Tinh thần biển trên những cánh buồm

ĐỖ THÁI BÌNH 25/08/2015 06:08 GMT+7

TTCT - Những cánh buồm sẽ khích lệ niềm khát khao tự do sáng tạo, ý chí vượt khó, tinh thần cộng đồng làm việc trong đội ngũ, niềm hạnh phúc được hòa đồng với thiên nhiên vĩ đại... Đó là những thông điệp của cánh buồm mà cha ông chúng ta đã truyền gửi từ xa xưa...


Jack Spurling - ARIEL & TAEPING, China Tea Clippers Race (Ảnh: Common Wikimedia)

Clipper chở chè

Vào mùa thu hoạch chè xanh, cảng Phúc Châu (Trung Quốc) vô cùng nhộn nhịp. Đó là những năm cuối thế kỷ 19, nhà Thanh đã mở cửa cảng này cho tàu thuyền nước ngoài vào buôn bán, ngoài cảng Quảng Châu đã mở từ lâu.

Người tiêu dùng Âu, Mỹ nghiện dùng chè xanh Ấn Độ và Trung Hoa, những địa điểm cách xa nguồn sản xuất hàng vạn hải lý, trong khi mọi việc vận chuyển lúc này còn hoàn toàn trông cậy vào những cánh buồm. Làm sao cho tàu buồm chạy nhanh hơn, làm sao cho chè từ Trung Hoa về tới cảng London không chậm hơn... ba tháng, đó là mối băn khoăn của các nhà đóng tàu.

Một kỹ sư Mỹ tại Baltimore đã nghĩ ra kiểu tàu mũi hẹp, chọn tốc độ rất cao, có thể treo tới hơn 35 cánh buồm và có những cột treo tới sáu tầng buồm. Vì tàu đi như cắt nước nên người ta gọi là clipper (từ động từ to clip là cắt, xén, tên này đã trở thành tên gọi chung của nhiều thứ tiếng, như người Nga gọi loại tàu buồm này là , người Hà Lan là klipper, người Trung Quốc phiên âm thành 克利伯 (khắc lợi bá), nên có lẽ chúng ta gọi luôn là clipper cho gọn.

Cuộc vận chuyển chè biến thành một cuộc đua giữa những chiếc clipper và sôi nổi nhất là cuộc đua vào năm 1866. 10 chiếc clipper với hơn 40 thuyền viên mỗi chiếc khởi hành từ Phúc Châu ngày 28-5, cuối cùng tiến vào cảng London ngày 5-9-1866 trong tiếng reo hò của hàng vạn người. Hai chiếc cùng chia phần vô địch là chiếc Ariel và Taeping. Năm năm sau, chiếc Taeping bỏ xác tại đảo Đá Lát, quần đảo Trường Sa của Việt Nam do tai nạn. 

Buồm của thời đại nguyên tử 

Ngài William Robert Patrick “Robin” Knox-Johnston

Năm tháng trôi qua, những cánh buồm đã rút vào hậu trường sau khi hoàn thành những công việc trọng đại. Chính những cánh buồm no gió đã đẩy con người tới những miền đất lạ, thực hiện các cuộc khai phá trong giai đoạn toàn cầu hóa lần thứ nhất.

Vẻ đẹp của cánh buồm là nỗi ám ảnh của các nhà văn hóa như Joseph Conrad, một nhà văn vĩ đại của biển cả có lần bình luận: Trên thế gian này có nhiều dạng chuyển động đẹp như nữ vũ công đang múa, những chiến mã đang tung bờm phi nước kiệu, nhưng đẹp nhất có lẽ là những chiếc clipper tung hết các cánh buồm sải cánh trên đại dương khôn cùng.

Và trong thời đại nguyên tử này, buồm không chỉ là một năng lượng sạch đẩy tàu mà còn là một môi trường huấn luyện tốt nhất những phẩm chất cần có của một con người. Chiếc tàu với hơn 1.400m2 buồm mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn sẽ gia nhập đội tàu Hải quân Việt Nam vào tháng 10 năm nay là nhằm mục đích này. 

Buồm vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều người, trong đó nhiều người chọn cánh buồm là lẽ sống của đời mình. Robin, một thủy thủ người Anh năm nay đã 76 tuổi, là một trong những người như vậy. 

Tên đầy đủ của ông khá dài: William Robert Patrick “Robin” Knox-Johnston, nhưng người ta thường gọi thân mật là Robin, trước tên ông có chữ Sir vì được Hoàng gia Anh phong tước - một danh hiệu cao quý dành cho những người được công chúng yêu mến (ví như nhạc sĩ, ca sĩ Elton John cũng được nhận tước này).

Ở tuổi 30, sau những kinh nghiệm thu lượm được trong nghiệp thủy thủ đội tàu buôn và hải quân, Robin là người đầu tiên trên thế giới thực hiện chuyến đi thuyền buồm vòng quanh thế giới chỉ có một mình, không dừng tại cảng nào. 

Mong muốn truyền tình yêu biển cả cho tuổi trẻ, vào năm 1996 Robin bắt tay vào tổ chức cuộc đua clipper vòng quanh thế giới với tên gọi “Clipper round the world yacht race” bằng việc lập một công ty mà ông là chủ tịch. Trong 20 năm qua đã có chín cuộc đua và cuộc đua 2015-2016 với chiếc clipper mang tên “Danang - Vietnam” là cuộc đua thứ 10.

Không chỉ là người tổ chức, Robin vẫn bước ra đại dương như một vận động viên chuyên nghiệp. Tháng 11 năm ngoái, Robin kết thúc chuyến đi một mình vượt Đại Tây Dương, giành giải ba sau khi lênh đênh 20 ngày 7 giờ 52 phút và 22 giây trên biển.

Các cuộc đua clipper từ năm 1996 tới nay 

Như đã nói ở trên, từ khi thành lập đến nay Clipper Race đã tổ chức được chín cuộc đua, hai năm một lần, chia thành ba đợt như sau:

Đợt 1 sử dụng các clipper có chiều dài 60 feet (18m), thực hiện vào các năm 1996, 1998, 2000 và 2002. 

Đợt 2 dùng các clipper có chiều dài 68 feet (21m) vào các năm 2005, 2007, 2009 và 2011. Các chiếc clipper 68 này do Dubois thiết kế và được chế tạo tại Thượng Hải (Trung Quốc).

Đợt 3 dùng các clipper có chiều dài 70 feet (23m) do Tony Castro thiết kế và được chế tạo tại Thanh Đảo (Trung Quốc). Clipper này đã được dùng trong cuộc đua năm ngoái 2013-2014 và cuộc đua 2015-2016 sắp tới.

Như vậy về chiều dài, các chiếc clipper đua tranh này chỉ bằng khoảng một phần ba ông tổ của nó là những chiếc clipper chở chè tham gia cuộc đua nổi tiếng năm 1866. Ví như chiếc Taeping đã chìm tại Đá Lát có chiều dài là 180 feet (55m), trong khi chiếc clipper năm nay mang tên Đà Nẵng chỉ có chiều dài 70 feet.

Còn về buồm, chúng ta không thể chứng kiến những clipper như một đám mây khổng lồ trôi vào cảng Đà Nẵng sắp tới như với tàu chở chè thuở nào. Có thể chiếc tàu buồm Lê Quý Đôn sẽ cho bạn cảm giác như vậy khi giương hết 30 cánh buồm. 

Còn chiếc clipper Đà Nẵng chỉ có một cột buồm, thêm chiếc buồm mũi. Nhưng cả một đội clipper tiến vào cảng sẽ tạo nên một hình ảnh chẳng kém phần hoành tráng như chúng ta đã thấy trong các cuộc đua buồm từ Hong Kong tới Nha Trang trong những năm gần đây.

Đó là phương tiện dùng để đua, còn con người tham gia thì sao? Đây thật sự là một cuộc đua đã huy động được cả đội ngũ thủy thủ tự nguyện... 

Từ cuộc đua đầu tiên tới nay, đã có trên 2.000 người thuộc mọi tầng lớp xã hội tham gia, trong đó hơn một nửa là người chưa có kinh nghiệm đi biển và hơn 40% là phụ nữ. Không có giới hạn nào về tuổi tác. Ví như trong cuộc đua 2009-2010 đã có thuyền viên thuộc 41 nước, đại diện 230 ngành nghề khác nhau và có độ tuổi từ 18-69.

Sau cuộc đua, nhiều người vẫn tiếp tục duy trì tình yêu biển cả. Họ mua thuyền để lái chơi vào những ngày nghỉ hay tham gia những công việc trong ngành hàng hải. 

Chiếc clipper “Đà Nẵng - Việt Nam”


Chị Wendy Tuck

Vào những ngày này, chị Wendy Tuck đang hối hả tập luyện để dẫn đầu toán thủy thủ trên chiếc clipper 70 mang một cái tên rất mới  “Danang - Vietnam”. Vào tuổi 50, Wendy sẽ là phụ nữ Úc đầu tiên lãnh đạo một chiếc clipper tham gia cuộc đua toàn cầu sau khi giành được nhiều giải thưởng danh giá suốt những năm qua.

Là thuyền trưởng chuyên nghiệp, chị phải dẫn dắt một đội ngũ 23 thuyền viên vượt 4 vạn hải lý vòng quanh thế giới, trong một hành trình chia làm tám chặng, trong đó có 16 cuộc đua. 

Đang tập luyện cùng đội ngũ, nhận được tin Đà Nẵng là nhà tài trợ cho con thuyền của mình, Wendy đã chia sẻ với báo giới: “Tôi thật phấn khích khi biết mình là thuyền trưởng với nhà tài trợ này và thật sự mong mỏi được thấy thành phố Đà Nẵng tuyệt vời đó. Tôi thật thú vị khi được học hỏi nhiều hơn về văn hóa Việt Nam. Nó còn giúp cho việc củng cố mối quan hệ giữa Úc với Việt Nam - một thị trường du lịch chủ yếu của đất nước chúng tôi”. 

Vào tháng 2-2016, chúng ta sẽ có dịp đón những chiếc clipper trên đường vòng quanh thế giới ghé thăm Đà Nẵng. Nhưng có lẽ đây không phải là lần đầu tiên những người đi vòng quanh thế giới tới đây. 

Vào năm 1996, báo Tuổi Trẻ từng chủ trì cuộc đón tiếp một chiếc yacht trên đường vòng quanh thế giới ghé thăm cảng Sài Gòn do luật sư Thụy Điển Lars Hassler dẫn đầu. Với hiểu biết hạn hẹp lúc đó, nhiều chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra trước một sự kiện lạ lùng như vậy. 

Hi vọng với sự kiện clipper Đà Nẵng tham gia cuộc đua vòng quanh thế giới lần này, không chỉ hình ảnh du lịch Việt Nam được giới thiệu ra thế giới mà những cánh buồm sẽ nâng tinh thần biển của chúng ta lên một trình độ mới.

Đặc biệt, cùng với sự xuất hiện của tàu buồm Lê Quý Đôn, của những du thuyền du nhập hay tự chế, từ các cuộc đua buồm  tại các marina Nha Trang, Vũng Tàu..., những cánh buồm sẽ khích lệ niềm khát khao tự do sáng tạo, ý chí vượt khó, tinh thần cộng đồng làm việc trong đội ngũ, niềm hạnh phúc được hòa đồng với thiên nhiên vĩ đại... 

Đó là những thông điệp của cánh buồm mà cha ông chúng ta đã truyền gửi từ xa xưa, khi dựng nên những cánh buồm trên bè tre vượt Thái Bình Dương hay trên những chiếc ghe bầu tiến thẳng ra Hoàng Sa thân yêu.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận