Biến đổi khí hậu: “Số liệu của mình loạn xì ngầu hết trơn”

TTCT - TP.HCM đang bị lún rất nhiều mà chưa biết nguyên nhân, tình trạng lún này ảnh hưởng rất lớn đến cơ sở hạ tầng.

Một người dân té ngã do mưa ngập trên đường Tân Hóa, Q.6, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa

Các công ty cấp nước và công ty thoát nước cũng bị ảnh hưởng nặng vì lún như vậy sẽ làm gãy đường ống và tăng lượng nước rò rỉ. Chúng tôi xác định có mấy vấn đề lớn của biến đổi khí hậu: thứ nhất là biến đổi nhiệt độ ngày càng cao; thứ hai là mưa lớn và các hiện tượng khí hậu khắc nghiệt gây cực đoan; thứ ba là ngập lụt. Ba vấn đề này liên quan tới tất cả các ngành kinh tế. 

Có rất nhiều khó khăn mà giờ tôi cũng không biết thứ tự ưu tiên. Nói gì thì nói, vẫn là vấn đề con người. Chúng tôi thiếu toàn bộ lực lượng về con người. Càng là cơ quan quản lý nhà nước thì trình độ chuyên môn về vấn đề này càng kém, tôi khẳng định.

Vì sao? Vì hầu hết cán bộ ở đây mới ra trường, ai đã làm một thời gian thì toàn xử lý giấy tờ, về chuyên môn hầu như không biết. Trong khi đó, hợp tác với các sở ban ngành, các viện nghiên cứu, các công ty thì rất lỏng lẻo. Chúng ta không học được cái gì là win-win (tất cả cùng thắng) mà cứ mạnh ai nấy làm, từ trên xuống đều như vậy cả. 

Ở TP.HCM chúng tôi lập ra ban chỉ đạo chống biến đổi khí hậu. Khi tìm cán bộ, chúng tôi đặt ra ba tiêu chuẩn: trẻ (để làm nhiều hơn), có chuyên môn và có tiếng Anh. Nhưng kiếm được người rất khó.

Chất lượng nhân sự là vấn đề phải khắc phục, nếu không thì ngay cả chính sách cũng không thể làm. Vấn đề tiền bạc cũng rất khó. Hiện nay chúng tôi có nhiệm vụ phải đi kiếm tiền, có nhiều đơn vị sẵn sàng cho vay nhưng vấn đề là kiếm đâu tiền để trả. 

Tiếp đó là vấn đề kỹ thuật. Nhìn qua tưởng lực lượng khoa học của mình mạnh nhưng thật ra không mạnh, tính ứng dụng rất ít. Với kinh phí khoa học hiện nay chỉ đủ để đội ngũ cán bộ tồn tại, không giúp họ phát triển hay nghiên cứu được. Đấy cũng là thách thức lớn. 

Chúng tôi còn gặp rất nhiều khó khăn về lấy số liệu. Số liệu của mình loạn xì ngầu hết. Hiện nay theo tôi biết, chỉ có hai nơi làm rất đúng là công ty điện lực và công ty cấp nước bởi họ có đồng hồ. Những nơi khác thì kinh hồn, số liệu tháng trước mâu thuẫn với số liệu tháng sau.

Giống như có người đã nói báo cáo các năm thì chỉ thay đổi tên năm, còn nội dung báo cáo vẫn đúng như cũ từng chữ, từng dấu phẩy một. 

“Nước ở Việt Nam quá rẻ, rẻ một cách vô lý” - cố vấn về biến đổi khí hậu UNDP Koos Neefjies tại hội thảo về biến đổi khí hậu vừa diễn ra ở Cần Thơ từ ngày 19 đến 21-11 nói.

Theo ông, giá nước ở Việt Nam hiện chỉ bằng 1/4 của Malaysia và cách Chính phủ trợ giá gián tiếp hay trực tiếp như hiện tại sẽ không thể tạo điều kiện cho tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực nước. 

Năm 2011 từng có vài trường hợp hệ thống lấy nước ở TP.HCM bị gián đoạn vài giờ do nước sông Sài Gòn có độ mặn quá mức cho phép. Nguy cơ gián đoạn nguồn cung cấp nước ở Việt Nam là khá cao khi các công ty cung cấp nước thường chỉ có trữ lượng nước qua xử lý đủ cho một ngày (phần lớn là ít hơn). 

Ông Lê Văn Tuấn, cố vấn trưởng của Bộ Xây dựng, cảnh báo nhu cầu nước của bảy tỉnh ở khu vực sông Hậu có thể thiếu tới 800.000 m3/ngày vào năm 2020 và đưa ra đề xuất của bộ về việc xây hai nhà máy cấp nước liên vùng khổng lồ ở ĐBSCL để cung cấp cho bảy tỉnh này.

Đề xuất này khiến nhiều chuyên gia lo ngại vì cho rằng việc xây một dự án quá lớn, tập trung như vậy sẽ mang tính rủi ro rất cao.

Tình trạng ngập ở thành phố là một chuyện nghiêm trọng, có thể diễn ra cả ở TP.HCM và Cần Thơ vì những lý do rất giống nhau. Ở TP.HCM là sông Sài Gòn, ở Cần Thơ là sông Hậu. Cả hai thành phố đều rất gần biển, cốt nền không cao.

Có ba lý do căn bản gây ngập: thứ nhất, nước biển dâng (cả TP.HCM và Cần Thơ đều có thể thấy điều này); thứ hai là sự thay đổi dòng nước từ thượng nguồn; thứ ba - điều mà ta hay quên - là lượng mưa ở thành phố, đặc biệt tại TP.HCM, đang ngày càng mở rộng.

Có nghiên cứu gần đây cho thấy khi thành phố mở rộng sẽ có hiện tượng “urban heat island” (đảo nhiệt thành thị) - thành phố trở nên nóng hơn. Khi đó sẽ có rất nhiều vấn đề, nhưng đầu tiên là tình trạng mưa có thể diễn ra nhiều hơn, thành phố có thể chịu nhiều mưa, dông hơn và tiếp đến sẽ có nhiều trận ngập cục bộ hơn.

GS Assela Pathirana

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận