“Cha mẹ trực thăng”: Làm vệ tinh thay cho “trực thăng”

TTCT - LTS: Tham gia loạt bài “Cha mẹ trực thăng” kỳ này là ý kiến của hai bạn trẻ, được chăm sóc ở hai góc độ khác nhau, gửi về TTCT.

Minh họa: Bích Khoa
Minh họa: Bích Khoa

Chúng tôi trích đăng để giới thiệu thêm tiếng nói của những “người trong cuộc”.

“Cha mẹ trực thăng” - những kiểu cha mẹ theo sát con mình được đề cập trong loạt bài của TTCT không phổ biến trong đời sống xung quanh tôi.

Lý do rất rõ ràng: ở các đô thị lớn, cuộc sống phức tạp, tỉ lệ rủi ro nhiều hơn so với thành phố nhỏ mà tôi sống. Đa số các cha mẹ của chúng tôi dễ dàng, thoải mái cho con mình giao du kết bạn, tụ họp đi chơi, ăn uống, miễn sao có xin phép và không sa đà đến bỏ bê học hành. 

Việc kiểm soát con bằng mạng xã hội cũng rất hiếm. Tôi và bạn bè luôn thấy tự do và tự tin về khả năng xoay xở của mình. Nhưng đó là đối với trường hợp cả cha mẹ và con cái tương tác phù hợp lẫn nhau, nghĩa là không trông nom quá đà, cũng không buông lỏng hết mức. 

Tôi thấy may mắn và rất biết ơn vì cha mẹ cho tôi quyền riêng tư, tự chủ trong sắp xếp thời gian biểu, lựa chọn môn học thêm, tự đi xe đạp đến trường, í ới rủ bạn bè làm việc này việc nọ... Chính nhờ vậy mà tôi biết tự trông nom mình, tự nấu ăn, làm việc nhà, chủ động đưa ra quyết định mà không cần nhờ vả đáng kể cha mẹ.

Nhưng như thế không phải cha mẹ thả tôi mặc sức muốn làm gì thì làm. Mọi kỹ năng đều phải qua chỉ dạy và tôi luyện.

Cha mẹ tôi không rảnh rỗi để làm “trực thăng”. Họ tìm hiểu đời sống của con mình qua những câu hỏi thăm, lời khuyên, dặn dò quanh mâm cơm có mặt bốn thành viên ngày ba bữa. Trong suốt thời gian quây quần bên nhau này, những chia sẻ chân thành giữa con cái và cha mẹ được thổ lộ cho nhau nghe.

Nếu có người nghi ngờ chẳng lẽ cha mẹ tôi không lo ngại các mối nguy chập chờn ngoài xã hội thì câu trả lời là “có”. Tuy nhiên sớm muộn gì tôi cũng phải rời xa vòng tay cha mẹ để bươn chải vào đời. Vì lý do này mà bố tôi kiên quyết tập tôi cách lái xe đạp vững vàng thay vì muốn tôi an toàn 100% nên đưa đón tôi bằng xe máy.

Không phụ huynh nào dễ chịu khi con họ gặp chuyện không may, nhưng ai có khả năng ôm con khư khư như ôm một đứa bé suốt đời? Với hỗ trợ từ phương tiện liên lạc - điện thoại di động, cha mẹ có thể biết con mình ở đâu, có ổn không nhằm tránh lo lắng và suy diễn quá trớn (nhưng tuyệt đối đừng gọi với tần suất cao, dồn dập sẽ gây khó chịu cho con).

Người làm cha, làm mẹ khôn khéo không chọn làm “trực thăng” mà là “vệ tinh” bền bỉ, nắm đầy đủ vấn đề của con trong khoảng cách chừng mực đến hoàn hảo. Họ không vòng vèo trên đầu con và chỉ chực hạ cánh khi vừa nhìn thấy lớp vỏ của sự cố, mà thấu đáo từng chi tiết rồi tư vấn con đúng nơi, đúng lúc.

Sau rốt, ai đã tạo nên tinh thần thép cho giới trẻ Nhật, những người vẫn kiên cường, lạc quan sau bao thiên tai kinh hoàng? Giả sử đất nước lao đao, các bạn trẻ Việt Nam của chúng ta có đứng vững như vậy?

Với trang bị năng lực và ý chí từ nhỏ, người Việt trẻ được tin cậy làm tròn nhiệm vụ giao phó. Và sứ mệnh làm giàu non sông của thế hệ hôm nay cần sự hợp tác từ thế hệ đi trước. Cha mẹ không nâng niu, sốt sắng vì con quá đà, càng không bỏ bê, ít chú ý đến chúng.

Hãy nhớ rằng mọi hành động ở mức cực đoan đều không mang lại hiệu quả mong muốn. Điều mỗi người con cần là sự tin tưởng của cha mẹ, yếu tố làm họ vừa cảm thấy được tôn trọng quyền cá nhân, vừa ý thức trách nhiệm với chính bản thân mình và cộng đồng.

__________________

Hãy tin con!

Vừa rồi đọc được bài “Việc gì cũng hỏi mẹ thôi“ trên TTCT và tôi rất bất ngờ khi có người lại giống hoàn cảnh tôi đến vậy. Chỉ có điều bạn ấy cam chịu còn tôi thì không.

1. Tôi là học sinh cấp III một trường tại TP.HCM, con một gia đình khá giả. Ba là doanh nhân, mẹ nội trợ. Ba tôi hay đi công tác xa. Chắc vì lẽ đó mà bao nhiêu sự quan tâm, chăm sóc mẹ đều dành hết cho tôi.

Từ nhỏ, tôi đã được bảo bọc rất toàn diện. Sáng nào mẹ cũng gọi dậy, lau mặt, cho ăn, cột tóc gọn gàng và đưa đến trường. Sau đó, vào giờ ra chơi hay giờ ăn trưa, mẹ lại đến trường một lần nữa để nhắc tôi ăn uống, đưa cái bánh, hộp sữa.

Tôi lúc nào cũng sạch sẽ, thơm tho, no đủ. Thậm chí lên tiểu học mẹ vẫn đánh răng cho tôi mỗi tối và đút cơm mỗi khi thấy tôi ăn chậm. Rồi tôi lên cấp II...

Mọi chuyện đối với tôi lúc đầu rất bình thường và hiển nhiên, nhưng càng lớn thì tôi lại lờ mờ cảm thấy nó không bình thường cho lắm. Rõ ràng không ai trong lớp thậm chí trong trường cấp II của tôi, có ba mẹ ngày nào cũng đến trường vào giờ ra chơi để đưa thức ăn thêm cho con mình cả.

Lớp tôi bắt đầu xì xầm bàn tán và gọi tôi bằng những biệt danh như “cục cưng của mẹ” hay “đương kim đại tiểu thư” với giọng giễu cợt. Nhưng điều đó cũng chẳng phiền bằng việc thay vì chạy giỡn nô đùa cùng các bạn, tôi phải ngồi ăn bằng hết thức ăn mẹ đem tới, trước mặt mẹ.

Đã nhiều lần tôi nói với mẹ rằng: Mẹ đừng đến nữa, bạn con nó cười cho. Lúc đó mẹ chỉ xua tay: “Kệ các bạn, con ăn uống đầy đủ là được”.

Không chỉ vậy, mẹ tôi còn quản lý, bảo bọc luôn cả việc học tập. Tối nào mẹ cũng ngồi cạnh canh chừng tôi học bài, làm bài. Những bài tập khó thầy cô giao mẹ đều “hỗ trợ” đầy đủ. Thậm chí môn kỹ thuật của tôi mẹ còn giành làm luôn, lý do là “mấy cái môn học cho vui này mẹ làm luôn cho rồi, con làm chậm rì, còn xấu nữa”.

Lúc đó tôi thấy mẹ thật kỳ cục. Tôi học chứ có phải mẹ học đâu, xấu đẹp gì thì cũng là của tôi làm chứ! Có lúc tôi đã lén cất bài của mẹ và tự làm một bài khác.

Việc ăn uống của tôi thì miễn bàn. Thức ăn nào tốt, không tốt, ăn bao nhiêu cũng được mẹ lên lịch rất rõ ràng chi tiết. Tôi không được uống nước ngọt, không được ăn bánh snack, không được ăn quà vặt ngoài cổng trường, thậm chí cũng không có tiền tiêu vặt.

Quan điểm dạy con của mẹ tôi là: “Có tiền sớm, hư sớm. Con muốn ăn gì, nói mẹ, mẹ mua mang vô cho”. Trời! Tôi ngàn lần cầu mong mẹ đừng mang vô nên chẳng dám đòi hỏi, nhưng như thế cũng không ngăn được hành trình ngày ngày vô trường chăm sóc con của mẹ.

Ngay cả đầu tóc, quần áo của tôi mẹ cũng quyết định nốt. Mẹ hay rủ tôi đi mua sắm rồi nói: “Con thích đồ gì cứ lựa, mẹ mua cho”. Vậy mà khi tôi lựa xong mẹ lại chê rằng đồ gì mà xấu quá, già quá, tối tăm quá, rồi lựa lại cho tôi những bộ đồ “trời ơi đất hỡi luôn” - đầy hoa hòe, tùng xòe, ren rua đủ màu, đủ hình Kitty, Teddy trên đó.

Tôi nản quá nhét hết tất cả đồ mẹ mua vào đáy tủ và tự hứa với lòng không bao giờ đi mua sắm với mẹ nữa, không bao giờ!

2. Mọi chuyện lại càng căng thẳng và không thể chấp nhận được khi tôi lên cấp III. Sự bảo bọc của mẹ làm tôi nghẹt thở. Đi đâu mẹ cũng chở, trường gần xịu mà mẹ cũng không cho tự đi. Mẹ bảo con đi xe đạp nguy hiểm lắm, mẹ không an tâm.

Tôi đòi đi xe buýt, mẹ lại bảo xe buýt chạy ghê thấy mồ, mẹ cũng không an tâm. Thế là một trận cãi vã nảy lửa nổ ra. Mẹ gọi điện méc ba rồi khóc bù lu bù loa. Ba thở dài: “Thôi, cho nó đi xe buýt đi, nó lớn rồi”. Yeah! Ba tuyệt vời! Tôi hạnh phúc mãn nguyện, tưởng đâu một kỷ nguyên mới sắp mở ra... 

Nhưng nào phải thế! Ngày sinh nhật, ba mẹ tặng tôi một chiếc điện thoại. Tôi vô cùng hạnh phúc. Điện thoại vừa đẹp, vừa hữu dụng lại là một cột mốc đánh dấu sự tin tưởng của ba mẹ dành cho tôi.

Nhưng tôi lại lầm. Đó thật ra là một công cụ để mẹ kiểm soát tôi chặt hơn mà thôi. Mẹ gọi điện liên tục cho tôi: “Con lên xe buýt chưa? Con xuống xe buýt an toàn chưa? Đi bộ ra trạm nhớ cẩn thận. Hôm nay trời mưa, con có cần mẹ đón không? Sao giờ này con chưa về?...”. Thật phiền phức hết sức tưởng tượng!

Ngay cả khi tôi đi chơi với bạn, dù đã xin phép đàng hoàng mẹ vẫn liên tục gọi điện thoại kiểm tra và nhắc về sớm. Đến mức tôi chẳng muốn trả lời bất cứ một cuộc gọi nào từ mẹ. Nhưng đừng dại dột mà không trả lời điện thoại mẹ nhé, sẽ càng thảm họa hơn mà thôi!

Có một lần máy tôi hết pin, mẹ không liên lạc được. Mẹ hốt hoảng gọi cho cô giáo tôi, cho bạn tôi, cho mẹ bạn của con để chắc rằng tôi không bị bắt cóc, bị tai nạn hay bị những chuyện kinh khủng tương tự xảy đến. Đến nỗi tôi không bao giờ dám để điện thoại hết pin. 

Cuối năm lớp 10, trường tôi tổ chức đi du lịch. Tôi xin mẹ cho đi. Mẹ vui vẻ: “Ừ, con đi đi, mà trường có cho phụ huynh đi không, cho mẹ đi với, mẹ sẽ đóng tiền đàng hoàng”. Trời ơi! Tôi muốn xỉu! Thế là một trận cãi vã nảy lửa nữa lại diễn ra. Ba lại là người giảng hòa bất đắc dĩ: “Thôi, cho nó đi đi, chỗ tụi trẻ nó chơi với nhau, bà đi theo làm gì?”.

Thế là tôi được đi nhưng phải cam kết là luôn mở điện thoại, luôn trả lời những cuộc gọi mẹ gọi đến. Nhưng không sao, đối với tôi, đó cũng là một chiến thắng vẻ vang đánh dấu một mốc quan trọng trên con đường trở thành người lớn.

3. Vừa rồi đọc bài về “Cha mẹ trực thăng”, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định viết bài viết này hi vọng mẹ đọc được và hiểu hơn cho tôi. Tôi muốn nói với mẹ rằng tôi đã lớn rồi, cần có những va vấp, những khó khăn để trưởng thành.

Mẹ đừng chăm sóc, bảo bọc con nhiều như vậy nữa. Con có thể tự lo được cho bản thân mình. Có thể lúc đầu sẽ hơi vụng về, không được toàn vẹn như mẹ nhưng đó là việc mà chính con phải làm khi tới được độ tuổi này đó mẹ!

Nếu ngay cả bản thân mình con cũng không lo nổi thì sau này làm sao có thể chăm sóc cho ba mẹ được, phải không mẹ? Nên xin mẹ hãy tin tưởng ở con!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận