Du lịch sông nước, hiểu Đông Nam bộ

MỸ TÀI 01/10/2014 07:09 GMT+7

TTCT - Dọc theo dòng sông Vàm Cỏ, du khách có thể tìm thấy và thưởng thức khung cảnh của vườn quê, đồng ruộng, thưởng thức đặc sản của vùng sông nước miền Đông Nam bộ.

Sông Vàm Cỏ - Ảnh: Thanh Vũ
Sông Vàm Cỏ - Ảnh: Thanh Vũ

Sông Vàm Cỏ dòng chảy hiền hòa, quanh năm nước sông biêng biếc, hai bên nhà cửa, ruộng vườn mang màu xanh thơ mộng, đậm chất cư dân miền Đông Nam bộ, tiếc là từ rất lâu chưa thấy tổ chức du lịch xanh trên sông nước Vàm Cỏ bằng du thuyền.

Với 150km thủy lộ, gắn liền với các di tích lịch sử hào hùng của dân tộc như dòng Nhật Tảo vang danh với Nguyễn Trung Trực: Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa, rồi Bến Lức nơi hội tụ các ghe thuyền thương hồ miền Tây.

Từ đó ngược dòng lên với Đức Hòa, Đức Huệ (Long An), ghé thăm xứ Trảng Bàng, với Tha La xóm đạo, lên nữa là Gò Dầu, Bến Cầu... tới Cẩm Giang, viếng mộ quan đại thần Huỳnh Công Thắng, nền thành cổ Quang Hóa, lên Hòa Thành.

Đến Tây Ninh, tham quan Tòa Thánh đạo Cao Đài, núi Bà. Nếu du khách muốn ngược dòng lên nữa sẽ đến Châu Thành, rồi đến Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát, cuối cùng là khu căn cứ Trung ương Cục, thánh địa của cách mạng miền Nam...

Dọc theo dòng sông Vàm Cỏ, du khách có thể tìm thấy và thưởng thức khung cảnh của vườn quê, đồng ruộng, thưởng thức đặc sản của vùng sông nước miền Đông Nam bộ, lắng nghe đờn ca tài tử giữa sóng nước mênh mang.

Bến cuối là rừng sinh thái, là khu căn cứ để hòa mình vào thiên nhiên hoang dã, thích thú trước cảnh hoàng hôn ráng đỏ của chiều biên giới. Một chuyến ngao du sông nước như vậy không còn gì tuyệt hơn.

TRẦN HOÀNG VY

Đưa hát bội thành một sản phẩm du lịch

Giống như cải lương hay đờn ca tài tử, hát bội có những nét riêng độc đáo mang đậm bản sắc quê hương. Thiết nghĩ việc trình diễn hát hội trong các ngày lễ, các chương trình văn hóa văn nghệ vừa làm đa dạng màu sắc cho ngày hội, vừa giúp mang hình ảnh hát bội đến với du khách trong và ngoài nước. 

Nhiều địa phương đã chủ động trong việc kết hợp các hình thức biểu diễn sân khấu dân tộc với du lịch văn hóa thông qua việc biểu diễn theo yêu cầu khi có đoàn đăng ký. Trải qua thời gian dài tồn tại, nghệ thuật hát bội đã hình thành trên đất nước ta nhiều làng nghề nổi tiếng như Phước An (Bình Định), Khánh Đức (Quảng Nam)...

Việc kết hợp du lịch văn hóa với hát bội giúp các tour du lịch thêm nhiều màu sắc, cải thiện đời sống người nghệ sĩ và điều quan trọng nhất là có thể góp phần bảo tồn, duy trì sức sống cho hát bội, một loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc.

Ông bầu gánh hát Kiều Loan từng nói: “Hát bội là hình thức nghệ thuật khó học - khó nghe - khó thưởng thức”, có lẽ vì những cái khó đó mà ngày càng ít người xem. Tuy nhiên, dù chiếc cầu liên kết giữa hát bội với văn hóa dân tộc có bị mai một theo thời gian thì vẫn còn tồn tại.

Nhiệm vụ của chúng ta bây giờ là trùng tu và bảo tồn chiếc cầu đó như cách chúng ta đã bảo vệ và vinh danh thành công các loại hình văn hóa khác.

Đi du lịch các nước Nhật, Indonesia, Hàn Quốc hay cả ở châu Âu, du khách Việt Nam thường được đưa đến thưởng thức những màn biểu diễn nghệ thuật của người địa phương rất đặc trưng, dù nhiều khi không hiểu hết phần ngôn ngữ nhưng đều thấy thú vị.

Hát bội trong mắt người nước ngoài chắc cũng tương tự. Vậy tại sao không tổ chức những sân khấu nhỏ, giống như mô hình múa rối nước, để phục vụ hát bội cho du khách nước ngoài xem?

Làm được điều này, du lịch vừa thêm một sản phẩm thú vị, vừa “cứu” được người nghệ sĩ và giúp nghệ thuật hát bội không bị mai một. 

Sau ba tháng, ban tổ chức cuộc thi “Tận hưởng bản sắc Việt” đã nhận được trên 200 bài viết của bạn đọc gần xa gửi về tham gia. Xin trân trọng cảm ơn sự cộng tác và mong bạn đọc tiếp tục hưởng ứng cuộc thi. Mọi thông tin xin tham khảo tại địa chỉ: http://cuocthi.tuoitre.vn/bansacviet, đón đọc các bài viết được chọn đăng trên trang web này và trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần ra hằng tuần vào ngày thứ sáu.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận