Đã có thay đổi trong quan niệm về hôn nhân và gia đình

T.H.Q. 30/05/2011 21:05 GMT+7

TTCT - Ở năm số báo thảo luận về chuyện độc thân (tính từ số ra ngày 23-4 đến 22-5-2011) trên TTCT, có thể thấy có ba nhóm quan tâm nhiều tới chủ đề này: nữ giới, trên 30 tuổi và độc thân.

Phóng to
Minh họa: Vũ Đình Giang

Đáng chú ý, khái niệm độc thân hầu như luôn được đề cập như tương phản với việc lập gia đình, bàn về độc thân luôn đi kèm với việc bàn về hôn nhân và gia đình. Nhiều ý kiến nhắc tới những áp lực khác nhau của dư luận xã hội đối với chuyện độc thân. Đây là điều dễ hiểu vì tâm thức xã hội Việt Nam đến nay nói chung vẫn còn cho rằng phải lập gia đình để yên bề gia thất và thân phận phụ nữ “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” có lẽ chưa phai nhạt.

Trong số ý kiến đã đăng, chưa thấy nhiều nguyên nhân phong phú khác khiến người ta chấp nhận cuộc sống độc thân, chẳng hạn có những người tự nguyện không lập gia đình để dấn thân vào các hoạt động xã hội, khoa học hay tôn giáo, cũng có không ít người sở dĩ ở vậy do hi sinh để chăm sóc cha mẹ, nuôi em ăn học... Nhưng bù lại, điều hết sức có ý nghĩa là những câu chuyện được kể bộc lộ cho chúng ta thấy một số thay đổi trong quan niệm về hôn nhân và gia đình.

Nhưng thoạt tiên, chúng ta cần xem lại vài con số. Mặc dù chưa có số liệu khảo sát về hiện tượng độc thân theo đúng nghĩa đang bàn ở đây, nhưng chúng ta có thể thấy trên cả nước tỉ lệ “chưa có vợ/chồng” có xu hướng giảm nhẹ trong 10 năm qua (từ 28,7% năm 1999 giảm còn 25,6% năm 2010), và ở TP.HCM tỉ lệ này không hề gia tăng, vẫn ở mức 35% từ năm 1999 tới 2010 (bảng 1). Từ đó, có thể suy ra rằng đến nay ở TP.HCM vẫn chưa xảy ra xu hướng gia tăng tỉ lệ độc thân như ở các nước phát triển. Thế tại sao lại xuất hiện cuộc thảo luận sôi nổi về chuyện độc thân trên TTCT?

Điều này có lẽ phản ánh một sự chuyển đổi đang diễn ra trong nhân sinh quan và hệ thống giá trị, đặc biệt nơi thế hệ dưới 40 tuổi, tức thế hệ trẻ sinh trưởng thời hòa bình. Giả thiết của chúng tôi là các ý kiến của bạn đọc về chuyện độc thân có thể biểu hiện ít ra ba xu hướng sau đây: (a) hoài nghi về mô hình gia đình hiện thực, (b) giải phóng cá nhân, (c) yêu sách sự bình đẳng giới trong gia đình.

Bảng 1: Tình trạng hôn nhân của dân số từ 15 tuổi trở lên (đvt:%)

Cả nước

TP.HCM

1999

2010

1999

2010

Chưa có vợ/chồng

28,7

25,6

35,6

35,3

Ðang có vợ/chồng

63,4

66,1

56,1

56,1

Góa

6,7

6,7

6,2

5,5

Ly hôn, ly thân

1,2

1,7

2,0

3,0

Hoài nghi về mô hình gia đình hiện thực

Khi phải chứng kiến những cảnh xào xáo hoặc đổ vỡ lứa đôi, chuyện các ông chồng “vô tư lự, không chăm sóc vợ con, nào là có bồ, nhậu nhẹt, dành thời gian cho bạn nhiều hơn cho gia đình” (Hà Giang), những cặp vợ chồng “sống chịu đựng nhau vì con, vì nghĩa, vì trách nhiệm, vì thể diện” (Uyên Lâm) hay kể cả những vụ bạo hành trong gia đình, nhiều người đâm ra hoang mang đến mức có người tỏ ra “dị ứng với hôn nhân” (hienluong72@...) hay “không có niềm tin vào một cuộc hôn nhân hạnh phúc” (hoamantrang_77@...).

Một số bạn đọc cảm thấy quan niệm truyền thống về việc đương nhiên phải lấy vợ lấy chồng như một sự áp đặt vô lý. Nhưng ngoài ra, cũng cần nói thêm một khi những yếu tố thương mại hóa và dịch vụ hóa ngày càng xen vào không gian gia đình, điều này có thể càng khiến người ta đến lúc nào đó cảm thấy hình ảnh về tổ ấm gia đình, tình mẫu tử hay nghĩa phu thê hình như nay đã khác, phai nhạt, không còn sâu đậm như mình tưởng.

Giải phóng cá nhân

Tình yêu lãng mạn

Chúng ta cần tránh một quan niệm đơn giản đồng hóa tình yêu với hôn nhân. Trong lịch sử, quả là một bước tiến lớn lao khi hình thành khái niệm tình yêu lãng mạn để chống lại mô thức hôn nhân vì lợi ích (như môn đăng hộ đối...). Nhưng không nên quên đi kèm với hôn nhân không chỉ có tình yêu mà còn có trách nhiệm, nghĩa vụ, còn có cái nghĩa (tình nghĩa vợ chồng). Vì thế nếu chỉ đề cao tuyệt đối tình yêu lãng mạn trong hôn nhân thì phải chăng sau khi cưới lỡ ra lúc nào đó lại gặp tiếng sét ái tình mới, chẳng lẽ người ta lại buộc phải tuân theo cái “logic của tình yêu” để ly dị người cũ và cưới người tình mới. Và rồi cứ tiếp tục như thế thì sống như vậy mới coi là có hạnh phúc hay sao? [xem Singly, tr.88]

Phần lớn những người bênh vực cho chuyện độc thân đều có học vấn tương đối cao, nghề nghiệp ổn định, đủ tự lập về tài chính. Một trong những biểu hiện của xu hướng khẳng định cá nhân tính là hiện tượng lấy vợ lấy chồng ngày càng trễ hơn. Bây giờ không còn là thời “lấy chồng từ thuở mười ba, đến năm mười tám thiếp đà năm con”.

Trên cả nước, tuổi lập gia đình trung bình nơi nam giới có xu hướng gia tăng, từ 24,5 tuổi năm 1989 lên 26,2 tuổi năm 2010, còn nơi nữ giới không tăng (bảng 2). TP.HCM là nơi có tuổi lập gia đình trễ nhất trong cả nước: năm 2010, tuổi trung bình kết hôn lần đầu là 28,5 tuổi đối với nam và 24,8 tuổi đối với nữ.

Có độc giả thấy sợ cảnh “chim lồng cá chậu” hay “nô lệ” của “mấy đứa bạn vợ con đùm đề” (hienluong72@...). Một nữ độc giả tâm sự “hạnh phúc là không bị ràng buộc, vướng bận hay lo toan nên tôi không kết hôn” (phucan1978@...), “hạnh phúc khi được là chính mình” (Trân Châu) hay theo lời một bạn đọc khác “độc thân là tự do”, là “muốn làm việc gì không cần hỏi ai, đi đâu không cần xin phép”, bởi lẽ cưới vợ giống như “ván đóng thuyền, mất hết tự do” (Đặng An).

Nhưng cũng có hai độc giả thú thật ngại “phải xách cái giỏ nhựa len lỏi trong chợ hoặc rúm ró rửa chén lau nhà” (hienluong72@...), sợ “đủ thứ lo, đủ thứ ràng, thứ buộc của một gia đình” (Đặng An). Đáng chú ý, cả hai bạn đọc này đều thuộc giới mày râu và đều ở tuổi “băm”. Hình như khi người ta càng... trẻ thì càng dễ lấy vợ lấy chồng (vì điếc không sợ súng?!), còn để tuổi càng lớn càng hay hồ nghi và ngại ngùng!

Nét nổi bật của một xã hội khi chuyển sang thời hiện đại là xu hướng giải phóng cá nhân, khởi sự từ các tầng lớp trung lưu. Lúc này, con người muốn thoát ra khỏi những ràng buộc của các mối quan hệ cổ truyền (đồng tộc, đồng hương...) để xác lập cái tôi như là một cá nhân tự chủ, tự lập. Ý thức đề cao giá trị gia đình dần dà giảm bớt, tuy không bao giờ mất hẳn, để nhường chỗ cho ý thức coi trọng giá trị tự do cá nhân.

Độc thân tự nó không phải là một giá trị, nhưng là phương tiện để khẳng định một giá trị khác với nó - trong bối cảnh đang bàn ở đây là để xác lập sự tự do của cái tôi, chứ không phải để phủ nhận giá trị gia đình.

Bảng 2: Tuổi trung bình kết hôn lần đầu (đvt: tuổi)

Năm

Cả nước

Thành thị

Nông thôn

Nam

Nữ

Nam

Nữ

Nam

Nữ

1989

1999

2009

2010

24,5

25,4

26,2

26,2

23,2

22,8

22,8

22,7

...

27,5

27,7

27,8

...

24,4

24,4

24,3

...

24,5

25,6

25,6

...

22,1

22,0

21,9

Đòi hỏi sự bình đẳng giới trong gia đình

Ý kiến bạn đọc còn cho thấy một yêu sách bức xúc về sự bình đẳng giới trong mối quan hệ lứa đôi. Đáng chú ý, cả hai ý kiến đề cập điều này đều rơi vào hai nữ độc giả. “Bất kỳ ai muốn rước tôi về đều sắp sẵn “âm mưu” biến tôi thành một người đàn bà suốt ngày đầu tắt mặt tối trong bếp với cái nồi, cái chổi, ngóng chờ và hầu hạ ông chồng như một quý ông” (Thạch Thảo).

Trên nguyên tắc thì từ lâu xã hội đã đề cao sự bình đẳng và tôn trọng nhau trong hôn nhân, nhưng thực tế phải nhìn nhận vẫn còn khoảng cách khá xa. Nếu quan niệm tự do luyến ái và tự do hôn nhân được cổ xúy từ thời Tự Lực Văn Đoàn những năm 1930, thì ngày nay điều cần ghi nhận là chính giới trẻ chứ không phải lớp đàn anh ngày càng ý thức và nhấn mạnh quan niệm nam nữ bình quyền cả trong hôn nhân lẫn trong gia đình.

Anthony Giddens, nhà xã hội học Anh, từng nói sau quá trình dân chủ hóa đời sống công cộng vốn chủ yếu xuất phát từ đàn ông, bây giờ người ta bắt đầu chứng kiến quá trình dân chủ hóa đời sống đôi lứa riêng tư, trong đó phụ nữ là tác nhân chính [xem Dagenais, tr. 236].

Thật ra đối với đa số, độc thân chỉ là một giai đoạn tạm thời vì ai cũng “mong muốn và khao khát lập gia đình”, chỉ có điều chưa gặp người mà mình “có cảm xúc thật sự mà thôi” (Tố Oanh). Số liệu chung của cả nước vào năm 2009 cho biết kể từ nhóm tuổi 35 trở lên, tỉ lệ chưa lập gia đình giảm chỉ còn xấp xỉ 5-6%.

Do vậy, bàn về độc thân có lẽ cũng chỉ là một việc “tạm thời”, vì phần lớn độc giả từng bảo vệ “chủ nghĩa độc thân” rồi cũng sẽ có ngày lên xe hoa. Nhưng cuộc thảo luận “tạm thời” này lại thật sự đáng trân trọng vì là cơ hội để chúng ta cùng nhau nhận diện một số xu hướng xã hội sâu xa, từ đó có thể giúp chúng ta hiểu được tương lai và thay đổi tương lai nếu chúng ta muốn.

Tin bài liên quan:

Tôi chưa muốn bị ràng buộc
Tôi sợ mình thiếu chín chắn
Tôi không tin vào cuộc hôn nhân hạnh phúc
Đừng bắt đầu nếu chưa chuẩn bị...
Kết hôn hay sống một mình?

__________

- Daniel Dagenais, La fin de la famille moderne. Signification des transformations contemporaines de la famille, Les Presses de l'Université Laval, 2000.
- François de Singly, Sociologie de la famille contemporaine, Paris, Ed. Nathan, 1993.
- Tổng cục Thống kê, kết quả tổng điều tra dân số các năm 1989, 1999 và 2009.
- Tổng cục Thống kê, Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình 1-4-2010: các kết quả chủ yếu, Hà Nội, 2-2011.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận