Những người bẻ khóa sinh học

TRƯỜNG SƠN 29/06/2016 01:06 GMT+7

TTCT - Có những người không bằng lòng với giới hạn khả năng cơ thể mà tạo hóa ban cho họ và quyết tâm cải biến bằng công nghệ. Họ là những biohacker hay bodyhacker (người “bẻ khóa sinh học/cơ thể”).

Người và máy sẽ đến lúc đặt câu hỏi: đâu là ranh giới?
Người và máy sẽ đến lúc đặt câu hỏi: đâu là ranh giới?


Ngón tay thay thẻ thanh toán

Biohacking có thể xem là một nhánh của thuyết siêu nhân học (transhumanism), được biết đến với mục tiêu chuyển hóa (transform) các điều kiện sinh học của cơ thể lên mức post-human (tạm dịch là hậu nhân) bằng cách tạo ra và phát triển các công nghệ phức tạp có thể tăng cường trí tuệ, tư duy và thể trạng con người. Để phản pháo các chỉ trích, những người theo thuyết siêu nhân học có hẳn một tuyên ngôn trong đó nói rõ: “Con người có quyền làm mọi thứ với cơ thể họ, miễn là điều đó không hại người khác”.

Tiến bộ công nghệ hiện tại đã cho phép con người chỉ cần mang theo smartphone thay vì ví tiền và lỉnh kỉnh các loại thẻ là đã đủ cho mọi nhu cầu thanh toán.

Nhưng một người Úc có tên khác lạ, Meow-Ludo Meow-Meow, thậm chí còn muốn làm hơn thế: dùng ngón tay thay vì điện thoại, và đặt hẳn mục tiêu sẽ biến điều đó thành sự thật vào khoảng tháng 10 tới.

Theo Mashable ngày 6-6, Meow (thật ra không phải tên khai sinh) là một biohacker - người hòa quyện cơ thể sinh học của mình với công nghệ - đã cấy một con chip có tính năng giao tiếp tầm gần (NFC) vào phần lưng ngón tay cái bên trái của mình hồi tháng 4 với tham vọng dùng ngón tay này thay thế các thẻ thanh toán và nhiều chức năng khác.

Con chip trong ngón tay Meow, có dạng hình trụ và việc cấy ghép theo anh là “không đau lắm”, hiện chỉ có thể thực hiện được vài tính năng đơn giản như lưu trữ danh thiếp ảo. Khi đưa phần ngón tay có chip vào mắt đọc NFC trên smartphone, điện thoại sẽ nhận diện được thông tin Meow lưu trên chip.

Để thực hiện các tính năng khác, Meow sẽ lập trình lại dữ liệu cho con chip. “Về cơ bản, đây là một bộ nhớ vi tính mà bạn có thể làm được vài thứ thú vị với nó” - anh nói với Mashable.

Biohacker này đang hợp tác với hai nhà công nghệ Nathan Waters và Phill Ogden để trang bị công nghệ “thanh toán không tiếp xúc” (contactless payment), vốn đang được các “ví điện tử” như Apple Pay hay Samsung Pay áp dụng, cho con chip của mình.

Công nghệ này khác với cách dùng thẻ tín dụng thông thường là khi thanh toán, chủ thẻ chỉ cần đưa thẻ vào máy quét để xác nhận qua giao tiếp NFC, không cần phải cà thẻ, ký tên hay nhập mã PIN (máy và thẻ không tiếp xúc với nhau).

Nhiệm vụ của Meow là làm sao kết nối con chip trong ngón tay với các hệ thống thanh toán không tiếp xúc như Albert của Ngân hàng Commonwealth Bank hay thậm chí với Opal, hệ thống thẻ đi phương tiện công cộng của TP Sydney.

Nhóm của Meow đặt mục tiêu hoàn tất dự án vào tháng 10. Việc lập trình chip thật ra không khó, trở ngại lớn nhất là Commonwealth Bank và Opal có đồng ý hợp tác để hệ thống của họ nhận dạng được con chip này không.

Với Meow, đích đến cuối cùng là kết nối được với PayPass, hệ thống contactless payment của MasterCard. Khi đó có thể dùng ngón tay thanh toán tại hầu hết điểm bán lẻ khắp nước Úc. Tuy vậy, điều này đòi hỏi con chip phải có bộ nhớ lớn hơn mức khiêm tốn 868 byte như hiện nay. “Có lẽ tôi sẽ cấy con chip mới vào một ngón tay khác, còn ngón cái hiện nay sẽ dùng để thí nghiệm” - Meow nói.

Con người với khả năng robot

Meow giải thích những con chip cấy vào cơ thể người có hai khả năng quan trọng: xác thực (authentication) và kích hoạt (activation). “Tôi có con chip trong ngón tay và nó có thể xác nhận đây chính là tôi chứ không thể ai khác, có thể kích hoạt nhiều thứ” - anh nói.

Điều này có nghĩa những ứng dụng đời sống của chip cấy trong cơ thể sẽ rất đa dạng. “Nó có thể thay thế ví tiền và chìa khóa nhà, xe của bạn. Khi bạn đặt tay lên vôlăng, như thế là đủ để khởi động xe” - Meow nói.

Thậm chí khi được lập trình để trở nên “thông minh” hơn, Meow cho rằng tiềm năng là cực kỳ lớn. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu con chip đó được kết nối với một ứng dụng theo dõi sức khỏe như Fitbit? “Con chip khi đó có thể đo lượng glucose trong máu hay nhịp tim của bạn và khi nhận ra hôm nay bạn chưa vận động, nó sẽ thông báo để Fitbit nhắn với bạn rằng: Chà, hôm nay bạn không được ăn sôcôla đâu đấy” - Meow nói về tương lai mà anh theo đuổi.

Một biohacker khá đình đám khác là Dave Asprey, người Anh, có tham vọng sống đến 180 tuổi bằng cách cải biến cơ thể mình với máy móc.

Theo trang Sky News ngày 1-6, Asprey đã chi gần 1 triệu USD để tìm ra cách ăn uống, ngủ nghỉ tốt cho sức khỏe nhất, cũng như áp dụng công nghệ để tăng tuổi thọ. “Công nghệ cho phép ta kiểm soát được cơ thể ở tầm mức cao hơn bao giờ hết” - ông nói với Sky News.

Một trong các phương thức tự “bẻ khóa” cơ thể của Asprey là gắn đầy các điện cực vào đầu để theo dõi và kiểm soát hoạt động của não. Trong khi đó, Neil Harbisson, một nghệ sĩ bị mù màu được Đài NPR (Mỹ) mô tả như “ngôi sao của giới bẻ khóa sinh học”, với phát minh cực kỳ độc đáo giúp anh có thể “nghe màu sắc” thay vì nhìn.

Harbisson đã nhờ bác sĩ cấy một thiết bị vào sau hộp sọ, kết nối với một camera luôn treo lủng lẳng trước mặt nhờ gắn vào “ăngten” vòng từ sau gáy ra trước trán.

Mỗi khi Harbisson nhìn một vật gì đó, thiết bị này sẽ phân tích màu sắc chủ đạo của vật thể đó và “dịch” sang các nốt nhạc để anh “nghe màu”. “Màu đỏ của đèn giao thông tương ứng với âm thanh nốt la, còn màu xanh của cỏ là nốt fa” - anh giải thích.

Harbisson hiện sống ở New York với một người bạn “cùng hội cùng thuyền” tên Moon Ribas. Cô gái này có một thiết bị cấy trong tay và nó sẽ rung lên báo hiệu mỗi khi có động đất xảy ra, dù là bất kỳ đâu trên thế giới.

Đâu là ranh giới người và máy?

Theo trang Information Age ngày 8-6, phần lớn biohacker là cá nhân hoạt động độc lập với giới khoa học và công nghệ chính thống. Hiện chưa có làn sóng phản đối chính thức nào từ giới khoa học với những người thích “bẻ khóa cơ thể”. Các tranh cãi quanh vấn đề này thường chỉ về mặt đạo đức. Ngoài ra, việc cấy công nghệ vào người mang nhiều hiểm họa về bảo mật thông tin hơn là nguy cơ về sức khỏe. Những người cấy chip vào cơ thể như Meow cũng khẳng định các thiết bị đều được xác nhận là an toàn về mặt sinh học trước khi được đưa vào cơ thể họ.

Như các lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ khác như robot hay trí thông minh nhân tạo, trào lưu “bẻ khóa cơ thể” cũng nhận không ít chỉ trích. Tony Salvador, chuyên gia nghiên cứu tác động của công nghệ lên các giá trị xã hội hiện làm việc cho Intel, cho rằng công nghệ đôi khi phát triển nhanh đến mức vượt qua các ranh giới xã hội.

“Chúng gây ra các nhầm lẫn xã hội và ta không biết chuyện gì đang xảy ra” - Salvador nói với Đài NPR.

Alva Noe, một triết gia thuộc Đại học California, cho rằng có hai câu hỏi cần phải trả lời để phán xét việc cải biến cơ thể bằng công nghệ. Đầu tiên, việc phải giải phẫu cơ thể người để tiến hành các thí nghiệm đó có ổn hay không?

Kế đến, mức độ xã hội chấp nhận việc tăng cường khả năng của cơ thể bằng công nghệ ở mức nào? Với câu hỏi thứ nhất, câu trả lời có vẻ khá rõ ràng. Noe cho rằng các thí nghiệm đưa máy móc vào cơ thể người là “khó chịu về mặt đạo đức” và ông “không hình dung được loại bác sĩ hay nhà khoa học nào sẽ tiến hành các phẫu thuật như thế”.

Thực tế đang ủng hộ quan điểm này: không bác sĩ nào đồng ý phẫu thuật gắn thiết bị “nghe màu sắc” cho Harbisson, và người đồng ý thì yêu cầu không công khai danh tính. Meow cũng phải cấy chip vào ngón tay tại một cửa hàng chuyên xỏ khoen chứ không phải ở bệnh viện hay phòng khám.

Với câu hỏi thứ hai, Noe cho rằng phán xét những “hacker sinh học” thuộc về phạm trù đạo đức và không có lằn ranh cố định giữa chấp nhận và không chấp nhận. “Hôm nay chúng ta có thể đồng ý thế này và rồi mai sẽ lại bất đồng - ông nói với NPR - Giống như chúng ta từng đồng ý rằng hút thuốc là chấp nhận được vì giúp ta làm việc hiệu quả hơn, và rồi cũng chính chúng ta cho rằng làm thế không ổn tí nào”.

Asprey, người sống với các điện cực gắn trên đầu, đã nhận nhiều chỉ trích cho các thí nghiệm của ông, trong đó có lo ngại nhiều người sẽ bị ông lôi kéo vào con đường biến đổi cơ thể bằng máy móc. Asprey đáp lại rằng những gì ông làm chỉ là các nguyên tắc cơ bản để người khác có thể tham khảo tìm ra giải pháp phù hợp với họ, và “tôi luôn cảnh báo “làm vậy sẽ đau đấy” mỗi khi nói đến các thí nghiệm nguy hiểm mà mình đang làm”.

Asprey khẳng định sẽ kiên trì với mục tiêu tăng tuổi thọ lên 180 tuổi và không bao giờ nhờ đến bác sĩ. Ngoài gây tranh cãi về mặt đạo đức, những người thay đổi cơ thể bằng công nghệ cũng bị xem như lập dị.

Harbisson luôn bị nhìn chằm chằm mỗi khi ra đường vì chiếc camera treo lủng lẳng trước mặt, và không dưới một lần người ta cố giật nó ra khỏi đầu anh. Song Harbisson không lấy đó làm phiền: “Tôi quan tâm đến việc có thể cảm nhận được màu sắc xung quanh hơn là người ta khó chịu thế nào về mình. Đến khi công nghệ tiến triển hơn, có thể người ta sẽ lại coi tôi như người bình thường”.■

 

Biohacking không phải là lãnh địa riêng của các cá nhân khi các công ty lớn đã bắt đầu vào cuộc. Hồi tháng 5, Google tuyên bố đã đăng ký bằng sáng chế cho công nghệ thay thế thủy tinh thể trong mắt người bằng một thiết bị điện tử. Người muốn mang “con mắt điện tử” sẽ phải phẫu thuật để gỡ bỏ thủy tinh thể và lắp thiết bị có khả năng thay bất kỳ loại kính nào, từ kính cận, áp tròng đến cả viễn vọng và hiển vi vào thế chỗ. Thậm chí nó có thể chụp ảnh và kết nối với các thiết bị khác qua WiFi. Bên trong thiết bị có gắn ăngten để sạc qua giao tiếp không dây, cũng như thiết lập lại các thông số mà không cần phải phẫu thuật lại. Google cho biết con mắt robot sẽ giúp người bị cận, viễn và loạn thị, nhưng không nói khi nào họ sẽ biến dự án còn ở dạng concept (ý tưởng) này thành hiện thực.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận