​Mỹ thuật Việt Nam: Lạc quan để nói có thị trường tranh?

THÁI LỘC 21/05/2015 17:05 GMT+7

TTCT - Hiện có hai luồng ý kiến về có hay không thị trường tranh ở VN kèm theo những lập luận khá thú vị từ các chủ gallery, họa sĩ...

Một phòng tranh tại phố cổ Hà Nội - Ảnh: THÁI LỘC

Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng ở VN có thị trường mỹ thuật vì có hoạt động mua bán tranh và nơi mua bán là các gallery, kèm theo nhiều hoạt động như phê bình, nghiên cứu... 

Ngoài các nhà sưu tập, thời gian gần đây các tổ chức, kể cả cơ quan nhà nước, cũng mua tranh. Tuy nhiên theo ông, thị trường hiện thiếu thành phần quan trọng, đó là nhà đầu tư nghệ thuật người Việt.

Hoạt động trầm lắng

Bà Nguyễn Nga, chủ Maison des arts (22A Hai Bà Trưng, Hà Nội), dẫn chứng giai đoạn 2007-2012 khi gallery này còn hoạt động trên đường Văn Miếu, hầu hết khách mua tranh là người nước ngoài, chỉ có hai khách Việt đồng ý mua tranh sau khi đã được bớt giá tối đa.

Theo bà, nói VN chưa có thị trường tranh cũng đúng, bởi người chơi thì đi nhặt nhạnh chứ ít sưu tập đúng nghĩa. Ít khi người ta bỏ ra vài ngàn USD để mua tranh nghệ thuật, nhưng lại sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu đồng mua tranh đá quý trong quan niệm mang tính phong thủy, hoặc muốn treo tranh cho sang thì thuê chép vài trăm ngàn...

Họa sĩ Bội Trân, chủ gallery cùng tên ở Huế, khẳng định thị trường mỹ thuật VN có từ lâu, “có điều không lớn mạnh như các nước khác vì giới giàu có người Việt gần như không quan tâm đến mỹ thuật”.

Bà Linh Cao (gallery 42 Tràng Tiền, Hà Nội) cho rằng bản chất của thị trường là có cạnh tranh giữa các họa sĩ, các gallery và cũng có nhà sưu tập thường mua bán luân chuyển tác phẩm. Tuy nhiên theo bà, thị trường tranh Việt bấy lâu nay không phát triển mà còn đi xuống, trầm lắng một cách thảm hại.

Thời điểm sau đổi mới, khi nước ngoài đổ vào VN mua tranh, “chúng ta có cảm giác có thị trường” - bà Dương Thu Hằng, giám đốc nghệ thuật Hà Nội Studio, đánh giá. Song các gallery hình thành không có “nền” của người chơi tranh, không có “nền” của giáo dục mỹ thuật nên thị trường đổ sụp.

Theo họa sĩ Đặng Xuân Hòa, muốn có thị trường tranh trong tương lai thì ngay từ bây giờ phải tạo cho được một thế hệ biết, hiểu và yêu mỹ thuật thông qua giáo dục từ các bậc học phổ thông. “Trong Nam ngoài Bắc có mấy ai bán được tranh đâu. Mà giá tranh hiện nay thấp đến thảm hại!” - ông Hòa nêu thực tế minh chứng cho hoạt động mua bán tranh không đáng kể hiện nay để có thể gọi là thị trường đúng nghĩa.

Gallery kêu ế

Phần lớn gallery trên các tuyến phố lớn ở TP.HCM và Hà Nội cùng thảm trạng vắng khách, hay nói như họa sĩ Lương Xuân Đoàn, ủy viên ban chấp hành Hội Mỹ thuật VN, là “thị trường mỹ thuật đang ngủ đông suốt bốn mùa!”.

Ông Lê Văn Thông, chủ gallery Viet Eye (36 Đồng Khởi, TP.HCM), nhớ lại năm bảy năm trước tranh bán đều đều: “Hồi đó nhiều khách vào, cứ nhìn và chỉ tay, chọn đến mấy bức, đưa thẻ thanh toán cà xong rồi đi. Các thủ tục còn lại mình làm (tác giả xác nhận, đóng gói gửi đi...), lẹ lắm. Giờ thì lâu lâu mới có khách vào, xem xong rồi đi. Chỉ thỉnh thoảng mới có người lưỡng lự chọn một bức nhỏ giá rẻ”.

Tương tự, bà Dương Thu Hằng cho hay kể từ năm 2008 đến nay, tình hình bán tranh cứ chậm dần, yếu dần, đến nay gần như “đứng phắc!”. Một chủ gallery khác ở Hà Nội cũng rên: “Thỉnh thoảng cũng có người mua, nhưng chủ yếu tranh nhỏ, ít tiền, thường được gọi là tranh “sú” (souvenirs) làm kỷ niệm chuyến đi”.

Theo một curator (giám tuyển), hơn 90% họa sĩ bán tranh qua các gallery chủ yếu là ký gửi. Giá bán tranh thường chia đôi, nửa cho tác giả, nửa thuộc về gallery, theo thỏa thuận trước.

Khoảng 10% họa sĩ bán tranh lấy “tiền tươi” và bán tại nhà thông qua các mối quan hệ, trang tin điện tử cá nhân và tour du lịch. Một nhà sưu tập ở TP.HCM cho rằng phổ giá tranh đương đại hiện không quá 10.000 USD/bức nếu họa sĩ đã thành danh, còn bình quân chỉ khỏng 1.000-3.000 USD/bức.

Nhiều chủ gallery nhận xét việc mua bán tranh ở VN không giống nhiều nơi trên thế giới. Tình trạng gallery độc quyền họa sĩ là rất hiếm, thậm chí không có độc quyền hoàn toàn. 

Bà Dương Thu Hằng cho biết từng ký độc quyền với ít nhất sáu họa sĩ, nhưng một thời gian sau lại thấy chỗ này chỗ kia có bán tranh của những họa sĩ đó với những lý do khó có thể xác minh được. Theo bà, cần phải lập ngay một bảo tàng mỹ thuật đương đại để làm “tấm gương soi” cho thị trường.

Những bức tranh được “sáng tác” gần như giống nhau - Ảnh: THÁI LỘC

Còn nhiều khó khăn

Ông Vi Kiến Thành, cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm - Bộ VH-TT&DL, cho biết trên thực tế, việc phát triển thị trường mỹ thuật trong nước gặp nhiều khó khăn, dù trong quy hoạch phát triển ngành mỹ thuật đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có nội dung thành lập bảo tàng mỹ thuật đương đại ở Hà Nội và năm bảo tàng mỹ thuật ở các thành phố lớn.

Những năm 1960, nhà tư sản yêu nghệ thuật Đức Minh từng mua hàng trăm tác phẩm của các họa sĩ Trường Đông Dương cho bộ sưu tập của mình. Năm 1964, Bảo tàng Mỹ thuật VN thành lập, Nhà nước cũng bỏ tiền mua tác phẩm của họa sĩ. Một số sưu tập tư nhân khác cũng hình thành.

Đặc biệt sau đổi mới, chúng ta đã không nắm bắt được cơ hội phát triển thị trường khi giới sưu tập nước ngoài đổ vào VN mua tranh, mà lại để cho thoái trào với nhiều biểu hiện như nạn tranh giả, sao chép, tự lặp lại chính mình...

Hiện nay, nhu cầu thưởng lãm mỹ thuật của người dân chưa cao, điều đó có một phần nguyên nhân từ giáo dục về nghệ thuật ở bậc phổ thông. Cụ thể theo ông Thành, thay vì phải đào tạo kỹ năng hưởng thụ nghệ thuật thì chúng ta lại đang đào tạo kỹ năng sáng tạo.

Trước các ý kiến cho rằng tình trạng mua bán tranh loạn xạ hiện nay một phần do Nhà nước gần như không làm gì để thúc đẩy phát triển thị trường, ông Thành cho biết chức năng, nhiệm vụ của Cục Mỹ thuật là hoạch định chính sách để các cơ sở văn hóa, các gallery... vận hành.

Ông dẫn chứng: “Chẳng hạn vừa rồi Thủ tướng vừa ban hành một nghị định về mỹ thuật do chúng tôi xây dựng, quy định tất cả công sở nhà nước khi xây dựng công trình văn hóa, công sở, công trình công cộng phải có đầu tư một tỉ lệ nhất định làm đẹp cho công trình bằng tác phẩm mỹ thuật...

Tất nhiên xã hội vận hành ngang lại là việc khác. Dù có chính sách gì đi nữa, trong điều kiện phần lớn coi mỹ thuật như dưa cà mắm muối trong một mâm cỗ thì sẽ rất khó”.

Từ năm năm trước theo đề xuất của Cục Mỹ thuật, Trung tâm giám định và đấu giá tác phẩm đã được thành lập tại Bảo tàng Mỹ thuật VN. Đây chính là mắt xích quan trọng để thị trường phát triển chuyên nghiệp. “Thế nhưng đơn vị này gần như không hoạt động được vì nhu cầu xã hội không đến với họ. Có lẽ do người ta chưa nhận thức được sự cần thiết của nó” - ông Thành giải thích.

Từng đi một số nước, ông Thành nghiệm ra rằng những người có tiềm lực kinh tế và nhà lãnh đạo là hai đối tượng có tác động rất lớn đến sự phát triển của thị trường mỹ thuật và sự chú ý của những giới khác. “Một triển lãm ở VN, chúng tôi rất muốn mời được những nhân vật VIP, lãnh đạo, những đại gia kinh tế xem triển lãm và có thể mua tác phẩm. Nhưng bạn biết rồi, việc ấy hiện rất khó” - ông Thành nói.                    

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận