Đừng cột nhau bằng quy định

LÊ THANH HÀ THỰC HIỆN 30/10/2014 01:10 GMT+7

TTCT - Chuyển dịch lao động chất lượng cao trong ngành y để lại rất nhiều tâm tư.

ThS.BS Bùi Quang Đi (Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn) tự tay tháo dép cho một bệnh nhân lỡ mang dép khi nằm lên giường khám - Ảnh: Quang Định
ThS.BS Bùi Quang Đi (Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn) tự tay tháo dép cho một bệnh nhân lỡ mang dép khi nằm lên giường khám - Ảnh: Quang Định

 Theo bác sĩ Phan Thanh Hải - chủ tịch Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM, giám đốc Trung tâm chẩn đoán y khoa Medic, chuẩn hóa nghề bác sĩ và để họ được quyền hành nghề ở bất cứ nơi nào, chỗ nào, công hay tư trên lãnh thổ VN là lối ra cho vấn đề này.

Bác sĩ Hải nói: “Tôi đã làm việc 25 năm ở một cơ sở y tế tư nhân là Trung tâm Medic và có rất nhiều trăn trở về việc này. Theo xu thế phát triển, y tế tư nhân dần phát triển mạnh lên để gánh đỡ nhiều hơn cho y tế công, Nhà nước giảm dần gánh nặng ngân sách y tế, y tế công tập trung lo những vấn đề như phòng ngừa bệnh tật, môi trường, dịch bệnh...

Ở VN, y tế công vẫn giữ vai trò chủ đạo, dùng nguồn ngân sách nhà nước rất lớn nhưng phải trang trải rất nhiều việc, nên việc nào cũng không ra đâu vào đâu”. 

* Sự chuyển dịch nhân lực từ y tế công ra tư đã và vẫn đang diễn ra mạnh mẽ. Theo ông, sự chuyển dịch hiện nay nói lên điều gì?

- Sự chuyển dịch này là bình thường vì số lượng nhân lực của ngành y tế chỉ có bấy nhiêu. Các trường đại học y khoa đang tăng chỉ tiêu đào tạo bác sĩ, phần lớn số bác sĩ khi ra trường đều đi qua hệ thống y tế công, sau đó mới sang y tế tư.

Với y tế tư nhân, nhân lực là vấn đề cốt lõi để phát triển nên phải dựa vào y tế công mà chia sẻ nguồn nhân lực này. Tôi cho rằng đây là quy luật của sự phát triển. Nhưng bản chất sự chuyển dịch này đang thay đổi.

Nguyên nhân là các bác sĩ lại thích mô hình “hành nghề kép” hơn, coi đây là mô hình tốt nhất hiện tại vì vừa an toàn vừa hiệu quả kinh tế cao nên họ không tội gì rút chân khỏi hệ thống y tế công.

Đây cũng chính là vấn đề làm hệ thống tư không phát triển được vì không có nguồn nhân lực là những bác sĩ có năng lực, có kinh nghiệm. 

* Ông nghĩ sao trước ý kiến về cách quản lý và sử dụng bác sĩ giỏi ở bệnh viện công còn nặng “mối quan hệ”, biết lấy lòng sếp mới được cất nhắc. Người giỏi không có cơ hội thăng tiến, không được tạo điều kiện để cống hiến... khiến họ buộc phải rời bệnh viện? 

- Đúng vậy, có. Tôi từng làm 20 năm trong hệ thống y tế công lập, tôi hiểu điều đó vô cùng. Chỗ nào cũng có “luật” riêng của họ, hình thành từ ông giám đốc bệnh viện cho đến trưởng khoa và do cả những quy định bất cập của ngành y tế. 

Y tế tư thì ngược lại, phát triển tài năng nhưng lại vướng những quy định hiện hành về phương diện vĩ mô. Nhiều bác sĩ công nhảy ra y tế tư cứ tưởng là phát triển được nhưng thực tế không phải cứ nhảy qua là mọc cánh, phát triển. Thềm pháp lý đối với y tế tư vẫn còn bị bó buộc rất dữ, không phải kỹ thuật nào bệnh viện tư cũng được phép làm.

Đơn cử quy định phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế làm cho bác sĩ bệnh viện huyện bó buộc vì có những kỹ thuật, thủ thuật không được làm. Bệnh viện tư cũng vậy, anh được xếp vào tuyến nào thì danh mục kỹ thuật chỉ được làm đến đó.

Muốn làm gì cũng phải xin, phải duyệt, phải chờ đợi thẩm định, không giống như một số quốc gia khác, nơi dựa theo những nguyên tắc đơn giản: bác sĩ là ai, đã được huấn luyện chưa, có văn bằng huấn luyện gì, tay nghề thế nào, bác sĩ này làm được kỹ thuật đó không, bệnh viện nơi bác sĩ làm việc có đảm bảo điều kiện an toàn cho bệnh nhân không.

Nếu bác sĩ làm sai, gây biến chứng cho bệnh nhân thì “xử” theo quy định. Thế thôi. Từ những nguyên tắc này, một bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật gan có quyền mổ gan cho bệnh nhân ở bất kỳ bệnh viện nào, miễn bệnh viện đó phải đảm bảo các phương tiện phẫu thuật, hồi sức...

Quy định của ta hiện nay là áp đặt, cái gì cũng xin cho và xin cho nên đẻ ra quá nhiều vấn đề. Muốn mổ ghép gan cho bệnh nhân phải chờ hội đồng ghép tạng trung ương đồng ý mới được làm. Cơ chế xin cho đó đã trói buộc cả hai hệ thống y tế công và tư phát triển. 

Bác sĩ Phan Thanh Hải - Ảnh: L.Th.h.
Bác sĩ Phan Thanh Hải - Ảnh: L.Th.h.

* Nếu bác sĩ giỏi bỏ ra ngoài vì có thu nhập cao, dẫn đến sự bất công bằng y tế là người giàu được hưởng dịch vụ tốt, được chăm sóc sức khỏe bởi bác sĩ giỏi, thì ở bệnh viện công sẽ ngược lại?

- Công bằng mà nói, người có tiền sẽ được hưởng những điều kiện tốt hơn. Nhưng ông giám đốc bệnh viện tư có thể là vì lợi nhuận, vì danh dự và sự phát triển bệnh viện của họ phải trả lương cao cho bác sĩ giỏi để kéo họ về bệnh viện mình cũng là chuyện sòng phẳng.

Để tránh chuyện mất công bằng này, tôi cho rằng Nhà nước phải có cơ chế để giữ nguồn nhân lực của mình chứ đừng “trói” họ. Phải để bác sĩ được hoạt động tự do ở cả y tế công và tư để họ phục vụ cả người giàu và người nghèo.

Tôi nghĩ một người bác sĩ có lương tâm sống không phải vì đồng tiền hoàn toàn. Bác sĩ đem công sức ra làm ở y tế tư để kiếm tiền là chính đáng mà lại phục vụ được cho cả người giàu để họ khỏi đi nước ngoài khám chữa bệnh, đất nước không mất ngoại tệ mà còn thu được thuế. 

Tôi nghĩ phải cởi mở chuyện này, đừng cho rằng chúng ta có quyền “cột” các bác sĩ trong y tế công như cột con trâu vào gốc cây, chỉ cho đi lòng vòng quanh đó, không cho đi đâu hết là anh quản lý tốt. Không tốt đâu, tất cả thua hết.

Khi con trâu đói thì nó phải tìm cách bứt dây để chạy kiếm sống thôi, khi đó có thể còn nguy hiểm hơn cho người bệnh. 

* Theo ông, đâu là giải pháp để nhân lực cho y tế công và tư cùng phát triển?

- Vì thiếu nhân lực, các trường đại học đang vội vã “sản xuất” ra những bác sĩ non kém một cách ào ạt để giải quyết vấn đề số lượng. Hệ quả của việc này sẽ thấy những năm về sau.

Tôi nghĩ rằng giải quyết vấn đề thiếu nhân lực y tế chất lượng cao phải bằng chất lượng chứ không phải bằng số lượng. Một cái máy tốt, có chất lượng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề hơn là nhiều máy mà máy không tốt, công suất kém. 

Trên thế giới người ta đòi hỏi người bác sĩ tối thiểu phải đạt một chuẩn nào đó chứ không thể ban cho họ cái danh bác sĩ rồi họ muốn làm gì thì làm.

Khi người bác sĩ đã được chuẩn hóa thì phải được quyền hành nghề ở bất cứ nơi nào, chỗ nào, công hay tư trên lãnh thổ VN mà không phải xin phép từng đơn vị, từng địa phương như quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh hiện nay.

Tại Singapore, một bác sĩ làm việc ở bệnh viện tư có quyền làm việc ở bệnh viện công nếu bệnh viện công đó mời bác sĩ này làm, nhân lực của họ được sử dụng ở bất cứ chỗ nào, vấn đề là tư cách pháp nhân và sự chịu trách nhiệm của bác sĩ đó với người bệnh.

Chúng ta đã thiếu nhân lực giỏi lại còn giới hạn môi trường làm việc của bác sĩ. Tại sao không cởi trói cho họ?

* Xin cảm ơn ông!

Vừa qua, một số cán bộ chủ chốt, trình độ chuyên môn giỏi ở bệnh viện tôi xin nghỉ ra bệnh viện tư làm việc. Anh em ra đi có nhiều lý do khác nhau nhưng khi họ xin nghỉ, bệnh viện cũng phải suy nghĩ.

Tôi nghĩ phải đánh giá công tâm hai mặt: một là những đóng góp của cán bộ - viên chức cho bệnh viện phát triển, hai là cũng nhờ bệnh viện mà cán bộ - viên chức mới có được tên tuổi, uy tín với người bệnh và nhờ thế bệnh viện tư nhân mới mời anh em về làm việc.

Chúng tôi thường đề nghị anh em trước khi đi cố gắng xây dựng được lực lượng kế thừa, nếu ra đi mà để khoa phòng sụp xuống, không phục vụ tốt người bệnh thì không hay.

Thực tế, khi bệnh viện cho anh em đi học để nâng cao trình độ chuyên môn (chuyên khoa 1, 2 hoặc thạc sĩ, tiến sĩ) là anh em ở lại khoa phòng phải gồng gánh công việc cho người đi học. Học xong về làm được thời gian ngắn rồi nghỉ việc ra ngoài, để cái khó cho anh em còn lại cũng là điều cần nghĩ.

Ở góc độ quản lý bệnh viện công, tôi cho rằng một bệnh viện tư nhân nào đó khi muốn “xin” người của bệnh viện công thì nên sòng phẳng với nhau. Nhà nước nên có quy định về “phí chuyển nhượng nhân lực” giữa hai khu vực.

Tốt nhất trước khi lập bệnh viện mới, lãnh đạo bệnh viện tư có thể xin “chuyển nhượng” năm, bảy bác sĩ, điều dưỡng nào đó của bệnh viện A và trả “phí chuyển nhượng” sòng phẳng. Cách làm này giúp cả hai khu vực công - tư đều được lợi, bệnh viện công có thời gian và lộ trình để đào tạo nhân lực mới thay thế, không bị ảnh hưởng hoạt động.

Ngoài ra, bệnh viện tư có thể hợp đồng đào tạo nhân lực với bệnh viện công bằng cách gửi người đến học tập ở bệnh viện công mà họ tin cậy và trả phí đào tạo theo quy định. 

Giám đốc một bệnh viện chuyên khoa tại TP.HCM

Đào tạo được một bác sĩ đa khoa mất sáu năm, chuyên khoa thêm ba năm, một bác sĩ có kinh nghiệm dày dạn cần 10-15 năm hành nghề.

Ở nước ngoài, các bác sĩ khi ra trường có chứng chỉ hành nghề có thể cùng lúc làm việc ở một vài bệnh viện công và tư, với giờ giấc xen kẽ phù hợp. Nhờ vậy xã hội tận dụng được nguồn lực đặc biệt này một cách tối ưu. Các cơ sở y tế công và tư cùng khai thác được nguồn lực quý giá này. 

Vấn đề của ta là đội ngũ chuyên môn giỏi tập trung ở một số bệnh viện công tuyến trên. Bộ Y tế có đưa ra chương trình 1816 nhằm chia sẻ nguồn lực cho tuyến dưới nhưng tới nay chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ nào, do chương trình mang tính “chữa cháy”, không tạo được thay đổi nền tảng. 

Ta nên xem xét việc một bác sĩ có thể hành nghề ở nhiều nơi, tùy theo khả năng chuyên môn, năng lực và thời gian của bản thân họ. Khi đó, tuyến dưới và các bệnh viện tư nhân sẽ có cơ hội mời các chuyên gia giỏi làm việc cố định với mức lương và lịch làm việc phù hợp.

Một khi có đội ngũ chuyên môn giỏi, các cơ sở tuyến dưới và kể cả tư nhân đều mạnh dạn đầu tư thiết bị, có điều kiện thuận lợi để phát triển chuyên môn và nghiên cứu khoa học, gây dựng tên tuổi, có trình độ chuyên môn đồng đều, người bệnh sẽ không tập trung tại một số bệnh viện công lớn.

Ở chiều ngược lại, các bệnh viện công không còn quá tải, sẽ có điều kiện đầu tư cải thiện dịch vụ, chất lượng, có thể tăng nguồn thu để tái đầu tư cho cơ sở vật chất. Như vậy cả hai khối y tế công và tư đều có lợi. 

TS.BS TRẦN HẢI YẾN 
(phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận