Đi Giữa “trái tim” Đà Lạt

MAI VINH 22/01/2016 02:01 GMT+7

TTCT - “Ông biết trái tim Đà Lạt nằm ở đâu không? Muốn biết xuân - hạ - thu - đông trong một ngày ra sao không?” - lời rủ rê của Tuấn “discovery”, một tay chuyên tổ chức các chương trình dã ngoại khám phá, đã kéo tôi lên đường khám phá “trái tim” Đà Lạt.

Hồ Tuyền Lâm nhìn từ trên cao              -MAI VINH
Hồ Tuyền Lâm nhìn từ trên cao -MAI VINH


Xuất phát từ trung tâm thành phố Đà Lạt lúc 6g sáng, chúng tôi đổ đèo Prenn rồi rẽ vào vùng hồ Tuyền Lâm rộng lớn, được xem là trái tim, lá phổi cho Đà Lạt thơ mộng. Đi cùng là những người yêu thiên nhiên, thiên nhiên thuần túy, không phải là những vườn hoa, cây cảnh nhân tạo...

Đi giữa nguyên sơ, cảm nhận những lặng lẽ của lòng mình - điều khó có thể làm được nếu bước giữa chốn lao xao. Chiếc xe của Tuấn đưa cả đoàn đi theo con đường nhánh phải hồ Tuyền Lâm. Đây là con đường quanh co uốn lượn, một bên là núi, một bên là hồ Tuyền Lâm nước xanh ngát.

Trời lạnh, sương còn kín đặc, xe bật đèn sương mù chạy chậm. Không ai chịu đóng cửa kính, để sương tràn vào và cảm nhận nắng sớm dần đổ ánh vàng lên sương.

 
 
Chèo thuyền ngắm cảnh trên hồ là một trải nghiệm khó quên                   -MAI VINH
Chèo thuyền ngắm cảnh trên hồ là một trải nghiệm khó quên -MAI VINH

Tuấn cười: “Những thị dân “đói” thiên nhiên ấy thèm cảm giác sương phủ lên mặt”. Nói đoạn, Tuấn kéo dây kéo áo khoác cho kín gió rồi ngả lưng ra ghế lim dim. Sau lưng Tuấn, những du khách thị dân đưa điện thoại lên chộp lấy khoảnh khắc nắng lên như thể sợ bị vuột mất, những người khác lặng lẽ hơn, mơ màng ngắm khung cảnh qua ô cửa kính mở trống trong lúc tai nghe phát một bản nhạc yêu thích.

Khi xe đến điểm tập kết, mọi người có thể lang thang giữa lòng Tuyền Lâm, áo khoác mọi người đã ướt sương như vừa đi giữa một cơn mưa phùn. Mi mắt vài người trĩu xuống vì sương đọng, ai cũng hít căng lồng ngực như thể muốn nuốt trọn không khí tươi mát, tinh khiết mà đất Sài thành không thể nào có được. Vuốt mặt cho tan sương, ai nấy cười hứng khởi. Tuấn bảo: “Mới khởi động thôi mà”.

Khi du khách còn ngồi bên bờ hồ nhấp ly cà phê nóng, nghe chim ríu rít, mấy chiếc thuyền cao su đã được bơm căng hơi từ lúc nào. Lần lượt từng chiếc thuyền được kéo ra mép hồ. Nhiều du khách thắc mắc về việc đi ngắm cảnh bằng thuyền cao su, Tuấn giải thích: “Có thuyền máy nhưng đi bằng thuyền cao su để đảm bảo không gian yên tĩnh và bảo vệ nguồn nước cho hồ”.

Cứ 2-3 du khách được đưa lên một thuyền kèm theo hai bộ mái chèo. Tuấn làm động tác thị phạm hướng dẫn những du khách chỉ quen công việc văn phòng cách chèo để thuyền đi, cách chèo để chống luồng gió ngược... “Tuyệt đối không được bỏ áo phao ra nhé” - Tuấn khuyến cáo.

Sương giăng sớm mai trên mặt hồ tạo thành bức tranh thủy mặc -MAI VINH
Sương giăng sớm mai trên mặt hồ tạo thành bức tranh thủy mặc -MAI VINH

Anh Đăng Thiệp, du khách đến từ TP.HCM, nói: “Nước mênh mông vầy, cho vàng tôi cũng không dám cởi áo phao ra. Nhưng giờ đi đâu?”. Nghe câu hỏi, Tuấn cười: “Cứ ra giữa hồ rồi biết”. Những người lần đầu chèo thuyền ra giữa hồ nước mênh mông, dù yêu thiên nhiên nhưng cũng e ngại bất trắc có thể rón rén lên thuyền.

Hiểu rõ tâm lý những khách miền xa chưa quen sông hồ, Tuấn luôn quan sát và cẩn thận chèo thuyền đi bên cạnh. Cách bờ chừng trăm mét, những chiếc thuyền được gom lại thành cụm theo sự hướng dẫn của Tuấn rồi thả tự do, không cần chèo, cứ để gió thổi đẩy thuyền đi. “Nếu muốn vào bờ hãy chèo đến lá cờ màu đỏ”, Tuấn chỉ tay về một điểm cách đó chừng 1km.

Những tay chèo nghiệp dư ban đầu còn căng thẳng nhưng rồi quen dần, sự hưng phấn lại dâng tràn. Họ thả thuyền trôi theo gió. Họ ngồi trong lòng thuyền ngắm sương tan qua kẽ lá, những đảo nhỏ ẩn trong sương thoắt ẩn thoắt hiện.

Trong ánh vàng bàng bạc, một thứ ánh sáng quyện giữa nắng, sương, phản xạ của nước và thiều quang tán ra khi mặt trời chiếu sau những rặng thông, những vó câu, thuyền câu cá hiện ra... ai nấy đều thích thú ngắm nhìn bức tranh hiếm có này.

Anh Trần Minh Vỹ (đến từ Nha Trang) bảo: “Không biết lạc giữa cõi nào nữa, hình ảnh này chỉ thấy trong tranh, ngờ đâu giờ lại được thấy trước mắt mình. Nè nè, huơ tay chạm luôn ánh nắng nè”. Ngắm cảnh chán, anh Vỹ nằm dài ra thuyền đọc sách.

Các gia đình ở Đà lạt thường đưa nhau xuống hồ Tuyền Lâm giải trí

 

Nắng càng lên, gió càng lớn đẩy những chiếc thuyền trôi tự do dạt vào bóng râm của những cụm cây ưa nước mọc giữa hồ. Dưới bóng cây, nằm ngửa mặt lên trời nhìn lá vàng rung rinh trong nền xanh bát ngát của bầu trời. Giữa Tuyền Lâm, một ngày có đủ bốn mùa: sáng mùa xuân, trưa mùa hè, chiều mùa thu và chiều đến tối là mùa đông lạnh tê tái.

Chiếc thuyền lang thang theo dòng nước lững lờ và những người đi tìm sự tĩnh lặng thấy rõ bốn mùa trôi qua bàn tay. Bốn mùa trôi qua kèm theo bao ưu phiền chất chứa cũng trôi đi. Đến khi chiếc thuyền tấp vào bờ, lòng ai cũng thanh nhẹ.

Hồ Tuyền Lâm rộng hơn 360ha, là địa điểm thích hợp cho các hoạt động thể thao, leo núi, chèo thuyền, câu cá. Từ một thung lũng hoang vu ở độ cao hơn 1.000m so với mặt biển, hồ Tuyền Lâm được cải tạo thành điểm nghỉ mát lý tưởng của vùng cao. Hồ nằm cách Ðà Lạt 5km, gọn gàng giữa rừng thông mênh mông, vốn là một hồ thủy lợi nhân tạo.

Năm 1982, để đảm bảo nước tưới cho hàng trăm hecta lúa của huyện Ðức Trọng, tỉnh Lâm Đồng đã cho xây dựng đập ngăn nước tại đây. Năm năm sau, công trình được hoàn thành và dần trở nên một điểm du lịch. Các nghiên cứu môi trường của tỉnh Lâm Đồng cho thấy hồ Tuyền Lâm đóng vai trò quan trọng trong điều hòa khí hậu và đảm bảo nước ngầm cũng như nước sinh hoạt cho cả TP Đà Lạt.

Đu dây, một trong những dịch vụ thu hút du khách trẻ     -MAI VINH
Đu dây, một trong những dịch vụ thu hút du khách trẻ -MAI VINH

Nhiều năm liền, hồ Tuyền Lâm chỉ có những khu nghỉ dưỡng đắt tiền, không được nhiều người quan tâm do đắt đỏ. Gần đây, một số bạn trẻ đã đưa những tour du lịch gắn liền với thiên nhiên hoang sơ khiến nhiều người quan tâm. Những tour này thường giúp du khách đi sâu vào tận cùng Tuyền Lâm để tự chiêm nghiệm bản thân, khám phá đa dạng sinh học hoặc rèn luyện sức bền thông qua leo núi và các trò chơi trên hồ.

Rừng lá phong cũng là một địa điểm thu hút. Gọi là “rừng” nhưng thực chất chỉ được vài cụm cây phong được trồng thử nghiệm từ năm 2000 trên diện tích khoảng 40ha. Du khách có thể thuê thuyền máy đến đây hoặc đặt tour từ các công ty du lịch ở Đà Lạt. Cắm trại gia đình trên bãi cỏ xanh, ngắm nhìn lá đỏ, sống trong bầu khí thiên nhiên là một thú vui của nhiều gia đình mỗi độ xuân về.■

Nhiều gia đình đến cắm trại ở Tuyền Lâm mỗi dịp xuân về             -MAI VINH
Nhiều gia đình đến cắm trại ở Tuyền Lâm mỗi dịp xuân về -MAI VINH

 

Một vài quán nhỏ nằm dọc quanh hồ Tuyền Lâm trở thành nơi đến của du khách sau một ngày thư giãn hoặc vận động mạnh với các hoạt động bên hồ. Ở các quán này, nhiều du khách tấm tắc với món cá diếc nấu rau răm. Các quán nấu sẵn và thường mang ra cuối bữa ăn khi trời đã sụp tối, gió Tuyền Lâm thổi lên lạnh buốt. Mở thố cá ra, chỉ cần nghe mùi thơm cay cay đã thấy cái lạnh tan đi. Chẳng mấy khi khách ăn hết những con cá nhỏ nhiều xương, chỉ húp chút nước thanh thanh đượm vị bầu. Các quán giới thiệu đó là những con cá câu được từ hồ Tuyền Lâm. Thực hư ra sao khó biết, nhưng quả thật hương vị ở đây rất đặc trưng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận