Vì sao nhiều loài động vật chết hàng loạt?

HẢI MINH 29/04/2016 21:04 GMT+7

TTCT - Hàng triệu con cá chết bị sóng đánh dạt vào bờ biển Singapore tháng 3-2015 hay ở nam California tháng 3-2011. Hàng nghìn con chim rơi xuống từ trên bầu trời ở Arkansas, Mỹ. Những tổ ong bị tận diệt và ong chết hàng loạt ở Florida tháng 5-2014... Việc các sinh vật sống trong tự nhiên chết ở quy mô lớn xảy ra thường xuyên một cách đáng báo động.

Một vụ cá chết hàng loạt ở hồ Cajititlan (Mexico) tháng 9-2014 -thehigherlearning.com
Một vụ cá chết hàng loạt ở hồ Cajititlan (Mexico) tháng 9-2014 -thehigherlearning.com

Mỗi năm xảy ra một vụ

Các nhà khoa học phải tìm hiểu nguyên nhân trong từng trường hợp và rất nhiều khi họ không thể nhất trí với nhau. Tuy nhiên, có một điều đã được thừa nhận khá chắc chắn là con người đang góp phần lớn nhất trong những thảm họa trên.

Những thảm kịch liên tiếp với các loài vật như thế là lý do khiến một nhóm các nhà nghiên cứu ở ba trường đại học hàng đầu Mỹ là Đại học San Diego, Đại học bang California ở Berkeley và Đại học Yale bắt tay vào nghiên cứu tất cả những vụ việc tương tự từ giữa thế kỷ 20 với hi vọng tìm ra thêm câu trả lời.

Họ đã đào xới 727 tài liệu “các sự kiện chết hàng loạt” (mass mortality events, hay MME) của 2.407 sự kiện liên quan tới các loài có vú, chim, cá, bò sát, lưỡng cư và động vật không xương sống.

Những phân tích của họ, được công bố trên tạp chí chuyên ngành Proceedings of the National Academy of Sciences tháng 1-2015, cho thấy những sự cố như thế không chỉ xảy ra thường xuyên hơn mà với quy mô ngày càng lớn hơn, khi số lượng những loài chim, cá và động vật không xương sống ở biển chết ngày càng lớn. 35 sự cố như thế tiêu diệt hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn một loài sống ở một vùng cụ thể.

Trong bộ dữ liệu hơn 70 năm (1940-2012) của họ, khi các nhà nghiên cứu ngừng thu thập dữ liệu, mỗi năm lại có thêm một vụ MME nữa.

“Từ một sự cố mỗi năm cho tới giờ là gần 70 năm là mức tăng đáng sợ, nhất là bởi quy mô của các vụ MME với một số loài cũng đã tăng thêm” - Adam Siepielski, trợ lý giáo sư về sinh học và đồng tác giả nghiên cứu ở Đại học San Diego, nói với kênh truyền hình CBS. Những đợt bùng phát tảo độc hại, như ở hồ Erie nằm tại biên giới Mỹ - Canada tháng 8-2014, cũng là một yếu tố quan trọng.

“Những vụ chết hàng loạt có cả nguyên nhân tự nhiên và do con người gây ra” - đồng tác giả nghiên cứu Samuel Fey, một chuyên gia ở Đại học Yale về các điều kiện khí hậu khắc nghiệt ảnh hưởng lên các giống loài, nói thêm.

Các nhà nghiên cứu đã hết sức thận trọng trong việc đếm những vụ MME và ý thức đầy đủ về sức mạnh của truyền thông mới. “Xác định liệu sự gia tăng các vụ MME là thực hay đơn giản là kết quả của việc nhận thức về chúng ngày càng gia tăng là một thách thức lớn với chúng tôi - nghiên cứu viết - Nhưng chính điều đó cũng chỉ ra việc nghiên cứu và đo đạc các vụ MME còn cần cải thiện nhiều ra sao”.

“Đây là nỗ lực đầu tiên để định lượng những hình mẫu kiểu này theo sự thường xuyên, mức độ và cố gắng tìm hiểu nguyên nhân” - tiến sĩ Stephanie Carlson, ở khoa khoa học, chính sách và quản trị môi trường Đại học bang California, nói.

Tiến sĩ Carlson, một chuyên gia về hệ sinh thái của các loài cá, cho biết bà và các sinh viên ở trường đã quan sát nhiều vụ MME như thế ở các sông ngòi và bờ biển California với loài cá. “Trong các nghiên cứu của chúng tôi - tiến sĩ Carlson nói - nhiều loài cá bị chết hàng loạt trong mùa hè khô hạn khiến sông ngòi khô cạn và nhiệt độ lên quá cao. Phần lớn các nghiên cứu của chúng tôi là với cá, khi mức oxy trong nước giảm tới độ nhất định, ảnh hưởng chết hàng loạt có thể xảy ra”.

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh ngoài việc theo dõi những thay đổi của môi trường như nhiệt độ và lượng mưa, các nhà khoa học cũng phải tập trung hơn vào việc nghiên cứu những phản ứng của hệ sinh thái tự nhiên với sự thay đổi môi trường ở khu vực và trên toàn cầu.

Họ cũng hi vọng sẽ cải thiện được việc ghi nhận các sự kiện như thế trong tương lai, bao gồm cả việc sử dụng “khoa học công dân” để ghi nhận dữ liệu trong thời gian thực. “Dữ liệu cho thấy chúng ta còn phải cải thiện rất nhiều việc thu thập thông tin về những sự kiện hiếm có này” - tiến sĩ Fey nói.

Tác động lớn đến hệ sinh thái

Trong một bài bình luận về nghiên cứu, tạp chí khoa học thường thức Mỹ National Geographic bình luận rằng những vụ MME có thể tác hại nghiêm trọng, bao gồm việc thay đổi hoàn toàn mạng lưới thức ăn của các loài trong khu vực.

Một ví dụ là 99% loài cầu gai Diadema antillarum đã biến mất ở vùng biển Caribê năm 1983 bởi một loại bệnh dịch, kéo theo đó là sự lan rộng của một loài tảo độc hại vốn là thức ăn của cầu gai và rồi nhiều rặng san hô lớn trong vùng bị hủy diệt. Không chỉ thế, những vụ MME còn có thể đe dọa các hoạt động của con người như làm nông nghiệp, đánh bắt thủy sản...

“Những sự cố như thế có thể định hình lại hướng đi của hệ sinh thái và tiến hóa trên Trái đất” - nghiên cứu viết.

Trong khi nghiên cứu nói trên bắt đầu từ năm 1940, những vụ MME thật ra đã có từ rất lâu. Một khu vực các hóa thạch ở Chile cho thấy một vụ MME của các loài có vú sống dưới biển, nhiều khả năng vì tảo độc hại, xảy ra cách đây ít nhất 9 triệu năm.

Aristotle, trong cuốn Historia animalium của ông viết vào thế kỷ 4 trước Công nguyên, cũng đã ghi nhận những vụ cá heo chết hàng loạt. Hay năm 1542, trong tài liệu về cuộc thám hiểm của nhà hàng hải Tây Ban Nha Álvar Núñez Cabeza de Vaca, ông đã đề cập những vụ cá chết hàng loạt ở vùng nay là Tampa Bay, Florida.

Trên Internet, sẽ không khó tìm những sự diễn dịch rằng các vụ MME là báo hiệu trước cho ngày tận thế. Trong khi các nhà khoa học bác bỏ điều đó, nỗi sợ hãi không phải là hoàn toàn vô căn cứ. Chẳng hạn, trận dịch hạch lớn đầu tiên ở Ai Cập đã bắt đầu với việc cá chết hàng loạt trên sông Nile, một dấu hiệu cho thấy dòng nước đã bị nhiễm độc, và nó cũng là nguồn nước sinh hoạt chính của người dân Ai Cập cổ đại.

Hay mới đây hơn, các vụ cá và sinh vật biển chết hàng loạt diễn ra năm 2011 ở bờ biển Bắc Mỹ đã được liên hệ với thảm họa hạt nhân ở Fukushima, Nhật Bản vào tháng 3-2011.

Kent Redford, một chuyên gia tư vấn về bảo tồn và cựu giám đốc Viện Bảo tồn thiên nhiên hoang dã Mỹ, không tham gia vào nghiên cứu, cũng nhất trí với các nhà khoa học.

“Các sự cố như thế thường hiếm xảy ra và rất sốc, nên chúng thu hút sự chú ý và trí tưởng tượng của con người - Redford nói với CBS - Nghiên cứu này đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chúng ta phải ghi nhận chính xác những vụ MME.

Hiểu biết về những nhân tố tạo thành một cộng đồng sinh vật đòi hỏi kiến thức về việc chúng chết như thế nào và tại sao, và quan trọng hơn nữa, hành vi của con người tác động như thế nào lên những vụ MME “phi tự nhiên” đó, cũng như điều kiện tiên quyết để ngăn chặn các vụ việc như thế xảy ra”.

Trong khi các vụ sinh vật chết hàng loạt sẽ nhận được rất nhiều sự chú ý từ truyền thông, như vụ 1/3 dân số ong ở Mỹ chết, hay 6 triệu con dơi chết vì một chứng bệnh do nấm gây ra từ năm 2007, chúng không phản ánh được bối cảnh chung.

“Chúng ta không nên để những sự cố hiếm khi xảy ra, gây sốc làm sao nhãng sự tập trung vào việc con người đang ngày một làm xói mòn, lấn chiếm và xâm phạm các cộng đồng loài vật, từng chút một, trên toàn thế giới - Redford nói - Trong dài hạn, những hoạt động ít được chú ý này chắc chắn phải dừng lại để ngăn những vụ MME”.■

cá chết trên vịnh Marina Del Ray (Mỹ)

Những thảm họa công nghiệp và nông nghiệp

Tháng 3-2015, Singapore cũng đã chứng kiến tình trạng cá chết hàng loạt dạt vào bờ biển nước này. Nhà chức trách đã ghi nhận tới “hàng trăm tấn cá”, cả được nuôi bè và hoang dã, chết ở bờ phía đông của hòn đảo.

Giải thích chính thức từ nhà chức trách là do một đợt bùng phát các loài sinh vật phù du (plankton) làm cá mắc một chức bệnh viêm mang lây lan và chết hàng loạt. Còn sự bùng phát sinh vật phù du có thể là do những thay đổi về nhiệt độ, lượng dinh dưỡng trong nước biển, và việc tuần hoàn nước không tốt.

Đáng chú ý, đây không phải là vụ cá chết hàng loạt duy nhất ở Singapore trong 5 năm qua. “Sinh vật phù du bùng phát nhanh vì lượng dinh dưỡng trong nước biển quá cao. Và những cái này tới từ đâu? Từ việc bồi đắp lấn biển ở Malaysia” - ngư dân Frank Tan nói với BBC.

Tuy nhiên, Singapore cũng đã lấn biển ở phần phía bắc hòn đảo và ngăn các cửa sông ở vùng đồng bắc để làm hồ chứa. Chính quyền cũng bơm hàng triệu đôla vào ngành công nghiệp nuôi cá bè để tăng cường an ninh lương thực.

Singapore tới năm 2015 có 117 “trang trại cá” ở một vùng biển rộng 102ha, gấp đôi so với một thập kỷ trước, và những tác động với môi trường của chúng chưa được đánh giá đầy đủ. Tiến sĩ Lim Po Teen, một chuyên gia về hải dương học ở Đại học Malaya, nói biến đổi khí hậu cũng đã góp phần, “nhưng ở quy mô địa phương, số bè cá đã tăng chóng mặt trong vài năm qua” - ông nói, điều trực tiếp làm tăng các dưỡng chất trong nước biển bởi thức ăn và chất thải từ việc nuôi cá.

Tình trạng cá chết hàng loạt cũng đã xảy ra ở sông Pasion, Guatemala hồi năm ngoái. Với người dân sống trong vùng, thủ phạm vụ này là rất rõ ràng: công ty dầu cọ Reforestadora de Palma del Peten (REPSA), một thành viên của Tập đoàn Olmeca đầy quyền lực.

Thảm họa môi trường này, được các nhà khoa học sở tại gọi là “một vụ tận diệt sinh thái”, bắt đầu khi mưa lớn gây tràn hồ chứa nước thải của nhà máy, khiến nước đổ ra sông. Công ty REPSA tìm cách giấu nhẹm bằng cách cho người đi vớt cá chết nổi lên trên hồ, nhưng rồi cách đó cũng không hiệu quả nữa do cá chết quá nhiều.

Cộng đồng địa phương dọc theo sông yêu cầu công ty ngừng hoạt động và mở điều tra, cũng như đền bù cho người dân. Nhưng REPSA bác bỏ mọi trách nhiệm. Công ty ra một tuyên bố nói chưa hề có tình trạng cá chết hàng loạt và không chịu trách nhiệm cho tình trạng ô nhiễm, bất chấp các bằng chứng khoa học.

Không phải ngẫu nhiên mà REPSA dám làm thế. Nhà chức trách Guatemala, cả ở địa phương và trung ương, đã hoàn toàn im lặng bởi tầm quan trọng quá lớn của ngành sản xuất dầu cọ với nước này, và vụ việc cho tới nay vẫn bế tắc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận