Cuộc chiến của các "mẹ sề"

ĐẶNG HOÀNG GIANG 22/03/2016 21:03 GMT+7

TTCT - Tiếp theo bài "Bảy bước đi của căm ghét", câu chuyện được nói tới sau đây nằm trong tuyến bài bàn về việc công nghệ số và truyền thông đang mơn trớn và khuếch đại những nét tàn nhẫn trong chúng ta như thế nào, về yếu tố tâm lý đằng sau não trạng của căm ghét... Sau cùng, là lời mời người đọc đi lên con đường của ngôn từ bất bạo lực, của thấu cảm và khoan dung.

Minh họa:
Minh họa: 

Xìcăngđan của Hồ Ngọc Hà bắt đầu vào cuối tháng 5-2015, khi trên Internet bắt đầu trôi nổi một bức ảnh được cho là chụp cô người mẫu - ca sĩ này trong một tư thế âu yếm với một người đàn ông. 

Tôi đã nhìn bức ảnh khá kỹ. Trong ảnh, người ta nhìn thấy một cô gái được chụp từ phía sau. Ngồi bên trái cô là một người đàn ông mặc sơmi trắng, anh ta nhoài người qua phía cô. Mặt người đàn ông chìm trong bóng tối, tay phải anh ta quàng qua vai trần của cô gái. Vô tình, bàn tay trên vai trần nằm trong nguồn sáng duy nhất của không gian. 

Một bức ảnh hoàn hảo để kích hoạt các cảm xúc khác nhau.

Tụ tập trong niềm “căm ghét” chung

Như thường lệ, cộng đồng mạng bắt tay vào “điều tra”. Người ta nhanh chóng đi tới kết luận người đàn ông này là một đại gia trẻ có quá khứ buôn bán ngà voi, sừng tê giác và kim cương ở Nam Phi, và quan trọng hơn: đã có vợ và ba con. 

Trong những tháng tiếp theo, một cơn phẫn nộ có một không hai hình thành, lên án hành vi “vô đạo đức”, “cướp chồng” của Hồ Ngọc Hà, đi kèm với một chiến dịch dữ dội tẩy chay những mặt hàng được cô quảng cáo.

Tôi bắt tay vào đọc một cách có hệ thống những trang Facebook, những thảo luận trên Webtretho, những bài báo và những bình luận ở dưới chúng, và nhận ra ở những nét chính, chiến dịch “đánh” Hồ Ngọc Hà có đầy đủ các bậc thang căm ghét mà hai tác giả John Schafer và Joe Navarro đã đưa ra sau khi nghiên cứu các băng đảng đầu trọc ở California, tuy các cung bậc không hẳn tuần tự mà có độ giao thoa lớn.

Trước hết, những người căm ghét tụ tập lại:

Lần đầu tiên trên webtretho mình tham gia chung một phong trào với các mẹ, trong đây gặp toàn tai to mặt lớn, cả những người mình thích lẫn mình ghét, vui phết”.

Mục đích chung, đánh Hồ Ngọc Hà, có thể làm người ta vượt qua những mối thù cũ. Kẻ thù của kẻ thù là bạn của ta.

Họ hình thành một nhóm người và đặt tên cho nó. Gọi là nhóm thì không đúng - riêng trang Facebook Hóa đơn không Hà (hàm ý không mua những mặt hàng được Hồ Ngọc Hà đại diện) đã có hơn 40.000 thành viên - và họ xây dựng một bản sắc riêng của nhóm: “#hoadonkhongha là một chiến dịch kết nối những con người biết yêu sự bình yên, là chiến dịch của những người biết mình đang làm gì với túi tiền của mình”.

Họ tạo cho nhóm một mục đích chung, đưa ra một diễn ngôn kiến tạo công lý và đại diện cho chính nghĩa: “Mọi người nhớ đồng lòng đồng tâm hiệp lực để đánh phò Hồ Ly trường kỳ kháng chiến nha mấy mẹ sề. Cố lên đời ko cho chúng ta công lý thì chính chúng ta sẽ tự tạo ra nó”.

Đúng như các nghiên cứu của John Schafer và Joe Navarro đã chỉ ra, họ tạo ra những ký tự, ngôn ngữ riêng. Họ tự gọi mình là các “mẹ sề” (*), biến đặc trưng cơ thể của mình thành một điểm gắn bó của nhóm. Họ gọi Hồ Ngọc Hà một cách coi thường là Hà Hồ, hay ma quỷ hóa thành Hồ Ly Tinh. 

Diễn ngôn của nhóm là “các mẹ sề” hợp lực nhau để giành công lý và bảo vệ sự bình yên của thế giới trước những yêu quái ngoài kia.

Họ chiêu mộ, thuyết phục những thành viên mới còn đang nghi ngờ, thắc mắc về mục đích của họ, dùng những ngôn từ của những người hoạt động xã hội, nâng vấn đề lên tầm quốc tế: “...tại vì bạn chỉ biết có bản thân và bàng quang (viết sai chính tả trong nguyên văn-NV) (trước) nỗi đau của người khác, miễn ko ảnh hưởng (tới) bạn là đc. Chúng tôi ko giống bạn. Thế giới này trước nay đã phải chịu tổn thất rất lớn. Không phải vì sự tàn ác của những người xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt”.

Họ động viên nhau, xây dựng tình đoàn kết: “Mình phục các mẹ quá, cực kỳ ấn tượng cố lên 1 triệu bà mẹ ở Webtretho chả lẽ lại thua con Cáo này sao”.

Một người khẳng định mình trước báo chí khi có người nghi ngờ cho rằng họ không thể có đủ công sức, thời gian và chất xám để có thể tấn công Hồ Ngọc Hà “một cách bài bản”: 

1. Chất xám chị có thừa để đọ với em Hà, chị đây có bằng cấp đầy đủ cao học thấp học, kinh tế học, luật học... nhá, lại cũng có mấy chục năm lăn lộn chiến trường rồi, kinh nghiệm cũng không ít để đua với em HLT đâu. 

2. Thời gian: Chị dù quản lý doanh nghiệp nhá, nhưng chị đây cũng 2 tay 3 máy, trong đó 1 máy chuyên dùng để f5 cái topic này để không sót bài nào nhá. Ngoài ra chị vẫn chăm con chị ăn ngủ đàng hoàng, chơi ôtô xe ủi với con và thủ thỉ dạy con tẩy chay tránh mác hà hồ đàng hoàng, rửa đít tắm giặt cho con chị cũng chả cần osin nhá. 

Thậm chí đêm đến chị vỗ đít cho con ngủ, chị nằm cạnh nó chị vẫn lướt webtretho, face vèo vèo vèo để check k sót tí nào nhá. Chị rảnh cực! 

3. Công sức: Cứ comment xong thấy mệt mệt chị lại tu 1 hớp sữa, 1 hớp trà sâm, 1 hớp tổ yến chưng đường phèn, 1 hớp sinh tố, và 1 viên đa vitamin. Chị khỏe cực! 

4. Còn nữa, chị còn luôn được các mẹ sề ở đây tung hoa, động viên tinh thần và các chị cũng luôn động viên lẫn nhau để chiến dịch này đảm bảo lâu dài, cho đến khi đạt được thắng lợi. Các em báo chí thấy chị đáng yêu chưa?”.

Khác với các thanh niên đầu trọc ở California, ngoài sự thù hận, có những “mẹ bỉm sữa” còn xây dựng lực lượng dựa trên các cảm xúc khác. Khi các trang diễn đàn bị Facebook khóa tài khoản quản lý, họ dùng nước mắt để đoàn kết:

“...chiều nay tôi rơi nước mắt khi chứng kiến Hội tẩy chay Hồ Ngọc Hà bị tấn công liên tục trong mấy tiếng đồng hồ liền. Em admin báo, “con vừa bị report, có nguy cơ bị mất nick, nhưng mọi người đừng lo, con bị reported thì sẽ có những admin khác đứng ra lo cho hội!”. 

Tôi tận mắt nhìn thấy những tin nhắn của em biến mất, những thông báo KHUẨN (viết sai chính tả - NV) của em không còn. Tôi rơi nước mắt khi nhìn thấy những nỗ lực của các bạn kêu gọi nhau chụp lại màn hình để lưu lại thông tin. Thế lực nào đang đứng sau một cô ca sĩ hạng Z để hủy hoại cái mảnh đất tôi đang sinh sống thế này?”.

Và qua đó hạ quyết tâm: “...các bạn đừng chùn bước vì bên cạnh các bạn còn có lẽ phải, còn có những tấm lòng của những bà mẹ như chúng ta sẽ. Không lùi bước vì bất cứ một lý do nào, và bất cứ thế lực nào. Sự phẫn nộ của các bà mẹ sẽ không có một thế lực nào có thể ngăn cản được bởi vì đơn giản chúng ta là những bà mẹ”.

Song song, đúng theo John Schafer và Joe Navarro, người ta dè bỉu, nói xấu đối tượng bị căm ghét: ““Nữ hoàng giải trí” > “Nữ hoàng chỉ gi...” ha ha”... Và nếu các nhóm đầu trọc hay sử dụng các tụng ca (hymn) và các bài văn căm ghét riêng của mình thì các “mẹ bỉm sữa” có khá nhiều thơ, vẻ, đủ các thể loại.

Giờ em như gái ăn sương - Bôn ba khắp chốn tìm đường mưu sinh... - Giờ đây em đã hết thời - Núi kia hết củi, để mồi lửa thơ - Kim cương có lúc cũng mờ - Của thiên trả địa vật vờ thân em...”.

Báo chí, nếu có tiếng nói nào chừng mực về Hồ Ngọc Hà, cũng nằm trong thành phần bị lăng mạ. Bạn của kẻ thù là kẻ thù: “Bọn lều báo nó cho ngậm... đầy mồm rồi thì bảo viết gì nó chả viết”. Mức độ miệt thị, chế nhạo, lăng mạ tăng dần. Bạo lực trong ngôn ngữ được thể hiện ra không giấu giếm. 

Cho xin hai cái gạch chéo hoặc đống shit vào mặt nó với bạn ơi, nhìn thế này e đau mắt lắm” (bình luận về một ảnh chân dung của Hồ Ngọc Hà); “Khỏi gạch chéo mặt làm gì, mẹ nào nhanh tay thay cái mặt của nó thành mặt con chó gặm cục kim cương là được”.

Ý tưởng này đã được thực hiện với chút cải biên. Một "mẹ sề" khác đề nghị: “mình có ý tưởng ảnh như thế này: HH giẫm trên xác tê giác cụt sừng đầm đìa máu, 1 tay cầm kim cương, 1 tay cầm giáo mác xỉa vào gia đình + trẻ con. Nền là các nhãn hiệu Lavie, Yamaha, Cali,...”. Ý tưởng về những kiểu ảnh chế này làm liên tưởng tới các khẩu hiệu graffiti chống người nước ngoài mà các băng đầu trọc hay xịt lên tường.

Thú vị không, tôi thưởng thức sự căm ghét của mình còn hơn bất cứ khi nào tôi thưởng thức tình yêu. Tình yêu thất thường. Mệt mỏi. Đòi hỏi. Tình yêu sử dụng chúng ta, nó thay đổi ý. Nhưng sự căm ghét, đó là một thứ mà bạn có thể sử dụng. Nhào nặn nó. Dùng nó. Nó cứng, nó mềm, tùy như bạn cần. Tình yêu làm bạn xấu hổ, nhưng sự căm ghét nâng niu bạn” (Janet Fitch )

Hành động thực của căm ghét

Các “mẹ sề” bền bỉ tìm cách gây ảnh hưởng tiêu cực tới công việc của Hồ Ngọc Hà, một động thái tương đương với việc nói xấu và tung tin đồn trong ví dụ công sở của John Schafer và Joe Navarro đã được dẫn ở bài trước. 

Một “mẹ” thảo một bức thư gửi VTV, phản đối chuyện Hồ Ngọc Hà được mời làm giám khảo cho chương trình truyền hình thực tế “Giọng hát Việt nhí”:

“...Chúng tôi không hiểu tiêu chí về giọng hát của Việt Nam thay đổi ra sao hay vũ đạo trườn bò kích dục trên sân khấu chính là tiêu chí mới cho một thế hệ giọng hát Việt trẻ sau này. Phải chăng Giọng hát Việt nhí sẽ không cần một giọng ca thật sự mà đưa một người như Hồ Ngọc Hà vào dạy các con hát lào khào không rõ tiếng và dạng háng, lăn lộn, và rũ rượi...”.

Một “mẹ” khác đề xuất gửi thư lên các lãnh đạo nước ngoài của các nhãn hàng đang được người mẫu này quảng cáo. 

Đây là một trích đoạn của bức thư, nguyên bản viết bằng tiếng Anh: “Dear... (tên nhãn hàng/giám đốc nhãn hàng)... Là những phụ nữ Việt, dù đã có gia đình hay chưa, chúng tôi luôn cố gắng để trở thành những phụ nữ thành công, những người vợ và mẹ tận tụy. Chúng tôi chọn những sản phẩm giúp chúng tôi hoàn thành trách nhiệm và mong muốn của mình một cách nhẹ nhàng. 

Tuy nhiên, cô Hồ Ngọc Hà, người đại diện cho nhãn hàng của quý vị, không chỉ ra những phẩm chất đó. Mặc dù là một người của công chúng và một ca sĩ nổi tiếng, cô không cố gắng giữ một lối sống sạch sẽ. 

Trong quá khứ cô ta đã có nhiều quan hệ với đàn ông có gia đình, ví dụ như... (em ko nhớ rõ nên các mẹ lôi các vụ cướp chồng trong quá khứ ra nhé). Gần đây nhất cô ta công khai đi lại với một người đàn ông giàu có đã mang tiếng là buôn bán sừng tê giác và kim cương. Chúng tôi rất tức giận...”.

Cuối cùng, bằng những khái niệm tiếng Anh đúng chuyên môn 100%, bức thư đề xuất công ty chọn người đại diện một cách kỹ lưỡng để “bảo vệ thị phần” của mình và giữ “vị trí của nhãn hàng”. 

Ngay lập tức, các biện pháp tẩy chay các mặt hàng mang khuôn mặt Hồ Ngọc Hà được triển khai rầm rộ. Một “mẹ” tường thuật cuộc cách mạng trong thế giới nội trợ của mình: “Khuấy động phong trào nè, nhà mình đã, đang đổi: Dove sang The Bol: đã dùng hết 1 tuýp The Bol, hiệu quả đáng ngạc nhiên, da mềm, mịn, mướt mát lắm. Milo => Kun Cacao, sữa trong Kun này là sữa tươi chứ hem phải sữa công thức như Milo. Cá nhân mình thấy uống ngon hơn, thik hơn. 

Trước là fan cuồng của PS mấy chục năm. Cơ mà mấy năm gần đây răng toàn bị mòn cổ, hàn suốt mà k ăn thua. Colgate bt, chả thik mấy. Dùng sang Aquafresh thấy thik hơn nhiều. Vĩnh biệt PS nhá”.

Giống các thanh niên trọc đầu trong các nghiên cứu của John Schafer và Joe Navarro, các “mẹ sề” nhấn mạnh sự hi sinh của mình - thay đổi thói quen, phong cách sống - cho mục đích lớn: “E nghỉ tập Cali, dù rất thích ở đấy nhưng có gương mặt đại diện là Hà Hồ. Unilever à? Chuyển hết qua Palmolive luôn! Quan trọng là k có gương mặt Hồ Ly Tinh”.

Một ông bố trẻ, hiếm hoi trong diễn đàn, cũng hi sinh: “Hôm qua con vợ mình đi mua 1 gói omo về đến nhà mình bảo nó mang đi đổi loại khác nó ko chịu mình tát nó 2 phát giờ nó bỏ về nhà ngoại rồi! Bây giờ phải tự nấu ăn các bạn ạ”.

Đến lúc này tôi đã đi qua hàng trăm trang của các diễn đàn hay nhóm Facebook. Liệu khi nào thì sự căm ghét lên tới đỉnh điểm? Và rồi, sự tấn công bằng ngôn ngữ, bạo lực ngôn từ ở mức cao nhất, thể hiện mong muốn cháy bỏng gây hại, phá hủy đối tượng bị ghét, cũng xuất hiện. Bình luận này xuất hiện 8 tháng sau khi xìcăngđan nổ ra:

Bó chiếu quăng xuống hố luôn”.

Một bình luận khác về một bức ảnh Hồ Ngọc Hà đang trên sân khấu, trong tư thế quỳ gối, chống tay xuống sàn, trán quấn một vòng dây kết hoa:

“Nhìn giống chó đang giành quá. Sợi dây quấn ở đầu phải nó quấn ở cổ thì còn đẹp hơn nhiều. Ka ka”.

Một đề nghị khác rất cụ thể:

“Con hồ ly này cứ phải ăn trọn gáo Axit thì thật yomosst”.

Những bạo lực bằng ngôn từ này không khác gì việc các thanh niên đầu trọc cầm gậy bóng chày và chai bia vỡ xáp vào một người da màu, vì anh ta “phạm tội” cặp với một cô gái da trắng. Ở trên mạng, với Hồ Ngọc Hà, các “mẹ sề” đã đi hết các cung bậc mà họ có thể đi.

Cũng giống như các thanh niên đầu trọc không thể ngừng ghét, sự căm ghét mà các mẹ dành cho cô người mẫu này dường như là vĩnh cửu. 

 "Phần lớn sự căm ghét là dựa trên sợ hãi, kiểu này hay kiểu khác. Đúng vậy, tôi quấn quanh mình sự giận dữ, với một nét căm ghét, và ở dưới đáy của tất cả là trung tâm băng giá của sự khiếp sợ thuần khiết"

​                                Laurell K. Hamilton

Khi tôi bắt tay vào tìm hiểu câu chuyện này vào đầu năm 2016, tôi tưởng rằng cơn siêu bão đã có phần suy yếu, nhưng vào thời điểm tôi viết những dòng này, những bức ảnh mới chụp cô ca sĩ đang vui vẻ cùng đại gia kim cương ở Thái Lan, và lời cáo buộc trên Facebook của người vợ đại gia “Chị ngậm đắng nuốt cay cho em nhởn nhơ, nhưng xem ra em còn chưa thỏa mãn (...) em giỏi và bản lĩnh lắm, nhưng thất đức lắm em ơi” lại được chuyền tay nhau. 

Chúng như những giàn khoan trên biển bị nổ, đổ một nguồn dầu mới vô tận vào biển lửa thù hận.■

(*) Chú thích: "Mẹ sề" là từ mà chính những phụ nữ ghét Hồ Ngọc Hà tự gọi bản thân, biến đặc trưng cơ thể của mình thành một điểm gắn bó của nhóm.

Kỳ sau: "Làm nhục mua vui và tàn nhẫn giải khuây"

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận