Tình yêu

CAO HUY THUẦN 17/02/2016 01:02 GMT+7

TTCT - Trong buổi trò chuyện cuối năm này, tôi xin tặng các bạn trẻ một bài thơ. Đây là bài thơ tôi dịch từ một tác giả viết hồi thế kỷ 12, Giraut de Bornelh, sinh năm 1138.

Tristan và Yseut-liveinternet.ru
Tristan và Yseut-liveinternet.ru

Tại sao tôi chọn một tác giả xa lắc xa lơ như vậy? Tại vì chàng ta là troubadour nổi tiếng nhất hồi đó, và bởi vì troubadours là các thi sĩ đầu tiên tại châu Âu dám sáng tạo ra một quan niệm yêu đương mới chống lại kinh điển của nhà thờ Trung cổ.

Họ du ca từ cung điện của lãnh chúa này đến lâu đài của lãnh chúa khác, hát thơ của họ cho cả giới thượng lưu lẫn quần chúng, thổi một sinh khí táo bạo vào lối sống cũ, đổi mới quan hệ nam nữ, tôn vinh người đàn bà lên ngôi nữ chúa, tạo ra một nghệ thuật yêu đương lịch sự, hào hoa, tinh vi, hiệp sĩ. Với một quan niệm “cách mạng” như vậy, họ thăng hoa tình yêu lên thành một thứ sùng kính, một tôn giáo, cao hơn mọi luật lệ của xã hội và của nhà thờ.

Tuyên cáo của tình yêu tự do

Tôi nghĩ đến các bạn trẻ của tôi và tôi nghĩ đến tuổi trẻ của tôi khi gợi lại đây du ca của các chàng troubadours. Không phải tôi tán dương gì tình yêu của họ. Tôi muốn nhớ lại không khí cách mạng của những năm 1930, 1940, khi thanh niên nam nữ ở Việt Nam hưởng được làn gió mới của tình yêu thổi đến từ văn thơ lãng mạn phản kháng quan niệm khe khắt về tình yêu và hôn nhân của xã hội Khổng giáo hồi đó.

Chúng ta đi sau các chàng troubadours đến bảy tám thế kỷ khi họ ca hát xênh xang, tuyên cáo tình yêu là quan hệ giữa hai người, hai cá nhân; mọi thế lực bên ngoài, thần quyền, thế quyền, xã hội quyền, gia đình quyền, phụ mẫu quyền, đều không mắc mớ gì xía vào can thiệp.

Lần đầu tiên trong văn học và trong xã hội châu Âu, cá nhân đứng dậy khẳng định kinh nghiệm riêng tư của mình chống lại một trật tự an bài, khẳng định lòng tin ở mình chống lại lòng tin ban xuống từ đâu trên cao, khẳng định luật lệ từ trái tim của mình đưa ra chống lại luật lệ của quyền lực mà vi phạm là một tội, bị đày xuống địa ngục.

Yêu là gì? Là không phải tình yêu chung chung, trừu tượng, khái niệm, lý thuyết, được giáo điều định nghĩa. Yêu là kinh nghiệm cụ thể, là tôi gặp cô ấy, là cô ấy gặp tôi, là tôi nhìn cô, cô nhìn tôi, là hai mắt nhìn nhau, hai lòng cùng mở.

Yêu, là tôi yêu người ấy, một người ấy, như trong muôn vàn tinh tú tôi đang thấy một ngôi sao. Đừng hỏi tôi tại sao ngôi sao ấy ngời sáng như một tia chớp trong lòng tôi: chuyện ấy bí ẩn, muôn đời không ai giải thích nổi, trừ khi cắt nghĩa bằng tiền kiếp. Cũng đừng dọa tôi, coi chừng có ngày sẽ thấy mình lầm lạc.

Ông trời có khi cũng bị lầm, nói gì con người. Nhưng hãy để cho tôi sống với kinh nghiệm của tôi, bởi vì tôi sẵn sàng chết với kinh nghiệm của tôi thay vì chết bởi tuân theo mệnh lệnh của quyền lực. Trong dòng văn học lấy cảm hứng từ troubadour, thiếu gì tình yêu đưa đến cái chết, nhưng dù tình nhân có chết, mà lắm khi chết cả hai, tình yêu vẫn được tuyên bố cao hơn cái chết, vì tình yêu cao hơn tất cả, hơn cả địa ngục và thiên đường.

Đó là tình yêu của Tristan Yseut, tiểu thuyết tình nổi tiếng từ thế kỷ 12 cho đến bây giờ, mang dòng máu của du ca troubadour, chảy bất tận vào huyền sử tình ái của khắp châu Âu. Cấm kỵ của xã hội, xé rào của cá nhân, hoan lạc, đau khổ, địa ngục, thiên đường, thần tử, nữ chúa, hiệp sĩ, phu nhân, mọi chất men của văn học du ca đều lên rượu trong tiểu thuyết, tất nhiên với những tình tiết biến đổi.

Chẳng hạn, giữa thần tử và phu nhân, đam mê bình đẳng hơn, phu nhân nằm trong tay hiệp sĩ, không còn hãnh tiến trên cao để hiệp sĩ cứ mãi chỉ là thần tử viễn kính từ dưới thấp. Các chàng troubadours không ưa ngang hàng như thế.

Họ ép xác để dục tình bay bổng thăng hoa, tinh vi hóa tình yêu đến mức thánh thiện. Phu nhân phải như một trái nho chín mọng trên cao, phải với không tới, để mà với hoài, để mà sùng kính, để mà thèm muốn, để mà chết khát, để mà ngất lịm khi được phu nhân chiêu đãi một lần. Mới lạ quá thứ tình yêu ấy, thứ tình yêu tìm hoan lạc trong đau khổ, trong thèm muốn bất đắc, bất đạt.

Lộ trình tất nhiên của thứ tình yêu ấy trái ngược với luận lý của hôn nhân, vì vợ chồng thì có ai phải quỳ xuống trước ai để xin ân huệ? Nghệ thuật yêu đương kiểu troubadour ấy còn hàm chứa một luận lý đầy chất nổ cho giáo điều của xã hội đương thời: muốn thèm mà không được nếm, chàng hiệp sĩ thường phải hướng đến một đối tượng cấm kỵ, trên thực tế là người đàn bà có chồng.

Nghĩa là... nghĩa là ngoại tình, bất chấp địa ngục của nhà thờ. Ghen tuông không còn là khuyết điểm của nam nhi. Ghen tuông là hoa giữa đường đi của hiệp sĩ. Là phải như thế để phu nhân mỉm cười. Phải như thế để chàng thất vọng. Rồi phải như thế để chàng ngất ngây. Để tưng bừng. Để rồi lại thất vọng. Một vòng hoa. Đặt trên mộ. Rồi đặt vào cổ. Rồi lại đặt trên mộ. Tròn như một luân xa. Để cuối cùng luân xa đưa đến cái chết. Của một người. Hoặc của cả hai.

Chuyện tình của TristanYseut có đủ men nồng và độc dược của tình yêu hiệp sĩ ấy. Tuy không ép xác, cũng có lúc hiệp sĩ và phu nhân nằm ngủ bên cạnh nhau, một thanh gươm đặt giữa hai người. Và tất nhiên, thanh gươm ấy phải vung lên chém một đường bay bướm vào cấm kỵ.

Chuyện thế này: Tristan sinh ra thì cha mẹ đều chết. Được một người đỡ đầu nuôi dưỡng, Tristan trở thành hiệp sĩ, vừa rành nghề kiếm cung, vừa có tài đàn hát. Mến tài, ông vua Marc đem chàng về triều, phát hiện ra chàng là cháu ruột, con của một bà em gái đã mất sau khi sinh. Vua Marc lớn tuổi mà chưa có vợ. Lũ triều thần sợ vua yêu cháu rồi truyền ngôi cho cháu, khuyên vua cưới vợ để có con nối dõi.

Vua nghe lời, định cưới cô con gái của bà hoàng ở xứ khác, đẹp nhất trần gian, mà một con én đã vô tình thả rơi sợi tóc vàng nơi cửa sổ của ông vua chưa vợ. Tristan được vua phái đi để cưới hỏi, cháu cưới vợ cho bác, chư hầu cưới vợ cho lãnh chúa, hai nhiệm vụ ngược đời nhưng không kém tính chất tín cẩn.

Bà hoàng, mẹ của Yseut, thuận gã con, hôn nhân sẽ thắt chặt giao hảo giữa hai xứ. Nhưng, e rằng vua thì không còn trẻ lắm, mà con gái thì hơ hớ tuổi xuân, bà phái một thị tỳ đi theo hộ tống với một bình rượu để rót cho hai vợ chồng cùng uống khi tao phùng. Rượu ấy là xuân tửu, nam nữ uống vào sẽ yêu nhau trọn đời, sống cũng yêu nhau mà chết cũng yêu nhau.

Trên tàu thuyền lênh đênh vượt biển, cô thị tỳ vô ý để bình rượu lọt vào tay Tristan. Chàng uống một ngụm, rồi mời Yseut một ngụm. Rồi cạn bình. Lập tức, chàng nhìn Yseut với một dáng điệu khác lạ, và cũng lập tức Yseut nhìn chàng với vẻ mặt ngây dại, lạ khác. Hai mắt tránh nhau, nhưng khi hai mắt gặp nhau trong một tia chớp, lửa đã cháy trong lòng.

Nghĩa là gì? Là thế thôi. Luân lý gọi đó là ngoại tình. Các chàng troubadours thì không nghĩ như vậy. Vua Marc và Yseut chưa bao giờ gặp nhau, chưa bao giờ yêu nhau, quan hệ giữa hai người không phải là quan hệ của tình yêu. Hôn nhân giữa hai người không phải là hôn nhân đích thực vì không phát xuất từ hai lòng tìm nhau.

Còn Tristan, chàng có gì ăn năn chăng? Khi cô thị tỳ chợt biết đôi nam nữ đã uống xuân tửu, cô hoảng kinh thốt lên: “Trời ơi, công tử đã uống cái chết của chính công tử!”. Tristan điềm nhiên: “Cái chết của chính ta? Cô muốn nói nỗi khổ của tình yêu? Nếu cô muốn nói cái chết của chính ta là sự trừng phạt mà chúng tôi phải chịu khi chuyện bại lộ, ta sẵn sàng nhận lãnh. Nếu đó là sự trừng phạt thiên thu trong lửa đỏ địa ngục, ta cũng nhận lãnh sẵn sàng”.

Tôi không phải là tín đồ của đạo yêu đương tuyệt đỉnh ấy. Cũng không đặt tình yêu lên trên tất cả, kể cả lý trí. Nhưng tôi tán dương câu nói nếu được hiểu đúng đắn. Sống là như thế. Khi đã nhất quyết làm một việc gì thì làm đến cùng, sấm nổ trên đầu cũng không nao.

Và khi xã hội đè nặng trên cá nhân đến mức bắt con người phải quỳ xuống quy phục, cá nhân có quyền nổi loạn để khẳng định lại vị thế của mình. Xét cho cùng, xã hội sinh ra là để phục vụ con người, không phải trái lại. Du ca troubadour là bước đầu của một văn minh mới ở châu Âu, đưa cá nhân lên địa vị chủ tể trong lĩnh vực tình yêu, trước khi các triết gia của thế kỷ Khai sáng đưa cá nhân lên địa vị chủ tể trong chính trị.

Chuyện tình của TristanYseut còn dài với bao nhiêu tình tiết lâm ly xen lẫn với những chiến công oanh liệt. Hiệp sĩ mà không đánh giặc, chém chằn, thì làm sao được phu nhân ghé mắt ban phước? Nhưng cuối cùng, hiệp sĩ bị thương. Hồi thế kỷ 12, ái tình được ví như một mũi thương đâm vào tim. Thì cũng phải một mũi thương đâm vào tim để kết thúc.

Đánh trận, Tristan bị mũi thương tẩm thuốc độc đâm vào tim như thế. Đang bị đày xa xứ, chàng phải nhờ sứ giả tìm đến cung vua Marc để nhắn với Yseut đến cứu vì chỉ nàng mới có linh dược. Biển cả cách xa, sứ giả hẹn nếu đem được Yseut về thì tàu thuyền sẽ giong buồm trắng, nếu thất bại thì sẽ giong buồm đen. Trong một phút ghen tuông - vì có người đẹp khác đang yêu chàng - cô nàng này báo cho chàng hay buồm đen trở về trước bến. Tristan ngã ra chết.

Từ buồm trắng, Yseut chạy đến ôm xác chàng. Và chết theo. Hai mồ xây cạnh nhau. Từ mồ này, một cây leo thơm phức hoa mọc lên, đâm thẳng vào mồ kia. Ngắt một lần, hai lần, ba lần, cây vẫn thế. Tình yêu là cái chết. Hai cái chết tìm nhau.

Tình yêu là tương quan

Thế hệ của tôi không biết Yseut. Nhưng biết cô Loan trong Đôi bạn, biết Nhất Linh, biết Khái Hưng, biết và say mê Tự lực văn đoàn. Các nhà văn ấy đã tiên phong mở trói cho thanh niên nam nữ yêu nhau mặc kệ giáo điều của đức Khổng.

Giữa tình yêu hiệp sĩ của thế kỷ 12 và tình yêu lãng mạn của thế kỷ 19, 20, tôi chỉ nhấn mạnh điểm giống nhau duy nhất ấy: tình yêu là chuyện của hai cá nhân. Nếu cần phải lấy một câu thơ, một câu thôi, để bắc cầu giữa hai thời đại và hai xã hội, không gì xứng đáng hơn cái hiên ngang của Huy Cận: “Thây kệ thiên đường và địa ngục - Không hề mặc cả, họ yêu nhau”.

Ngày nay, ta có nên bắt chước phương Tây đưa cá nhân lên thành cá nhân chủ nghĩa, “thây kệ” mọi giá trị đạo đức khác? Ngày nay, cá nhân chủ nghĩa có đem lại hạnh phúc cho tình yêu, cho hôn nhân? Nếu tất cả đều phải quy vào tôi như cứu cánh tối thượng của cá nhân chủ nghĩa, có nghĩa gì khi tôi nói “tôi yêu em”? Không có nghĩa gì khác hơn là “em hãy yêu tôi” (*). Và như thế, tình yêu là ngàn năm cô đơn.

Giống như mọi sự mọi vật trên thế gian này, tình yêu là tương quan, tương quan giữa tôi và người khác. “Do cái này sinh, cái kia sinh, do cái này diệt, cái kia diệt”, triết lý tương quan ấy áp dụng toàn vẹn vào tình yêu. Tình yêu là chuyện giữa hai cá nhân, tất nhiên, nhưng không phải là hai cá nhân độc lập, riêng biệt, ai cũng khăng khăng tự khẳng định mình. Nghệ thuật trong tình yêu, cũng như trong hôn nhân, là biết đặt tương quan lên trên hết. Tình yêu là tương quan.

Ấy chết, nãy giờ ham nói chuyện đâu đâu, quên mất bài thơ. Đây là bài thơ của chàng trẻ troubadour:

Xuyên qua hai mắt

Tình yêu chạm tim

Vì mắt dẫn đường

Để tim bị chạm

Vì mắt kiếm tìm

Cái gì tim thích

Và khi nhất trí

Và khi đồng tình

Giữa tim và mắt

Lúc ấy tình yêu

Đẹp tròn phát khởi.

Chỉ như thế thôi

Tình yêu sinh ra

Tình yêu bắt đầu

Không vì gì khác.

Từ ân huệ ấy

Từ ý muốn này

Của mắt và tim

Từ thích thú ấy

Của tim và mắt

Tình yêu phát sinh

Hi vọng ru êm

Cả tim và mắt

Bởi chưng tất cả

Tất cả tình nhân

Đều biết điều này:

Tình yêu phát khởi

Từ mắt và tim

Là chuyện tốt lành

Là chuyện tinh khiết.

Do mắt đã gieo

Và tim ấp chín

Tình yêu là trái

Từ hạt ban đầu.

Đó là bước đầu trong tình yêu: cái này sinh thì cái kia sinh. Bước thứ hai: hãy mất cái “tôi” đi, vì “tôi” đã nằm trong tương quan. Tình yêu là tương quan. Tương quan ấy đẹp thì tình yêu là sự sống. Không phải hai sự sống. Mà là một.■

(*): Roland Barthes: Je crois que “je t’aime” veut toujours dire “Aime-moi” (Le Monde 23-9-2015).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận