Hơn cả gối ôm, đó là "thế hệ gấu bông"

HUYỀN TRANG - DUY TƯỜNG 26/11/2011 23:11 GMT+7

TTCT - May mắn thi đỗ vào một ngôi trường có tiếng ở thành phố, chúng tôi chứng kiến gần như hằng ngày cảnh các bạn đồng trang lứa đến lớp với những chú gấu bông. Sự chiều chuộng, ôm ấp của gia đình đã theo chân các bạn đến tận lớp học!

Phóng to
Minh họa: Vũ Đình Giang

“Làm sao con biết”?

Sinh ra trong gia đình có điều kiện, giàu lên nhờ kinh doanh bất động sản, bố mẹ thừa sức cung cấp mọi thứ mà con gái cần nên Đào (17 tuổi, Q.3, TP.HCM) chẳng phải động tay động chân việc gì. Đào được bố mẹ chăm sóc chu đáo đến... tận răng theo đúng nghĩa đen, vì sáng hay tối trước khi đi ngủ, sau khi bố đánh răng xong đều nặn sẵn kem đánh răng lên bàn chải cho cô con gái rượu.

Là con gái duy nhất trong nhà và đã 17-18 tuổi, Đào vẫn không thể tự nấu cho mình một bữa cơm khi bố mẹ vắng nhà đột xuất. Nhiều lúc Đào tâm sự với tôi không phải do mình không muốn nấu mà hễ tỏ ý muốn cùng mẹ hoặc cô giúp việc làm bếp là lại bị can ngăn: “Việc của con bây giờ là lo học cho tốt, mẹ chẳng cần con biết làm những việc này”.

Lần cả nhóm bạn đến nhà tổ chức tiệc liên hoan, cả nhóm háo hức vào bếp tự tay chuẩn bị thức ăn khi bố mẹ và cô giúp việc đều vắng nhà thì Đào vẫn yên vị trước màn hình tivi xem kênh thời trang nước ngoài. Bạn bè hỏi món đồ gì trong bếp Đào cũng không biết, đến khi hỏi cái tủ lạnh ở đâu thì cô nàng cũng không nhớ rõ là nó được đặt ở nhà dưới hay trên lầu vì nhà rộng quá mà chẳng bao giờ phải vào bếp cả!

Bạn bè giận bỏ ra về vì nghĩ Đào khinh thường mọi người. Còn Đào lại thất vọng về bản thân vô cùng. Bạn muốn thay đổi, muốn thoát khỏi cảnh làm một cô gái đã 17 tuổi vẫn còn được nuôi trong lồng kiếng nhưng hình như tính vô tâm và thói quen an phận được nuông chiều đã ăn sâu thành nếp sống.

“Bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào để hòa nhập, để thay đổi trong khi ba mẹ cứ cố gắng bảo vệ các con trong một căn phòng kín và thả vào rất nhiều gấu bông”?

Đi học thì Đào được đưa đón, hôm nào phụ huynh bận thì gọi sẵn taxi quen chờ trước cổng trường giờ tan học. Về đến nhà thì bố mẹ hoặc cô giúp việc đã bày biện bữa tối chờ. Hôm nào bố mẹ bận quá quên phần cơm tối là cô nàng nhịn ăn luôn, chỉ uống nước và sinh tố để giảm cân. Nhận diện Đào không khó giữa những bạn học cùng trường, áo trắng tinh tươm, mái tóc uốn xoăn sành điệu và luôn kẹp bên mình một chú gấu bông.

Đào chỉ đi cùng hội của mình, vì tất cả bạn bè trong hội phải cùng gia cảnh và được bố mẹ lưu giữ hết địa chỉ hoặc số điện thoại để đảm bảo họ luôn theo sát con gái. Chú gấu bông như một phụ kiện thiết yếu có mặt bên Đào đến khắp mọi nơi, từ trường học, lớp bồi dưỡng buổi tối cho đến những dịp đi mua sắm ở các trung tâm thương mại. Cô bạn có thể am hiểu rất mực xu hướng thời trang, thu đông hay xuân hè, phối đồ sao cho giống phong cách mới nhất của các ngôi sao ở tận các kinh đô thời trang nhưng hỏi hôm nay mẹ mặc áo màu gì ra đường, cô nàng không thể nào nhớ nổi.

Lần đó, sau khi chở Đào đến trường, nhét vào tay bánh bao và hộp sữa xong mẹ đi đến khu nhà trọ cho thuê để thu tiền. Đến chiều thì được bố đón, Đào ăn vội hộp cơm gà bố đưa rồi đến lớp học thêm, tối bố chở về nhà khá trễ nhưng vẫn chưa thấy mẹ về. Gọi điện cho mẹ mãi không được, bố Đào lo cuống cuồng gọi Đào xuống để hỏi áng chừng.

“Nếu bây giờ bố gọi điện báo công an tìm mẹ thì con có nhớ sáng nay mẹ mặc áo màu gì để miêu tả lại không?”. “Làm sao con nhớ được hả bố?” - Đào hồn nhiên trả lời trong lúc mân mê chú gấu bông của mình.

Biết bắt đầu từ đâu?

Trong lớp chúng tôi còn có D.Minh (Q.Tân Bình) - một “anh chàng gấu bông” chính hiệu. Từ nhỏ Minh đã được cha mẹ nuông chiều. Việc duy nhất của Minh là đi học. Những việc trong nhà Minh hoàn toàn không phải động tay động chân. Thương con, ba mẹ Minh chăm sóc con một cách quá mức. Chỉ cần thấy con cảm, sổ mũi một tí hay đơn giản là ho vài tiếng thì ba mẹ sẽ nhanh chóng cho Minh nghỉ học và gọi bác sĩ riêng đến nhà. Gia đình chiều chuộng đến độ nếu Minh nghỉ vào ngày có kiểm tra hoặc thi học kỳ, ba mẹ đều lo cho Minh có thể kiểm tra lại ngay, thậm chí đến nhà... cô giáo để thi học kỳ.

Ba mẹ quan tâm nên Minh được cung cấp dư thừa vật chất ngay từ nhỏ. Minh kể với tôi rằng tiền đi học hằng ngày của cậu có thể đến cả trăm ngàn, từ năm cấp II đã vậy rồi. Mối quan tâm tới con của ba mẹ Minh còn phủ rộng tới hội học sinh ở trường. Luôn nằm trong ban chấp hành các hội phụ huynh, có lần trường cần mua một máy phát điện, cả hội phụ huynh hùn lại chỉ được 20%, còn lại ba mẹ Minh đứng ra chu tất.

Lịch trình một ngày của Minh được giữ nguyên không thay đổi: sáng học trên lớp, trưa ba đón về học thêm, tối tự học và đi ngủ. Minh không được ra khỏi nhà nhiều và chỉ biết con đường từ nhà đến trường. Giờ giấc sinh hoạt, ăn uống của Minh đều theo sát lịch trình của bố mẹ. Mặc dù học lớp 12 nhưng cứ đến 10 giờ tối anh chàng đã phải leo lên giường ngủ, ba mẹ rất lo việc thức khuya có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con trai vốn rất dễ ngã bệnh.

Được bảo bọc như thế nhưng cuộc sống của Minh cũng không hạnh phúc và tròn vẹn như ba mẹ mong muốn. Những hôm liên hoan, hội trại hay cùng lớp đi chơi Minh luôn được ba mẹ chở đi rước về, có hôm ba mẹ còn xin phép được tham gia ngồi một góc chỉ để biết lúc nào Minh cần gì thì có ngay chứ loay hoay đi tìm lại dễ gặp tai nạn! Minh rất hiếm khi được tham gia những chuyến đi xa với lớp vì sợ nguy hiểm. Kế hoạch đi phượt, du lịch một mình dù đã tìm hiểu hết các thông tin qua mạng và lên lịch nhưng vẫn quá xa vời và luôn nhận được sự từ chối gay gắt từ nhị vị phụ huynh.

Ước mơ trở thành một vận động viên thể dục dụng cụ nhưng môn này phải tập luyện nhiều, thường xuyên, cường độ lớn và tuổi thọ của nghề rất thấp nên ba mẹ Minh ra sức ngăn cản. Trong suy nghĩ của ba mẹ, Minh luôn là một đứa con trai quen được chăm sóc, rất dễ ốm và không thể tự lập ngoài vòng tay gia đình. Mỗi lần Minh có ý định “nổi dậy” là lại một lần được bảo bọc kỹ lưỡng hơn. Mọi điều Minh cần đều được ba mẹ sắp xếp cho, đến cả trang phục, gu ăn mặc, tóc tai, anh chàng đều “bị” mẹ chọn hộ.

Minh tâm sự với tôi nhiều và dường như tôi là người “ngoại đạo” duy nhất được ở gần cậu bạn đến như vậy sau bao nhiêu lần bị mẹ cậu điều tra gia cảnh. Tôi hiểu Minh mang tâm lý muốn bùng nổ vì sống quá lâu trong một khuôn khổ kìm kẹp và được đối xử như một chú gấu bông cậu luôn đeo bên cặp. May mắn là Minh không học tính đua đòi của những chàng công tử khác. Nhưng lúc nào Minh cũng nung nấu ý định thoát ly.

Gần nhất là năm lớp 12, phải “làm dữ” với gia đình Minh mới được “cấp phép” tham gia chuyến đi chơi chia tay với lớp mà không có bất kỳ ai đi kèm. Nhưng chuyến đi chơi càng làm cậu thất vọng với bản thân mình hơn khi không đủ sức khuân một cái bàn, xách một thùng nước... nói chi tới ước mơ trở thành vận động viên. Minh nhận ra cơ thể được chăm sóc mọi lúc từ bé này thiếu đủ thứ!

Trong lớp anh chàng thường bị xa lánh. Bạn bè nói Minh “chảnh”, ăn nói ngang tàng và không biết suy nghĩ. Chính bản thân anh chàng cũng thấy khốn khổ khi không biết mình phải làm thế nào để vừa lòng mọi người vì ba mẹ chấp nhận tất cả và chưa bao giờ lớn tiếng la mắng, chỉnh sửa gì cung cách cư xử của mình. Minh đã quen rồi.

Quen với cuộc sống gói gọn trong thế giới của mình, niềm vui của Minh giờ tập trung vào bộ sưu tập manga và gundam (các loại truyện tranh Nhật Bản). Mỗi ngày sau giờ học, Minh miệt mài chơi gundam, xây dựng các mẫu chiến hạm và lủi thủi một mình. Nhưng nếu bỏ các niềm vui đó ra thì Minh làm gì? Không thể tham gia một môn thể thao, không được cho phép làm việc, không có bạn bè túm tụm nói chuyện, giao lưu.

Bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào để hòa nhập, để thay đổi trong khi ba mẹ cứ cố gắng bảo vệ các con trong một căn phòng kín và thả vào rất nhiều “gấu bông”?

__________

Tin bài liên quan:

Thế hệ gối ôm
Gối ôm tròn nhưng cũng có hai mặt
Chỉ nên ăn học, đừng quan tâm việc khác?
Hãy động viên, nhưng đừng làm thay chúng tôi

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận