​“Cha mẹ trực thăng”, tại sao không?

KIM DUY 28/10/2014 09:10 GMT+7

TTCT - Trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, trong suy nghĩ của nhiều phụ huynh hầu như luôn tồn tại mâu thuẫn: thả con ra đường thì sợ con hư hỏng, ôm chặt con lại thấy con mình... thành “gà công nghiệp”.

Minh họa: Bích Khoa
Minh họa: Bích Khoa

Và tôi không ngoại lệ.

Tôi thích làm... “cha mẹ trực thăng”

Nếu với con gái đầu, tôi “thả” cháu từ năm 7 tuổi khi sinh cháu thứ hai do bận bịu chăm sóc em bé. Tuy cháu biết tự lập từ nhỏ nhưng cho đến bây giờ khi cháu đã đi làm, tôi vẫn áy náy vì đã ít có cơ hội “làm trực thăng” với cháu hơn con trai. 

Từ tâm lý gia đình chỉ có hai con, tôi sinh con trai khi ấy đã lớn tuổi, thương con út ít, bé nhất nhà... nên cháu đặc biệt được chăm bẵm từng muỗng cơm, ly sữa... hơn hẳn chị. Đến khi đi học thì đưa đón từ chính khóa đến học thêm... (tôi luôn cảm thấy hạnh phúc khi được đưa đón con đi học).

Hồi cháu học tiểu học, đến trường đón con, cháu thường năn nỉ tôi cho chơi thêm với bạn chút nữa, nhưng vì vội nên yêu cầu này ít khi được đáp ứng. Cứ thế cho đến năm học lớp 8, cháu gần như rất hiếm bạn đến chơi nhà. Ngày nghỉ, nếu mẹ không chở đi chơi thì cháu cũng ru rú trong nhà.

Nhà mặt phố nên quan hệ hàng xóm hơi bị lỏng lẻo, không có bạn cùng trang lứa nên hầu như cháu không có mối quan hệ xã hội thông qua láng giềng. Nhà hàng xóm đối diện cháu cũng không biết rõ có bao nhiêu người.

Thậm chí, có lúc tôi bảo cháu đến nhà bạn chơi hay rủ bạn đến chơi nhà thì cháu nói đến nhà bạn chán lắm, toàn rủ ngồi điện tử. Nhà bạn khác thì phải có ba má ở nhà mới cho vào chơi, mà ba má bạn đó đi làm suốt ngày.

Lại thêm, con tôi không dám đi xe đạp nên mối quan hệ bạn bè càng ít. Lớp tổ chức đi picnic, lần đầu bạn còn chở, lần sau vì chở nặng quá bạn không rủ nữa. Lâu dần, bạn bè cũng quên luôn, không rủ rê đi đâu. Thấy các bạn đi chơi vui vẻ cháu thèm lắm.

Tất cả những điều ấy đã khiến tôi quyết định phải “thả” cháu, nhưng vẫn “rà trực thăng”. Bắt đầu là bài tập xe đạp mùa hè năm lên lớp 9. Và hết học kỳ 1 năm lớp 10 cháu tuyên bố không cần ba mẹ chở đi học nữa.

Dù biết con mình ngoan, học tốt nhưng tôi vẫn theo cháu sát nút. Thậm chí, vài lần tôi còn kiểm tra xem cháu có đến lớp học thêm hay không. Tất nhiên những điều này phải kín đáo.

Một lần, cháu đã khiến tôi “tỉnh ngộ”, hiểu ra rằng cha mẹ “làm trực thăng” khi con cái còn cần sự giám sát, tuyệt vời nhất là hiểu con như... bạn bè. Buổi sáng chủ nhật là thời gian thích thú nhất để mọi người trong nhà nằm dài lười biếng, dậy muộn, thế nhưng hôm đó cháu dậy thật sớm làm mọi người rất ngạc nhiên.

Cháu xuống bếp bắc một ấm nước, sau đó cầm chổi quét nhà. Tôi và chồng hầu như nín thở, nhưng không dám hỏi lý do sao hôm nay cháu bỗng trở nên khác thường như vậy. Mọi thứ được giải đáp khi cháu rụt rè nói với tôi: “Mẹ ơi, sáng nay có mấy bạn đến nhà chơi, mình có gì đãi các bạn không mẹ?”.

Thì ra là vậy. Tôi chuẩn bị cho con mình ít trái cây, bánh ngọt rồi ngầm quan sát đám bạn của con và cuộc chuyện trò của chúng.

Tôi thấy con tôi rất ít nói trong khi các bạn huyên thuyên chuyện này chuyện khác. Tôi phát hiện con mình không biết nói chuyện, rụt rè, nhút nhát, đôi khi còn bị vài bạn gái trêu chọc nữa. Sau đó, tôi bắt đầu chú ý đến con nhiều hơn.

Tìm mua cho con một vài cuốn sách về giao tiếp bạn bè, bắt con làm vài công việc nhà để con giảm bớt thời gian ngồi bên bàn học, chơi điện tử, chat...

Mỗi tuần vài tối tôi chở con chạy xe lòng vòng khơi gợi con kể chuyện. Tôi quan tâm đến bạn bè của con, nhớ tên một số bạn mà con hay nhắc đến, thỉnh thoảng khuyến khích con mời bạn đến nhà chơi...

Tư vấn từ xa

Bây giờ, dù các con đi học, đi làm xa nhưng lúc nào có điều kiện tôi vẫn phải làm “trực thăng” bằng cách tư vấn từ xa. Tôi kết bạn trên Facebook với bạn bè các con. Chat với bạn của chúng để hiểu xem con có tâm sự gì với bạn bè hay không. Với con gái đã đi làm, mỗi ngày câu đầu tiên tôi chat hay điện thoại là “Đi làm có vui không con?”.

Đó là tôi bắt chước mẹ tôi ngày xưa, mỗi ngày mẹ tôi đều đón ba ở cổng với câu hỏi: “Mình đi làm có vui không?”. Đến khi tôi đi làm, mỗi ngày mẹ cũng đón tôi với câu hỏi quen thuộc: “Đi làm vui không con?”.

Tôi không ngờ câu hỏi thường xuyên ấy của bà ngoại đã ăn sâu vào tâm trí con gái tôi. Gia đình ra riêng, một ngày tôi rất ngỡ ngàng khi đứa con gái nhỏ đã chờ tôi ở cửa với câu hỏi: “Mẹ đi làm có vui không?”.

Giờ đây, con gái tôi đã hiểu rằng đi làm có khi vui, khi buồn bực và đôi khi có những tình huống khiến cháu phải khóc. Và câu hỏi thăm của tôi như một cách gợi mở để cháu tâm sự những khó khăn gặp phải, nếu được có thể cho cháu những lời khuyên.

Riêng với con trai năm nay 19 tuổi, tuy cháu đã “lớn khôn” hơn ngày còn sống với gia đình nhưng mỗi khi có vấn đề gì cháu hay điện thoại hỏi mẹ. Ví dụ như mẹ ơi, hình như con có cái răng trong cùng sắp mọc mẹ ạ, con thấy cái lợi bị nứt ra. Hay, mẹ nghĩ xem con nên chọn ngành nào khi đi chuyên ngành, con học thêm tiếng Nhật mẹ nhé...

Tôi biết không phải cháu hỏi và chờ mẹ quyết định mà là nhờ mẹ tư vấn theo kiểu một người đi trước, có kinh nghiệm. Tôi biết ý kiến của tôi chỉ để tham khảo chứ trong đầu cháu đã hoạch định hết rồi. Cũng là một kiểu quan tâm lẫn nhau thôi!

Tất nhiên, không có điều gì hoàn hảo, tôi vẫn thường gặp phải phản ứng từ các con: “Sao mẹ can dự đến việc của con làm gì?”, hay “Mẹ để con tự lo”... Những lúc như thế tôi biết rằng cần phải tôn trọng suy nghĩ của con, âm thầm quan tâm con cái và xuất hiện đúng lúc khi chúng cần đến. 

Nếu làm lại, tôi vẫn làm “trực thăng” với con cái, tuy nhiên tôi sẽ chú trọng đến việc rèn luyện kỹ năng sống cho con nhiều hơn, hướng dẫn và gợi mở cho con để chúng phát huy năng lực sẵn có, vừa với tư cách cha mẹ vừa như bạn bè.

Làm được điều này là cả một nghệ thuật và nỗ lực chứ không phải nói suông.

Cần có kỹ năng làm... trực thăng!

Nếu đặt câu hỏi rằng tôi có “quá đáng” hay “hối hận” vì đã can dự và chỉ đạo hơi sâu vào cuộc đời các con từ khi còn bé hay không, thì tôi sẵn sàng trả lời cha mẹ luôn cần phải bên cạnh và sâu sát với con cái. Cha mẹ phải hiểu và biết con mình mà không là ai khác.

Cha mẹ là người đi trước, biết chỗ nào vấp váp, điều gì cần tránh, lại hiểu rõ tính tình con cái, biết năng lực con... Chính bằng tình thương yêu, hiểu biết và thông cảm với con, cha mẹ mới đạt được kỹ năng “làm trực thăng” mà con cái vẫn cảm thấy thoải mái, không thụ động. 


Chúng tôi chấp nhận “trực chiến”

Theo những con số mà tạp chí Nanypro.com đưa ra (“Cha mẹ trực thăng” - trang 19, TTCT 19-10-2014) thì bất trắc cho trẻ nhỏ chiếm tỉ lệ rất khiêm tốn, không đáng để bậc sinh thành quá lo lắng đến nỗi làm “trực thăng” chực chờ hỗ trợ con ngay cả khi chúng chưa cần.

Nhưng xét về mặt cá nhân thì xác suất rủi ro kia dù bé nhỏ, thậm chí là phần triệu đi nữa thì nguy cơ xảy ra với con em mình là rất thật, tiêu tan, sa ngã có thể xảy ra lắm chứ. Con em chúng ta chỉ có một, mỗi thực thể là duy nhất, nên mất mát dù hiếm hoi vẫn là tất cả.

Vậy tại sao trách cha mẹ trực chiến quá mức cần thiết? Cứ “lảng vảng” và “bổ nhào” rất vô duyên và đôi khi lỡ việc của con song sợ chậm can thiệp sẽ mất luôn cơ hội cứu vãn bọn nhỏ. Ắt hẳn họ thừa biết làm vậy chẳng hay ho gì, tự làm mệt mình và gây bực bội cho con nhưng chẳng dám thử bỏ mặc con, vì các phép tính đem thử đều có thể sai, thậm chí rất dễ sai. 

Có người sớm ý thức và rèn luyện con từ từ thì sẽ từng bước “rời xa” con để con sống đúng với lứa tuổi và trưởng thành nghiêm chỉnh.

Song cho dù có ý thức luyện tập con (tôi tin điều này thường ai cũng tự răn mình khi chuẩn bị làm cha mẹ) nhưng thực tế không đơn giản vậy, khi yêu thương lấn át lý trí, đặc biệt là tố chất khác biệt của từng đứa con không phải lúc nào cũng dễ bảo, và điều quan trọng không kém là bối cảnh xã hội hiện tại khiến mấy ai dám lơ là con cái.

Bây giờ mấy ai dám để con chạy xe một mình khi đường phố đông nghịt và không hiếm nạn cướp giật? Mấy ai dám để con tự do giao du khi tệ nạn len lỏi tận hang cùng ngõ hẻm: Internet “đen” ngay gần nhà, ma túy đá ẩn mình thành kẹo ngay cổng trường, khách sạn mini, vũ trường luôn trong tầm mắt, nghiện hút cứ nhởn nhơ...? 

Trò chuyện với đồng nghiệp, bạn bè, hầu hết chúng tôi đều hoặc trực chiến công khai hoặc lặng lẽ trinh sát, đúng tinh thần “chiến đấu” suốt đến khi con lập gia đình, hoặc ít nhất là đến lúc con có công việc ổn định. 

Vẫn biết làm cha mẹ “trực thăng” sẽ biến con thành “gà công nghiệp”, đôi khi con cái được thế eo sách ngược lại: nhỏ thì bỏ ăn, lớn đòi bỏ học, bỏ nhà, thậm chí dọa bỏ mạng. Chúng tôi chỉ biết mềm nắn rắn buông, từng chút một, hết sức căng thẳng như cuộc chiến không ngừng.

Làm “gà công nghiệp” lù đù thật chán, thiếu khả năng chịu đựng và chống đỡ, kém kỹ năng sống, càng không có tầm vóc đại bàng được. Làm con gà tự do một mình bươn chải vất vả nhưng thích thú hơn nhiều, song biết đâu chúng gặp cú, gặp quạ, trở thành miếng mồi non tơ cho bọn diều hâu nhan nhản? 

Con tôi còn nhỏ, dạy bảo chưa khó, song tôi chưa biết tương lai mình dám thành cha mẹ bản lĩnh được không hay sẽ làm “trực thăng” ít nhiều ở từng khía cạnh nào đó. Sẽ cố gắng (nhưng không chắc chắn) để con sống trọn vẹn từng ngày trong cuộc đời độc lập của nó.

Dẫu lường trước vẫn chẳng dễ khắc phục, vì tôi có thể thay đổi bản thân, có thể tương tác với gia đình nhưng chẳng thể điều chỉnh xã hội vốn ngày càng bất ổn  - bối cảnh nơi con cái lớn lên và sống cùng.

Hãy cùng nhau kiến tạo bầu trời quang đãng để chúng ta và con cái đều yên tâm làm hỏa tiễn bay cao bay xa vào vũ trụ bao la, thay vì quanh quẩn làm “trực thăng” bên đàn “gà công nghiệp” béo khờ.  

KIM OANH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận