Khi đời sống tinh thần của học sinh bị bỏ quên

TRẦN HUỲNH 31/10/2009 21:10 GMT+7

TTCT - Chương trình học nặng nề, áp lực thi cử khiến thầy cô giáo chỉ lo truyền dạy kiến thức, bỏ quên việc “chăm sóc tinh thần” cho học sinh ở các trường phổ thông. Không được nhà trường trang bị bản lĩnh đạo đức, kỹ năng sống nên nhiều học sinh không chống đỡ nổi với cạm bẫy, cám dỗ, phát triển tâm lý lệch lạc. Một số học sinh có lối sống không lành mạnh, thậm chí vi phạm pháp luật.

Chuyên đề: đạo đức học đường - SOS

Khi đời sống tinh thần của học sinh bị bỏ quên

TTCT - Chương trình học nặng nề, áp lực thi cử khiến thầy cô giáo chỉ lo truyền dạy kiến thức, bỏ quên việc “chăm sóc tinh thần” cho học sinh ở các trường phổ thông. Không được nhà trường trang bị bản lĩnh đạo đức, kỹ năng sống nên nhiều học sinh không chống đỡ nổi với cạm bẫy, cám dỗ, phát triển tâm lý lệch lạc. Một số học sinh có lối sống không lành mạnh, thậm chí vi phạm pháp luật.

Rất nhiều tình huống phạm tội nghiêm trọng của học sinh xuất phát từ những nguyên nhân “không đáng có”.

Những câu chuyện không bình thường

TS tâm lý học Trương Bích Hà, giám đốc một trung tâm tham vấn học đường, kể: Một bà mẹ phát hiện con gái lấy cắp tiền của mình nhiều lần đã hoảng sợ và sốc nặng. Trong một ca tham vấn tâm lý, cô con gái giải thích “lấy cắp tiền vì muốn có một chiếc điện thoại giống của cô bạn cùng lớp”.

Ở Hà Tĩnh, một học sinh không được thi tốt nghiệp dọa hành hung thầy giáo, một học sinh khác ở Thanh Hóa chém cô giáo chỉ vì cô đã can thiệp không cho mình thi lại. Hà Nội cũng có nhóm học sinh lớp 10 tổ chức cướp tiền của cô giáo chỉ để trả thù.

Cũng tại Hà Nội, ở Trường THCS ĐĐ, nhiều vụ học sinh nữ mâu thuẫn với nhau, kéo các bạn nam ở trường khác đến gây rối. Trong những lần “giao chiến” ấy, nguyên nhân có khi chỉ vì bạn nữ này có chiếc điện thoại sành điệu hơn bạn kia.

Hành xử bằng bạo lực trong giới học sinh nhiều khi chỉ do những nguyên nhân lãng xẹt: “thấy bạn nhìn đểu thì đánh”. Ở Trường THCS TP (TP.HCM), một số học sinh còn nghĩ ra trò bốc thăm, người nào có mã số trùng với lá thăm thì bị đánh.

Tại các đô thị lớn, tình trạng “phân đẳng cấp” trong giới học sinh đang là vấn đề bức xúc. Trong đó những nhóm học sinh bị lôi kéo vào tầng lớp “đẳng cấp cao” từ chỗ chỉ chạy theo xe đẹp, thời trang đẹp, điện thoại đẹp, đến chỗ thuê nhà nghỉ cắn thuốc lắc, xem phim sex, nghiện chơi game, sử dụng ma túy, tổ chức đua môtô trên đường phố, thậm chí tổ chức lừa đảo, cướp giật.

Số liệu của năm học 2008-2009 do Sở GD-ĐT Quảng Nam cung cấp, trong học kỳ 1 toàn tỉnh có 4.500 học sinh bậc THCS xếp loại hạnh kiểm yếu và trung bình (4%), bậc THPT có 6.500 học sinh (10%). Phần lớn những học sinh xếp loại hạnh kiểm yếu, trung bình do đánh nhau, hút thuốc, bỏ học dài ngày, vô lễ với giáo viên, có hành vi trả thù cô giáo, bạn học...

Nhiều giáo viên ở các trường THPT tại Hà Nội cho rằng: “Đáng ngại nhất là việc học sinh nói tục, vi phạm luật giao thông, quay cóp khi thi cử... nhưng không cảm thấy xấu hổ, mà ngược lại, coi đó là những chuyện bình thường”.

Họ đã nói gì?

Tại hội thảo về giáo dục đạo đức, lối sống của học sinh phổ thông do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức, cô giáo Lê Nguyên Hương - Trường THPT Nguyễn Huệ (Hà Nội) - nhận xét: “Học sinh càng lên các lớp cao, tình trạng đi xuống về đạo đức, lối sống, nề nếp học tập, sinh hoạt càng gia tăng”. Để dẫn chứng cho nhận xét này, cô Hương đã đưa ra kết quả điều tra:

ThS Nguyễn Thị Mai Lan (Viện Nghiên cứu con người) khi nghiên cứu về thực trạng kỹ năng sống của học sinh phổ thông đã tiến hành khảo sát trên 500 học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 tại hai trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) và THPT Sông Lô (Tuyên Quang).

Kết quả cho thấy phần lớn học sinh đang bị thiếu hụt những kỹ năng cần thiết để ứng phó và giải quyết những vấn đề thực tiễn của cuộc sống; có đến 40% số học sinh được khảo sát không bao giờ tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội.

Một trong những lý do dẫn đến tình trạng trên là do việc thực hiện chương trình giáo dục trung học đang bị mất cân đối.

Cô giáo N.T.T., giáo viên Trường THPT SL (Tuyên Quang), nhận xét: “Chương trình dạy học trong nhà trường THPT hiện nay không có tiết học, môn học nào rèn luyện cho học sinh những kỹ năng cần thiết để học sinh có thể thích ứng với cuộc sống xã hội. Trong khi các hoạt động tập thể, câu lạc bộ trong các nhà trường hiện nay chưa lôi cuốn học sinh vào những sân chơi lành mạnh...”.

Cô H.T.H., giáo viên ở Hà Nội, cho rằng áp lực từ việc dạy học kiến thức thuần túy đã khiến vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống học sinh chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay, ít có thầy cô giáo chủ nhiệm nào hiểu cặn kẽ được hoàn cảnh, tâm tư, mong ước của học sinh lớp mình hoặc hiểu nguyên nhân dẫn đến những hành vi lệch lạc của các em. Thay vì bù đắp những hẫng hụt về tinh thần của các em, nhà trường chỉ biết áp dụng hình phạt.

Các nhà tâm lý Lã Thị Bưởi, Lê Thị Kim Dung và Đinh Đăng Hòe cho rằng tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, áp lực học tập thi cử, sự quá tải của chương trình giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối nhiễu tâm lý ở trẻ vị thành niên. Sự “rối nhiễu tâm lý” này dẫn đến nhiều trạng thái lệch lạc về tâm lý, có thể khiến trẻ rơi vào trầm cảm hoặc khiến chúng có những phản ứng “phá phách”.

Cô giáo Lê Nguyên Hương cho rằng nên dạy các em những thứ cụ thể, những bài học giản dị, như việc cần nhường chỗ cho người già, trẻ em khi xếp hàng trong siêu thị, trên xe buýt, việc vứt rác bừa bãi ra đường là hành vi đáng xấu hổ...

Thầy giáo Hoàng Xuân Thành, phó trưởng Phòng giáo dục huyện Gia Lâm (Hà Nội), đặt ra một vấn đề đáng suy nghĩ: người lớn, cụ thể là cán bộ, giáo viên trong mỗi nhà trường cần phải làm gương cho học sinh, có như thế mới mong học sinh điều chỉnh lối sống theo hướng lành mạnh.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội trong năm năm trở lại đây, có đến 47.000 vụ phạm pháp hình sự do HS, SV gây ra. Một con số khác của Sở Lao động - thương binh & xã hội và Viện KSND TP.HCM: trung bình mỗi năm cả nước có 4.746 người chưa thành niên phạm tội (dẫn nguồn của Viện Khoa học xã hội VN).

Nhưng thực tế, những câu chuyện về giáo viên áp dụng hình phạt quái gở, xúc phạm học sinh như trường hợp bé Ngọc Trâm (Đồng Tháp) bị tra khảo, hỏi cung vì nghi trộm tiền. Vụ giáo viên ở TP.HCM phạt học sinh hít đất 100 lần, một cô giáo ở Hà Tĩnh bắt học sinh liếm ghế, một số giáo viên có hành vi lạm dụng tình dục đối với học sinh, có thái độ trù dập học sinh... là những tấm gương xấu trong việc giáo dục học sinh.

Cô Hoàng Liên Minh - giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, người nổi tiếng cảm hóa những học trò cá biệt - cho rằng: “Chính những học sinh phá phách nhất, tưởng như khó dạy nhất lại là những đứa trẻ thèm khát tình thương yêu, sự cảm thông, tôn trọng”.

Tuy nhiên trên thực tế, không phải thầy cô giáo, các bậc cha mẹ nào cũng hiểu điều đó. Nghiên cứu của TS Dương Diệu Hoa (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng: “Phần đông học sinh gặp khó khăn về tâm lý không tìm đến thầy cô giáo và cha mẹ vì người lớn đã làm chúng thất vọng và đổ vỡ niềm tin!”.

Thầy Đặng Hữu Dũng được chăm sóc tại bệnh viện - Ảnh: Trần Huỳnh
Đau lắm!

Trưa 27-10, chúng tôi trở lại khoa bỏng Bệnh viện Chợ Rẫy thăm thầy Đặng Hữu Dũng (giảng viên ĐH Nông lâm TP.HCM) - nạn nhân của vụ sinh viên tạt axit thầy giáo (Tuổi Trẻ 25-8). Lúc chúng tôi đến, thầy Dũng vừa mới được thay băng xong. “Mỗi lần thay băng thế này đau lắm!” - thầy nói.

Thầy Dũng cho biết suốt thời gian điều trị vừa qua, chỉ trừ những lúc quá đau đớn, thầy luôn nghĩ về hành động của người học trò đã gây ra tai nạn cho mình.

Thầy Dũng cho rằng gần đây chuyện trò đánh thầy cũng thường xảy ra, điều này cho thấy việc giáo dục đạo đức cho học sinh sinh viên đang có vấn đề. Vì vậy cần phải làm tốt hơn nữa việc giáo dục nhân cách cho học sinh từ nhỏ, trước hết trách nhiệm này phải thuộc về mỗi gia đình, sau đó là nhà trường. “Phải giáo dục cho các em, dù trong hoàn cảnh khó khăn đến mấy...”.

Đến nay thầy Dũng đã phải trải qua bảy lần phẫu thuật ghép da đau đớn để giành giật mạng sống. Theo các bác sĩ, tuy đã qua giai đoạn nguy hiểm, thầy Dũng còn phải tiếp tục chịu phẫu thuật và liệu trình điều trị phía trước vẫn còn dài. Sắp tới thầy còn phải được phẫu thuật ít nhất 2-3 lần nữa.

Được biết đến nay gia đình đã đóng tạm ứng chi phí điều trị cho Bệnh viện Chợ Rẫy 120 triệu đồng. Từ khi thầy bị tai nạn, gia đình đã nhận được hơn 100 triệu đồng từ sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn đọc các báo, bạn bè thân hữu, gia đình, học trò...

TRẦN HUỲNH

TRỊNH VĨNH HÀ

______________

Tin bài liên quan:

>> Thi trượt, sinh viên tạt axit thầy giáo
>> Tạt axit thầy giáo, báo động về đạo đức giảng đường
>> Vụ tạt axít kinh hoàng: 1 thầy giáo và 13 sinh viên bị bỏng
>> Đau lòng nghề giáo
>> Điều gì đang xảy ra trong quan hệ thầy trò?
>> Thầy Dũng còn chịu phẫu thuật nhiều lần
>> Thầy Dũng đang cần giúp đỡ để ghép da
>> Ai trả chi phí điều trị cho thầy Dũng?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận