Canh cánh sợ con!

TRÂN CHÂU 31/07/2016 03:07 GMT+7

TTCT - Bạn tâm sự, chúng trái khoáy vô cùng, ương bướng kỳ quặc, họ phải vừa canh chừng, vừa dỗ dành, vừa nín nhịn chịu đựng vì chỉ cần sơ sểnh chút là chúng sa ngã vào bao chiêu trò đầy rẫy ngoài xã hội.

Minh họa: Bảo Tâm
Minh họa: Bảo Tâm

Vấp ngã tuổi vị thành niên thường dễ dẫn đến tan nát quãng đời còn lại. 

Gia đình tôi có năm anh em, bố mẹ tôi chạy chợ lặt vặt, vất vả đủ điều để nuôi đàn con mọn. Thuở thơ ấu, chúng tôi hay ví von bố mẹ như mặt trăng vì ông bà ra khỏi nhà từ tinh mơ đến tối mịt mới về, nên anh em chúng tôi đã được phân công việc nhà từ khi mới 4-5 tuổi, được phát tiền hằng ngày tự dắt díu nhau đi ăn sáng hay dành dụm mua đồ chơi, sách vở, tự đến trường và tự soạn bài, tự chọn quần áo, tự đăng ký tham gia sinh hoạt ngoại khóa...

Một kiểu sống ích kỷ

Buổi tối, gia đình quây quần bên mâm cơm là lúc các thành viên luân phiên kể chuyện và bố mẹ tranh thủ tâm tình dạy bảo. Nói theo sách vở bây giờ, nhà tôi thuộc gia đình kiểu mẫu trong cách dạy con: không úm con quá kỹ, không thả con quá lỏng, để con cái tham gia công việc “tùy theo sức của mình”, trẻ nhỏ cũng được tự quyết theo lứa tuổi...

Thời bình yên lặng trôi, năm 13 tuổi, anh cả tôi bỏ nhà đi bụi do sợ bị phạt sau khi đánh cắp chiếc đồng hồ của cậu để hùn tiền đi chơi với bạn. Cha mẹ bỏ buôn bán tất tả đi tìm, thấy anh co rúm ăn năn và đói rách sau mấy ngày thất thểu nên không nỡ đánh đòn. Nhưng từ đó như vết chàm, anh hay “chà đồ nhôm” để có tiền chứng tỏ mình là “anh hai Sài Gòn”!

Mẹ tôi sợ bố trừng phạt anh nên lại thậm thụt che giấu, anh hứa hẹn với mẹ đủ điều rồi vẫn cứ tái phạm. Mỗi lần mẹ dọa mách bố là anh lại yêu sách “bỏ nhà đi bụi”.

Khóc hết nước mắt, mẹ mong chờ từ từ anh đổi thay trong vô vọng. Anh kế đằm tính hơn, mãi đến năm 18 tuổi mới bỏ nhà đi bụi do tan vỡ tình đầu tuổi học sinh. Tự đi rồi tự về, xin lỗi cha mẹ và tuyệt nhiên không tái phạm nữa. Anh trai nhỏ cũng lang thang giang hồ dăm ngày mùa hè năm 17 tuổi với lý do lãng xẹt: ở nhà gò bó, ra ngoài xem đất trời thênh thang thế nào!

Và cũng chỉ một lần duy nhất, xem như chút dại dột của lứa tuổi... ẩm ương. Riêng cô em út thì cao cơ hơn hẳn. Em út ra đời muộn khi chúng tôi đều khá lớn. Em xinh xắn, dễ thương, cả nhà đều cưng. Em giống mẹ nhiều, lại hợp tuổi mẹ nên mẹ chiều chuộng hết sức.

Ý thức được việc này, mức ỷ lại và vòi vĩnh mẹ của em tăng dần theo độ tuổi. Năm 16, em bắt đầu dùng chiêu bài như anh cả khi xưa: không đòi hỏi được gì là bỏ nhà đi bụi, thậm chí có khi đi rông chỉ vì hứng chí, thích lang thang.

Cả nhà xúm vào khuyên nhủ, em không thèm nhìn lại. Gia đình mặc kệ thì em nâng cấp độ yêu sách lên thành tự tử. Em đã hai lần rẻ rúng thân mình như thế. Cả nhà ngao ngán song chẳng lẽ buông xuôi? Lại cứu chữa, lại thở dài...

Đến bây giờ, anh cả đã trở thành ông nội nhưng hứng chí vẫn tung hoành ngao du với bạn bè, mặc kệ vợ con ở nhà phát chán. Và em gái út tuy đã đòi được bố mẹ cho căn nhà mặt tiền ra ở riêng, không còn đi bụi hay đòi tự tử nữa nhưng vẫn chưa một lần nghĩ lại cho bố mẹ, người thân.

Đến tận hôm nay, mẹ tôi đau khổ chỉ biết bám víu kinh kệ: xem như trả nợ kiếp trước cho con đầu và con cuối. Riêng tôi tự hỏi, anh và em mình có bị áp lực gì đâu, có trầm cảm chút nào đâu vẫn sẵn sàng đi bụi, vẫn sẵn sàng tự tử đó thôi.

Họ sống vô cùng ích kỷ với phương châm: sống phải được hưởng thụ thỏa thích, nếu không được như ý lập tức yêu sách, tìm niềm vui khác, thậm chí đòi kết liễu đời mình cho xong.

Chuyện của bạn

Bạn bè tôi lập gia đình sớm, mỗi người một cách nuôi dạy con nhưng hầu hết đều canh cánh sợ con khi chúng bắt đầu vào lứa tuổi vặn mình để lớn.

Bạn tâm sự, chúng trái khoáy vô cùng, ương bướng kỳ quặc, họ phải vừa canh chừng, vừa dỗ dành, vừa nín nhịn chịu đựng vì chỉ cần sơ sểnh chút là chúng sa ngã vào bao chiêu trò đầy rẫy ngoài xã hội. Vấp ngã tuổi vị thành niên thường dễ dẫn đến tan nát quãng đời còn lại.

Đôi khi cha mẹ thảng thốt không tin nổi, mới hôm qua lún cún đáng yêu quá chừng, hôm nay chúng trở nên ai kia quái lạ. Nuôi con đến tuổi ẩm ương như một cuộc chiến: chiến đấu với bao thói tật trong con và ngoài con để giành lại đứa con máu thịt của mình.

Bà chị họ từng khóc với tôi: có hôm phát điên vì thái độ xấc xược bất cần của con. Chị kể mình chỉ nhỏ nhẹ: “Mẹ thấy con để tóc dài trông dịu dàng hơn” sau khi con bé 15 tuổi đi cắt mái tóc chấm eo lên ngang lưng.

Hầm hầm bỏ vào phòng, hôm sau tan học nó đem về một cái đầu tóc tém với mái xệ che trọn một con mắt. Chị uất nghẹn, không dám nói nữa, sợ nó cương lên sẽ dẫn đến điều dại dột.

Đúng rồi, chúng có cần gì đâu, bởi lâu nay chúng muốn là được. Tóm lại, sau các cuộc hàn huyên, các mẹ lại lầm lũi ra về với tâm niệm: đành đợi chúng lớn rồi chúng hiểu, vật vã mỗi ngày bên con, đau đáu một ngày mong con trưởng thành, xa ngái mệt mỏi...

Những phụ nữ lập gia đình muộn, con còn nhỏ như tôi được động viên rằng còn thời gian đủ dài để học hỏi, song thật sự chúng tôi vẫn hoang mang “biết ra sao ngày sau”, bởi nuôi dạy để con được là con và mình không mất con trong tâm tưởng ở thời buổi này lẽ ra là chuyện bình thường đã hóa thành chuyện phi thường rồi sao?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận