Cơ sở vật chất các trường đại học, cao đẳng

TTCT - Trong khi những bàn cãi về chương trình, nội dung đào tạo của giáo dục đại học vẫn chưa ngã ngũ, nhiều giảng đường, khu học tập, phòng thí nghiệm, thư viện, trang thiết bị - cái vỏ vật chất thuần túy - của các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) công lập đang mỗi ngày mỗi rệu rã, xuống cấp trong sự nghèo nàn, lạc hậu đáng ngại.

Phóng to
Khoảng không gian sân trường duy nhất của Trường ĐH Mở TP.HCM bị tận dụng thành bãi đỗ xe vì diện tích trường quá hẹp - Ảnh: Thuận Thắng

Khi một khảo sát tương đối chi tiết của Cục Cơ sở vật chất, thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em (Bộ Giáo dục - đào tạo) về cơ sở vật chất các trường ĐH, CĐ công lập được công bố với 50% trường ở mức dưới chuẩn, nhiều người đã gọi đó là “thảm cảnh” của nền giáo dục ĐH. Song đó là một thực tế đã nhiều năm, khi các trường ĐH tồn tại, phát triển không theo một kế hoạch và quy chuẩn chung nào về cơ sở vật chất.

50% trường ở mức dưới chuẩn

TỈ lệ bình quân diện tích sử dụng học tập của sinh viên nói chung chỉ đạt 3,6m²/sinh viên, trong khi quy định chung ở VN là 6m²/sinh viên và ở các nước phát triển là 9-15m²/sinh viên. Hiện chỉ có 19,50% số sinh viên được ở trong ký túc xá của các trường ĐH, CĐ. Tình trạng phổ biến ở nhiều trường ĐH là ký túc xá xuống cấp, không gian học ngoài giờ lên lớp của sinh viên không có và thiếu trầm trọng các công trình phục vụ công cộng trong các trường ĐH, CĐ...

Theo ông Trần Duy Tạo - cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em, so với tiêu chuẩn thiết kế trường ĐH (55-85m²/sinh viên), có đến trên 50% số trường ĐH, CĐ ở mức dưới chuẩn. Bình quân diện tích đất cho một sinh viên ĐH, CĐ hiện rất thấp (35,7m²/sinh viên).

Tại khu vực Hà Nội, bình quân diện tích đất/sinh viên của các trường chỉ có 13m²/sinh viên. Còn tại TP.HCM là 10m²/sinh viên. Cả hai thành phố này có khoảng 30-40% số trường có bình quân diện tích đất dưới 5m²/sinh viên. Một số trường trong tình trạng cực kỳ chật chội, chẳng hạn ĐH Xây dựng Hà Nội chỉ có 0,84m²/sinh viên, ĐH Luật Hà Nội là 0,67m²/sinh viên, ĐH Ngoại thương Hà Nội là 1,08m²/sinh viên và ĐH Kinh tế TP.HCM chỉ 0,54m²/sinh viên....

Theo khảo sát này (ở gần 200 trường ĐH, CĐ), khu học tập của sinh viên hầu hết trong tình trạng lạc hậu và xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều trường ĐH công lập vẫn phải thuê cơ sở bên ngoài làm nơi học tập hoặc bắt sinh viên học tăng ca do thiếu giảng đường. Lãnh đạo Trường ĐH Khoa học Huế cho hay trường có hàng chục phòng học cấp 4 đang xuống cấp nặng nề nhưng chưa thể tu sửa. Đại diện ĐH Mỏ địa chất Hà Nội cũng cho biết không chỉ thiếu phòng học, trường này còn không có phòng chuyên dùng phục vụ công tác chấm thi, hội thảo quốc tế; các phòng học, giảng đường hầu như không có phương tiện kỹ thuật (máy tính, máy chiếu, video...).

Máy móc mua từ năm 1962

Thư viện nghèo nàn

Trong tổng số 172 thư viện truyền thống của gần 200 trường ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT cho biết chỉ 38,9% thư viện áp dụng các tiêu chuẩn thư viện hiện có của VN hoặc thế giới. 39,3% số trường được khảo sát có thư viện điện tử song hầu hết chưa đáp ứng nhu cầu truy cập, trung bình 175 sinh viên mới có một máy, số bản tài liệu/sinh viên cũng rất thấp.

Với khoảng 150 triệu đồng kinh phí bổ sung để đầu tư cho tài liệu mỗi năm, hệ thống thư viện của ĐH Khoa học Huế vẫn thiếu sách phục vụ sinh viên, nguồn tài liệu điện tử nghèo nàn. Một số chuyên ngành mới còn thiếu tài liệu. Ban giám hiệu Trường ĐH Mỏ địa chất Hà Nội thừa nhận thư viện với nguồn tài liệu nghèo nàn chính là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ giảng viên, sinh viên nghiên cứu khoa học ở mức thấp.

Theo Bộ GD-ĐT, khảo sát trong số 5.572 phòng thí nghiệm của các trường ĐH, CĐ, chỉ có 22,5% phòng thí nghiệm có thiết bị tốt, 19% phòng thí nghiệm có công nghệ hiện đại, chủ yếu của các trường ĐH đầu ngành. Nhiều phòng thí nghiệm, xưởng thực hành của các trường ĐH, CĐ hiện nay mới đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của sinh viên.

Các trường ĐH, CĐ đều nhìn nhận tình trạng thiết bị thí nghiệm, thực hành của họ đang “rất thiếu và rất yếu”. Theo lãnh đạo ĐH Khoa học Huế, chất lượng thực hành, thí nghiệm của trường không đạt chuẩn do các loại thiết bị đều đã hư hỏng, lạc hậu và chậm được sửa chữa. ĐH Mỏ địa chất Hà Nội chỉ có 300 máy tính, trung bình 40 sinh viên/máy và chỉ khoảng 50% số máy tính này được nối mạng Internet. Cả trường chỉ có ba phòng học đa năng loại nhỏ.

So với nhiều trường khác, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) được cấp nhiều kinh phí hơn để trang bị các thiết bị phục vụ đào tạo. Song không ít khoa trong trường vẫn đang phải dạy và học với những thiết bị thực hành lạc hậu. Không chỉ thiếu máy móc phân tích thiết yếu cho ngành sinh học phân tử, chuyên ngành sinh lý thực vật vốn có nhiều công đoạn thí nghiệm, thực hành cần máy đo quang hợp, đo hô hấp cũng đang sử dụng một máy có công năng tương tự được mua từ năm... 1962, mỗi lần hư phải tìm phụ tùng thay thế rất vất vả.

Giảng viên cũng phải tự tìm mua nhiều thiết bị khác nhau để chế các dụng cụ thí nghiệm... Vì vậy, các công đoạn thí nghiệm thực hiện khá thủ công. TS Nguyễn Du Sanh, trưởng khoa sinh học, cho biết: “Chúng tôi nhiều lần đề nghị trường trang bị máy đo quang hợp mới nhưng chưa được duyệt vì kinh phí quá cao. Một máy hiện đại giá khoảng 50.000 USD”. Nhiều giảng viên của trường lo ngại về sự chênh lệch rất lớn giữa trường và các doanh nghiệp, khi các công ty hiện nay sử dụng máy móc hiện đại hơn hẳn khiến nhiều sinh viên ra trường không thể làm việc được.

“Trong đào tạo hàng hải, chi phí đầu tư trang thiết bị dạy học rất lớn. Ở các nước, việc trang bị tàu thuyền cho sinh viên thực tập đều do nhà nước đầu tư nhưng ở VN các trường phải tự lo” - một lãnh đạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cho biết. Trường này hiện chỉ có một chiếc tàu nên không đáp ứng được nhu cầu thực tập của sinh viên. Nhiều năm nay, nhà trường phải hợp đồng thuê tàu nhỏ, chạy ven sông cho sinh viên thực tập với chi phí 3-4 triệu đồng/sinh viên/tuần. Ở khoa cơ khí của trường, thạc sĩ Lê Văn An khẳng định với cơ sở vật chất như hiện nay của các trường thì “không thể nào dạy tốt”, cũng không thể đáp ứng yêu cầu của xã hội vì sinh viên ra trường không thể làm việc được ngay.

“Trong chương trình đào tạo sinh viên ngành cơ khí có môn công nghệ CNC nhưng nhà trường lại không có dàn máy CNC công nghiệp cho sinh viên thực hành. Chúng tôi phải liên hệ với các công ty gửi sinh viên đến thực tập” - ông An nói. Tuy nhiên, việc đào tạo theo học chế tín chỉ khiến lịch học của sinh viên rất khác nhau, lại có tới hơn 200 sinh viên học môn này nên không chỉ việc xếp lịch học rất căng mà trường cũng gặp không ít khó khăn trong việc đưa sinh viên ra bên ngoài thực tập.

Học ở trường, thực hành ở công ty

Trong chương trình đào tạo của khoa cơ khí có các môn công nghệ CAD/CAM-CNC (tiện, phay). Đây là những môn học cần nhiều thời gian thực hành, sinh viên cần đứng máy nhiều mới làm quen và có thể nắm bắt được công nghệ gia công mới này. Tuy nhiên, vì chưa có xưởng thực hành CNC, trường đưa sinh viên ra các công ty bên ngoài thực hành rất bất tiện. Khi đến các công ty thực hành, sinh viên có rất ít thời gian để làm. Các lớp được chia nhóm (25 sinh viên/nhóm) nhưng vẫn không đủ máy (4-5 sinh viên/máy), vì thế trong khi một số sinh viên làm thì các bạn khác chỉ đứng nhìn.


Trong bối cảnh cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của các trường ĐH, CĐ công lập thiếu thốn hiện nay, một số trường đã chủ động tìm lối đi riêng để khắc phục tình trạng này.

Phóng to
Sinh viên năm 2 khoa điện tử viễn thông ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM thực tập trong phòng thí nghiệm điện tử với nhiều máy hiện sóng (Oscilloscope) lúc dùng được lúc không - Ảnh: Thuận Thắng

Ngân sách giáo dục hạn chế được coi là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng nghèo nàn, lạc hậu về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của các trường ĐH, CĐ, dù ông Nguyễn Trường Giang, Vụ Ngân sách tài chính sự nghiệp - Bộ Tài chính, vẫn khẳng định ngân sách dành cho giáo dục ĐH đã được ưu tiên “hết mức có thể”. Thực tế không thể tìm sự đột phá ở việc tăng chi ngân sách cho giáo dục ĐH hiện nay.

Tăng cường đầu tư thiết bị dùng chung là hướng mà nhiều trường ĐH, CĐ đã và đang tính đến trong điều kiện kinh phí eo hẹp. Theo lãnh đạo ĐH Bách khoa Hà Nội, năm học 2009-2010, trường đã lắp đặt thiết bị đồng bộ cố định cho 18 giảng đường, hệ thống này được theo dõi và hỗ trợ kỹ thuật từ xa thông qua tín hiệu của giảng viên báo về phòng trung tâm. Đây cũng là trường đi đầu trong việc triển khai xây dựng phòng thí nghiệm mở theo mô hình phòng thí nghiệm đa ngành, phòng thí nghiệm liên ngành... Cán bộ trong và ngoài trường đều có thể đăng ký sử dụng thiết bị của các phòng thí nghiệm trên.

Theo ông Nguyễn Cảnh Lương - hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ngoài việc tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh liên kết đào tạo để qua đó đầu tư cho cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, trường cũng đầu tư nghiên cứu để khai thác tối đa thiết bị hiện đại của các phòng thí nghiệm trọng điểm. Để duy trì hoạt động của hệ thống phòng thí nghiệm, lãnh đạo nhà trường cho biết đã phải áp dụng hàng loạt biện pháp tiết kiệm nghiêm ngặt để giảm chi, đồng thời xây dựng định mức vật tư hóa chất tiêu hao cho các bài thí nghiệm.

Tăng nguồn đầu tư ngoài ngân sách

TS Lâm Mai Long, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng tăng cường nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước là giải pháp đáng kể nhất để khắc phục tình trạng thiếu thốn hiện nay ở các trường. Theo ông, nguồn đầu tư này chủ yếu dựa vào các tổ chức phi chính phủ và các dự án vốn vay ODA, song quan trọng nhất vẫn là tận dụng những cơ hội tài trợ không hoàn lại của các tổ chức phi chính phủ và các doanh nghiệp. Việc này đòi hỏi sự chủ động của các trường.

Chỉ trong hai năm 2009-2010, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã nhận được nguồn tài trợ gần 1,7 triệu USD, trong đó có những dự án lớn như dự án phòng thí nghiệm điện trị giá khoảng 20 tỉ đồng do Tập đoàn GE tài trợ. Đầu tháng 12-2009, nhà trường đã tiếp nhận và đưa vào sử dụng phòng thí nghiệm tự động hóa vốn đang là ước mơ của không ít trường ĐH. Phòng thí nghiệm này được trang bị máy móc, thiết bị thuộc loại hiện đại nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong lĩnh vực tự động hóa công nghiệp hiện đại. Đặc biệt, phòng thí nghiệm này còn được trang bị hệ thống mạng công nghiệp hiện đại ba lớp EtherNet, ControlNet và DeviceNet. Tất cả thiết bị này của Hãng Rockwell Automation (Mỹ) tài trợ với tổng giá trị 355.603 USD.

Làm thế nào để thu hút những nguồn tài trợ như thế? Theo ông Long, việc tài trợ trang thiết bị cho các trường, doanh nghiệp cũng có lợi vì nhà trường chính là nơi đào tạo, cung ứng nhân lực cho doanh nghiệp. Chưa kể các doanh nghiệp còn có nhu cầu quảng cáo thương hiệu và thiết bị của họ. “Các doanh nghiệp tìm đến trường ĐH không phải là tình cờ. Tuy nhiên, nhà trường cũng phải chủ động tìm kiếm, mời gọi họ. Chất lượng đào tạo của nhà trường đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này. Vì vậy các trường cần công khai chất lượng đào tạo của mình, khi người ta tin cậy sẽ tìm đến trường” - ông Long nói.

Chia sẻ tài sản công

Không ít ý kiến cho rằng dù các trường ĐH, CĐ đều đang thiếu thiết bị, song bản thân việc đầu tư mua sắm trang thiết bị cũng chưa được thực hiện một cách khoa học. Vì vậy hiệu quả đầu tư chưa được như mong muốn. Theo ông Trần Tiến Phức (ĐH Nha Trang), trong nhiều khó khăn về kinh phí, việc xây dựng trung tâm thí nghiệm thực hành sử dụng chung là giải pháp tốt nhất của trường để khắc phục sự thiếu thốn thiết bị phục vụ đào tạo. Với hướng đi này, nhà trường đã có thể tăng tần suất hoạt động của thiết bị, sử dụng tối đa cơ sở vật chất đã được đầu tư, việc điều hành, bảo dưỡng, sửa chữa cũng dễ dàng hơn...

PGS.TS Trần Cảnh Vinh, hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, nhận xét: “Bản thân các trường đã yếu mà đầu tư lại bị xé lẻ, mạnh ai nấy làm nên ngày càng yếu hơn. Không chia sẻ tài nguyên thì làm sao mạnh lên được”. Theo ông Vinh, về bản chất, đầu tư cơ sở vật chất cho các trường công của Nhà nước chính là đầu tư công. Vì vậy, các trường nên chia sẻ thiết bị dạy học, phòng thí nghiệm với nhau và khi cần thiết, thành lập lại hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH để cùng bàn tính việc chia sẻ “tài nguyên”.

Bên cạnh đó, ông Vinh cho rằng các thiết bị thí nghiệm hiện đại từ các dự án cũng chính là một nguồn “tài nguyên” quan trọng khác có thể chia sẻ cho các trường ĐH. Các bộ ngành hiện nay đều có rất nhiều dự án. “Ngành giao thông vận tải có rất nhiều dự án, các dự án này đều có những thiết bị thí nghiệm hiện trường (máy đo độ rung, khảo sát nền đất...) trị giá hàng tỉ đồng. Nguồn tài nguyên này chính là tài sản công. Khi kết thúc dự án nên đưa những thiết bị này về các trường ĐH đào tạo nhân lực cho ngành giao thông”, ông Vinh đề nghị.

Còn nhớ, sau khi dự án đường xuyên Á kết thúc, ĐH Giao thông vận tải đã phải “chạy vạy, xin xỏ” khắp nơi để cuối cùng mang được khá nhiều thiết bị thí nghiệm ngành cầu đường hiện đại về khoa công trình. Không phải trường nào cũng làm được như vậy nên cách tốt nhất, theo lãnh đạo nhiều trường ĐH, việc chia sẻ “tài nguyên” cần được xây dựng trên nền tảng một chính sách dùng chung cụ thể và minh bạch.

“Cần phân cấp mạnh hơn cho các trường”

Khó khăn, vướng mắc gây cản trở cho việc nâng cao chất lượng đào tạo của các trường công lập có nguyên nhân sâu xa từ cơ chế quản lý nặng về hành chính, chưa phát huy được sự chủ động trong quản lý và điều hành hoạt động của các cơ sở đào tạo. Vì vậy chúng tôi cho rằng để giải quyết bất cập, phải phân cấp mạnh hơn cho các trường trong việc mua sắm, đấu thầu, triển khai các dự án đầu tư về cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo nhằm tăng tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của các trường. Trong đó, ưu tiên đầu tư cho các trường ĐH kỹ thuật nói chung và các trường ĐH kỹ thuật trọng điểm nói riêng, tránh dàn trải. Bên cạnh đó là tăng cường năng lực nghiên cứu, đầu tư trước cho các phòng thí nghiệm trực tiếp đào tạo thực hành của sinh viên, vì hệ thống phòng thí nghiệm này đã quá lạc hậu.

“Nên giao cho trường duyệt dự toán”

Thông thường, quá trình lập dự án đầu tư thiết bị đào tạo được thực hiện vào quý 1 hằng năm. Nhưng việc duyệt dự toán đầu tư rất dài, khoảng đầu quý 4 mới xong. Vì thế việc hoàn thành thủ tục đấu thầu, kết thúc đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thường kết thúc vào cuối tháng 12. Trong khoảng thời gian này, biến động của ngoại tệ, lạm phát khiến việc lựa chọn thiết bị không như ý muốn của người lập dự án, dẫn đến sai lệch xuất xứ thiết bị, chất lượng không đạt yêu cầu. Vì vậy phân quyền là giải pháp tối ưu. Tôi đề nghị nên giao quyền cho các trường ĐH chủ động phê duyệt dự toán, kế hoạch, kết quả đấu thầu và tự chịu trách nhiệm về điều này.

“Tiết kiệm khi triển khai xây dựng khu đô thị đại học”

Việc cải tạo và hiện đại hóa cơ sở vật chất hiện có chỉ là giải pháp mang tính đối phó trước mắt nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của từng trường chứ không phải giải pháp cơ bản để giải quyết bất cập về điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo. Về lâu dài cần tính đến việc xây dựng một dây chuyền công nghệ đào tạo và nghiên cứu khoa học mới trên một diện tích đất phù hợp. Nói cách khác là xây dựng các khu đô thị ĐH theo mô hình liên hợp các trường ĐH, CĐ độc lập về cơ sở đào tạo nhưng có những cơ sở, trung tâm dùng chung khác (thư viện, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, trung tâm hội nghị hội thảo, trung tâm thể dục thể thao, khu ở, dịch vụ). Việc liên hợp các trường là tiền đề cho mô hình liên thông trong đào tạo và sử dụng chuyên gia, xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai, công trình... Có thể tiết kiệm được rất nhiều kinh phí khi sử dụng mô hình này.


Từ một góc nhìn khác, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và sản xuất học liệu Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - người nhiều năm nghiên cứu về học liệu, lại cho rằng ngay cả khi “không được bày sẵn cỗ”, giảng viên và sinh viên vẫn có thể chủ động đi tìm một hướng dạy và học sáng tạo.

Phóng to
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Ảnh nhân vật cung cấp

* Ông đánh giá tình trạng thiếu thiết bị dạy học và thực hành thí nghiệm ở các trường ĐH công lập hiện ở mức độ nào?

- Tôi cho rằng thiếu là thiếu các thiết bị thí nghiệm để nghiên cứu bậc cao, phục vụ nghiên cứu khoa học, còn thiết bị dạy học tối thiểu thì các trường vẫn được trang bị. Dĩ nhiên, không thể đủ thiết bị cho tất cả thí nghiệm, bài học thực hành trong chương trình nhưng ít ra phải có đủ thiết bị theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu các cấp học mà Bộ GD-ĐT đã ban hành. Việc quá tải giữa điều kiện thực hành thí nghiệm và quy mô sinh viên cũng phổ biến nhưng biết cách sắp xếp vẫn giải quyết được.

* Theo ông, phải khắc phục thiếu thốn bằng cách nào để tránh tình trạng “dạy chay”?

- Đối với những thiết bị nghiên cứu bậc cao, việc đầu tư phải là tiền tỉ. Vì vậy, sẽ không có nhiều trường đầu tư đủ yêu cầu đào tạo mà phải linh hoạt hợp tác với các viện nghiên cứu, các trường khác, có thể đi thuê thiết bị thí nghiệm hoặc liên kết, hợp tác hai chiều. Ở trường tôi, khi hướng dẫn nghiên cứu sinh hay triển khai đề tài khoa học vẫn phải sang các viện. Ngược lại, trường có một trung tâm nano khá hiện đại cũng là địa chỉ để các trường, viện khác đến.

Một hướng khác rất quan trọng là người thầy hướng dẫn cho sinh viên hoặc cùng mình hoặc độc lập tự thiết kế thiết bị thí nghiệm. Việc này đem lại hai lợi ích, không chỉ có thêm thiết bị cho các thế hệ sinh viên đi sau học tập, mà chính những sinh viên nghiên cứu làm thiết bị thí nghiệm đã được học, sáng tạo. Có những sinh viên nói với tôi: “Nếu ngay từ đầu thầy bảo em nghiên cứu khoa học thì em chịu, nhưng thầy chỉ bảo em làm thử cái này, cái kia và em đã làm được”. Khoa vật lý nơi tôi từng giảng dạy đã có nhiều thiết bị do sinh viên tự làm được nâng cấp và trở thành thiết bị dạy học trong phòng thí nghiệm. Nhiều mẫu thiết bị của chúng tôi nằm trong danh mục thiết bị tối thiểu của Bộ GD-ĐT áp dụng cho trường phổ thông, bắt nguồn từ sản phẩm sáng tạo của sinh viên.

* Với sự eo hẹp về kinh phí, theo ông, nên đầu tư thế nào để đảm bảo điều kiện đào tạo tốt nhất trong hoàn cảnh hiện nay?

- Tôi có dịp tham gia khảo sát ở một số trường ĐH, thấy có trường nhập những thiết bị khá đắt tiền nhưng sử dụng chưa thật hiệu quả. Điều này chứng tỏ việc đầu tư nghiên cứu khi mua sắm cũng như khai thác sử dụng thiết bị dạy học còn hạn chế. Nếu nhập một bộ thiết bị thí nghiệm (có thể tới hàng trăm triệu đồng) mà chỉ sử dụng vào một bài thí nghiệm thì mỗi năm học chỉ được sử dụng một hoặc vài ba lần, nếu có đông sinh viên học. Nhưng nếu được nghiên cứu kỹ, nhất là trước khi nhập, bộ thí nghiệm có thể thực hiện được mười thí nghiệm thì tính ra chi phí sẽ rẻ hơn rất nhiều.

Khi còn phụ trách phòng thí nghiệm ở khoa vật lý ĐH Sư phạm Hà Nội, trước khi đề xuất mua thiết bị, tôi phải xem có bao nhiêu thí nghiệm cần làm, trong đó có bao nhiêu thiết bị trùng nhau để lọc ra, lên danh mục thiết bị cụ thể cần mua đủ dùng cho tất cả thí nghiệm. Cách đó tiết kiệm hơn nhiều so với việc cứ tính bài thí nghiệm để mua theo bộ thiết bị. Hơn nữa, khi thí nghiệm, nếu có sẵn bộ thiết bị bày trước mắt, sinh viên sẽ thụ động hơn việc phải tự tìm thiết bị cần thiết trong cả đống thiết bị chung, lắp ráp và thực hiện bài thí nghiệm của mình.

Nên nói cho rõ việc người ta vẫn nói là “lạc hậu trong thực hành thí nghiệm”. Nhiều người hiểu ở đây chỉ cần thay thiết bị mới hơn, được thiết kế hiện đại, đắt tiền hơn tức là sẽ giải quyết được bất cập. Nhưng hiện đại hay không là ở nội dung bài thực hành thí nghiệm chứ không chỉ thiết bị để thực hiện. Khi những bài thực hành thí nghiệm không được cập nhật cái mới để đáp ứng yêu cầu đào tạo mới, người thầy phải biết thiết kế đề bài mới cho sinh viên thực hiện, có thể trên chính thiết bị sẵn có. Hoặc hướng dẫn sinh viên tìm hiểu từ các nguồn học liệu khác. Những cái được tạo ra từ sự sáng tạo của người học mới đáng giá.

Không phải cái gì nhập khẩu đã là tốt. Nếu không hiểu rõ ràng việc này sẽ có thể đi chệch hướng đầu tư. Trên thực tế có những thiết bị thực hành thí nghiệm quá hiện đại lại che khuất những kiến thức mà lẽ ra sinh viên cần phải nắm và vì thế tạo ra những “hộp đen” mà sinh viên không có cơ hội để có lời giải. Giống như khi sử dụng một thiết bị có tính tiện ích cao, ta sẽ không có được kiến thức, kỹ năng xử lý một số vấn đề như khi dùng thiết bị đơn giản hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận