền với Trung Quốc và tôi được kể là Trung Quốc đã hứa chuyện đó sẽ không xảy ra nữa.

Ý kiến cá nhân ông về việc Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo và tăng cường hiện diện quân sự?

- Về mặt cá nhân, tôi thấy khó mà giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh. Trung Quốc đã vẽ một lằn ranh quyết định trên cát theo đúng nghĩa đen, bằng cách đắp đất giữa biển, xây dựng đường băng và cảng trông rất giống căn cứ quân sự. Mà Mỹ đã nói rõ họ sẽ không chấp nhận chuyện quân sự hóa.

Cả hai nước đều thấy việc này gắn trực tiếp tới lợi ích quốc gia. Vậy giờ làm cách nào để giữ thể diện? Khó mà thấy ở giai đoạn này.

Ông sẽ tiếp tục bay với máy bay do thám nếu Mỹ quyết định bay thấp hơn và gần hơn khu vực tranh cãi?

- Tôi sẽ vui sướng bay lần nữa và chúng tôi được thông báo rằng những chuyến bay thấp hơn là một lựa chọn Hoa Kỳ đang cân nhắc, thêm vào chuyện cho tàu thuyền đi vào phạm vi 12 hải lý của các đảo, khoảng cách được coi là vùng biển của quốc gia theo luật quốc tế. Như đã nói, chuyến bay chúng tôi còn ở độ cao 15.000 dặm (hơn 4.500m) mà đã chuyển đi được một thông điệp mạnh mẽ như thế.

Liệu Trung Quốc có thể bắn rơi máy bay chiến đấu ở độ cao 15.000 ft? Ông có cảm thấy tám lần cảnh báo là quá thừa?

- Một câu hỏi hay. Các máy bay bay khá xa các bờ biển Trung Quốc nên không thể nằm trong tầm bắn của các máy bay chiến đấu Trung Quốc. Tuy nhiên chúng tôi đã thấy những tàu chiến cách đó không xa, trên tàu có thể có vũ khí bắn tới chúng tôi. Nhưng ở thời điểm này, bắn vào máy bay Mỹ là một hành động chiến tranh rõ ràng nên khó có khả năng xảy ra.

Nếu ông ở trên máy bay do thám, tại sao lại loa cho cả thế giới biết điều đó? Tôi biết đây là câu hỏi kỳ quặc, nhưng một khi đây là sứ mệnh mật thì nó phải được giữ kín?

- Lại một câu hỏi rất hay. Rõ ràng trong trường hợp này Lầu Năm Góc muốn thế giới biết đến chuyến bay này. Mời nhóm quay phim CNN lên máy bay, các nhà quân sự không chỉ muốn chỉ cho cả thế giới thấy mức độ hoạt động của Trung Quốc, mà còn cho Bắc Kinh biết là Hoa Kỳ đang theo sát họ, và nói thật là đang mất kiên nhẫn. Riêng về việc truyền đi một thông điệp thì chiến thuật này dường như đã có hiệu quả.

Việc được tiếp cận thông tin độc quyền ảnh hưởng thế nào đến bài báo của ông?

- Câu hỏi tuyệt vời. Tôi cho là trong thời gian cuộc chiến tranh vùng Vịnh thứ hai ở Iraq, việc biệt phái các phóng viên vào các đơn vị quân đội đã phục vụ lợi ích quân đội. Khi anh ở cùng với binh sĩ, cuộc sống của anh, công khai mà nói, phụ thuộc vào họ nên rất cần nỗ lực để tách quan điểm của anh độc lập khỏi họ.

Bản thân tôi cũng gặp phải vấn đề này, cả trong chuyến bay này, và hi vọng tôi đã tìm ra lối thoát. Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là đặt ra những câu hỏi khó và cố kể lại câu chuyện từ hai phía tốt nhất có thể. Chúng tôi cố gắng cẩn trọng.

Ông nghĩ sao, liệu những chuyến bay thế này có thể làm nảy sinh xung đột quân sự giành quyền kiểm soát các đảo?

- Không ai muốn điều đó, mặc dù không thể loại trừ sự phát triển tình hình như thế... Nhưng mối lo lớn hơn là khả năng xích gần nguy hiểm của một máy bay hay tàu Trung Quốc với máy bay hay tàu Mỹ.

Và sẽ thế nào nếu chúng va vào nhau và một chiếc rơi, chìm xuống biển? Chuyện tương tự đã xảy ra năm 2001, một máy bay chiến đấu Trung Quốc va chạm với máy bay do thám Mỹ Lockheed EP-3. Máy bay chiến đấu bị rơi, còn phi hành đoàn Mỹ rất vất vả mới đáp được máy bay xuống một trong những hòn đảo Trung Quốc, nơi nó bị bắt giữ vài ngày. Ngày nay khi Trung Quốc đang gia tăng tiềm năng quân sự của mình, một sự cố như vậy là mối nguy rất lớn.

Máy bay do thám Mỹ Lockheed EP-3 sau khi phải hạ cánh trên đảo Hải Nam năm 2001 - Ảnh: Reuters

Lấy cát biển Bồi đắp các bãi là ý tưởng tệ

Ông nghĩ sao về những yếu tố văn hóa nằm trong các kịch bản mà chúng ta đang quan sát hiện nay? Theo ông, trong chuyện này có bao nhiêu nguyên nhân là do việc thiếu hiểu biết của con người ở các nền văn hóa khác nhau?

- Trong trường hợp này, những khác biệt văn hóa tác động lên tình hình còn ít hơn việc Trung Quốc và Mỹ nhìn vấn đề từ những quan điểm khác nhau. Nhiều người Trung Quốc cho là các thế lực ngoại bang đã xâm phạm lợi ích của đất nước họ hơn trăm năm qua. Giờ đây, Trung Quốc đã có một vị trí xứng đáng của một cường quốc trên thế giới, và quá trình này thể hiện qua việc tranh chấp lãnh thổ.

Người Trung Quốc cho rằng họ đã nhượng bộ nhiều vào những năm tháng đất nước họ còn yếu kém, nên giờ đây họ cố lấy lại những gì của mình. Sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực được người Trung Quốc cho là tàn tích của quá khứ mà Trung Quốc có mọi quyền để thách thức. Dĩ nhiên, Washington nhìn vấn đề khác hơn.

Và nhiều quốc gia Đông Nam Á coi Mỹ như người bảo đảm hòa bình trong khu vực. Mối quan ngại lớn của các nhà ngoại giao Mỹ và Trung Quốc chính là việc làm sao tránh được xung đột quân sự tất yếu cho uy quyền tối cao giữa các cường quốc... Khoảng cách, như tôi đã nói, trong các quan điểm cho thấy các bên vẫn đang cố đi tìm câu trả lời.

Có nhiều không khả năng về một liên minh quân sự Nga - Trung? Liệu Nga và Trung Quốc có thể hình thành một trục mới, hay lịch sử không đơn giản trong quan hệ giữa hai nước hoặc sự không ưa thích nhau giữa hai nước mạnh hơn sự căm thù của họ đối với Mỹ?

- Một câu hỏi tuyệt vời. Về hướng này (liên minh quân sự) đang thấy có việc mở rộng hợp tác. Thí dụ Nga tuyên bố ý định bán khí đốt cho Trung Quốc đúng vào lúc mà vì cuộc khủng hoảng Ukraine, EU đã tìm các phương cách giảm sự lệ thuộc vào khí đốt của Nga.

Thế nhưng Trung Quốc hình như mua khí đốt với giá rẻ hơn. Như người ta nói, không có đồng minh vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn. Nga cũng đang quan ngại về số lượng lớn người nhập cư Trung Quốc vào lãnh thổ phía đông của họ, vì vậy trong một số vấn đề hai bên vẫn còn mâu thuẫn.

Những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây gây hại gì cho môi trường?

- Đây là một vấn đề nghiêm trọng mà theo lời những người bảo vệ môi trường, nó nằm ngoài khuôn khổ những cuộc tranh luận chính trị và ngoại giao. Những bãi này luôn rất quan trọng nhìn từ góc độ sinh thái nói chung và ngành thủy sản nói riêng. Tôi không phải chuyên gia lĩnh vực này, nhưng tôi nghĩ rằng lấy cát từ đáy biển để bồi đắp các bãi là ý tưởng tệ.

Câu chuyện quốc tế nào hiện nay ông muốn đông đảo độc giả Mỹ bắt đầu chú ý nhất?

- Câu chuyện này (Biển Đông), nghiêm túc đấy. Tôi đã theo dõi nó nhiều năm và rất vui khi mọi người thấy được tầm quan trọng của nó.

   

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận