Để Hà Nội không chỉ lãng mạn trong vài mảnh vụn...

TTCT - Hà Nội kỷ niệm tròn 60 năm giải phóng vào ngày 10-10-2014 này trong một diện mạo đã có những đổi thay sâu sắc về cấu trúc và bản sắc đô thị.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ (trái) và nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng - Ảnh: Lê Ngọc Oanh
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ (trái) và nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng - Ảnh: Lê Ngọc Oanh

Hai cuộc chuyện trò với nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng và kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh chia sẻ góc nhìn về những tồn đọng trong không gian đô thị Hà Nội hiện nay và cả niềm hi vọng cho Hà Nội tương lai - một cơ thể sống văn minh cho nhiều triệu dân.

* Hà Nội của chúng ta đang vào thu, lệ thường mùa thu làm người ta lãng mạn lắm. Là một người rất tường Hà Nội, cả tầng sâu văn hóa, vậy tôi thật lòng hỏi 60 năm qua, cái tình của ông với mảnh đất này còn nguyên hương không và giờ đây ông có chờ đợi điều gì không?

- Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Không ai sống đủ lâu để hiểu hết một địa phương, nhất là một thành phố, nhưng người ta có thể hiểu điều đó bằng sách vở, ký ức và tình cảm cá nhân khi có cuộc sống thật sự trong đó. Cho nên về mặt lý thuyết, người ta coi thành phố như một văn bản, tức là trên thực tế anh chỉ hiểu thành phố bằng văn bản, còn cuộc sống cụ thể của mỗi người với một thành phố chỉ là một vài góc.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, gắn bó với một số đường phố thân quen, không liên tục do thời gian chiến tranh, đi sơ tán, Hà Nội với tôi lúc đó nhỏ bé, đi hết đường tàu điện là ra ngoại thành, xung quanh toàn ao đầm, làng mạc, một Hà Nội rất khác bây giờ.

Hiện tại Hà Nội là một thành phố khác hẳn, với hơn 7 triệu dân, nhiều khu vực mới, thêm cả một tỉnh Hà Tây cũ, tính cách Hà Nội cũng không còn. Điều mà ông hỏi thật ra chỉ phù hợp với Hà Nội trước những năm 1990, những quá khứ ấy chưa mất hẳn, sự thơ mộng cũng còn tùy theo tâm trạng.

Có thể nói Hà Nội với tâm trạng như thế chỉ còn thấy trong từng mảnh vụn đô thị, một vài góc phố, vài con người.

Từ một thành phố xây dựng cho 30 vạn người ở, đến nay là hơn 7 triệu người, mọi thứ dù không muốn cũng phải thay đổi.

Nhưng dân số tăng lên, nhà cao tầng nhiều hơn, đường giao thông kéo dài hơn và phức tạp hơn, không có nghĩa là chỉ nên thay đổi nó theo kiểu thêm vào, mở rộng ra, mà nên quan niệm thành phố theo một cách khác: đó là một môi trường đô thị hiện đại, được tổ chức bằng công nghệ, được nhận thức bằng thông tin, và ngày càng có xu hướng cân bằng với môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa có tính cấu trúc cao.

Đây là điều Hà Nội không ý thức được, do đó nó tạo ra sức ép đô thị với tất cả mọi người hơn là sự thơ mộng như anh nghĩ. Tôi không chờ đợi một Hà Nội như hiện tại. 

* Cả tôi và ông đều rất thương yêu mảnh đất này. Về phía tôi, Hà Nội 60 năm đã thay đổi rất lớn về kích cỡ, có nhiều khu phố nhỏ khá hiện đại làm tôi lạc lối không ngờ. Nhưng Hà Nội đã mất dần vẻ thơ mộng và có một nhịp sống rất xa lạ với Hà Nội trước đây. Theo ông, vấn đề này nên suy nghĩ ra sao?

- Không phải chỉ có những khu phố cổ, nhà hai tầng thấp, những biệt thự kiểu Pháp mới ra thành phố thơ mộng. Một thành phố hùng vĩ toàn những nhà chọc trời như New York cũng thơ mộng, Hội An bé nhỏ cũng thơ mộng, Đà Nẵng to lớn cũng thơ mộng. Cái chính là thành phố trước tiên được thiết kế như thế nào, sau đó con người sống ở đó có nếp sống văn hóa ra sao.

Hà Nội đang thất bại cả về quy hoạch lẫn nếp sống văn hóa. Ở đây không hề có vai trò của kiến trúc sư trưởng, mà chỉ có những người quản lý hành chính. Kiến trúc sư trưởng như người lái tàu, người quản lý như chủ tàu, anh ta không thể tự lái con tàu được mà phải trao cho người biết lái.

Quy hoạch một thủ đô mà không được quyết định bởi các kiến trúc sư thì không thể nói nó thành công ở mặt nào, nếu không muốn nói nó ngày càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn đô thị, khi dân số tăng lên và công nghệ hiện đại hơn. 

* Ông vừa đưa ra thuật ngữ “không gian thẩm mỹ đô thị”. Cái chính của thuật ngữ này là cụ thể hóa những quy luật chung, cả chi tiết, chú trọng vào không gian để một quần thể kiến trúc trở thành thể thống nhất, bảo đảm không chỉ giá trị mỹ thuật và sử dụng của công trình mà còn cả môi trường nữa. Nhìn vào tổng thể Hà Nội, ông nói rõ thêm bản chất thiết kế kiến trúc của không gian đô thị Hà Nội đang tồn đọng vấn đề gì?

- Khái niệm không gian chuyển tiếp đô thị và không gian thẩm mỹ đô thị không phải của tôi mà là của các nhà kiến trúc. Trong một đô thị có nhiều không gian công cộng mang tính chuyển tiếp, ví dụ vườn hoa, quảng trường, hồ nước, đường giao thông, khoảng không lưu, vỉa hè...

Những không gian này có thể thuộc về sở hữu cá nhân hoặc công cộng, nhưng nói chung được tất cả sử dụng, nó không chỉ đảm bảo lưu thông, hoạt động cộng đồng, vui chơi, hội họp, mà quan trọng giải tỏa các áp lực đô thị lên từng con người.

Xu hướng chung, người ta thiết kế các không gian này mang tính thẩm mỹ, nghĩa là đi đâu cũng thấy thành phố đẹp. Ngay cả mặt tiền của những ngôi nhà tiếp giáp với đường đi cũng thuộc về không gian chuyển tiếp cần mang tính thẩm mỹ. Cho nên trong thành phố, thiết kế thẩm mỹ thành phố (urban design) là vô cùng quan trọng, nó nói lên lịch sử và văn hóa hiện tại của thành phố. 

Thời kỳ phong kiến, Thăng Long từng là một thành phố có môi sinh và thẩm mỹ cao. T

hời kỳ Pháp thuộc, Hà Nội được quy hoạch cho 30 vạn người sinh sống, người Pháp lấy đường Tràng Tiền nối Tràng Thi, Điện Biên Phủ làm trục phân cắt đông tây, trong đó góc đông bắc là khu phố cổ được để nguyên, góc tây bắc là khu thành cổ được phá đi để xây dựng các cơ quan công quyền (Phủ toàn quyền, nay là Phủ chủ tịch), góc đông nam là khu nhượng địa xây dựng nhiều phố mới và biệt thự, góc tây nam là khu làng mạc và các kiến trúc phong kiến quan trọng như Văn Miếu, đàn Xã Tắc...

Quy hoạch này còn rõ nét đến những năm 1960 và 1970, trong đó các không gian thẩm mỹ của Hà Nội rất được chú trọng, Hà Nội do vậy có hai phong cách kiến trúc: kiến trúc đô thị cổ Việt Nam và kiến trúc thuộc địa - cả hai đều định hình, đẹp đẽ và hài hòa cùng nhau, trong cái văn hóa cao của người Thăng Long xưa.

Trong quá trình phát triển sau đó, người ta không chú ý đến mặt này nữa.

Một góc hồ Tây - hồ Nghi Tàm (Hà Nội) - Ảnh: Xuân Bình
Một góc hồ Tây - hồ Nghi Tàm (Hà Nội) - Ảnh: Xuân Bình

* Nhiều thành phố hiện đại hôm nay trên thế giới có xu hướng không xa cách quá lớn với nông thôn. Những vấn đề ông đưa ra như thế có một ý rất gần gũi với một hình tượng văn học, đó là không phải việc cơi nới cho “cái làng Hà Nội” này to ra. Thành phố là một cơ thể sống, không chỉ đơn giản là nhà và nhà, mà trong đó từ kiến trúc nó tạo ra cả cách sống và phong cách vùng dân cư, tạo thêm rộng và sâu hơn một tầng văn hóa mới nữa.

Theo ông, nếu tôi hiểu đúng nội hàm của sự xây dựng thành phố, thì những bất cập hiện nay ảnh hưởng ra sao với những giá trị văn hóa và nhất là bảo vệ môi trường Hà Nội?

- Có những thời kỳ thành phố phát triển theo kiểu đối lập với nông thôn và người ta cho đó là sự tiến bộ hay phát triển. Giờ thì người ta nhận thấy sự thiếu thiên nhiên của thành phố khiến đời sống thành phố kém chất lượng đi dù có đưa bao nhiêu khoa học công nghệ vào. Hiện tại xu hướng “city park” - thành phố công viên đang được triển khai trên thế giới.

Ở nước ta, chưa có thành phố nào chú ý đến mặt này, tất nhiên xây dựng những thành phố công viên rất tốn kém và chỉ thích hợp với những nơi có thu nhập bình quân cao. Tuy nhiên, không phải những nơi thu nhập thấp thì không làm được, miễn là ở đó tinh thần công dân phát triển và quy hoạch được tôn trọng.

Hà Nội trước năm 1980 còn rất nhiều làng mạc và đất hoang chen lẫn với thành phố, đáng lẽ phải được nhận thức và giữ gìn ngay từ thời gian đó, nhưng sự tăng dân số sau chiến tranh và việc xây dựng thiếu quy hoạch khiến người ta hối hả lấp hết các chỗ trống. Đất Hà Nội trở thành hàng hóa đắt tiền, nên ở đâu có thể lấn chiếm được là người ta làm, các không gian chuyển tiếp trong đô thị không được tôn trọng.

Các hồ nước, vườn hoa, sân vận động, công viên... bị thu hẹp đến mức tối thiểu, đương nhiên môi trường sống không còn được đảm bảo nữa, ô nhiễm khói bụi ở Hà Nội thuộc loại hàng đầu trong các thành phố trên thế giới.

Một góc Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ (Hà Nội) - Ảnh: Xuân Bình
Một góc Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ (Hà Nội) - Ảnh: Xuân Bình

* Ở nhiều nước, người ta trồng những dải rừng lớn ngay trong thành phố của họ và những dải rừng ấy tồn tại gần cả trăm năm nay, hóa giải lượng mưa gây ra nạn ngập lụt, cải thiện không khí, lọc bụi và tiếng ồn. Nước ta là một nước nhiệt đới rất thuận lợi cho việc phát triển cây xanh, vì sao Hà Nội tới nay ở những khu dân cư mở rộng không có những cánh rừng thành phố như thế? Hà Nội 36 phố luôn ngập lụt thành sông, liệu một Hà Nội mở rộng ximăng ra sao khi không có những rừng thành phố như thế? 

- Thời bao cấp, làng Bát Tràng và Giang Cao nung gốm bằng than nên trong làng nhiều người mắc bệnh đường hô hấp và sớm rụng răng. Sau đó Bát Tràng trồng nhiều cây ven làng, rồi chuyển sang nung gốm bằng gas, ô nhiễm giảm hẳn. Đây là một ví dụ điển hình về tác động của môi trường với con người của một làng nghề.

Hà Nội hiện mở rất rộng, nhất là về phía Hà Tây cũ, ở đây còn nhiều làng mạc cổ truyền, mặc dù có nhiều cây cối hơn nội thành nhưng ô nhiễm cũng không kém phần nặng nề, nhất là nhiều công trình xây dựng mới bao vây các làng, biến nó thành những vùng trũng không thoát được nước. Hình như Hà Nội không có chương trình trồng rừng trong và ngoại thành thành phố.

Đối với người Việt Nam, thủ đô mà có rừng nghe có vẻ xa lạ, nhưng đây là xu hướng của rất nhiều đô thị hiện đại. Trồng cây, chứ chưa nói đến trồng rừng và bảo vệ nguồn nước, cần phải là chương trình cần thiết của Hà Nội hiện tại, và điều đó giải quyết được việc ô nhiễm không khí, chống lụt cục bộ.

* Tôi hi vọng còn những khu phố Nguyễn Du này và nay mai có nhiều khu sống khác cũng đầy chất lãng mạn như những hàng cây hoa sữa sắp đưa hương kia, mặt hồ ngày nào đó đàn le sẽ bay về, sâm cầm sẽ lại từng đàn bay trên hồ Tây hay cò vạc lại về đậu đâu đó trên những dãy phố như ngày nào chúng làm tổ trên rặng cây trăm năm Lò Đúc... Ông có hi vọng không?

- Những điều ông mơ ước nằm trong một thành phố tương lai của thế giới. Xưa Hà Nội để sinh vật tự nhiên trở về, quần tụ, ngày nay người ta tính sao để trong một thành phố “city park” con người và sinh cảnh có một môi trường chung để cùng chung sống, đấy lại là một vấn đề đòi hỏi rất nhiều biện pháp, tổ chức kỹ thuật tốn kém. Nhưng chúng ta đều có quyền hi vọng dù ta đang phải trả giá rất đắt vì một Hà Nội hiện tại. 

Điều quan trọng tôi vẫn muốn nhắc lại: thành phố, công dân, văn minh trong tiếng Việt có vẻ là ba vấn đề khác nhau, nhưng trong tiếng Anh chúng có quan hệ gốc gác - city, citizen, civilisation. Điều này có nghĩa thành phố là của công dân, được sinh ra bởi các công dân - nền dân chủ, và từ đó tạo ra nền văn minh.

Chúng ta đã có thành phố, nhưng tinh thần công dân còn rất yếu, văn minh đô thị chưa trưởng thành. Nhiều người đã sống ở Hà Nội vài thế hệ, nhưng thói quen làng xã vẫn chưa mất đi, còn rất mất thời gian để Hà Nội có cái tam giác: thành phố - công dân - văn minh.

Hà Nội trước sau cũng phải đi vào quy trình của một thành phố toàn cầu - là đặc điểm chung của các thành phố thế giới hiện tại, nghĩa là có những khu vực đạt mức độ công nghệ và thông tin như bất cứ thành phố hiện đại nào, có sân bay quốc tế lớn, có trụ sở của nhiều ngân hàng và hãng kinh doanh lớn trên thế giới, tiếng Anh được nói song song với tiếng Việt, có những bảo tàng tầm cỡ khu vực và quốc tế... Sau cùng, là một đời sống văn hóa riêng của Hà Nội.

Cảm ơn ông. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận