Tôi không muốn lạc lối vì muốn sống từng ngày

XUÂN HẢO (TP.HCM) 24/03/2013 11:03 GMT+7

TTCT - Bài viết của tác giả Thúy N. (“Vì sao họ không có lối đi riêng?” đăng trên TTCT số ra ngày 10-3-2013) khiến tôi chạnh lòng.

Tôi là một 8X đời đầu. Tác giả hỏi vì sao chúng tôi không có lối đi riêng ư? Tôi không biết nhiều về người khác, tôi chỉ xin kể câu chuyện của bản thân.

Phóng to
Minh họa: Vũ Đình Giang

Trắc nghiệm hướng nghiệp đi đâu rồi?

Những kẻ lạc đường

LTS: TTCT đã nhận được nhiều phản hồi của độc giả cho đề tài “Những kẻ lạc đường”. Trong các số trước, TTCT đã giới thiệu những bạn trẻ không tìm thấy niềm vui hoặc lối ra cho sự chọn lựa của mình. Trong số này là những tâm sự “phá cách” để tìm được chính mình khi đã lạc lối.

Năm lớp 1 tôi có truyện đăng trên báo Nhi Đồng, hoàn toàn do tôi tự sáng tác. Năm lớp 5 thầy giáo chủ nhiệm gọi tôi là tài năng văn chương. Năm 17 tuổi, nhà phê bình Vũ Hạnh coi tôi là cây bút tiềm năng. Thi tốt nghiệp lớp 9 xong, mẹ bảo tôi thi chuyên ban A của Trường THPT Lê Quý Đôn (lúc đó đang dạy thí điểm chương trình phân ban). Lý do của mẹ là “Con gái học văn chương mơ màng, ủy mị, học toán để suy nghĩ cho minh bạch”.

Từ nhỏ tôi đã quen vâng lời mẹ như bất cứ đứa con gái ngoan nào. Tôi học chuyên toán, lý, hóa trong khi tính tiền đi chợ còn trật. Tôi trải qua ba năm tuổi hoa mộng như ác mộng với chuyện học hành triền miên ám ảnh tôi trong những giấc mơ đến tận bây giờ. Điểm son duy nhất của tôi là đậu giải ba môn lịch sử toàn thành. Lý do là vì tôi nghe nói thi đậu như vậy sẽ được miễn thi học kỳ 1.

Tôi đang lo sẽ ăn trứng ngỗng môn toán khi thi học kỳ. Tôi lấy sử cứu toán. Học kỳ 1 năm lớp 10, người ta cho tôi làm trắc nghiệm hướng nghiệp. Tôi đem tâm huyết ra làm, ngày ngày chờ ngóng kết quả. Đến bây giờ tôi cũng không biết cái trắc nghiệm tôi làm ngày đó đi đâu rồi! Năm lớp 11 có giáo sinh về trường thực tập. Khi tôi hỏi cô giáo sinh phụ trách môn văn lớp tôi rằng cô thích ngành này sao thì cô nói một cách đầy tâm sự rằng cô không muốn chọn ngành này, công việc này (!?).

“...Chính vì không chấp nhận tồn tại cho qua ngày nên tôi cứ tiếp tục đi tìm, tìm mãi cho tới ngày tìm thấy chính mình. Tôi muốn được sống (chứ không phải tồn tại) không sót một ngày một giờ nào trong cuộc đời mình. Điều đó làm cho tôi không lạc lối”

Một lần tôi nghe thầy toán năm lớp 12 (người tôi kính trọng như cha) kể về phần thi diễn viên mà thầy từng trải qua ở Trường cao đẳng Văn hóa. Tôi nghĩ hay mình thi chơi cho biết. Tôi lùn và xấu nên đăng ký thi vào khoa đạo diễn sân khấu Trường cao đẳng Sân khấu - điện ảnh TP.HCM (bây giờ đã là trường đại học). Tôi đậu. Tôi thi vào Trường đại học KHXH&NV. Tôi rớt. Mẹ cho tôi học Cao đẳng Sân khấu vì: “Đi học cho khỏi chơi lông bông, học phí cũng rẻ. Năm sau thi lại đại học”.

Tôi vừa học cao đẳng vừa ôn thi đại học và trượt cả ba năm. Nghề chọn tôi. Bây giờ tôi là một diễn viên... lồng tiếng. (Vì tôi xấu quá không ăn được hình mà hình cũng chẳng thèm ăn tôi).

Nếu ngày đó tôi không tình cờ nghe một thầy toán từng là diễn viên (chuyện rất hiếm hoi) nói về phần thi diễn viên thì giờ này tôi có là “những kẻ lạc đường” không? Tôi nghĩ là không. Tôi vẫn sẽ trở thành một diễn viên lồng tiếng, một xướng ngôn viên dù có trễ hơn, trầy trật hơn.

Tìm mãi cho tới khi thấy chính mình...

Đâu phải sau khi tốt nghiệp khoa đạo diễn, ra trường tôi có ngay công ăn việc làm như rất nhiều người khác. Ngành nghề tôi học quá đặc thù. Tuy ý tưởng có thừa và thường được khen ngợi nhưng tôi không chịu nổi áp lực công việc, không đủ bản lĩnh, không đủ sức khỏe, song trên hết là không đủ đam mê. Nghề tôi đã học không phải cứ vào một cơ quan nhà nước nào đó rồi “tuần tự nhi tiến” hay “sống lâu lên lão làng”.

Sân khấu được nuôi bằng thị trường mà thị trường thì công bằng đến khắc nghiệt. Tôi nằm nhà rửa chén, nấu cơm hai năm trời. Tôi đi học tiếng Nhật song không thích làm cho công ty Nhật mà họ cũng chẳng tuyển tôi dù tôi nói được tiếng Nhật và tiếng Anh. Mẹ cắt hầu hết nguồn tài trợ. Tôi lao ra đường kiếm tiền. Tôi làm gia sư, đi chạy bàn, dạy tiếng Nhật ở trung tâm, dạy tiếng Anh ở trường mẫu giáo, làm phiên dịch, làm quản lý ở một tiệm chụp hình cho khách du lịch Nhật.

Tuy nhiên tôi thấy mình có khác biệt với các bạn Kim, bạn Kiên trong bài viết của tác giả Thúy N.. Đó là dù làm trái ngành, tôi vẫn “cháy hết mình” với công việc nên học trò thích tôi, khách hàng thích tôi. “Cháy hết mình” cho một thứ không hợp với mình nên tôi căm ghét công việc của mình. Từng ngày tôi đi làm là từng ngày tôi thấy như bị hành hạ. Có lẽ vì mang máu nghệ sĩ, sống quá cảm tính, tôi không đủ lý trí để làm như tác giả Tâm An là “cố gắng triền miên” và “chấp nhận để bước về phía trước”. (Tôi thấy trước mắt mịt mù thì làm sao dám bước?).

Thật tình tôi nghĩ chính vì tôi không chấp nhận tồn tại cho qua ngày, nên tôi cứ tiếp tục đi tìm, tìm mãi cho tới ngày tìm thấy chính mình. Tôi muốn được sống (chứ không phải tồn tại) không sót một ngày một giờ nào trong cuộc đời mình. Điều đó làm cho tôi không lạc lối.

Nói đi phải nói lại. Trong lý do lạc lối của rất nhiều bạn trẻ, ngoài lý do chủ quan là thái độ “bèo trôi nước nổi” của đương sự, còn phải kể đến lý do khách quan. Ngoài việc không được hướng nghiệp từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bị học trái ngành theo ý người lớn, còn có một lý do rất phổ biến như trường hợp của tác giả Tâm An: khả năng kinh tế của gia đình. Tác giả đã phải gồng mình qua được mấy năm trời đại học cũng vì “không còn đường nào khác ngoài phải tốt nghiệp đại học để có công ăn việc làm”.

Khi có việc làm, dù chán cũng phải đeo bám để mưu sinh và phụ giúp cha mẹ. Quan niệm đi làm kiếm tiền là đương nhiên đối với phần lớn người Việt. Tôi còn nhớ một lần đi phỏng vấn dự tuyển vị trí nhân viên văn phòng ở một công ty Nhật Bản. Sau khi kiểm tra và hài lòng về phần ngoại ngữ, họ hỏi tôi “Vì sao bạn muốn ứng tuyển công việc này?”, tôi trả lời rất thật lòng rằng “để kiếm tiền trang trải cuộc sống”.

Những người Nhật tròn mắt nhìn tôi. Họ hỏi lại lần nữa lý do tôi đi xin việc ở công ty họ như thể không tin nổi. Họ không tuyển tôi. Sau này làm việc với người Nhật nhiều tôi hiểu ra họ nghĩ mục tiêu của tôi quá tầm thường. Họ chờ đợi một mục tiêu xứng đáng hơn. Còn tôi cho là mình rớt vì quá thật thà.

Tìm kiếm việc làm với mục tiêu thể nghiệm mình, để học hỏi, để chứng tỏ bản thân gì gì đó phải chăng là quá xa xỉ với những người Việt trẻ xuất thân nghèo khổ còn rất nhiều ở xứ ta?

--------------------

“Lạc đường” là cảm trạng hụt hẫng, tiếc nuối, lo âu vì con đường mình lỡ chọn hoặc bị ép chọn. Nếu không vượt thoát được, lâu dần dẫn tới ý nghĩ u uất rằng mình đã sinh bất phùng thời. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương (1916-1976) có câu thơ nổi tiếng thời trai trẻ: “Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ”. Chẳng phải trước thi sĩ không có ai thấy mình sinh nhầm thế kỷ, cũng chẳng phải người cùng thời thi sĩ đều sinh nhầm thế kỷ và càng chẳng phải hiện nay không còn ai thấy mình sinh nhầm thế kỷ. Đó là chuyện muôn đời của tuổi trẻ.

Người lớn nghe một bạn trẻ than lạc đường sẵn sàng giội cho gáo nước lạnh: “Đứng núi này trông núi nọ”. Nhưng theo tôi đó là một bạn trẻ biết chống lại sự áp đặt, biết trọng “cái tôi” của mình. Mà thường những người có năng lực, có tài mới dám nghĩ đến, mới dám cựa quậy. Có tài và trạng thái tâm lý “lạc đường” là hai vế của một mệnh đề tương đương trong toán học. Tức có A thì B, có B thì A.

Nói một cách tích cực, thấy mình lạc đường thì mới có cơ hội đi trên nhiều con đường! Phải chăng đó là động lực để một người có thể làm được nhiều việc khác nhau, cống hiến nhiều hơn cho xã hội? Một bác sĩ kiêm nhà văn, một luật sư kiêm họa sĩ, một nhà quản lý kiêm dịch thuật... ít nhiều từng cảm thấy “lạc đường” để thử sức sang lĩnh vực khác. Nhưng họ không hề từ bỏ đường cũ và đường nào cũng dẫn họ tới đích cả.

Tôi có con đang là sinh viên năm 2 ngành quản trị kinh doanh, ngành “hot” một thời, bây giờ ai cũng biết rồi, lạnh lẽo chưa từng có. Nó than với tôi: “Con chọn sai ngành rồi ba”. Tôi cười, không phải cười mếu mà là cười vui, xin thành thực. Thật ra được làm sinh viên là may mắn hơn người, đó là khoảng thời gian quý giá của cuộc đời, hãy học đi, nghiên cứu đi và đừng nghĩ đến tiền. Chỉ sợ bạn không giỏi thôi, chứ tiền sẽ đến với bạn nếu bạn giỏi bất kỳ lĩnh vực nào. Mà dẫu tiền không đến cũng có sao đâu, vẫn sống, vẫn cống hiến, thế thôi. Sở hữu tri thức cùng phương pháp nghiên cứu ở bậc đại học đã là giàu có lắm rồi.

Tôi để ý những bạn bè lớn tuổi của tôi, người nào thời sinh viên từng trăn trở, đôi khi phẫn nộ rằng mình đi sai ngành thì nay họ thường hiểu biết hơn, sâu sắc hơn trong nhìn nhận xã hội, vững vàng hơn trong cuộc sống. Đại ngôn một chút, họ là những con người toàn diện. Có thể họ không thành công trong nghề nghiệp đã chọn, trong thăng quan tiến chức nhưng họ ung dung, nhàn hạ. Đáng quý hơn, họ còn sử dụng tài năng trong lĩnh vực khác của mình làm được nhiều điều có ích.

Sau cùng tôi xin nhắc lại lời khuyên sinh viên của triết gia Bùi Văn Nam Sơn: “Phải chịu khó đọc những cái mình không thích, học những môn mình không ưa... xin cứ kiên trì, rồi mùa hoa trái sẽ tới” (*).

__________

(*) http://amvc.fr/Damvc/GioiThieu/BuiVanNamSon/CuKienTri-BVNS.htm

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận