​“Tị nạn khí hậu”

QUANG THÁI 04/12/2014 22:12 GMT+7

TTCT - Năm 2012 thế giới có 32,4 triệu người tị nạn khí hậu, nhiều gấp đôi năm 2011. Từ năm 2008-2012, Tổ chức Di dân quốc tế ước tính có 143,9 triệu người tị nạn khí hậu.

Chính phủ Maldives từng phải lặn xuống biển họp nội các để cảnh báo tình trạng nước biển nhấn chìm đảo quốc này - Ảnh: urbantimes.co

Tình trạng nước biển dâng cao sẽ khiến hàng triệu người ra đi. Có 2/3 dân số thế giới sống cách bờ biển chưa tới 200km và 30/50 thành phố lớn nhất thế giới nằm dọc bờ biển.

Đó là vài số liệu trong quyển Le réfugié climatique: Un défi politique et sanitaire (Người tị nạn khí hậu: thách thức chính trị và sức khỏe) của giáo sư Lương Cần Liêm, hiện đang giảng dạy tại ĐH Paris V và Paris XIII. Đó cũng là đề tài hội thảo do Viện Pháp (Institut Francais) tổ chức tại TP.HCM ngày 13-11, nhân tuần lễ “Khí hậu thay đổi... Còn chúng ta?” do Đại sứ quán Pháp và các đối tác tổ chức. 

Những rủi ro liên quan đến sức khỏe

“Khi viết quyển sách này, tôi xuất phát từ thực tế tại Pháp liên quan đến việc tiếp đón những người tị nạn đến từ Bangladesh, Pakistan. Những người này tự cho mình là tị nạn chính trị xuất phát từ việc chính quyền sở tại không quan tâm đến họ bằng chính sách nào đó sau những tai ương do biến đổi khí hậu gây ra khiến họ bị mất đất đai, nhà cửa, dù trong thực tế họ chỉ là những người tị nạn khí hậu” - giáo sư Liêm nói.

Theo định nghĩa của Tổ chức Di dân quốc tế, di dân môi trường là những người hoặc nhóm người chủ yếu vì những lý do gắn liền với sự biến đổi môi trường một cách đột ngột hoặc tịnh tiến, tác động bất lợi đến cách sống hoặc điều kiện sống của họ, buộc phải rời bỏ nhà cửa, chủ động ra đi tạm thời hoặc vĩnh viễn trong lãnh thổ của họ hay rời khỏi quốc gia.

Tổ chức Di dân quốc tế chỉ mới có định nghĩa về di dân môi trường (xem box) mà chưa thừa nhận đối tượng này như dạng tị nạn chính trị theo công ước năm 1951.

Việc không xác định được quy chế về mặt pháp luật, theo giáo sư Liêm, sẽ khiến người tị nạn khí hậu chịu nhiều thiệt hại trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng tác động đến những điều kiện cơ bản trong việc duy trì sức khỏe như nước và không khí không bị ô nhiễm, thức ăn đầy đủ và chỗ cư trú thích hợp.

Hơn nữa, cuộc chiến chống bệnh truyền nhiễm sẽ gian nan hơn vì một số bệnh gây tử vong rất nhạy cảm với khí hậu, nhất là khi thời tiết nóng và mưa nhiều, như thổ tả, tiêu chảy, sốt xuất huyết...

Về lâu dài, những tác động lớn nhất về mặt sức khỏe sẽ gắn liền với sự tích tụ những căng thẳng mà các hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội vốn đã bị quá tải ở các nước đang phát triển sẽ phải đối mặt. Đó là chuyện thiếu hụt nước sạch, giảm năng suất trồng trọt ở một số vùng và mực nước biển dâng cao. Từng thay đổi này có thể dẫn đến những dịch chuyển của người dân và làm tăng nguy cơ xung đột.

Điều hành là phải dự đoán trước

Trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, các nước nghèo bị động hơn, nhất là khi hiện tượng mang tính đám đông. Đó là trường hợp nông dân Mozambique chạy trốn hạn hán di cư sang Zambia năm 1992-1993 và lặp lại vào năm 2013.

Trước ý kiến cho rằng tị nạn khí hậu là chuyện khá xa lạ với người Việt Nam trong bối cảnh họ đang tìm cách thích nghi ở khu vực cư trú và chưa đến mức phải đi tìm nơi khác sinh sống, giáo sư Liêm cho biết:

“Theo tôi, khi biến đổi khí hậu không dẫn đến những thay đổi mang tính đột ngột, về mặt tâm lý đám đông thường người ta không để ý đến. Đây là bài toán về lâu dài của chính quyền và của cả giới khoa học. Một ví dụ vào đầu thế kỷ 20 ở Hà Lan, khi xảy ra nạn vỡ đê làm chết hàng triệu người, lúc đó người dân Hà Lan mới ý thức được mỗi người cần phải làm gì”.

Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu năm 2015 (COP21) sẽ diễn ra ở Paris từ ngày 30-11 đến 11-12-2015.

Giáo sư Liêm cho rằng người ta sẽ đề cập đến việc chính quyền làm mất lòng dân khi ứng phó biến đổi khí hậu bằng những quyết sách mang tính chuyển hướng cho phù hợp, như quy hoạch lãnh thổ và di dời, tăng thuế...

Nhắc đến việc “điều hành là phải dự đoán trước”, giáo sư Liêm cũng lường trước khó khăn của nó vì người dân thường nhìn ngắn hạn theo nghĩa cuộc sống ngày qua ngày.

“Đây là một thách thức về lòng can đảm của các quốc gia nếu họ không làm gì để ngăn chặn thiệt hại về lâu dài. Tôi muốn lưu ý đến trách nhiệm của Nhà nước và cả người dân. Trách nhiệm không có nghĩa là lỗi của ai, ai làm gì và ai không làm gì, mà là mọi người cùng chia sẻ những khó khăn sắp tới” - ông nhấn mạnh trong trao đổi với TTCT.

****************************

Cần tập trung vào những giải pháp "phi công trình"

Gần như cùng lúc với báo cáo của IPCC, Tổ chức nhân đạo và phát triển quốc tế Oxfam đã xuất bản báo cáo “Không thể đợi chờ”, cho thấy các quốc gia châu Á chưa chú trọng đúng mức công tác giảm nhẹ rủi ro thảm họa.

Một năm sau siêu bão Haiyan ở Philippines, chính phủ các nước như Bangladesh, Việt Nam, Indonesia, Pakistan và Philippines được Oxfam kêu gọi “đầu tư nhiều hơn cho việc nâng cao năng lực bảo vệ người dân”. Bà Vũ Minh Hải, quản lý chương trình xây dựng năng lực thích ứng với rủi ro thiên tai và khí hậu của Oxfam, trả lời TTCT quanh báo cáo này.

* TTCT: Báo cáo Oxfam nói chính quyền địa phương các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, “thường không thể cung cấp cho người dân những công cụ cần thiết để chuẩn bị, ứng phó và phục hồi sau thiên tai”. Bà có thể nói rõ hơn về mức độ chuẩn bị đối phó của Việt Nam, vì sao công tác quản lý và phối hợp chưa được như yêu cầu?

- Chính phủ Việt Nam đã thực hiện tích cực và hiệu quả công tác ứng phó khẩn cấp. Cụ thể khi cơn bão Haiyan hình thành, việc theo dõi và cảnh báo bão đã được tiến hành chặt chẽ. Người dân các vùng ven biển đã được sơ tán đến nơi an toàn. Tuy nhiên, việc chuyển tải thông tin thành những thông điệp dễ hiểu, dễ làm theo và kịp thời đến người dân ở vùng nguy cơ cao vẫn cần được cải thiện.

Về mặt văn bản pháp luật cho công tác phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và các chương trình quốc gia liên quan thì Việt Nam là một nước có sự chuẩn bị khá đầy đủ. Việc nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cũng đã được đưa vào luật. 

Mặc dù vậy, việc thực hiện các văn bản pháp luật này ở cấp cơ sở, đặc biệt là cấp xã, vẫn còn khá hạn chế do chưa được phân bổ ngân sách một cách thỏa đáng. Công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu mặc dù có mối liên quan mật thiết với nhau nhưng hiện tại vẫn được giao cho hai cơ quan khác nhau phụ trách trong khi chưa có cơ chế điều phối, hợp tác hiệu quả. 

* Báo cáo 2014 của IPCC nêu ba vùng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Cùng với việc chuẩn bị chưa tốt để ứng phó thiên tai, liệu đe dọa biến đổi khí hậu cộng hưởng sẽ dẫn tới các hiểm họa nào đáng sợ nhất đối với Việt Nam? 

- Biến đổi khí hậu sẽ làm tăng cường độ và số lần xảy ra bão, lũ lụt, mực nước biển dâng, triều cường, đồng thời sẽ gây ra các sự kiện thời tiết cực đoan như hạn hán hoặc rét đậm rét hại kéo dài, lượng mưa thất thường...

Nếu các sự kiện này xảy ra trên diện rộng với cường độ cao hoặc đồng thời xảy ra ở các địa bàn khác nhau trên cả nước, nơi người dân chưa được chuẩn bị đầy đủ hoặc thiếu kinh nghiệm giảm nhẹ rủi ro thiên tai, phòng ngừa và ứng phó khi thiên tai xảy ra thì thiệt hại nghiêm trọng sẽ khó có thể lường hết được.

Tình huống đáng sợ có thể xảy ra là một trận siêu bão hoặc siêu lũ xảy ra ở các khu vực đô thị đông dân cư hoặc các siêu bão, lũ xảy ra liên tục tàn phá cùng một địa bàn thì khả năng khôi phục sẽ vô cùng khó khăn. Đó là chưa kể các loại dịch bệnh có thể xảy ra cùng thời điểm. 

Vì vậy việc hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng, vật chất và phương tiện cho người dân tự bảo vệ đời sống và sinh kế của họ là rất quan trọng.

* Trong điều kiện nguy cơ kép đó, giải pháp nào cần là ưu tiên số 1 cho một quốc gia còn nhiều khó khăn như Việt Nam?

- Việt Nam còn có nhiều khó khăn về các nguồn lực, vì vậy cần tập trung nhiều hơn nữa vào các giải pháp phi công trình, nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu cho người dân trong các cộng đồng dễ bị tổn thương vì họ chính là những người sẽ chịu tác động trực tiếp, đồng thời ứng phó đầu tiên khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.

Việc phân bổ ngân sách cần cân bằng hơn cho các giải pháp công trình và phi công trình tùy thuộc vào đặc điểm, điều kiện của từng địa phương và chú ý đến việc chuẩn bị ở cấp cơ sở hơn. Ví dụ đẩy mạnh sự tham gia của người dân, thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong công tác lập kế hoạch, ra quyết định và thực hiện các kế hoạch phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả các cấp.

Cần có cơ chế điều phối rõ ràng và vận hành hiệu quả cho các cơ quan nhà nước, khối tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự để đẩy mạnh hiệu quả của công tác này.

TTCT thực hiện

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận