Con người trong thế giới mạng

LÊ THANH HẢI 22/09/2013 20:09 GMT+7

TTCT - LTS: Đồng tình với bài viết của tác giả Phương L. Phạm (xem Trái tim thật đập theo “nhịp” thế giới ảo, TTCT số ra ngày 13-9) là những ý kiến cho rằng mạng xã hội đã phổ biến đến mọi ngõ ngách và vấn đề đặt ra là biết cách làm chủ chúng.

Trái tim thật đập theo “nhịp” thế giới ảo

Phóng to

1. Có lẽ đã đến lúc tiếng Việt nên có một từ mới để thay chữ “thế giới ảo”. Hai mươi năm trước, người ta dùng chữ ảo - virtual - để mô tả một xã hội thu nhỏ được tái dựng qua các trò chơi như SimCity.

Nhưng nay ngay cả người già ở nước Anh cũng phải cập nhật kiến thức sử dụng mạng để giải quyết đa số công việc hằng ngày: thanh toán tài khoản, mua hàng đặt siêu thị chở về tận nhà, đăng ký hồ sơ lương hưu và trợ cấp, giải quyết công việc với các công sở nhà nước...

Mạng Internet đã trở thành một phần, thậm chí là đa số, trong cuộc sống, và không còn là thế giới ảo ở nơi nào đó xa xôi nữa. Để phân biệt với những tiếp xúc gặp mặt trực tiếp (face-to-face), ta có thể dùng khái niệm không gian mạng (cyberspace).

Sự dễ dàng và nhanh chóng của các dịch vụ mạng khiến người ta cũng muốn mọi chuyện trong xã hội đời thường được giải quyết đơn giản và gọn nhẹ giống như vậy. Khi sống lâu trong thế giới ảo, ta dần biến thành con người ảo và có câu chuyện những cô bé cậu bé không còn kỹ năng giao tiếp trong thế giới thật. Khi đó, các bậc phụ huynh phải tự mình dò dẫm đi vào để “cứu net” con mình trước khi bọn xấu kịp ra tay.

2. Với những đặc thù riêng về kỹ thuật, thế giới này có nhiều điểm khác với việc giao tiếp đời thường và dần tạo ra những thói quen hoàn toàn mới cho người sử dụng. Trước hết là đường truyền tín hiệu tạo ra kết nối (connection) rút ngắn khoảng cách, khiến người ở rất xa có thể dễ dàng gặp nhau chỉ nhờ một cú nhấp chuột (click), hay đơn giản hơn nữa là đập nhẹ ngón tay vào màn hình máy tính bảng (tablet).

Tôi biết chuyện một cụ bà ở Việt Nam nuôi cháu ngoại được con gái trang bị cho một chiếc iPad để cứ em bé khóc là bấm nút sang cho mẹ hát ru và nói chuyện, cứ như đang ở bên cạnh trong phòng làm việc. Bà mẹ trẻ ở Anh cứ thế yên tâm kiếm tiền, gửi con về Việt Nam cho bà chăm và ngày nào cũng “gặp mặt” con.

Nhưng cũng có chuyện một em bé nhớ ông nội toàn bật nút gọi lúc nửa đêm ở Việt Nam vì chưa hiểu tại sao trời vẫn đang còn chiều ở châu Âu mà ông nội đã lên giường ngủ mất rồi.

Kết nối mạng xã hội, nhiều người có thói quen đem điện thoại vào toilet ngồi chat, đến nỗi Hãng Sony Ericsson phải thiết kế thêm chức năng đặc biệt chống thấm nước cho điện thoại Xperia đời mới...

Đặc điểm thứ hai rất thường được nhắc đến khi bàn về tính cách của người sử dụng mạng là sự thay đổi dễ nhận thấy về mặt tâm lý. Trên mạng người ta dễ vui, dễ buồn, dễ thích, dễ ghét, dễ chán, dễ yêu, dễ ngoại tình (và tất nhiên cũng dễ bỏ nhau) hơn bình thường. Điều này trước hết liên quan đến số lần gặp mặt.

Ngoài đời ta thường nhìn thấy nhau mỗi ngày một lần, trong khi trên mạng bạn có thể “gặp mặt liên tiếp” ở nhiều trạng thái hoàn cảnh khác nhau. Lại có thể “ngồi bên nhau” bên bàn làm việc kín đáo, cả ngày không bị người khác quấy nhiễu bằng ánh mắt hay những câu hỏi săm soi.

Khi không cần phải giữ ý trước mặt mọi người xung quanh thì ta còn gì ngại ngần mà không thể hiện sự buồn vui, khi chỉ đơn giản là hai ký tự :) và :(. Các phần mềm để tán gẫu (chat) như Yahoo! Messenger còn thiết kế cả chục ký hiệu trạng thái tình cảm khác nhau (emotion icon) để người sử dụng tha hồ chọn lựa.

Để nói câu “anh yêu em” hay “em yêu anh” thì chỉ cần dùng điện thoại cầm tay gửi tin nhắn với ba ký tự duy nhất: aye hoặc eya. Và để chia tay cũng chả cần phải giải thích nhiều lời, đơn giản là cắt quan hệ (unfriend) trên Facebook, phong tỏa điện thư (block email) hay xóa luôn tài khoản (account) của mình trên mạng xã hội.

Đặc điểm thứ ba của thế giới mạng là khả năng thâm nhập không gì có thể cản phá nổi và tốc độ phát triển nhanh đến chóng mặt. Vấn đề hiện nay không phải là làm gì để chặn mạng nhằm tránh các tác động xấu, mà là hiểu gì về thế giới mạng để hạn chế các tác động xấu đó.

Cũng giống như phản ứng hạt nhân có thể dùng để chế tạo bom nguyên tử hay nhà máy điện hạt nhân, thế giới mạng mà mũi nhọn hiện nay là mạng xã hội (social network) đem lại cả điều xấu lẫn điều tốt tùy theo khả năng sử dụng của mỗi người. Sau thành công của Tổng thống Mỹ Barack Obama với chiếc điện thoại BlackBerry nối mạng, giờ đây mọi người dân ở các nước phát triển đều cố gắng nối kết vào thế giới này.

Mỗi buổi sáng đi làm ở London, bạn sẽ thấy người dân Anh trên phương tiện công cộng hầu như ai cũng có một chiếc điện thoại thông minh (smart phone). Họ xem thời tiết để mặc đồ cho phù hợp, coi giờ tàu để kịp chuyển đường đi cho nhanh, mua vé trước trên mạng và thậm chí nếu đi xe của National Express thì không cần ra máy tự động in vé mà mở luôn email trên điện thoại đưa cho người lái xe kiểm tra thay vé.

Đến một nơi mới thì bạn có thể bật bản đồ để xem mình đang đứng ở góc nào, hoặc khởi động phần mềm chỉ đường sẽ bảo bạn đi thẳng, quẹo phải hay quẹo trái cho đến khi tới đích. Với hệ thống định vị, bạn có thể biết người mình hẹn đang đi đến đâu, có bị muộn giờ hay không, hay món hàng bạn đặt mua đang ở chỗ nào, người chủ công ty vận tải biết các chiếc xe của mình có đang bị kẹt trong khu tắc đường hay không để còn điều phối cho phù hợp.

Điện thoại có thể dùng để đọc và xử lý văn bản, in ra, scan rồi gửi đi, biến thành một văn phòng di động giúp doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian.

3. Như vậy, dù muốn hay không thì mỗi người Việt Nam, trẻ hay già, nông dân hay công chức, đều đã là một phần của thế giới mạng toàn cầu như vừa mô tả. Chiếc điện thoại cầm tay để gửi và nhận tin nhắn làm thành viên của Twitter không còn là điều xa xỉ với ngay cả thợ gặt lúa ở dưới quê, còn máy tính bảng hàng Trung Quốc cũng không phải là thiết bị quá tầm chi tiêu của thợ may công nghiệp trên thành phố.

Mạng xã hội đã phổ biến đến mọi ngõ ngách. Nhanh chóng nắm bắt cuộc cách mạng công nghệ này để có thể làm chủ hơn là bị điều khiển, mới có thể phát triển cùng nhịp bước của thế giới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận