​Phòng khám không viện phí

DƯƠNG THẾ HÙNG 06/03/2015 22:03 GMT+7

Không có cảnh chen lấn, chờ đợi; không có kiểu khám qua loa đại khái vì quá đông người bệnh; không có những gương mặt cau có vì căng thẳng do áp lực công việc. Ở nơi đó, người nghèo có thể tới chữa bệnh không mất tiền. Nơi đó là Phòng khám bệnh từ thiện TP Cần Thơ, địa điểm dốc cầu Hưng Lợi, phường Hưng Lợi (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ).

Hàng trăm người nghèo tới phòng khám từ thiện vào sáng thứ bảy 24-1-2015. Ảnh:D.T.H.

Một buổi sáng thứ bảy đầu năm 2015, hàng trăm người tụ về thật sớm trước sân phòng khám để chờ tới lượt mình. Họ đến từ những vùng quê như Cờ Đỏ, Thốt Nốt (Cần Thơ), Bình Minh, Trà Ôn (Vĩnh Long), Vị Thủy, Châu Thành (Hậu Giang)... Đa số là người già, trẻ em và “căn bản” là nghèo.

Mỗi tuần một niềm vui

Phòng khám nằm trên miếng đất chừng 200m2, có năm phòng chuyên khoa gồm nội - tim mạch, nhi, mắt, tai mũi họng, da liễu. Khoảnh sân phía trước được che mái vòm, dưới đặt ghế đá cho bà con ngồi. Ai nấy đều vui vẻ, trật tự chờ gọi tên.

Bác Trần Văn Thành (72 tuổi, ở xã Tân Phú Thạnh, Châu Thành A, Hậu Giang) cho biết: “Tui đi từ mờ sáng để kịp bác sĩ tái khám. Mùa này gió lạnh nên ho hoài, tuần rồi lãnh thuốc uống thấy đỡ, nay đi lần nữa cho hết hẳn. Lần nào ghé đây cũng thấy vui vì chẳng những bớt bệnh, không tốn tiền mà còn được bác sĩ chăm sóc tận tình”.

Tại bàn của bác sĩ nội thần kinh Đặng Văn Hiếu, một bà cụ tuổi ngoài 70, dáng vẻ hom hem, khai bệnh: “Hổng biết có bị thần kinh tọa không mà trời lạnh là đau lưng nhức mỏi. Con cháu kêu đi bệnh viện, tui sợ tốn tiền nên hổng đi, nghe ở đây khám từ thiện nên biểu thằng cháu chở qua”.

Bác sĩ Hiếu thăm khám kỹ lưỡng một hồi rồi ôn tồn giải thích: “Bác đã lớn tuổi rồi nên xương khớp bị thoái hóa, giống như chiếc xe chạy lâu ngày máy móc hao mòn, bị “xuống” nên yếu. À, mà bác ở nhà có làm gì vận động chân tay không?”.

Bà cụ liền nói: “Trời ơi, tui ở ngoài vườn làm lắt xắt tối ngày, hết lượm củi tới tưới cây. Vô nhà thì quét dọn, phơi xếp quần áo. Con cháu cản hổng cho làm mà tui cãi. Ở không (rảnh) hai bữa là bệnh”.

Bác sĩ Hiếu kê toa rồi dặn: “Bác khỏe mà, hổng phải đau thần kinh tọa gì đâu. Bác uống cái này trong hai tuần rồi quay lại con coi. Nếu hổng đỡ thì con sẽ giới thiệu bác qua bệnh viện khám rồi điều trị theo chuyên khoa”. Bà cụ cười hớn hở: “Gặp bác sĩ chưa uống thuốc đã thấy đỡ rồi, chắc khỏi vô nhà thương”.

Đông đảo bệnh nhân chờ tới lượt khám bệnh và phát thuốc miễn phí. Ảnh: D.T.H.

Ở phòng nhãn khoa, y sĩ Phan Ngọc Thúy đã khám người bệnh thứ hai và còn khoảng 10 người đang chờ. Đa số đều có nhu cầu mổ mắt nên cần được tư vấn. Khi đủ điều kiện, bà con sẽ được chuyển tới Bệnh viện Hoàn Mỹ mổ mắt miễn phí theo chương trình liên kết (đã thực hiện 82 ca trong năm 2014).

Tại các phòng khám nội, da liễu, tai mũi họng, bác sĩ nào cũng nói chuyện với bệnh nhân như người nhà, rồi cũng dặn dò “ăn rau trái cây nhiều vô, trời lạnh ngủ nhớ mặc áo ấm, mang cả vớ nữa nghen. Trẻ con thì tránh ngủ chỗ gió lùa, cũng không nên ủ kín quá...”.

Mặt trời đã đứng bóng, bà con lãnh thuốc xong lục tục ra về cùng phần quà gồm một hộp cơm và sáu gói mì do Tổ đình Chiếu Minh Cao Đài tài trợ. Chưa hết, lại còn “tiết mục” tặng xe lăn, người nhận là cụ Phùng Muối, 73 tuổi, ở đường Hai Bà Trưng (TP Cần Thơ). Trao xe lăn cho người nhận xong, bác sĩ Trần Văn Tốt, trưởng phòng khám, điểm qua kết quả: “Bữa nay có 179 người được khám bệnh và phát thuốc miễn phí, số tiền gần 12 triệu đồng do các nhà hảo tâm đóng góp”.

Ông cho biết từ năm 2011 đến nay, cứ mỗi sáng thứ bảy là “đến hẹn lại lên”, bà con kéo đến phòng khám ngày càng đông. Có người nói “mỗi tuần một niềm vui” là vậy.

Bác sĩ Trần Thị Lan khám một bệnh nhân

D.T.H.

Khám bệnh lưu động

Ngoài khám chữa bệnh tại chỗ, phòng khám từ thiện còn đến các vùng sâu vùng xa. Mỗi chuyến đi được lên kế hoạch trước cả tháng, từ liên hệ lãnh đạo UBND xã, nhờ lên danh sách người bệnh, phát thư mời, tìm mặt bằng rộng và tiện cho bà con tụ về (thường là ở trạm y tế hoặc sân trường học).

Đội ngũ y bác sĩ là người đã về hưu cùng một số bạn trẻ yêu nghề, ham thích học hỏi, chịu đi thực tế để tích lũy kinh nghiệm. Điều cuối cùng, nhưng quan trọng nhất, là kinh phí.

Bác sĩ Tốt cho biết nhờ có các nhà hảo tâm là Việt kiều, doanh nghiệp, bè bạn khắp nơi trong và ngoài nước hỗ trợ tiền bạc, thuốc men, dụng cụ y tế nên phòng khám sống được và lớn mạnh tới bây giờ. Thường mỗi chuyến đi phải chuẩn bị khoảng 300 cơ số thuốc, trị giá mỗi phần từ 50.000-60.000 đồng mới đủ phát cho bà con.

Lục Sĩ Thành là một xã vùng sâu, nằm bên cồn trên sông Hậu, thuộc địa bàn huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Từ Cần Thơ tới đó không có đường xe bốn bánh, đoàn khám phải đi đò mất gần hai giờ.

Nhờ đã chuẩn bị sẵn địa điểm là trạm y tế xã, các y bác sĩ triển khai ngay đội hình làm việc, chia sẵn từng khu vực từ khám đến phát thuốc. Cái hay của khám lưu động là đoàn làm được luôn việc xét nghiệm, đo điện tim, siêu âm, kể cả trám nhổ răng nhờ có đem theo đủ thiết bị, máy móc cầm tay.

Bác sĩ Trần Thị Lan kể: “Bà con nghe nói có đoàn khám từ thiện thì phấn khởi lắm, sáng sớm đã có mặt chờ đợi. Bữa đó đoàn tiếp nhận một bà cụ chừng 76 tuổi, lưng còng, mắt mờ, do con gái út dẫn tới. Bà bị đục thủy tinh thể, nếu để chậm sẽ mù, lại đang bệnh tiểu đường nên căng dữ.

Chúng tôi phải tư vấn gia đình chăm sóc kỹ, uống thuốc nhiều ngày. Sau khi ổn định đường huyết mới giới thiệu qua Bệnh viện Hoàn Mỹ mổ. Sau đó bà sáng mắt, gia đình mừng hết biết luôn”.

Về chuyên môn, một tổ được phân công thống kê số liệu như tổng số bệnh nhân, số lần khám, chuyên khoa... từ đó có kết quả chính xác các bệnh thường gặp, bệnh nhân nào cần theo dõi, biện pháp xử lý nếu phát hiện sớm ung thư.

Bác sĩ Hiếu kể lại lần đi xã Nguyễn Văn Thảnh (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long), các bác sĩ nghi ngờ một phụ nữ khoảng 50 tuổi có dấu hiệu ung thư cổ tử cung nên kêu qua Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ liền. Nhờ phát hiện sớm nên điều trị kịp, người phụ nữ này khỏe mạnh tới bây giờ.

“Cả chuyến đi đều được ghi lại hình ảnh, sau đó chúng tôi gửi hết cho các nhà tài trợ xem để họ biết sự đóng góp của mình đã tới tận tay dân nghèo” - bác sĩ Tốt cho biết.

Phòng soạn thuốc theo toa cho người bệnh

D.T.H.

“Điều cốt lõi mà phòng khám duy trì được hoạt động lâu bền là công khai minh bạch. Số tiền vận động được mua thuốc phục vụ bệnh nhân, kể cả vật tư, trang thiết bị y tế đều có báo cáo số liệu chi tiết, cập nhật từng chuyến đi hoặc từng đợt khám nên các nhà tài trợ tin tưởng và hài lòng. Ngoài ra còn phải kể đến đóng góp của các y bác sĩ, họ không nề hà cực nhọc đi xa làm từ thiện. Ngay cả chuyện ăn uống họ cũng tự lực, không làm phiền dù địa phương rất nhiệt tình mời cơm...” - bác sĩ Nguyễn Văn Út, chủ tịch Hội Y học TP Cần Thơ, đánh giá. Với những đóng góp quý báu đó, năm 2014 phòng khám được tặng hai bằng khen của Tổng hội Y học Việt Nam, 10 giấy khen của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP Cần Thơ.

Đốm lửa nhỏ

Phòng khám đã trải qua gần 12 năm thăng trầm. Tháng 3-2003, từ sáng kiến của bác sĩ Trần Văn Tốt, đoàn khám bệnh từ thiện Cần Thơ được thành lập với bảy thành viên ban đầu là những bác sĩ bạn bè của ông (đều đã nghỉ hưu). Kinh phí hoạt động từ tiền lương hưu ít ỏi của ông và mọi người góp lại.

Chuyến đầu tiên là đến xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy (Hậu Giang), khám chữa bệnh cho 115 người, phát thuốc mỗi phần trị giá 16.000 đồng. Bảy tháng sau, lúc đi Trà Ôn có thêm được “mối” là Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ hỗ trợ nên mổ mắt miễn phí được cho 95 người.

Cả năm đó, đoàn đi tổng cộng 11 chuyến, giúp được 7.700 người, mổ mắt cho 630 người. Kinh phí hơn 430 triệu đồng chủ yếu do ông bà Võ Văn Tám (Việt kiều Úc) và một số bạn bè thân hữu tài trợ.

Sau nhiều lần di dời liên tục để đáp ứng số người bệnh ngày càng tăng, cuối cùng phòng khám có được mặt bằng 200m2 ở dốc cầu Hưng Lợi, do cô Ngọc Điệp, trưởng ban quản lý Tổ đình Chiếu Minh Cao Đài, cho mượn. Cô Điệp hỗ trợ 50 triệu, bác sĩ Tốt góp 50 triệu, cộng thêm ông “chạy vạy” của bạn bè, người hảo tâm trong ngoài nước được 700 triệu đồng xây lên phòng khám năm phòng và khánh thành vào tháng 2-2011.

Giờ đây khi đã tạm ổn định, bác sĩ Tốt thở phào: “Qua được “ải” lớn rồi, nhưng nhu cầu người bệnh đông hơn thì chắc phải “vắt giò” chạy nữa. May là 50 thành viên phòng khám đồng cam cộng khổ, cùng với nhà tài trợ có tâm từ thiện nên khó khăn nào ắt cũng sẽ vượt qua. Thôi thì ráng làm đốm lửa nhỏ ban đầu, rồi nhen nhóm dần lên”.

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận