Bạn đã cõng ai chưa?

DUY AN 24/12/2011 01:12 GMT+7

TTCT - Nhiều người cho rằng cái “sến” của phim Hàn Quốc là môtip hai người yêu nhau nhất định phải có màn cõng nhau.

LTS: Trên nhiều cung đường xa lộ ở các nước luôn có những trạm dừng. Trạm dừng để người ta nghỉ chân, thư giãn, uống nước, rồi lại lên đường. Có bao giờ bạn nghĩ trên cung đường đời gấp gáp, vội vàng trôi, ta cũng cần những trạm dừng như vậy? Để nhìn lại, để chuẩn bị cho đoạn đường sắp tới. TTCT mời bạn ngồi lại ở một “trạm dừng” như vậy vào những ngày cuối năm 2011, để nghĩ về những thông điệp thương yêu mà ta có thể chia sẻ, như gợi ý của bạn Duy An. Và mời các bạn cùng kể lại những câu chuyện của mình cho ttcn@tuoitre.com.vn, mục Câu chuyện cuộc sống.

Cô người yêu uống rượu say, bị trật chân, đi bộ mỏi chân, lên cầu thang... thế là cô dứt khoát đòi anh phải cõng. Tất nhiên chỉ là cảnh diễn có thể kéo dài không đến 5 phút, nhưng họ phải thể hiện sao cho đó là tình yêu thật sự, yêu nhau mới cõng nhau, cõng cũng nặng và mệt lừ, thở phì phò ra trò.

Phóng to
Minh họa: Vũ Đình Giang

Từ phim ảnh thử bước ra đời thực, có nhiều người đã cõng nhau chưa?

Có thể nói cõng là động tác tương đối dễ chịu và gọn gàng nhất khi phải mang vác thứ gì đó. Khi ấy tấm lưng là chỗ chịu, trọng lượng đặt trên lưng sẽ giảm nhiều so với các hình thức mang vác khác. Chính vì thế trong quá trình lao động, con người chọn phương án cõng để tăng năng suất lao động (cõng bao ximăng, bao gạo...).

Hành động thương yêu, hành động chia sẻ

Hai cha con đi bộ buổi sáng, mỏi chân, cô bé sáu tuổi đứng lại nhõng nhẽo: “Bố cõng con đi”. Ông bố vì muốn con đi bộ thêm chút nữa nên động viên con và chỉ về phía trước, tới chỗ kia bố mới cõng. Cô bé giậm chân, không chịu, mỏi chân rồi, bố phải cõng cơ. Nhìn hai bím tóc lắc lắc và gương mặt phụng phịu trông đáng yêu quá, ông bố bèn ngồi xuống cho con lên lưng để cõng. Cô bé vòng tay ôm cổ bố và hai cha con cười vang trên đường, thỉnh thoảng cô bé còn đánh nhịp hai chân và hát thật to.

Nhìn cảnh đó chắc chắn mọi người sẽ thấy tình yêu thương của bố dành cho con, trông hai cha con họ thật hạnh phúc! Và có lẽ tâm tình của bất cứ bậc làm cha mẹ nào cũng mong ước mình được mạnh khỏe để cõng (dìu dắt) con, từng bước đưa con vào đời.

Phải có tấm lòng với tha nhân, người ta mới làm được những điều khó nhọc hay quên cả tính mạng của mình.

Một bạn gái kể chuyện một ngày cô cảm thấy rất hạnh phúc khi lần đầu tiên được người yêu cõng; khi ấy đôi giày của cô bị rớt gót và hai người đi trên con đường không bằng phẳng lắm. Anh đưa ra một quyết định “táo bạo” là được cõng cô đi. Ban đầu cô ngượng lắm, vì giữa thanh thiên bạch nhật, người qua kẻ lại đông đúc. Thế nhưng cô không còn cách nào khác khi chân của cô bị đau.

Cô tâm sự rằng cảm giác được người yêu cõng trên lưng thật khó tả, như đi trên mây vậy. Cô cho rằng không có gì dễ chịu hơn khi được áp má vào lưng người mình yêu và hơn thế đó là cảm giác được che chở. Cô mong con đường cứ dài mãi, và tình yêu của anh và cô cứ mãi bình yên như thế! Sau này, vì nhiều lý do, hai người chia tay, nhưng với cô đó là quãng thời gian ngọt ngào nhất, có những ngày thật hạnh phúc cô được anh cõng đi qua những cánh đồng (về quê), qua suối (đi dã ngoại), lên cầu thang (nhà chung cư)...

Cuộc đời không chỉ có tình yêu lãng mạn. Có thể thấy nhiều hoàn cảnh bố (hay mẹ) phải cõng con đến trường, bạn bè thay nhau cõng bạn đến lớp. Thật cảm động khi thấy cảnh người chồng đã có tuổi cõng vợ trên lưng vì bà bị đau chân hay bệnh gì đó không đi được.

Báo Tuổi Trẻ ngày 2-11-2011 có một phóng sự kèm hình ảnh rất cảm động là cứ đến mùa mưa lũ, phụ huynh ở xóm Ổi, thôn Tăng Hóa (xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) phải cõng con qua một dòng nước sâu và chảy xiết để đến trường. Vị trưởng thôn cho biết việc cha mẹ cõng con lội qua khe Dương Câu đi học đã diễn ra từ lâu lắm rồi. Vì xóm không có cầu và đường nên ai muốn qua khe thì phải lội.

Khe Dương Câu rộng hơn 15m, sâu khoảng 1m và nước chảy rất mạnh. Thế nhưng nhiều học sinh không có phụ huynh đưa đón phải liều mình lội nước. Có những ngày nước dâng cao, cha mẹ không thể lội được thì học sinh ở xóm Ổi phải nghỉ học. Con đường đi tìm tri thức cho con quả là gian nan mà chỉ có tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ với con cái mới làm được vậy!

Một bà mẹ kể chuyện ngày xưa bà sinh đứa con thứ hai bị chứng tiền sản giật, nguy cơ tử vong rất cao. Bà không thể nào quên được cảnh chồng cõng bà chạy 4-5 tầng lầu để tìm bác sĩ hay chuyển phòng bệnh. Chính tình yêu thương của chồng đã tiếp cho bà nghị lực, chống chọi với bệnh tật.

Hãy san sẻ yêu thương ngày nào còn có thể

Một khía cạnh khác bao quát hơn, có tính cộng đồng, cõng không chỉ mang ý nghĩa yêu thương, tự nguyện, gần gũi mà còn cả trách nhiệm. Hãy nhìn những người lính cứu hỏa có thể thấy được điều này. Trong một trận hỏa hoạn, động đất... chắc chắn hành động cứu người ra khỏi đám cháy nhanh nhất là cõng nếu người đó vẫn còn tỉnh táo hay vác trên lưng nếu người bị nạn bất tỉnh. Những người làm nhiệm vụ phải có tình thương yêu, sự tự nguyện và trách nhiệm mới liều mình xông vào chốn nguy hiểm như thế để cứu người.

Một bà mẹ khác kể: bà không bao giờ quên tấm lưng gầy còm của một anh xe ôm từng cõng giúp đứa con trai của bà. Hôm đó, người chồng vắng nhà, đứa con lên cơn sốt giật, bà nhờ anh xe ôm đưa vào bệnh viện. Mấy đêm thức trắng chăm con đã làm bà hao mòn. Lời chẩn đoán của bác sĩ rằng đứa con bị viêm màng não như cú đòn cuối cùng giáng xuống, bà gần như ngã quỵ.

Nếu không có anh xe ôm đen đúa với tấm lưng gầy còm cõng giúp đứa con mê sảng của bà chạy băng qua các tầng của bệnh viện, làm đủ các xét nghiệm để kịp nhập khoa điều trị... thì bà đã không biết làm sao. Sau này, đứa con hoàn toàn hồi phục. Nhìn con lớn mạnh, bà luôn nhớ đến tấm lưng của anh xe ôm với lòng biết ơn không kém những bác sĩ đã giúp con chữa trị.

Một bà mẹ cũng từng nói suốt đời bà không thể nào quên được hình ảnh người hàng xóm lao vào đám cháy cõng đứa con nhỏ của bà thoát khỏi bàn tay của lửa. Cũng không thiếu các trường hợp, người được cứu thì sống mà người xông pha cứu người lại không còn. Đôi khi chỉ hành động cõng ai đó mà cứu được người bị nạn qua cơn thập tử nhất sinh. Trong y khoa có thời gian vàng trong xử lý tình huống ngay tức khắc, hành động cõng người chạy nhanh đến cơ sở y tế cũng là một trong những cách giúp người bị nạn qua cơn nguy kịch.

Phải có tấm lòng với tha nhân, người ta mới làm được những điều khó nhọc hay quên cả tính mạng của mình.

Cuộc đời bình thường, cha mẹ nuôi con khôn lớn đến một ngày nào đó con cái chắc chắn sẽ xa rời vòng tay cha mẹ. Và không phải bất cứ ai trong cuộc đời cũng được cha mẹ cõng. Thời còn bé, đứa con nào cũng thích được bố hay mẹ cõng trên lưng. Đó là cảm giác được che chở, được bảo vệ, quan tâm và gắn bó. Từ đó mới thấy tại sao phụ nữ thích được người yêu cõng. Điều đó khiến họ nhớ lại ngày còn bé được bố, mẹ hay anh, chị cõng đi chơi, được yêu thương, được vòi vĩnh.

Ngày xưa nhà con đông, mẹ vì muốn rảnh tay làm công việc hay chăm em, liền bảo anh đưa em ra ngoài ngõ chơi. Anh vì muốn được nhanh chóng hòa nhập vào đám bạn đang có lắm trò vui, chỉ có cách duy nhất là cõng em chạy thật nhanh. Em ngồi trên lưng anh thích thú với trò phi ngựa, thỉnh thoảng còn đánh hai chân vào hông anh theo kiểu thúc cho ngựa chạy nhanh hơn. Cũng không loại trừ cảnh anh chạy hăng quá, vấp phải cục đá, hai anh em cùng ngã u đầu, đôi khi phải giấu mẹ vì sợ bị đòn. Bao nhiêu là kỷ niệm!

Và còn gì vui hơn khi có ngày nào đó bố rảnh rỗi ở nhà chơi với con, bố làm ngựa cho con phi nước đại, bố cõng con bò quanh nhà tìm thứ này thứ kia cho con. Hạnh phúc đơn giản ấy tưởng dễ mà đôi khi có nhiều trường hợp khó thực hiện vô cùng.

Vậy khi còn có thể, bố hay mẹ hãy làm ngựa cho con đi bởi thời gian trôi qua nhanh lắm, hãy yêu thương vồ vập con cái đi bởi ngày con rời xa cha mẹ không còn bao lâu nữa.

“Trẻ cậy cha, già cậy con”, rồi đến một ngày nào đó cha mẹ già, bao nhiêu bệnh tật đổ xuống, con lúc này lại làm chỗ dựa cho cha mẹ. Hạnh phúc thay cho ai có cơ hội cõng cha mẹ trên lưng để nhớ lại rằng, có một thời mình đã được cha mẹ đưa đi trên chiếc lưng vững vàng đó.

Bài hát Cõng mẹ đi chơi của nhạc sĩ Trần Quế Sơn có những câu rất cảm động: “Cõng mẹ đi chơi... Mẹ và con đi chơi thênh thang một cõi. Quên những nhọc nhằn, quên những giày vò tâm can... Hôm nay cõng mẹ đi chơi một mai ngồi khóc bên trời. Hôm nay cõng mẹ đi chơi một mai mẹ bỏ con rồi...”.

Cho nên hãy chia sẻ những thông điệp thương yêu, ngày nào còn có thể...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận