Việt Nam nên ưu tiên cho khoa học nào?

NGUYỄN VĂN TUẤN 15/09/2015 02:09 GMT+7

TTCT- Đối với các nước kỹ nghệ phương Tây, nghiên cứu cơ bản và những tri thức sản sinh từ nghiên cứu cơ bản là động lực phát triển kinh tế. Nhưng đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, nghiên cứu cơ bản có thể xem là một xa xỉ.

Gặp gỡ Việt Nam là một chương tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ, sinh viên Việt Nam gặp gỡ các nhà khoa học nổi tiếng thế giới, động lực lớn thúc đẩy tình yêu khoa học. 

Bất cứ học thuyết xã hội nào cũng nhất trí một điều: nếu một quốc gia muốn trở thành một “diễn viên” đáng chú ý trên trường quốc tế thì nghiên cứu khoa học và phát triển (R&D) đóng một vai trò then chốt. Bắt chước người khác, bán sản phẩm và công nghệ của người khác, hoặc gia công cho người khác có thể đem lại vài hiệu quả ngắn hạn, nhưng không thể là nền móng cho phát triển lâu dài.

Người ta phân biệt người bắt chước với người sáng tạo qua khả năng phát triển công nghệ và các sản phẩm tri thức. Sản phẩm tri thức và sáng tạo được hình thành từ những nghiên cứu khoa học. Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc không thể phát triển như ngày nay nếu không có chiến lược đầu tư lâu dài cho nghiên cứu khoa học.

Trong sự phát triển ở các nước vừa kể trên, có đóng góp quan trọng từ kiều bào của họ. Một thống kê gần đây cho thấy 72% giám đốc các lab nghiên cứu trọng điểm cấp quốc gia Trung Quốc là do các chuyên gia Hoa kiều hồi hương đảm trách. Ở Hàn Quốc, tính đến năm 2010, gần 40% số giáo sư và nhà khoa học trong các đại học là Hàn kiều hồi hương hoặc từng du học.

Nếu kinh nghiệm từ Hàn Quốc và Đài Loan là một bài học, chúng ta có thể suy đoán rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng phát triển như họ, với sự hợp tác của giới khoa học người Việt tại nước ngoài.

Ở thời điểm này, có thể nói nhà nước và người Việt ở nước ngoài đã gặp nhau tại một giao điểm: ước nguyện làm cho Việt Nam phát triển nhanh chóng và ổn định. Nhưng vấn đề còn lại là làm sao biến chính sách và ước nguyện thành hiện thực, tạo điều kiện cho người Việt ở nước ngoài tham gia vào công cuộc kỹ nghệ hóa đất nước.

Chính sách và những lời hứa là chưa đủ, cần phải có một cơ chế thông thoáng và cụ thể, một sự đổi mới về tư duy để làm nền tảng cho những bước đi cụ thể kế tiếp.

Trở lại vấn đề dành ưu tiên cho hình dạng khoa học nào, tôi cho rằng Việt Nam chưa ở một trình độ khoa học lý tưởng để dành ưu tiên cho nghiên cứu cơ bản. Nước ta đang đối đầu với nhiều vấn đề thực tế và bức xúc (mà các nước đang phát triển khác đang trải qua) như ô nhiễm môi trường, sức khỏe người dân, các vấn đề xã hội.

Cũng như nhu cầu xây dựng và phát triển kinh tế, đó là những vấn đề đặt ra nhiều câu hỏi cho nghiên cứu ứng dụng. Trong tình hình hiện nay ở nước ta, thật khó lý giải dành ưu tiên cho các công trình (chỉ là ví dụ) nghiên cứu bộ phận sinh dục của con vịt (chuyện gây tranh luận ở Mỹ ba năm trước đây), hay theo đuổi một protein mà khả năng ứng dụng trong vòng 30 năm chưa rõ ràng.

Tôi tin rằng ở các nước đang phát triển, nên ưu tiên cho nghiên cứu ứng dụng và khi năng lực nghiên cứu đã ổn định, sẽ tập trung vào nghiên cứu cơ bản.

Nghiên cứu cơ bản, một cách chung, là nền tảng của nghiên cứu ứng dụng. Để bào chế thuốc dùng cho điều trị bệnh, nhà khoa học cần phải biết rõ cơ chế hoạt động của các thành phần hóa học trong thuốc, và nắm chắc bệnh lý. Để có những kiến thức về cơ chế và bệnh lý, cần phải có nghiên cứu cơ bản và chuyên sâu.

Trong thực tế, có những lĩnh vực nghiên cứu nằm giữa lằn ranh của hai loại khoa học, và rất khó phân nhóm khoa học cơ bản hay ứng dụng. Ngày nay, ở các nước phương Tây, người ta hay nói đến translational research (có thể tạm dịch là nghiên cứu tịnh tiến), một dạng nghiên cứu chuyển giao tri thức từ nghiên cứu cơ bản sang ứng dụng trong thực tế. Rất nhiều nước tiên tiến và đang phát triển khuyến khích theo đuổi các dự án nghiên cứu tịnh tiến.

Nhưng cũng phải ghi nhận một thực tế là có rất nhiều (con số có thể lên đến 95% hay cao hơn) nghiên cứu cơ bản hoặc sai, hoặc không bao giờ được chuyển giao thành nghiên cứu ứng dụng hay thành sản phẩm ứng dụng.

Một thống kê gần đây cho thấy chỉ có khoảng 5% các phát hiện từ nghiên cứu cơ bản công bố trên các tập san danh tiếng như Science, Nature, Cell... được chuyển giao thành ứng dụng thực tế lâm sàng; phần còn lại 95% hoặc là sai, hoặc không thể lặp lại, hoặc thất bại. Do đó, các nước đang phát triển thường ưu tiên đầu tư vào nghiên cứu ứng dụng hơn là nghiên cứu cơ bản.

Tôi cho rằng việc ưu tiên cho dạng nghiên cứu cơ bản hay ứng dụng tùy thuộc vào trình độ khoa học - công nghệ hiện hành và định hướng tương lai. Đối với các nước đã xây dựng được cơ sở vật chất khoa học tốt, họ có thể ưu tiên cho khoa học cơ bản để duy trì tính tiên phong. Đó là chính sách chung ở các nước kỹ nghệ bên Âu - Mỹ và mới nổi như Hàn Quốc và Singapore.

Ngay cả các nước trong khu vực như Thái Lan và Malaysia, họ khởi đầu với chiến lược ưu tiên cho khoa học ứng dụng và khi năng lực khoa học đã được định hình như hiện nay, họ đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu cơ bản. Xu hướng này thể hiện rất rõ qua những thống kê về công bố quốc tế của Thái Lan và Malaysia trong 40 năm qua.

Tôi đã xem qua những con số này và thấy 30 năm trước, tỉ lệ bài báo khoa học ứng dụng của Thái Lan và Malaysia là gần 90%. Nhưng trong năm năm gần đây con số này giảm xuống còn 65%, phần còn lại là nghiên cứu cơ bản.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận