​Đi tìm những lựa chọn “không hối tiếc”

ANH NGUYỄN thực hiện 01/12/2014 13:12 GMT+7

TTCT - Giáo sư Assela Pathirana, chuyên gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) và quản lý nước của Viện nước ĐH UNESCO-IHE (tại Delft, Hà Lan), trao đổi với TTCT.

Ông Assela Pathirana - T.Tuấn

Dự đoán của Bộ Xây dựng về việc thiếu tới 800.000m3 nước/ngày tại bảy tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2020, những tranh cãi về ưu tiên giải pháp cứng (xây công trình) hay giải pháp mềm cho chương trình ứng phó BĐKH... dấy lên những thảo luận sôi nổi tại Cần Thơ tuần qua giữa các chuyên gia Việt Nam, Hà Lan và Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP).

* Quan điểm về ứng phó BĐKH rõ ràng còn rất khác nhau tại hội thảo lần này? 

- Giáo sư Assela Pathirana: Thích ứng BĐKH là lĩnh vực thật sự mới. Trong lịch sử, nhân loại chưa bao giờ có kinh nghiệm đối phó với hiện tượng bất thường này. Chúng ta phải vừa tiếp tục sống vừa sáng tạo (cách đối phó), phải hiểu các quy luật của cuộc chiến này. Điều rất quan trọng là giữ cân bằng giữa kiến thức mới của khoa học với kinh nghiệm đối phó trong lịch sử. 

Nhìn vào quá trình phát triển các thành phố, đặc biệt các thành phố châu Âu suốt 200 năm qua, cách họ phát triển từ thị trấn nhỏ trở thành các thành phố lớn (megacity) sẽ thấy họ đã gặp rất nhiều vấn đề tương đồng với những gì chúng ta đối mặt, chúng ta có thể học từ họ.

Ví dụ, khoảng 100 năm trước, các kênh rạch trong thành phố Delft - nơi tôi đang sống - rất bẩn, hôi thối nhưng giờ rất sạch sẽ. Những kinh nghiệm chuyển mình như thế có thể cho ta bài học nhất định về đối phó BĐKH. 

* Một trong những điều gây chú ý cho tôi là việc các diễn giả nhắc nhiều tới cách tiếp cận “không hối tiếc”. Xin ông giải thích kỹ hơn về cách tiếp cận đó? 

- Một ví dụ kinh điển chúng tôi hay đưa ra là: nếu anh có bãi đỗ xe lớn ở thành phố, khi làm nghiên cứu khả thi, anh biết rằng sẽ cần bãi xe khoảng sáu tầng là đủ đáp ứng nhu cầu đặt ra.

Nhưng vấn đề là trong tương lai có thể sẽ có ít hay nhiều khách hơn so với dự tính, vì thế hoặc là anh rơi vào tình trạng xây rồi mà bãi đỗ trống nhiều quá (lãng phí nguồn lực) hoặc là xây không đủ chỗ và khách hàng bỏ đi chỗ khác (tính toán không đủ).

Vậy thay vì xây bãi đỗ sáu tầng, anh sẽ xây cái móng chịu được cho tám tầng và chỉ xây lên bốn tầng. Với cách đó, anh đón khách được mà vẫn có dư địa để có thể xây thêm tùy tình hình thực tế. 

Với BĐKH cũng vậy, các giải pháp “không hối tiếc” hay “ít hối tiếc” có nghĩa là những giải pháp mở, linh động để đối phó.

Với những giải pháp linh động sẽ luôn cần phải đầu tư thêm (như việc xây móng bãi đỗ xe) nhưng nếu nhìn tổng thể, việc đầu tư là chi phí để tạo thêm khả năng cho chúng ta có thể thay đổi, thích nghi sau này.

Các chuyên gia Hà Lan và UNDP tới thị sát cống Láng Thé, nơi đang được dự định sử dụng để trở thành hồ trữ nước lớn ở Trà Vinh - Ảnh: T.Tuấn

* Sự linh động với các công trình xây dựng là có thể, nhưng với các công trình chống BĐKH thì điều này đâu dễ? 

- Thành phố Cần Thơ đang có kế hoạch xây dựng hệ thống đê quanh thành phố vì nếu không xây, tình trạng ngập lụt sẽ còn tệ hơn giờ rất nhiều. Chính quyền đã đưa ra kế hoạch xây dựng với độ cao nhất định rồi, nếu tôi không nhầm là 2,4m cao hơn so với mực nước biển.

Nhưng gần đây khi tôi và các chuyên gia sử dụng những biện pháp giả lập tính toán thì thấy hệ thống 2,4m này nếu xây trong vòng năm năm sẽ bị lạc hậu ngay lập tức. Mức đê này là không đủ.

Mặt khác, Ngân hàng Thế giới có kế hoạch xây đê ở mức 2,7m. 2,4m với 2,7m không khác nhau mấy nhưng về mặt chi phí thì rất nhiều. Thiết kế của Ngân hàng Thế giới dù đắt hơn nhưng có thể duy trì lâu hơn, có thể 20-30 năm mà không có vấn đề gì khi BĐKH xảy ra theo kịch bản dự đoán hiện nay.

Nên thay vì chọn một trong hai dự án, chúng ta có thể xây 2,5m hay 2,6m, xây theo kiểu 15-20 năm nữa nếu BĐKH thay đổi khắc nghiệt hơn dự đoán, chúng ta vẫn có thể xây nâng cấp. Đây là cách thích ứng theo kiểu “ít hối tiếc”. 

Các chuyên gia của UNDP nói giảm đói nghèo là cách ứng phó với BĐKH. Tôi hoàn toàn đồng ý vì đây là ví dụ khác của cách tiếp cận “không hối tiếc”. Giảm đói nghèo là việc anh phải làm dù có BĐKH hay không. Khi anh cải thiện đời sống người dân, họ có nhiều nguồn lực, nhiều điều kiện hơn thì sẽ có khả năng thích ứng cao hơn, tính kiên cường lớn hơn.

Tiếp cận “không hối tiếc” là anh làm những việc mà anh buộc phải làm, có thể giúp ích nhiều hơn chỉ cho một khía cạnh. 

Tình trạng sụt lún là vấn đề cực lớn. Tôi luôn nói: biển đang lao về chúng ta trong khi chúng ta giúp điều đó bằng cách lao vào biển. Biển thì dâng còn nền đất đang sụt lún, vấn đề này diễn ra ở nhiều nơi, kể cả ở Hà Lan. Về tổng thể, chúng ta đối mặt với một tình huống vô cùng phức tạp và khó xử lý

* Nhiều giải pháp đề cập việc xây dựng các dự án công trình. Các chuyên gia tôi gặp lại ủng hộ nhiều hơn các biện pháp “mềm” như thay đổi cách người dân xây dựng, sinh sống...

- Tôi hiểu cả hai phía. Tại sao ở đây mọi người lại quan tâm nhiều đến các dự án công trình vậy? Đơn giản là vì các bạn chưa có đủ công trình (để chống thiên tai, thay đổi khí hậu). Ở Cần Thơ chẳng hạn, chỉ có khu trung tâm, quận Ninh Kiều là có hệ thống thoát nước, nhưng kể cả hệ thống này cũng không đủ đáp ứng cho nhu cầu hiện tại.

Hệ thống cung cấp nước, chất lượng nước thì thấp và rất nhiều vấn đề. Nên trên khía cạnh công trình vẫn cần xây rất nhiều ở đây. Khó trách những người ủng hộ giải pháp công trình. Ở các nước châu Âu cách đây 50-60 năm, họ cũng chỉ nói về công trình.

Bây giờ khi đã có đủ hạ tầng để đối phó với tình hình thì họ nghĩ nhiều hơn tới các biện pháp mềm. Khi đã nướng xong bánh thì anh có thể nghĩ tới việc thêm đường hay kem ở phía trên. Ở Việt Nam, các bạn vẫn chưa nướng cái bánh cơ mà.

Ở góc độ khác, các nước từng làm những đại công trình và nhận ra đã mắc rất nhiều sai lầm, giờ họ tìm cách sửa chữa. Các bạn đi sau nên có thể tránh các lỗi đó. Các chuyên gia ủng hộ giải pháp mềm có cái lý của họ ở chỗ: chúng ta cần nghĩ xa hơn là chỉ những giải pháp hạ tầng.

Quan điểm của tôi là đừng bác bỏ giải pháp công trình và cũng đừng bác bỏ các giải pháp mềm. Cần cân bằng cả hai cách tiếp cận này. Bạn có nói hay thế nào về giải pháp mềm mà không có hệ thống thoát nước chẳng hạn thì nghĩa là bạn thiếu hạ tầng của thành phố, thiếu một phần quan trọng của hệ thống. 

Một số chuyên gia nói với tôi rằng họ nghi ngờ về dự án hai nhà máy nước khổng lồ mà Bộ Xây dựng đề xuất ở ĐBSCL. Quan điểm của ông thì sao? 

- Một mặt tôi thông cảm việc chính quyền cố gắng làm gì đó, không hành động gì không thể là lựa chọn của chúng ta. Mặt khác, lo lắng của các chuyên gia là có cơ sở khi chúng ta xây các dự án quá lớn, quá tập trung. Tính tổn thương của dự án vì vậy sẽ rất cao và thiếu tính linh động.

Thay vì xây dựng một dự án khổng lồ thì họ có thể xây 10 hệ thống nhỏ và linh động hơn, sẽ không cần phải vận chuyển nước từ quá xa. Với dự án khổng lồ (của Bộ Xây dựng), sẽ phải xây hệ thống ống lớn và dài, cùng với thời gian nó có thể vỡ và gây thất thoát.

Với hệ thống lớn vậy lúc đó sẽ rất khó xác định chính xác sự cố ở đâu. 

Đâu là lo lắng lớn nhất của ông liên quan tới vấn đề BĐKH? 

- Lo lắng lớn nhất của tôi là các bạn có quá nhiều kế hoạch tổng thể, rất nhiều dự án... Vì có quá nhiều nên chỉ nhìn vào các dự án đã thấy khó hiểu và đôi khi chồng chéo, đi ngược nhau. Kể cả với những dự án đã có, anh có biết chắc dự án nào sẽ được triển khai, phần nào của dự án sẽ được triển khai? Có quá nhiều điều không chắc chắn về chính sách và đó là mối lo thật sự. 

Đại diện của sứ quán Hà Lan đã nói vấn đề lớn nhất ở ĐBSCL là về điều hành nhà nước, sự chồng chéo của các cơ quan ban ngành. Nếu nhìn vào hệ thống chính sách ở đây, bạn sẽ thấy nó quá phức tạp và không rõ ràng. Có quá nhiều tầng lớp chính sách khác nhau.

Hơn thế, ngay cả khi chính sách thông qua rồi thì cũng không có gì đảm bảo nó sẽ được thực hiện. 

Ông đề cập nhiều đến sự mở rộng nhanh chóng của các thành phố gây áp lực lên hệ thống cung cấp nước ở Việt Nam. 

- Trong vòng 4-5 năm qua, chúng tôi đã tiến hành nhiều nghiên cứu về vấn đề này ở các thành phố, đặc biệt là sự thay đổi trong những năm vừa qua. Nhìn kết quả ở các thành phố như Bắc Kinh hay Dhaka thì rất đáng sợ.

Cần Thơ cũng thay đổi rất nhanh. Khi thành phố mở rộng, các vấn đề cũng phức tạp hơn, từ cung cấp nước, thoát nước đến ngập và các vấn đề môi trường... Chúng ta hay quên là khi thành phố càng phát triển nhanh thì các khu nhà ổ chuột ở đây cũng phình ra nhanh chóng nếu ta không làm gì đó. Đó sẽ trở thành vấn đề rất lớn.

Hãy nhìn thành phố lớn như Mumbai (Ấn Độ) với khu ổ chuột lớn nhất thế giới cùng tình trạng nghiêm trọng về môi trường, xã hội... Tất cả vấn đề này đều cần phải dự đoán. 

Xin cảm ơn ông.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận