Để nhiệt tình không biến thành phá hoại 

TÔN NỮ TƯỜNG VY 01/12/2015 17:12 GMT+7

LTS: Trong số báo trước, TTCT đã giới thiệu bài viết “Những câu hỏi 36 giờ sau khủng bố”, trong đó “tự giáo dục mình” là điều không ít bạn trẻ sử dụng Facebook nhắn nhau những ngày này, khi thông tin về vụ tấn công khủng bố nước Pháp ngập tràn khiến không ít cư dân mạng lạc lối trong việc tiếp nhận, chuyển tải thông tin lẫn trong cách ứng xử trên mạng. TTCT giới thiệu bài viết của một bạn trẻ khác tiếp nối câu chuyện này.

Biếm họa của nadiamuhanna  -wordpress.com
Biếm họa của nadiamuhanna -wordpress.com

Tôi chỉ mơ ước bạn đọc bài này suy nghĩ kỹ về lý do dẫn đến sự tủn mủn trong tư duy cá nhân lẫn tư duy đám đông và những gì chúng ta có thể làm trong tầm tay.

Internet, im lặng nhưng đáng sợ

Ta vốn được giáo dục một chiều với xu hướng quy giản hóa hoặc “đối cực” hóa mọi sự mà ta đã quen thuộc từ tấm bé. Xấu - tốt, thiên thần - ác quỷ, đực - cái, trắng - đen...

Cứ không phải tốt thì là xấu, cứ không giống ta thì là địch, cứ không phải nam thì là nữ, không phải ứng dụng thì hẳn là lý thuyết. Dần dà không những suy nghĩ bị bó hẹp, ý thức tìm kiếm những khả năng khác có thể xảy ra bị thui chột đi thì còn một điều nguy hiểm hơn: não trạng và tâm lý bài trừ cái-khác-ta!

Não trạng này, tâm lý này càng trở nên mạnh mẽ khi ta được trao một cây gậy quyền lực là truyền thông xã hội, nơi mà ai cũng có thể trở thành nhà báo hay thông tấn viên biết tuốt. Khi những ý kiến ngây thơ và thẳng thắn của chúng ta ngay từ khi còn là trẻ con đã bị chặn lại (“Con nít biết gì mà nói”), khi những bức xúc lúc thành người lớn không được phép nói ra vì sợ mất lòng hết người này tới người khác, đến khi có một kênh để nói thì ta sẽ thế nào?

Nói rất nhiều. Nói nhiều nhưng không biết nói sao cho đúng, cho thuyết phục, cho đàng hoàng tử tế. Cách dễ nhất là làm “thánh phán” hoặc chia sẻ những ý kiến hao hao giống mình một cách vô tội vạ rồi ngồi đếm “like”, sung sướng rằng mình là người biết phản biện so với cái đám cừu kia.

Thêm một yếu tố nữa là ta thường chuộng sự yên ổn và thống nhất hơn là đa dạng, xung đột, thay đổi, nên kiến thức và sự nhạy cảm về những nhóm người-khác-ta rất hạn chế, nói chi đến giải quyết vấn đề nảy sinh.

Nhiều người chỉ toàn quen biết người Kinh nên coi người dân tộc thiểu số là kém văn minh (thậm chí còn không biết khái niệm văn minh trong đầu mình là gì), ta cũng quen thấy người Việt với tôn giáo “không” hoặc “Phật” nên đâu có nhìn thấy mái vòm thánh đường cong cong của Muslim Việt Nam nằm ở gần chợ Đồng Xuân, chợ Bến Thành, hoặc chê bai những người du lịch đây đó để tìm hiểu thế giới xung quanh là bọn rỗi hơi...

Thế nên ta cứ vô tư, giỡn cợt lập ra Facebook thành viên ISIL để hùa vào đó chấp ISIL tới Việt Nam với những lời lẽ thô tục. Có lẽ với họ, mạng là ảo nên nói sao cũng được.

Thế nhưng cuộc sống được phản ánh trên cái mạng ảo đó lại là thật. Và con người với sự tổn thương vì bị kỳ thị, đùa bỡn hay chỉ trích trên đó là thật. Chưa kể những nguy cơ từ mạng xã hội cho bản thân và xã hội cũng đều là thật. 

Thế giới ảo nguy hiểm vì người ta nghĩ nó ảo: một tài khoản giả mạo, một dòng bình luận khiêu khích hiếu thắng, một cuộc tấn công mạng phá bĩnh “chơi chơi” qua bàn phím học làm anh hùng...

Đừng tưởng ngó quanh không thấy ai có nghĩa là mình mình một cõi. Internet không ảo, chỉ có chúng ta là kẻ mù dở mà thôi” (Nguyễn Phương Mai).

Những người giả mạo thành viên ISIL trên Facebook và tấn công mạng có thể chỉ nông nổi bốc đồng, nhưng có thể họ sẽ phải nhận những gì đáng nhận.

Tôi nhớ một câu chuyện trong Black Jack (Osamu Tezuka), một cậu bé cứ khăng khăng mình đã đủ năng lực để chinh phục biển cả. Chỉ đến khi cậu bị kẹt chân vào một con trai to và suýt chết đuối khi thủy triều lên thì cậu mới bắt đầu trưởng thành.

Một ngư dân mà chưa biết sợ biển cả thì chưa phải là ngư dân”. Internet im lặng hơn biển cả nhiều nhưng đáng sợ không kém.

Social netwalls. Biếm họa của Rodrigo trên Expresso
Social netwalls. Biếm họa của Rodrigo trên Expresso

Lùi lại mà ngắm nhìn mọi thứ

Không ai ngăn được anh hùng bàn phím, không ai có thể bắt người khác phải im đi, cũng không cần phải bảo thiên hạ án binh bất động vài hôm mà không có phản ứng sớm nào trước những hiện tượng xã hội. Theo tôi, chuyện gì xảy ra thì cứ để xảy ra, dù tốt dù xấu, dù bình tĩnh hay hỗn loạn. Cuộc sống là sách vở, là thầy.

Vấn đề mấu chốt là chính ta, đứa học trò, sẽ xử lý ra sao trong việc tiếp nhận thông tin, suy nghĩ và phát biểu. Là những người có học và có tự trọng, chúng ta có trách nhiệm tự giáo dục mình về những vấn đề của xã hội và thế giới.

Nó giúp chúng ta phải cẩn trọng hơn trong gạn lọc thông tin và phát biểu độc lập, nhạy cảm, có ý thức hơn một cách có hệ thống, thuyết phục và chân thành. Những kỹ năng này sẽ giúp ta sống tốt trong thời đại toàn cầu hóa với nhiều thay đổi và sự khác biệt. Nhưng chúng không thể tự nhiên “từ trên trời rớt xuống” cho ta hưởng nếu ta không tự đào luyện.

Trước tiên và cũng rất thông thường là “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” (hoặc“xoay cổ tay bảy lần trước khi gõ bàn phím”). Bởi lúc đọc được một bài, video, hình ảnh hay sự kiện (hay/xấu) khủng khiếp nào đó trên mạng, bao nhiêu máu nóng dồn hết cả lên não, hừng hực chiến đấu xả thân chữ nghĩa cứu nguy cho nhân loại, thời giờ đâu mà kiểm chứng với chả đọc thêm đọc bớt.

Tránh được “cơn nóng đầu” này thì tốt nhưng khó. Bản thân tôi cũng từng có lúc “lên đồng” như thế nên hiểu con người không phải lý trí được mọi lúc. Vả lại, những phản ứng nhanh chóng tức thời của cư dân mạng có khi lại rất ý nghĩa về mặt tinh thần cho những người đang chịu nạn.

Ở mức xa hơn, những phản ứng nhanh đó sẽ khiến báo chí, chính phủ và các tổ chức xã hội có phương án giải quyết kịp thời hơn. Nhưng, đừng để nhiệt tình của mình biến thành phá hoại.

Không vội vàng, hãy dành thời gian đọc thêm ở nhiều nguồn tin từ nhiều phía rồi đánh giá lại xem quan điểm của mình lúc mới tiếp nhận thông tin đã chính xác chưa. Xem như những tranh cãi lộn xộn và có cái tưởng chừng hết sức vô lý kia là những đề bài thú vị để ta tìm hiểu thêm.

Ngừng lại một chút, lùi lại và ngắm nhìn mọi thứ, bạn sẽ có cái nhìn thấu đáo hơn.

“Hãy xem nền văn minh phương Tây đó làm gì cho các nước nghèo nên giờ các nuớc đó mới trả đũa lại” là một luận điểm nghe có vẻ nông cạn và vô tình. Nhưng thay vì ném đá hay cười vào mặt nhau, sao ta không suy nghĩ xem có những câu hỏi gì nảy sinh từ luận điểm đó để lý giải sai hay đúng, ở chừng mực nào.

Thế là từ cái tuyên bố chung chung đó, bạn khoanh vùng lại những gì cần tìm hiểu: Pháp, Syria, ISIL. Bạn sẽ tìm được không ít bài viết cung cấp thông tin, bối cảnh lịch sử từ xưa, xem Pháp và ai khác đã “làm gì” ở Syria, ISIL ra đời và lớn lên thế nào, mục đích của nó ở châu Âu là gì và có khớp với ý “nước nghèo trả đũa” hay không, ai mới là nhân vật chính chứ “nước” thì vơ đũa cả nắm thôi rồi.

Hoặc mở rộng ra hơn trong các vấn đề nhân đạo, môi trường, quyền con người - những thứ mà châu Âu đã phải trả giá đắt trong quá khứ... thì nước giàu hay nghèo mới là kẻ tiên phong đi hỗ trợ?

Nước giàu, nước nghèo là sao? Có nguyên nhân nào khác cho sự tự do và thịnh vượng ngoài việc đi đô hộ thiên hạ không? Vô khối thứ để tìm hiểu, để giúp ta hình thành chính kiến của mình thay vì ngồi đón từng dòng newsfeed mà “báo Facebook” cung cấp để vô hình trung trở thành một phần của đám đông mù quáng.

Một điều nên làm nữa là hãy chủ động kết nối với những trí thức có tâm, có kiến thức và có ý thức trách nhiệm xã hội. Khi đó thay vì loay hoay mất phương hướng với những tranh cãi vụn vặt của đám đông trên newsfeed kia, ít ra ta cũng có kênh để tham khảo, quan sát, trao đổi, từ đó gợi mở thêm cho bản thân.

Các anh chị nhà báo, giảng viên, nghiên cứu sinh... trong mạng lưới Facebook đã khiến tôi học hỏi và suy nghĩ thêm rất nhiều. Sáng qua tôi rất vui mừng khi có một em gái ở Cần Thơ gửi tin nhắn hỏi nếu cần biết chuyện gì đang xảy ra ở các nước Trung Đông và vì sao có sự tấn công vào phương Tây thì nên đọc sách nào.

Dù tôi chẳng biết gì nhiều để giúp em, nhưng tôi vẫn rất vui và tin rằng ngoài thế giới mạng kia, vẫn luôn có nhiều hơn thế những người như em ấy, âm thầm biến sự tò mò quan tâm thành hành động cụ thể, vững chắc.

Khi chúng ta dần rèn cho mình thói quen tiếp nhận thông tin có kiểm chứng, tư duy và phát biểu ý kiến một cách kỹ lưỡng, đó là khi ta đang biết tự yêu thương bản thân mình, tôn trọng người khác và người khác sẽ tôn trọng lại mình.

Cuộc sống trên mạng là thật, nhưng tôi nghĩ đó không phải là tất cả để ta dễ dàng phán xét. Hãy chừa cho mình một khoảng trống của niềm tin vào lòng tốt và nhân cách đằng sau những câu chữ dễ gây ngộ nhận trên màn hình của những người thậm chí ta chưa từng gặp mặt. 

Hơn nữa, những tranh luận có chiều sâu và văn minh sẽ khiến ta hiểu nhau hơn, đi đến một nhận thức chung nào đó dù bằng phương tiện khác nhau. Từ đó mà dân chủ được khai sinh trong mỗi người.

Có những người chỉ viết vài câu vô thưởng vô phạt, đăng ảnh đi ăn đi xe là chính, nhưng ngoài đời họ là những người rất biết quan tâm và làm việc nghiêm túc, chu đáo. Làm sao ta biết chắc về nhau chỉ qua cái màn hình để rồi rước giận dữ, khinh bỉ hay cái gì đó tiêu cực đại loại thế để mà lên gân với nhau? Tắt máy tính rồi là đường ai nấy đi, đời ai nấy sống.

Con người quên nhanh lắm. Rồi ngày mai họ cũng sẽ lại thay ảnh đại diện, lại đăng chuyện đi học đi làm đi ăn, sẽ lại chú ý đến điều gì đó khác. Chỉ có những tổn thương, mất mát là còn ở lại.

Cuộc đời cũng qua nhanh lắm. Đừng phí hoài thời gian và tuổi trẻ cho việc bắt chước cho giống ai đó, cho những công kích nhỏ nhen chẳng đi tới đâu khiến chính tâm hồn mình cũng dần héo úa. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận